Hai kỷ lục trường thọ của Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á
Trong năm 2014, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã chính thức xác lập thêm 12 kỷ lục của Việt Nam mới, nâng tổng số kỷ lục châu Á của Việt Nam lên 69 kỷ lục, trong đó có “Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam” và “Cặp vợ chồng cao tuổi nhất”.
Theo đó, kỷ lục “Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam” – cụ Nguyễn Thị Trù (SN 1893) – được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập vào tháng 7/2014 thông qua “Hành trình Bách niên trường thọ S100 – 2014″, được chọn lựa từ danh sách hơn 1.000 cụ trên 100 tuổi do Hội Người cao tuổi các tỉnh thành trong cả nước cung cấp.
Gia đình cụ Trù có 11 người con nhưng đến nay chỉ còn 4 người còn sống. Hiện cụ Trù đang sống tại TPHCM cùng người con trai út (72 tuổi) và gia đình.
“Cặp vợ chồng cao tuổi nhất” là vợ chồng cụ Cao Viễn (SN 1908) và cụ Vũ Thị Hai (SN 1914) tại tỉnh Nghệ An. Hai cụ đều làm nghề nông, đang sống tại làng Phượng Lịch, xóm 2, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Cụ Viễn và cụ Hai sinh được 8 người con và có tất cả 34 cháu nội, ngoại. Trong đó, người cháu nhiều tuổi nhất đã 54 tuổi, cháu ít tuổi nhất là 25 tuổi. Chắt lớn của hai cụ nay đã 27 tuổi và nhỏ nhất là 3 tháng tuổi. Mặc dù tuổi cao nhưng hiện hai cụ còn rất minh mẫn, thích đọc báo, nghe đài và làm thơ.
Cụ bà Nguyễn Thị Trù được xác lập Kỷ lục châu Á.
Ngoài ra, trong năm 2014, “Hành trình Bách niên trường thọ S100 – 2014″ cũng đã chính thức công bố các kỷ lục “Cụ ông cao tuổi nhất Việt Nam” là cụ ông Y’N Dông (SN 1898) tại tỉnh Đắk Nông; “Cặp chị em cao tuổi nhất” cho cụ Đinh Thị Xa (SN 1913) và cụ Đinh Thị Long (SN 1921) tại Đồng Nai.
Video đang HOT
Tháng 11/2014, Tổ chức kỷ lục Việt Nam tiếp tục Công bố “Cặp anh em ruột cao tuổi nhất” là cụ Trần Đình Thăng (SN 1909) và cụ Trần Đình Liên (SN 1912) tại tỉnh Quảng Trị.
Cặp vợ chồng cao tuổi nhất châu Á là cụ Cao Viễn (SN 1908) và cụ Vũ Thị Hai (SN 1914).
Trong năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã chính thức xác lập thêm 12 kỷ lục châu Á mới do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề cử, nâng tổng số kỷ lục châu Á của Việt Nam lên 69 kỷ lục.
Những kỷ lục được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập trong năm 2014 gồm: “Người cao tuổi 4 lần chinh phục đỉnh Fansifan” – Cụ ông Huỳnh Văn Ráng, “Bộ sưu tập tem dị hình và chất liệu có số lượng nhiều nhất” – Ông Hàn Tấn Quang, “Tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ nu nghiến lớn nhất” – Ông Nguyễn Xuân Hòa, “Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông đúc bằng đồng nguyên khối lớn nhất châu Á” – Ban quản lý Dự án Tôn tạo Yên Tử – Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh & Công ty TNHH Mỹ thuật Xây dựng Hà Nội, “Lá cờ Phật giáo kết bằng hoa tươi lớn nhất châu Á” – Chùa Đại Bi, “Cây xanh có chu vi bộ rễ lớn nhất” – Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư thương mại Nhật Minh, “10 pho đại sách lớn nhất lưu danh các Anh hùng Liệt sĩ Việt Nam” – Chùa Ba Vàng và Tạp chí Trí thức & Phát triển….
Năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức gia nhập Liên minh Kỷ lục Thế giới (World Kings), đồng thời, chính thức lập hồ sơ và đề cử xác lập 5 giá trị kỷ lục thế giới đầu tiên của Việt Nam gồm: Đề cử nghệ thuật Múa rối nước Việt Nam, Áo dài và nón lá Việt Nam, 3 đặc sản Việt Nam, đề cử 2 bộ sưu tập tiêu biểu của Việt Nam, 2 món ăn tiêu biểu mang tinh hoa giá trị ẩm thực Việt Nam.
Q. Đô
Theo Dantri
Nhiều hạng mục ở di tích quốc gia Yên Tử được xây mới
Chùa Một Mái, nơi biên soạn nhiều kinh văn của trường phái Trúc Lâm Yên Tử được xây mới hoàn toàn trên nền sàn bê tông cốt thép với diện tích mở rộng thêm. Am Dược, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tổ chức bốc thuốc, cứu độ chúng sinh được trùng tu lại.
Khoảng nửa tháng nay, khi đến với khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (Quảng Ninh), không ít du khách ngạc nhiên vì nhiều công trình cổ bị biến thành công trường xây dựng với ngổn ngang sắt thép, cát, vôi. Chùa Một Mái (Bán Thiên tự) - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông thường tới đây đọc sách, soạn kinh văn - nay những bao ximăng được chất đống để chuẩn bị phục vụ việc xây mới.
Khu phế tích Am Dược - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tổ chức bốc thuốc, cứu độ chúng sinh - nay bị đào tung nền móng, tường đá cổ cũng không còn. Những phiến đá gạo với họa tiết trăm năm của di tích, sau khi bị phá dỡ nằm chỏng chơ xung quanh, không có mái che bảo quản như yêu cầu của Luật Di sản văn hóa. Duy nhất có bức tượng Phật nhỏ trên nền phế tích được đặt lên bàn thờ.
Am Dược (Yên Tử) bị phá bỏ nền móng cũ và tường đá cổ để làm mới công trình. Ảnh: Mỹ Mỹ.
Giữa đại ngàn non thiêng Yên Tử hoang sơ, một con đường rộng mới được mở cắt xuyên rừng Yên Tử, hằn đầy vết xe cơ giới.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng ban Quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, những hạng mục đang được thi công này thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình phục hồi, tôn tạo di tích chùa Một Mái - Am Dược được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2011. Tổng mức đầu tư theo quyết định gần 20 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa. Theo kế hoạch, công trình được thực hiện từ năm 2013, nhưng nay mới có kinh phí để thi công.
Theo ông Hải, việc chùa Một Mái được xây mới, đúng với thiết kế bản vẽ thi công mà Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh phê duyệt năm 2012. Trong thiết kế, ngôi chùa nức tiếng trời Nam với thế "Chênh vênh lưng núi nửa trong ngoài" (thơ Hoàng Quang Thuận) này, sẽ bị dỡ bỏ kết cấu gạch, gỗ và xây mới hoàn toàn trên nền sàn bê tông cốt thép. Diện tích chùa cũng được mở rộng từ 41 lên 124 m2. Chùa Một Mái đến nay đã sắp trùng tu xong.
Chùa Một Mái thuộc khu Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử trước và sau trùng tu tôn tạo. Ảnh: Mỹ Mỹ và tư liệu.
Phế tích Am Dược theo phê duyệt sẽ xây công trình mới nhưng giữ nguyên mặt bằng cũ và tường đá cũ còn sót lại. "Việc phá dỡ nền móng cũ, tường đá, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh không cố tình làm mà vì các hạng mục đó đã bị sụp, lún sẵn rồi", ông Hải nói.
Theo Trưởng ban quản lý Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử, nền móng của Am Dược khi công nhân phạt cỏ để gia cố đã thấy sân đá tảng bị trộm đào xới để tìm đồ cổ từ trước. Nền móng sụt lún nên không thể xây trên nền này được. Hai bức tường đầu hồi còn sót lại được giữ với nhau bằng rễ cây, dây leo. Khi chặt dây để trùng tu, tường đã sụp đổ.
Con đường rộng xe cơ giới chạy qua là chỉnh trang từ đường thăm dò địa chất đã có từ mấy chục năm trước, nay dùng để đưa vật liệu lên khu vực tôn tạo di tích và phục vụ công tác tuần tra.
Trưởng ban quản lý Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho hay, ngày 25/12 vừa qua, đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở Văn hóa phối hợp với Phòng nghiệp vụ đã đến Yên Tử rà soát quá trình tôn tạo di tích chùa Một Mái - Am Dược. Dự án đầu tư xây dựng này sau đó đã được yêu cầu tạm dừng thi công.
Quỳnh Trang
Theo VNE
Những kỷ lục 'trời ơi đất hỡi' Chỉ cần bỏ ra từ 5 - 50 triệu đồng là có thể đăng ký xác nhận danh hiệu kỷ lục lớn nhất, dài nhất, duy nhất... Khắp nơi, khắp các lĩnh vực, khắp các ngành nghề, nhà nhà đang đua nhau "mua" kỷ lục. Chiếc bánh mì baguette dài nhất VN (135 m) - Ảnh: Vietkings Vừa qua, một trường đại học...