Hai miền Triều Tiên đua nhau tăng cường sức mạnh
Kể từ sau vụ chìm tàu chiến Cheonan cách đây 4 năm, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên gấp rút trang bị những vũ khí mới để ứng phó lẫn nhau.
Hàn Quốc (trái) và Triều Tiên đều đang tăng cường các vũ khí, khí tài mới – Ảnh: The Guardian/AFP
Đến ngày mai 26.3 là đúng 4 năm ngày xảy ra vụ tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc bất ngờ phát nổ và chìm ở Hoàng Hải, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Một đội điều tra quốc tế do Seoul dẫn đầu kết luận tàu trúng ngư lôi của Triều Tiên, cáo buộc mà nước này cực lực bác bỏ. Chỉ 8 tháng sau vụ tàu Cheonan, giữa 2 miền Triều Tiên xảy ra đọ pháo, làm chết 4 người trên đảo tiền tiêu Yeonpyeong của Hàn Quốc.
Từ đó đến nay, Hàn Quốc không ngừng nâng cấp khả năng phòng thủ dọc biên giới biển phía tây, triển khai thêm tàu ngầm, vũ khí chống ngư lôi cũng như tăng cường đạn pháo trên các đảo ở Hoàng Hải. “Sau vụ tàu Cheonan, hải quân Hàn Quốc triển khai các tàu hộ tống tiên tiến, tàu cao tốc được trang bị tên lửa cùng máy bay tuần tra biển để cải thiện khả năng tác chiến”, Chuẩn đô đốc Choi Yang-sun, người giám sát chương trình trang bị vũ khí của hải quân Hàn Quốc, tiết lộ với Yonhap. Quân đội Hàn Quốc còn trang bị cho tàu chiến và tàu ngầm nhiều tên lửa hành trình với tầm bắn trên 1.000 km cũng như triển khai thêm các tàu hộ vệ 2.300 tấn. Ngoài ra, 15 khu trục hạm sở hữu hệ thống định vị sonar hiện đại có khả năng phát hiện tàu ngầm cũng đã được huy động tới các vùng biển ở đông và phía tây.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) vừa thông báo sẽ sớm nâng cấp hệ thống phòng không PAC-2 và mua tên lửa PAC-3 để gia cố khả năng chống tên lửa đạn đạo từ miền bắc, theo Yonhap. DAPA cũng đã thông qua kế hoạch phát triển hệ thống phóng rốc két đa nòng để nâng tầm bắn từ 23 – 36 km hiện nay lên 70 – 80 km.
Triều Tiên đóng tàu mới
Đáp lại các động thái quân sự của Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên được cho là cũng liên tục gia tăng hoạt động của hạm đội tàu ngầm cũng như huấn luyện cho các đơn vị pháo binh đóng dọc bờ biển đồng thời tiến hành nhiều cuộc diễn tập đổ bộ. Yonhap dẫn một số nguồn tin quân sự và tình báo từ Seoul cho hay miền Bắc đã triển khai khoảng 70 tàu đệm khí ở bờ biển phía tây và 60 tàu ở phía đông. Bình Nhưỡng còn được cho là vừa đưa vào sử dụng tàu tác chiến mới loại tàu 200 tấn được trang bị súng có tầm bắn xa hơn so với trước và mỗi năm bổ sung thêm 1 – 2 tàu ngầm nhỏ vào đội tàu ngầm 70 chiếc của họ.
Hiện nay, Hàn Quốc đang rất quan tâm đến thông tin nói Triều Tiên đang đóng loại tàu cao tốc cơ động VSV. Theo Yonhap, với kích thước chỉ dài 10 – 15 m, có thể đạp sóng chạy với vận tốc 100 km/giờ, tàu VSV sẽ giúp lực lượng biệt kích nâng cao khả năng xâm nhập qua đường biển và đổ bộ vào các đảo tiền tiêu của miền Nam. Loại tàu này được đánh giá là linh hoạt và nhanh hơn nhiều so với tàu đệm khí, vốn là khí tài đổ bộ cho biệt kích chủ yếu hiện nay của Triều Tiên. “Nếu VSV được triển khai cùng tàu ngầm nhỏ đang được vận hành, đây sẽ là mối đe dọa lớn”, một quan chức Hàn Quốc cảnh báo với Yonhap.
Triều Tiên treo bảng “Trung Quốc là kẻ thù” Ngày 24.3, tờ Chosun Ilbo loan tin Học viện Quân sự Kang Kon ở Triều Tiên vừa treo lại các tấm khẩu hiệu ghi câu nói của Chủ tịch Kim Nhật Thành rằng Trung Quốc là “kẻ phản bội và kẻ thù của chúng ta”. Tuyên bố trên được đưa ra hồi năm 1992 khi Trung Quốc khiến Triều Tiên nổi giận với quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc. Theo nguồn tin của Chosun Ilbo, các khẩu hiệu sau đó được gỡ xuống nhưng thường được treo trở lại mỗi khi Bình Nhưỡng có các động thái khiến dư luận quốc tế, gồm cả Trung Quốc, quan ngại. Cụ thể, chúng từng xuất hiện vào năm 2009 sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 2. Mới đây, lãnh đạo Kim Jong-un được cho là đã ra lệnh treo lại khẩu hiệu sau khi Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ do Triều Tiên phóng tên lửa đẩy vệ tinh và thử hạt nhân lần 3 hồi năm ngoái. Chosun Ilbo dẫn nguồn tin từ Bình Nhưỡng cho hay tại Kang Kon còn có các khẩu hiệu kêu gọi binh sĩ có “cách nhìn thích hợp” về Trung Quốc và “phát động cuộc cách mạng trên bán đảo Triều Tiên mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài”. “Lập trường của chính quyền Triều Tiên là dựa vào chứ không tin tưởng Trung Quốc”, nguồn tin khẳng định. “Đó là lý do tại sao miền Bắc không sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân dù bị sức ép từ Trung Quốc”, ông Kim Chong-song, một người đào tẩu từng giữ vị trí cấp cao ở Bình Nhưỡng, nhận định với Chosun Ilbo. Bình Nhưỡng và Bắc Kinh chưa có phản ứng về thông tin trên, vốn xuất hiện trong tình hình bán đảo Triều Tiên đang có phần nóng lên sau khi Triều Tiên bắn 46 tên lửa tầm ngắn hồi cuối tuần còn Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành tập trận chung.
Theo TNO
Quân đội Trung Quốc 'tham nhũng hơn cả thời nhà Thanh'
Giới phân tích nhận định quân đội Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức lớn, trong đó có nạn tham nhũng.
Tham nhũng đang gây ra nhiều thách thức cho quân đội Trung Quốc - Ảnh: Chinamil.com.cn
Tờ PLA Daily của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vừa đăng liên tiếp 3 bài xã luận nhân dịp đánh dấu 120 năm xảy ra chiến tranh Trung - Nhật lần đầu tiên (1894 - 1895). Điều bất ngờ là trong bối cảnh 2 nước đang căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền, các bài viết này không có giọng điệu chống Nhật Bản mà lại tập trung vào chiến thắng của Nhật và lý do thất bại của quân đội nhà Thanh khi xưa.
Trong đó, PLA Daily kêu gọi giới chỉ huy quân đội rút kinh nghiệm từ thảm bại của nhà Thanh với lập luận rằng tinh thần kỷ luật, thực tâm học hỏi và trong sạch hóa lực lượng của quân đội Nhật trong thời Minh Trị duy tân (1868 - 1912) đã giúp họ đánh bại hạm đội Bắc Dương. "Hải quân Thanh triều được trang bị tàu chiến, vũ khí tương đồng với lực lượng Nhật nhưng không có kỷ luật, tinh thần yếu kém, tham nhũng tràn lan. Binh sĩ và tướng lĩnh chỉ biết chế giễu những chuyên gia quân sự nước ngoài được mời huấn luyện họ. Điều này trái hẳn với thái độ học hỏi nghiêm túc của hải quân Nhật", PLA Daily viết.
Tờ báo cũng lưu ý rằng nhà Thanh không thực hiện những cải cách cần thiết trong khi quân đội "có tính hay quên thất bại, dễ thỏa mãn và thiếu khiêm tốn".
Ngày 23.3, tờ South China Morning Post (SCMP) ở Hồng Kông dẫn lời giới phân tích nhận định loạt bài nói trên nhằm chỉ ra rằng tương tự như thời cuối nhà Thanh, PLA đang đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có tham nhũng. "Nó cho thấy những vấn đề tham nhũng trong PLA ngày nay thậm chí tệ hơn thời của hạm đội Bắc Dương", chuyên gia Nghê Nhạc Hùng thuộc Đại học Luật và khoa học chính trị Thượng Hải nói với SCMP. Loạt bài còn được cho là để phản ứng với thông tin chưa chính thức được loan ra ngày 20.3 về việc cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu bị bắt với cáo buộc tham nhũng và dính líu vào đường dây mua bán quân hàm khi còn tại chức.
Hiện nay, theo CNN, nhiều người ở Trung Quốc đang kêu gọi khoan hồng cho ông Từ vì ông đang mắc ung thư giai đoạn cuối. Tuy nhiên, động thái của tờ PLA Daily có vẻ như ngầm cảnh báo rằng nếu ông Từ được khoan hồng sẽ tạo ra tiền lệ xấu và ảnh hưởng chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội. SCMP dẫn lời chuyên gia Nghê Nhạc Hùng chỉ ra rằng tình trạng mua bán quân hàm giúp những sĩ quan không có năng lực ngồi vào các vị trí cao, gây mất cân đối nghiêm trọng trong cấu trúc chỉ huy của PLA. "Nếu hiện tượng này tiếp tục diễn ra, PLA chắc chắn sẽ bị quân đội Nhật đánh bại lần nữa một khi xảy ra xung đột", ông Nghê cảnh báo.
Theo TNO
Làn sóng ly khai lan ra miền đông Ukraine Tỉnh Kherson thuộc Ukraine đang xúc tiến cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga như Crimea. Người dân Crimea ăn mừng sau khi bán đảo này chính thức sáp nhập vào Nga - Ảnh: Reuters Trong khi chính quyền Kiev bất lực trước việc Crimea sáp nhập vào Nga, nhiều người dân ở tỉnh Kherson cũng đang xúc tiến...