Hai khu tập thể cũ án ngữ khu “đất vàng” vào tầm ngắm
Đầu tháng 2/2016, UBND Thành phố Hà Nội ra lệnh sẽ di dời khẩn cấp hai khu tập thể cũ là G6A Thành Công và khu A tập thể Ngọc Khánh để xây mới. Đây là hai khu tập thể có vị trí đẹp bởi nó án ngữ ngay trước mặt hồ Giảng Võ và hồ Thành Công.
Chung cư G6A Thành Công
Lý do Thành phố Hà Nội cho di dời khẩn cấp hai khu tập thể G6A Thành Công và khu A tập thể Ngọc Khánh là vì 2 tòa nhà này được xếp vào diện nguy hiểm cấp độ D – cấp đặc biệt nguy hiểm.
Ngay sau đó, Thành phố đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội. Quy chế này được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881 ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.
Việc quản lý, kiểm soát về quy hoạch, kiến trúc đối với các công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử, Thành phố Hà Nội được thực hiện trên cơ sở đảm bảo đúng định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Video đang HOT
Theo quy chế, Hà Nội cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng tại hai bên đường vành đai, trục hướng tâm, tuyến phố chính, khu vực điểm nhấn. Khu vực vành đai I, chiều cao tối đa công trình là 24 tầng, 86m; Vành đai 2, chiều cao tối đa 27 tầng, 97m; đường ven đê Sông Hồng, chiều cao 21 tầng, 76m… Tầng cao tối đa một số khu tập thể cũ ở Hà Nội như sau: Khu Văn Chương (18 tầng); Nguyễn Công Trứ 25 tầng; Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh 21 tầng; các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Kim Liên, Láng Hạ, Phương Mai, Thanh Nhàn… 24 tầng.
Quy chế mới này đã gỡ bỏ được nút thắt trong bài toán cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội vốn bế tắc cả chục năm nay. Bởi, trước đây, do quy định của Luật Thủ đô, quy hoạch chung Hà Nội.., thì việc cải tạo chung cư cũ tối đa chỉ được xây 9 tầng. Vì vậy nhiều doanh nghiệp tham gia xây dựng chung cư cũ không cân đối được bài toán tài chính, làm thì lỗ. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp không mặn mà.
Tuy nhiên, việc Hà Nội chính thức cho nâng tầng cao khi cải tạo chung cư cũ sẽ giúp các doanh nghiệp có lợi nhuận. Nhiều khả năng, việc xây dựng chung cư cũ lại trở thành “miếng bánh” ngon cho các doanh nghiệp.
Và đương nhiên, các doanh nghiệp sẽ ưu ái lựa chọn “miếng bánh” ngon nhất để làm trước. Và hai tòa chung cư cũ có vị trí đắc địa nhất của Quận Ba Đình đã vào tầm ngắm.
Theo tìm hiểu của PV, hiện tại, giá nhà chung cư tại khu vực vùng lõi các quận Ba Đình như Ngọc Khánh, Giảng Võ giá bán ở mức cao ngất ngưởng 45-60 triệu đồng/m2. Đối với những chung cư có vị trí mặt hồ giá bán ở mức 65-70 triệu đồng/m2.
Đương nhiên, hai tòa chung cư cũ G6A Thành Công và khu A tập thể Ngọc Khánh (Ba Đình) với lợi thế chiếm trọn vẹn hai mặt hồ Giảng Võ và hồ Thành Công, khi đập đi xây mới lại, doanh nghiệp sẽ kiếm được bạc tỷ. Ngoài ra, với vị trí đẹp, các doanh nghiệp sẽ không phải lo bài toán về đầu ra.
Theo phân tích của chuyên gia quy hoạch Nguyễn Hữu Thanh, sở dĩ, doanh nghiệp muốn xin nâng tầng bởi các khu chung cư cũ đều ở vị trí đẹp, doanh nghiệp xây dựng là bán được ngay. Thêm vào đó, số tầng cao được tăng gấp 2-3 lần thì doanh nghiệp nào cũng muốn làm. Nếu nhà đầu tư nào cũng khoanh vùng khu chung cư đẹp, sau đó xin cơ chế nâng tầng, làm mà có lãi thì ai cũng muốn làm. “Tôi thấy, trước nay, nhiều dự án được đề xuất đối ứng hình thức BT, nhiều doanh nghiệp được giao thêm các dự án nhưng dự án ở vị trí xa trung tâm, ở khu vực đất bỏ hoang nên không doanh nghiệp nào muốn nhận. Giải pháp nâng tầng cao chỉ để phục vụ cho một nhóm lợi ích nào đó” ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, Hà Nội đã có Luật Thủ đô, có quy hoạch phân khu và điều lệ quản lý quy hoạch do vậy phải tuân thủ quy hoạch. Các dự án xây dựng phải đảm bảo các yếu tố quy hoạch như tổng thể mật độ, tầng cao, số lượng dân cư. Nhà nước, cơ quan quản lý hoàn toàn có cơ chế để doanh nghiệp có lãi như cơ chế đối ứng bù cho doanh nghiệp một dự án khác để kinh doanh. Không nhất thiết cứ phải chọn giải pháp nâng tầng cao.
Huy Nam
Theo_VnMedia
Đã có 'chìa khóa' để cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội. Đây là 'chìa khóa' cho việc xây dựng các công trình cao tầng ở khu vực trung tâm Thủ đô.
Các khu tập thể cũ tại Hà Nội được cho phép xây dựng cao 21 - 24 tầng
Theo đó, quy chế quy định rõ về điều kiện để nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng, số tầng cao, chiều cao tối đa cho phép; về quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị; các khu vực không được phép xây dựng công trình cao tầng; về kiểm soát dân số... được áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881 ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc của quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.
Cụ thể, Hà Nội cho phép nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng tại hai bên đường vành đai, trục hướng tâm, tuyến phố chính, khu vực điểm nhấn. Khu vực Vành đai I, chiều cao tối đa công trình là 24 tầng, 86m; Vành đai 2, chiều cao tối đa 27 tầng, 97m; đường ven đê Sông Hồng, chiều cao 21 tầng, 76m... Đối với dự án tái thiết đô thị là chung cư cũ có quy mô 2 ha trở lên, phải bảo đảm các điều kiện tạo nhiều không gian mở, hạn chế tăng dân số, bố trí đất cho công trình giáo dục, tăng cây xanh, diện tích công cộng.
Tầng cao tối đa một số khu như sau: Nguyễn Công Trứ 25 tầng; Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh 21 tầng; các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Kim Liên, Láng Hạ, Phương Mai, Thanh Nhàn... 24 tầng. Riêng khu Văn Chương cao tối đa 18 tầng. Quỹ đất di dời cơ sở công nghiệp, giáo dục, cơ quan ưu tiên phát triển công trình công cộng, hạ tầng, không để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Theo quy chế, khu đất xây dựng công trình cao tầng phải đảm bảo có kích thước, diện tích đất đáp ứng đủ khoảng lùi tối thiểu theo quy chuẩn hiện hành; khả năng tiếp cận về giao thông và đáp ứng đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy... và một số điều kiện khác được quy định cụ thể tại quy chế.
Khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội được chia thành 7 khu vực để kiểm soát và quản lý tầng cao, chiều cao công trình, trong đó nhấn mạnh tới khu vực hai bên đường vành đai I, vành đai II; hai bên các tuyến phố hướng tâm như Giảng Võ - Láng Hạ, Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh, Giải Phóng - Lê Duẩn...; khu vực hai bên tuyến phố chính như Hào Nam - Hoàng Cầu - Yên Lãng, Hàng Đậu - Phan Đình Phùng - Hoàng Hoa Thám...; các khu vực điểm nhấn đô thị như xung quanh hồ Giảng Võ, ga Hà Nội...
Đặc biệt, quy chế này sẽ cụ thể hóa các chỉ tiêu quy hoạch tới từng ô, tuyến phố, tức là quản lý rất chặt chẽ quá trình phát triển đô thị ở khu vực trung tâm. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng công trình cao tầng có thể soi chiếu vào quy chế này để tìm kiếm cơ hội đầu tư cho mình, tránh được tình trạng đầu tư kiểu "thầy bói xem voi" như trước. Trường hợp khác với các quy định trên (ngoài vị trí, vượt quá quy mô cho phép), sẽ do UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Trông giữ xe tại khu tập thể cũ: Nhiều bất cập khó giải quyết Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.500 tập thể cũ, tập trung ở 4 quận: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Do những khu nhà này không có điểm trông giữ phương tiện nên việc gửi và trông giữ xe của người dân hầu như mang tính tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xe máy dựng...