“Hai Lúa” thành sát nhân chỉ vì “ức” “trình độ lùn” so với vợ
Kiến thức không cao, có khi đọc sách còn phải đánh vần nên từ lâu nay “ Hai Lúa” Nguyễn Văn Hải đã ấm ức khi có người trong xóm xấu bụng nói bâng quơ: “Con vợ mày là giáo viên mà sao nó lại lấy mày “trình độ lùn”". Đem chuyện “trời ơi” này về hục hặc với vợ khiến mâu thuẫn vợ chồng ngày càng gay gắt, Hải sau đó một mực cho rằng vợ đã không yêu mình nữa, ghen tuông vô cớ rồi cướp mạng sống một người thân của vợ mà hắn nhầm tưởng là “tình địch”.
Bi kịch vợ chồng chênh lệch trình độ
Tại ấp Hưng Điền (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), gia đình Nguyễn Văn Hải (SN 1965) có thể được liệt vào hàng “đại gia” khi có đến 45 mẫu ruộng vườn. Tuy nhiên từ nhỏ, do không ham học nên cậu bé Hải đã sớm nghỉ học và trở thành một “Hai Lúa” chính gốc.
Đến tuổi lập gia đình, được sự mai mối của người bà con, gia đình đi dạm hỏi cô gái Lê Thị N là cô giáo đang dạy ở một trường trong xã cho anh. Sau lễ cưới, vợ chồng được cha mẹ cho một mẫu vườn và 10 mẫu ruộng để ra ở riêng, những năm đầu cuộc sống rất hạnh phúc với lần lượt bốn đứa con chào đời.
Những năm gần đây, không hiểu sao số lần vợ chồng cự cãi ngày càng tăng và gây gắt, dần dần Hải nhận ra giữa hai người có một khoảng cách khá lớn trong suy nghĩ và trong quan điểm sống, cũng như trong cách sinh hoạt hàng ngày. Mâu thuẫn lớn nhất là khác quan điểm sống giữa một cô giáo có trình độ với một anh nông dân chân lấm tay bùn lại cục mịch.
Đời sống vợ chồng đôi lúc cần sự lãng mạn, sự chiều chuộng nhưng Hải từ bé đã chân chất giản dị nên không đáp ứng được điều kiện đó. Trong cuộc sống cũng có những nỗi buồn, niềm vui mà người vợ cần tâm sự, chia sẻ nhưng anh chồng không làm được điều đó nên hai người dần dần xa cách nhau.
Mặc cảm học vấn không bằng vợ ngày càng lớn dần trong Hải. Anh không nói ra mà cứ cố chịu một mình, mỗi lần đi dự đám tiệc hay đi đâu cùng vợ, Hải cảm thấy ngại vì “vợ mình sang trọng quá, có học thức còn mình chỉ là một anh nông dân quê mùa”.
Sự ngại ngùng này khiến Hải tránh né dần những lần đi chung cùng vợ. Sự mặc cảm cũng làm Hải thay đổi tính tình, thường xuyên uống rượu, đánh đập vợ con, cáu gắt và một tính rất xấu khác là ghen tuông vô cớ với bất cứ ai khác giới đi chung với vợ mình.
Ảnh minh họa.
“Giận cá chém thớt”
Sự ghen hờn vô lối này đã dẫn gia đình Hải đến bi kịch khi Hải ghen với… anh nuôi của vợ mình. Người này tên Nguyễn Văn N (SN 1959), được cha mẹ vợ Hải nhận nuôi lúc còn bé và sống cùng nhà, lớn lên đã tốt nghiệp Đại học nông nghiệp và lấy vợ có hai con.
Tuy là anh em nuôi nhưng N rất thương và quan tâm chăm sóc em. Hai anh em tính tình hợp nhau, thường xuyên gặp mặt nói chuyện và tâm sự chia sẻ. Nhưng có trong sáng tới đâu thì miệng đời lắm cay nghiệt cũng có lời đàm tiếu là hai người “có quan hệ bất chính”.
Nghe tin đồn này, Hải thường xuyên đánh đập, hạch hỏi vợ về mối quan hệ với anh nuôi. Dù vợ có giải thích bao nhiêu thì Hải cũng không tin, càng giải thích thì càng nghi ngờ. Giận quá, cô vợ yêu cầu ly hôn và điều này khiến Hải cho rằng mối quan hệ bất chính là có thật.
Nhiều đêm suy nghĩ, Hải cho rằng tất cả những mâu thuẫn xảy ra ở gia đình mình và việc vợ đề nghị ly hôn là do anh nuôi gây ra, người anh nuôi là kẻ thứ ba chen vào phá hoại gia đình mình. Hải chuẩn bị sẵn một con dao Thái Lan chờ dịp thuận lợi để hành động. Một ngày cuối tháng 4/2008, sau khi dự đám cưới về, trong người đã có hơi men, nhớ lại lúc ở đám cưới có người chọc Hải “trình độ lùn nên bị cắm sừng”, bừng bừng tức giận Hải lấy con dao giấu trong túi quần đi đến nhà “tình địch” để gây sự.
Gặp N ở sân, anh Hai Lúa cao giọng cà khịa: “Bây giờ tao đến mày có dám đánh nhau không?”. Khi N nói không có, Hải tiếp tục chửi thề và bắt người đàn ông vô tội này phải… quỳ xuống xin lỗi mình. Không đồng ý trước thái độ ngạo mạn của Hải, N mắng lại và đuổi “khách không mời mà tới” ra khỏi nhà. Hai bên lao vào nhau giằng co vật lộn và Hải bị yếu thế.
Bừng bừng cơn giận, gã liền móc con dao chuẩn bị sẵn trong túi quần ra đâm một nhát trúng ngực nạn nhân. Khi mọi người can ngăn kịp thì nạn nhân đã ngã lăn ra đất ôm ngực hấp hối rồi tử vong trên đường đi cấp cứu.
Ngay sau khi xảy ra vụ án, công an huyện Tân Phước đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Hải. Tại cơ quan công an, Hải đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và đã bị khởi tố, truy tố về tội giết người.
Phiên tòa xét xử vụ án được tổ chức lưu động tại Ủy ban nhân dân xã với người dân quanh vùng kéo đến dự khán đông ngẹt. Đứng trước vành móng ngựa, Hải luôn gục đầu như tránh né những cái nhìn của bà con thân quen. Có lẽ trong những ngày bị bắt tạm giam, sự hối hận ăn năn đã làm cho Hải tiều tụy đi nhiều, gương mặt rám nắng mang vẻ thiểu não.
Dưới hàng ghế dự khán, vợ con Hải và vợ con nạn nhân ngồi chung một hàng ghế và ôm nhau khóc. Không ai ngờ rằng có một ngày những người thân trong gia đình lại ở vị trí hai “chiến tuyến” đối lập nhau như vậy: Một bên là người thân hung thủ, một bên người thân nạn nhân.
Video đang HOT
Chị vợ nạn nhân khi được Tòa mời phát biểu đã vừa khóc vừa nói: “Giờ sự việc đã xảy ra rồi, chồng tôi đã chết, giờ Tòa có xử thế nào thì chồng tôi cũng không sống lại được. Hơn nữa bị cáo lại là người thân trong gia đình nên tôi xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ một phần nào hình phạt cho bị cáo”.
HĐXX nhận định hành vi của Hải là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, chỉ vì ghen tuông vô cớ mà ra tay sát hại anh vợ của mình. Tuy nhiên, do bị cáo mới phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và trình độ hiểu biết có hạn nên đã giảm nhẹ một phần hình phạt; Tòa tuyên phạt Hải mức án tám năm tù giam.
HĐXX: “Bị cáo biết hành vi giết người là vi phạm pháp luật không?”.
Bị cáo Hải: “Dạ bị cáo có biết”.
HĐXX: “Vậy tại sao bị cáo lại giết nạn nhân?”.
Bị cáo Hải: “Vì lúc đó bị cáo nghi ngờ giữa nạn nhân và vợ của bị cáo có mối quan hệ bất chính nên giận quá mất khôn”.
HĐXX: “Bị cáo căn cứ vào đâu để xác định là nạn nhân có mối quan hệ bất chính với vợ của bị cáo?”.
Bị cáo Hải: “Dạ không có căn cứ gì cả, chỉ nghe dư luận đồn thổi, hơn nữa vợ chồng bị cáo không hòa thuận, bị cáo thấy tủi thân. Vì trình độ thấp hơn vợ nên vợ không nói chuyện với mình mà nói với người khác nên bị cáo càng ức”.
HĐXX: “Lẽ ra với trách nhiệm là một người chồng, người cha thì bị cáo phải biết vun vén hạnh phúc cho gia đình mình, khi xảy ra mâu thuẫn gia đình thì phải xem xét lại mối quan hệ giữa hai vợ chồng để có cách giải quyết cho phù hợp chứ sao lại mù quáng chọn cách “tự xử” như vậy?”.
(Hải im lặng không trả lời)
HĐXX: “Bị cáo đã thấy hành vi của mình là sai trái chưa?”.
Bị cáo Hải: “Dạ đã thấy, nhưng giờ đã lỡ phạm tội nên muộn mất rồi còn đâu. Giá như ngày xưa bị cáo được học nhiều hơn thì đã không dại dột như vậy”.
Theo PLVN
Giác hơi ôm với "Hai lúa"
Nhiều ngày rong ruổi trên những cung đường miền Đông và miền Tây, nhóm phóng viên phát hiện nhan nhản những quán "cạo gió, giác hơi" trá hình. Tuỳ khu vực, địa bàn mà cách phục vụ của tiếp viên cũng khác nên giá cả và cách "bo" của "Hai lúa" có thể bằng tiền mặt hoặc bằng... gà, vịt.
Cạo gió lấp ló cạo... người
Tại khu vực miền Đông, nhiều quán "cạo gió giác hơi" núp bóng cà phê chấp nhận cho khách mua vui ngay tại quán hoặc đi khách sạn. Những quán này mọc san sát ở khu vực cầu Đồng Nai giáp ranh giữa Bình Dương và Đồng Nai và khu vực QL1K (đoạn tiếp giáp Biên Hoà và huyện Dĩ An, Bình Dương). Tuy nhiên do hiện nay đang là thời điểm nhạy cảm (có đợt truy quét của công an) nên những quán ở khu vực QL1K đang thu vòi, hoạt động cầm chừng.
Tuy vậy, ở khu vực cầu Đồng Nai (hướng từ TP.HCM đi Biên Hoà) chúng tôi đếm được cả chục quán cạo gió giác hơi núp bóng "cà phê" sẵn sàng chiều khách tới bến. Tuỳ theo quán mà nhân viên có thể sẵn sàng đi khách sạn với khách hoặc kích dục cho khách ngay tại quán. Hàng loạt quán có thể dễ dàng nhận thấy như H.A, H.L, T.T, Y, D.K...
10 giờ đêm, chúng tôi ghé vào một quán tên D.T. Chủ quán cùng 3 cô gái ăn mặc thiếu vải để lồ lộ ra vòng 1 chèo kéo:
- Vào quán em đấm bóp đi anh.
Chúng tôi vừa tấp vào, không cần hỏi uống nước gì vì quán chỉ bán đúng 3 loại nước ngọt, với giá 20 ngàn/chai, hai cô gái hối:
- Vào trong tâm sự đi anh, em làm cho anh đảm bảo không phê không trả tiền.
- Ủa, không cạo gió hả em?
- Ở đây chỉ có cạo... người chứ không cạo gió đâu. Vào trong em cạo bằng... miệng cho. Cả công cả nước uống có 100 ngàn à.
- Thế làm ở đâu?
- Phía sau nè, em chỉ cần kéo rèm vào là tha hồ kín.
Nói tới đây, chủ quán rít thuốc và cất giọng:
- Vào ủng hộ em nó đi hai anh. Em út nó dễ chịu lắm, đã làm thì ra làm.
Lấy cớ chỉ vào "cạo gió giác hơi" nên chúng tôi kêu tính tiền rồi đi ra. Chỉ 4 chai nước ngọt (2 chai của chúng tôi và 2 chai nhân viên tự mở) và một gói thuốc "mèo" được tính tới 120 ngàn. "Quán khi nào đóng cửa?", tôi hỏi. Chủ quán cho biết: Còn khách là còn mở, nhiều hôm mở tới sáng.
Gần 11 giờ đêm, chúng tôi qua một quán tẩm quất khác có tên M.H. Hai cô gái ăn mặc thiếu vải từ trong quán nhào ra chèo kéo chẳng khác nào mấy cò vé thường thấy ở ga Sài Gòn:
- Vào quán em đi anh, có nhiều bé dễ thương lắm.
Thấy chúng tôi có vẻ chần chừ, một cô gái nhào tới tiếp thị ngay:
- Chỗ em nếu "đi dù" (đi khách sạn) thì 3 "xị" (300 ngàn đồng), đi tiếng thì 5 "xị" còn qua đêm thì 8 "xị".
Lấy cớ không có em nào ưng ý, chúng tôi đảo xe đi.
Gần 1 giờ trưa hôm sau, chúng tôi tiếp tục vòng qua Bình Dương tìm tới huyện Củ Chi (TP HCM) nơi có nhan nhản những quán "cạo gió giác hơi" nổi tiếng quậy. Tại quán N.G, do đang là thời điểm nghỉ ngơi nên chỉ còn có má mì chừng 50 tuổi và một "đào" đang tranh thủ chợp mắt. Nghe tiếng xe máy, má mì bật dậy hỏi:
- Mấy anh muốn cạo gió thôi hay có làm gì không?
- Làm gì là sao bà chị?
- Trời ơi, là cạo gió xong thì làm gì thì làm...
- Ủa, có thấy đào nào đâu mà làm?
- Các em đi ngủ cả rồi, mấy chú có đồng ý không để tôi gọi. Cạo gió giác hơi không thì 80 ngàn, còn nếu muốn làm thêm khoản kia thì 2 "xị" làm luôn tại chỗ.
Chúng tôi vừa chuẩn bị đi thì thấy một vị khách lớn tuổi bị tiếp viên mắng xối xả:
- Sờ mó con nhà người ta nãy giờ mà lúc tính tiền bảo còn đúng 50 ngàn là sao? Lần sau ông đừng có mà vác cái mặt vào đây...
Người đàn ông chẳng nói chẳng rằng, áo quần lếch thếch vội vàng leo lên chiếc xe máy cà tàng dựng trước cửa rồ ga chạy mất dạng.
Cạo gió bo...gà
Chúng tôi tiếp tục tìm về QL1A đoạn từ huyện Bình Chánh (TP.HCM) tới Bến Lức và Thủ Thừa (Long An). Tại khu vực này, những quán cạo gió nằm khép mình bên cả trăm quán cà phê ôm. Đặc biệt, ngoài lượng khách vãng lai, các quán này còn thường xuyên đón tiếp cả những "hai lúa" tranh thủ nghỉ lúc giữa buổi làm đồng.
Vừa dừng xe trước cửa quán D, các tiếp viên đon đả ra dắt khách vào trong. Một cô gái tên Thảo Ly tuổi còn khá trẻ, nhanh nhẹn cầm chai nước và khăn lạnh ra rồi rất tự nhiên sà vào lòng tôi ngồi lau mặt, lau cổ.
- Mấy anh vừa đi nhậu dzìa phải hôn? Tội chưa, vô trong em cạo cho.
Nghe tôi hỏi đến tiền lương, cô gái cười ngặt nghẽo:
- Tụi em ở đây chẳng ai có lương cả. Sống được là nhờ các anh "bo" cho thôi. Đã thế, mỗi tháng còn phải nộp lại 300 ngàn cho bà chủ. Vô đi anh, quán em bình dân mà, chỉ 100 ngàn em "cạo" cho anh đủ quên đường về.
Trong lúc trò chuyện, chúng tôi thấy có gần chục khách ra vào, cứ vừa ngả lưng xuống ghế là được mời vào trong để "cạo gió".
Tiếp tục tấp vào quán khác có bề ngang khoảng 4m, dài chừng 8m nhưng lại mắc mấy chiếc võng cho khách ngả lưng. Một phụ nữ chừng 40 tuổi lấy ghế ngồi sát tôi và nói:
- Hai anh đi vui vẻ với em út đi, nhà nghỉ Nguyễn Lê gần đây nè, một "xị" rưỡi tụi em bao tiền phòng cho.
Liếc vào trong, tôi thấy hai cô gái trẻ đang ngồi ăn xoài chờ má mì "làm giá". Sau một hồi, "Hai lúa" bạn tôi gật đầu đồng ý và chọn cô gái mặc áo thun đen trễ ngực để lộ ra chiếc áo ngực hai dây màu đỏ. Trong thời gian tôi nằm đợi, cô gái còn lại và bà chủ quán luôn miệng mời đi nhà nghỉ.
Đang ngồi nói chuyện, bỗng có một ông khách khoảng 60 tuổi từ ngoài đường phóng xe đạp vào dựng phịch xe vào gốc cây trứng cá trước cửa quán. Lấy cái giỏ đựng mấy con gà kêu quang quác trên ghi đông xe xuống, ông khách nhoẻn miệng cười:
- Mấy bữa nay đang phóng lúa, kẹt tiền quá. Nay mang mấy con gà này trả cho bé Diệu bữa trước tôi thiếu có được không?
Dù tiền "bo" bị quy ra... gà nhưng bà chủ vẫn vui vẻ mang vội ba con gà thả vào bãi đất trống phía sau. Ông lão phân trần:
- Ba con gà này hơn 5 "xị" của tôi đấy, chắc nay được một suất nữa nhỉ?
Nói rồi, bà chủ kêu một tiếp viên dẫn ông khách kéo nhau vào bên trong được che kín bằng tấm rèm. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, chủ quán cho biết:
- Ở đây nhà mấy ổng sẵn gà, vịt hơn là sẵn tiền mặt. Nhiều ổng bị vợ quản tiền chặt quá đành nói xạo vợ là tiện đường mang gà, vịt đi bán nhưng mang liền tới quán.
Đến đây, chúng tôi sực nhớ có lần về tỉnh công tác với một đồng nghiệp. Đang chạy trên QL1A, đến khu vực ấp 2, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức (Long An) chiếc xe bỗng dưng chết máy ngay trước một quán. Chưa kịp hiểu vì sao, chúng tôi thấy 4 em tiếp viên chạy ào ra, vây lấy vì ngỡ là khách. Bạn tôi ngồi sau xe bị mấy em xúm lại vỗ mông, sờ soạng khắp người khiến anh ta giãy lên như đỉa phải vôi rồi lớn tiếng: "Sao ông tính vào quán này hả?". Tôi chưa kịp phản ứng sự hiểu lầm thì cũng bị một em tiếp viên chồm tới bá vai rồi nói: "Ông xã ơi, vào đây nghỉ đã, em chiều hết mình cho đỡ mệt". Nói rồi, mấy cô gái định kéo chúng tôi vào quán nhưng thấy xe chúng tôi đúng là hỏng thật nên lủi thủi quay vào...
Theo Nongnghiep.vn
Những "hai lúa" đánh mất mình vì... casino Rất nhiều người dân từng sang bên kia biên giới đánh bạc cho biết, sở dĩ họ đi là do điều kiện đi đứng qua lại biên giới (ý nói thủ tục hành chính) giờ đây quá đơn giản. Kế đến là "hồi nào giờ chỉ thấy casino qua phim ảnh, nay muốn tận mắt... cho biết". Nguyễn Văn Sách (Cai Lậy, Tiền...