Hai Lúa, xe bọc thép và những nghịch lý
Những ngày qua, lòng tự tôn dân tộc ở không ít người được dịp nổi lên khi có thông tin ông “Hai Lúa” Trần Quốc Hải sửa chữa và chế tạo xe bọc thép cho nước bạn Campuchia và được phong danh hiệu tướng quân. Có phải là nghịch lý khi những nông dân lại là các nhà sáng chế, khi “xuất khẩu” được cả tàu ngầm, xe bọc thép?
Trang tin quốc phòng Nga bmpd đưa tin người VN cải tiến thành công xe bọc thép của quân đội Campuchia.
Ông Hải chính là người cách đây 10 năm đã “chế tạo” chiếc máy bay trực thăng và phải ngậm ngùi bán cho một viện bảo tàng ở New York, Mỹ.
Video đang HOT
Nghịch lý vì đất nước với hàng vạn giáo sư, tiến sĩ, hàng trăm ngàn kỹ sư cơ khí, chưa kể đến lực lượng Việt kiều “Tây học” uyên thâm, nhưng công việc sáng chế lại được “giao” cho các nhà “khoa học chân đất” như ông Hải.
Nghịch lý vì một ngành “công nghiệp” chế tạo được tàu ngầm, xe bọc thép mà không làm nổi con ốc vít. Ví thử trong những chiếc xe bọc thép và tàu ngầm đã được “xuất khẩu” kia cần đến những con ốc vít thôi, thì lấy đâu ra ở trong nước?
Mới đây, các doanh nghiệp Việt Nam thừa nhận là không thể đáp ứng nhu cầu về ốc vít cho tập đoàn sản xuất Samsung.
Với tinh thần “tự ái dân tộc”, một diễn đàn truy tìm nguyên nhân về việc không làm nổi ốc vít đã được Phòng Thương mại và công nghiệp (VCCI) tổ chức vào ngày đầu tháng 11 vừa qua. Tại diễn đàn này, ông Trần Việt Thanh, thứ trưởng bộ Khoa học công nghệ thừa nhận phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang dùng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới đến 2 – 3 thế hệ! Chỉ có 12% doanh nghiệp có trình độ tiên tiến, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI, 88% còn lại là trung bình và lạc hậu.
Cũng với tinh thần “tự ái dân tộc”, tại diễn đàn này, một số “chuyên gia” cho rằng Việt nam thừa sức sản xuất những sản phẩm công nghệ tiên tiến cho nên việc sản xuất những con ốc vít “chẳng để làm gì” (!?).
Tàu ngầm tự chế mang tên Trường Sa 01 của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) vận hành thử trên sông. Chuyến ra sông thử nghiệm này đã phải dừng sớm hơn kế hoạch vì bản thân ông Hòa không cảm thấy an tâm.
Việc các “sáng chế” theo kiểu các nhà “khoa học chân đất” thực ra chỉ thể hiện tính cách hay cải tiến, hay “độ” và “phăng” của những người “khéo tay hay làm” của nước ta, nhất là các nông dân, chứ chưa thể tính là những sáng chế hay phát minh (vì nếu có sẽ được công nhận, cấp bằng).
Hai chiếc trực thăng tự chế của anh Trần Quốc Hải (Tây Ninh).
Việc “chế tạo” máy bay hay xe bọc thép của ông Trần Quốc Hải là đáng khuyến khích, nhưng không thể thổi phồng chúng lên thành những “sáng chế” lớn lao để rồi cho rằng các cơ chế đã và đang kềm hãm óc sáng tạo.
Không nên có ảo tưởng sớm về một ngành chế tạo hàng không hay vũ khí tối tân qua các điển hình cụ thể đó, vì để có thể chế tạo được các trang thiết bị quân sự hiện đại thì phải có cả một nền công nghiệp hàng đầu.
Vậy thì có lẽ các ngành công nghiệp nước nhà nên bắt đầu bằng những cây kim, những con ốc vít…
Theo Tin Nóng