Hai kiểm sát viên bị tố “ngụy tạo chứng cứ”!
Khi ghi lời khai, kiểm sát viên “tổng hợp” lời khai của đương sự trong nhiều câu để gộp lại thành một câu khiến bản chất lời khai có thể thay đổi.
Mới đây, TAND tỉnh Bình Thuận đã tạm hoãn phiên tòa dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản bởi ông H.M.H, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, yêu cầu giám định băng ghi âm. Ông H cho rằng hai kiểm sát viên của VKSND tỉnh Bình Thuận đã ngụy tạo chứng cứ.
Ghi âm khi bị lấy lời khai
Theo hồ sơ, từ năm 2012 đến 2013, bà N.T.K.O, vợ ông H, đã giấu chồng tự tiện vay hơn 4 tỷ đồng của chín người tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận) để cho vay lại nhằm kiếm lời. Do có một số người vay nhưng không trả khiến bà O bị vỡ nợ và chín chủ nợ khởi kiện bà O ra TAND huyện Tuy Phong.
Tháng 5.2014, TAND huyện Tuy Phong đã nhiều lần lấy lời khai và bà O đều khẳng định việc vay tiền là do bà tự ý và gia đình hoàn toàn không biết. Sau đó, TAND huyện Tuy Phong đã tiến hành lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, bà O phải có trách nhiệm trả toàn bộ số tiền trên cho chín chủ nợ và bà O phải chịu án phí.
Video đang HOT
Theo ông H, vụ việc đã có hiệu lực pháp luật và đang trong giai đoạn thi hành án thì bất ngờ ngày 5.8.2014, VKSND tỉnh Bình Thuận có giấy mời bà O lên lấy lời khai. Cho rằng điều này là bất thường, ông H đã yêu cầu vợ bí mật ghi âm lại buổi làm việc.
Một tuần sau, VKSND tỉnh Bình Thuận có kháng nghị giám đốc thẩm đối với các quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của TAND huyện Tuy Phong. Theo đó, VKS cho rằng tại biên bản làm việc ngày 5.8.2014 bà O khai “vay tiền rồi cho vay lại để hưởng tiền lãi nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt chung của gia đình”. Căn cứ Điều 25 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình), viện cho rằng việc tòa cấp sơ thẩm không đưa ông H vào tham gia tố tụng là sai. Từ đó, viện đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Bình Thuận giám đốc thẩm hủy quyết định của TAND huyện Tuy Phong, giao cho tòa sơ thẩm giải quyết lại.
Ngày 8.9.2014, Hội đồng Giám đốc thẩm TAND tỉnh Bình Thuận đã chấp nhận kháng nghị, hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của TAND huyện Tuy Phong. Tháng 3.2015, TAND huyện Tuy Phong mở phiên tòa sơ thẩm đưa ông H vào tham gia tố tụng và buộc ông H cùng vợ phải có trách nhiệm trả tiền cho chín chủ nợ.
Yêu cầu giám định băng ghi âm
Không đồng ý, ông H làm đơn kháng cáo và yêu cầu giám định băng ghi âm để đối chiếu, xem xét giá trị pháp lý của biên bản lấy lời khai ngày 5.8.2014. Theo ông H, nội dung hỏi, đáp trong băng ghi âm thể hiện bà O không hề khai “vay tiền rồi cho vay lại để hưởng tiền lãi nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt chung của gia đình”. Thế nhưng trong biên bản lại ghi điều này nhằm đưa ông vào tham gia trả nợ trong khi ông không hề biết việc gì.
Cạnh đó, biên bản làm việc của VKSND tỉnh Bình Thuận cũng sai về quy trình, hình thức khi vợ ông – bà O chỉ ký tên ở cuối biên bản mà không cho ký tên giáp lai và ký ở cuối các trang biên bản.
TAND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản thông báo những yêu cầu của ông H cho VKSND cùng cấp biết. Tháng 9.2015, tòa lập biên bản lấy lời khai và thu 15 triệu đồng tiền tạm ứng của ông H cho chi phí giám định. Theo TAND tỉnh Bình Thuận, ngày 14.9, tòa đã tổ chức buổi làm việc để cơ quan chức năng thu mẫu giọng nói của kiểm sát viên N.T.D để làm chứng cứ giám định. Tuy nhiên, do ông D vắng mặt nên việc thu mẫu giọng nói không thể tiến hành.
Tổng hợp nhiều câu vào cùng một câu?
Ngay ngày hôm sau (15.9), VKSND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi TAND tỉnh. Theo đó, viện khẳng định việc ông H yêu cầu giám định băng ghi âm do bà O tự ghi là không đủ căn cứ nên VKS không thể đáp ứng yêu cầu của đương sự được. Tuy nhiên, sau khi nghe băng ghi âm kèm bản dịch (rã băng ghi âm – PV) của ông H cung cấp thì nội dung đúng với buổi làm việc ngày 5.8.2014 nhưng bị cắt đoạn kiểm sát viên N.V.L đọc lại biên bản để bà O nghe và cùng thống nhất ký tên.
Về nội dung trong băng ghi âm có nhiều câu hỏi và trả lời, trong đó có đoạn bà O khai “…Nói chung làm ăn từ xưa tới giờ cứ lòng vòng vậy kiếm tiền, ăn xài, quần áo con cái đồ thôi…”; “…Cho vay lại để hưởng lãi suất chênh lệch chỉ để sắm sửa. Trong nhà còn ở chung với mẹ chồng, quần áo đồ thôi, ăn uống chơi bời đồ thôi…”.
Theo VKSND tỉnh Bình Thuận, người ghi biên bản đã tổng hợp lời khai của bà O để ghi vào, trong đó có nội dung “Tôi vay tiền là để cho vay lại kiếm lời để dùng sinh hoạt chi tiêu chung trong gia đình hằng ngày”. Mặt khác, theo VKSND tỉnh Bình Thuận, vụ án trên đã hủy để xét xử lại, nếu vợ chồng ông H cho rằng lời khai trước đây không đúng thì có quyền khai lại và đưa ra chứng cứ chứng minh.
Sau đó, TAND tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi cho ông H cho biết do VKS đã xác nhận băng ghi âm kèm theo bản dịch là đúng với nội dung làm việc ngày 5.8.2014 và từ chối đáp ứng yêu cầu của đương sự nên không thể tiến hành trưng cầu giám định được. Do đó yêu cầu trên sẽ được HĐXX phúc thẩm xem xét và giải quyết tại phiên tòa phúc thẩm.
Không đồng tình, ông H tiếp tục gửi đơn đến Ủy ban Kiểm tra và Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Thuận. Theo ông H, việc VKSND tỉnh Bình Thuận không đáp ứng yêu cầu của tòa án tỉnh về phối hợp giải quyết vụ án là việc không bình thường, cố tình né tránh.
Theo Phương Nam (Pháp luật TP.HCM)