Hãi hùng “tiên dược làm đẹp” siêu rẻ và những hệ lụy khôn lường
Sau gần 1 tuần dùng “ tiên dược” Collagen với mục đích cải thiện làn da đã “về chiều” của mình, chị Nguyễn Hải Xuân (Thanh Xuân, Hà Nội) kinh hoàng phát hiện những đốm nhỏ li ti xuất hiện và lan rộng trên da.
Lời tòa soạn: Muốn “đẹp mãi với thời gian”, không ít phụ nữ bỏ tiền triệu để mua các sản phẩm có chứa Collagen, loại dưỡng chất vẫn được cho là “thần dược” trong việc “đại tu nhan sắc”. Bởi sự “phát cuồng” của chị em nên thị trường Collagen cũng bát nháo, hỗn độn, thật giả khó phân. Và chính sự hỗn loạn này đã khiến nhiều người tiêu dùng bởi thiếu hiểu biết nên đã mất tiền oan, nguy hiểm hơn là sức khỏe, tính mạng bị đe dọa.
Cái giá của thiếu hiểu biết
Ngồi trước mặt tôi, chị Nguyễn Hải Xuân (38 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) chưa hết kinh hoàng khi kể lại cái “kỷ niệm” khó quên trong lần “tút” lại nhan sắc ấy.
Chị Xuân cho biết là làm nhân viên văn phòng ở một công ty xây dựng. Trong những giờ giải lao, chị thấy các nữ nhân viên cùng phòng rỉ tai nhau về bí quyết giúp làn da tươi trẻ bằng Collagen. Không biết gì về Collagen, nhưng mỗi lần khi đứng trước gương trong nhà tắm, chị Xuân giật mình khi thấy da nhăn, sạm, thô giáp và chị thấy mình già hơn so với chồng, mặc dù anh hơn chị tới 4 tuổi.
Hậu quả khi sử dụng sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc.
Chị Xuân bắt đầu lên các diễn đàn mạng xã hội tìm hiểu về Collagen và nhanh chóng bị cuốn hút bởi “tiên dược” này. Do đồng lương eo hẹp nên không dám bỏ khoản tiền lớn để mua các sản phẩm Collagen chính hãng, nghe theo lời rỉ tai của cô bạn đồng nghiệp, chị lên một cửa hàng bán mỹ phẩm trên phố cổ mua 5 lọ kem được cho là có thành phần Collagen với giá 80.000 đồng/lọ.
Sau 3 ngày tích cực thoa số Collagen ấy lên người vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ thì chị thấy xuất hiện các quầng đỏ, cảm giác như kim châm, đặc biệt là vùng da đùi non, ngực, mặt. Ban đầu chị cứ nghĩ rằng do mình bị dị ứng hải sản nhưng chỉ khoảng hơn một ngày sau khi xuất hiện triệu chứng ngứa rát ấy là trên cơ thể chị xuất hiện các đốm nhỏ li ti, nổi mụn, màu đỏ, có nước đục.
Chị Xuân lặng lẽ mua thuốc về bôi nhưng tình trạng nổi mụn không thuyên giảm mà ngày một nặng nề hơn. “Chỉ đến khi thấy mụn đỏ ở mặt, ngực vỡ, chảy nước tôi mới hoang mang mà tìm đến đến phòng khám chuyên về da liễu để điều trị. Lúc đó tôi phải nói thật với bác sỹ. Sau hơn hai tuần điều trị thì tình trạng viêm da do tiếp xúc với mỹ phẩm của tôi mới thực sự ổn định. Lần làm đẹp ấy khiến tôi vẫn ám ảnh đến tận bây giờ”, chị Xuân hãi hùng khi nhớ lại.
Chỉ vào vết nhăn nhỏ trên trán, chị Phạm Hải Yến (43 tuổi, quận Đống Đa) nói: “Cách đây hơn 3 tháng, vì muốn làm nó biến mất mà tôi chút nữa đã phải đi rửa ruột rồi đấy… Sau bữa cơm tối, tôi lấy 2 muỗng Collagen đổ vào cốc nước lớn để uống. Uống được khoảng chục phút, tôi thấy người chóng mặt, khó thở. Nghi ngờ là do Collagen mà mình đã mua, tôi vội chạy vào nhà vệ sinh dùng ngón tay móc sâu vào cổ họng và nôn ra hết thứ nước ấy”.
Theo chị Yến thì số gói bột Collagen được người bán giới thiệu là hàng xách tay ấy nhãn mác sản phẩm không rõ nét. Bao bì sản phẩm không có các thông số về ngày sản xuất, nơi sản xuất, đơn vị sản xuất, hay đơn vị nhập khẩu.
Video đang HOT
“Tiên dược” dởm cứ cần là… có
Dư luận thời gian vừa qua hết sức hoang mang khi các cơ quan chức năng đã phá vỡ đường dây buốn bán 10 tấn Collagen và các loại thực phẩm chức năng giả (ngày 24/1) . Theo đó, đối tượng Nguyễn Tuấn Linh (30 tuổi) đang lái xe tải chở 170 hộp thực phẩm chức năng đi tiêu thụ thì bị bắt trên phố Trần Khát Trân, Hà Nội.
Theo đối tượng này khai thì vận chuyển số hàng trên cho Hoàng Thị Hồng Liên (32 tuổi, trú tại Nghệ An). Từ lời khai của Linh và Liên, lực lượng phá án đã khám xét 3 kho hàng của các đối tượng này tại chợ đầu mối Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) thu hơn 10 tấn thực phẩm chức năng giả, nhau thai cừu, Collagen… với các nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng của Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật…
Collagen giả bị lực lượng chức năng bắt giữ. Trước khi bị bắt, số hàng này đã được tập kết tại kho hàng khu vực chợ đầu mối Lim, Bắc Ninh
Các đối tượng này khai số thực phẩm chức năng, Collagen giả trên được nhập từ Trung Quốc, sau đó dán nhãn, mác giả “phù phép” thành hàng xách tay từ các thương hiệu nổi tiếng ở châu Âu rồi tung ra cửa hàng thuốc, các spa, thẩm mỹ viện lớn, các chợ đầu mối về thuốc. Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ bắt giữ trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về thị trường “Collagen đen” ở Việt Nam.
Những ngày cuối tháng 4, trong vai người có nhu cầu mua Collagen giá rẻ, Collagen xách tay, chúng tôi tìm về khu vực chợ đầu mối Lim (Bắc Ninh)- nơi được cho là điểm tập trung, đầu mối trung chuyển Collagen giả tuồn về từ bên kia biên giới. Trong cái nóng oi ả của mùa hè, gần trưa chợ đầu mối Lim khá vắng vẻ với các sạp hàng thưa thớt người. Chúng tôi đến các quầy hàng mỹ phẩm, thuốc tìm mua Collagen giá rẻ với đơn hàng từ 30- 50 triệu đồng thì nhận được những cái nhìn đầy dò xét, đề phòng của những người bán hàng.
Thấy vẻ nhẫn nại của chúng tôi, một phụ nữ từ khu vực quầy bán quần áo chạy ra kéo chúng tôi vào một quầy hàng bỏ trống nằm trong góc khuất, yêu cầu chúng tôi tắt điện thoại và dò hỏi: “Các em ở Hà Nội lên à? Làm spa hay đổ mối? Chị có thể mua giúp. Đơn hàng này cũng tạm ổn rồi, vừa rồi họ làm rát, mới bắt một vụ. Cho chị số điện thoại, có gì chiều chị gọi lại”. Khi chúng tôi xin số điện thoại người phụ nữ này, những chị ta từ chối và nói là: “Nếu trước 19h tối, chị lo được hàng chị sẽ chủ động gọi điện”.
Theo “mách nước” của những người từng buôn bán ở chợ đầu mối này, thì ở đây muốn mua hàng gì cũng có, nhất là những thứ liên quan đến thuốc thang, thực phẩm chức năng. Hàng Trung Quốc qua đường Lạng Sơn, Móng Cái cũng đều tụ về đây. “Nếu không có vụ bắt giữ hơn 10 tấn hàng vừa rồi thì anh mua đơn giản lắm, hỏi là họ lôi hàng ra ngay. Nhưng giờ thì họ đề phòng lắm, muốn lấy được hàng thì phải vượt qua nhiều khâu kiểm tra của họ. Nhưng chắc cũng chỉ khó vài tháng thôi, sau thì đâu lại vào đấy mà”, chủ một quán nước gần chợ đã nói với tôi như vậy khi tôi ngỏ ý tìm mua “tiên dược” Collagen.
Chợ thuốc lớn nhất miền Bắc là Hapulico (phố Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội), tại các quầy thuốc đều có bán Collagen. Khi chúng tôi hỏi mua Collagen “xịn” nhưng giá rẻ về để bán thì hầu hết các chủ cửa hàng đều tỏ thái độ dè dặt và nói không có bán loại đó vì là khách lạ, chưa lấy hàng tại quầy thuốc bao giờ.
Tại một quầy thuốc trên khu vực tầng 3 chợ thuốc này, nhân viên bán hàng ở đây niềm nở cho biết là cùng một sản phẩm Collagen nhưng có rất nhiều loại, hàng chuẩn thì là loại 1 và hàng fake thì có loại 2, loại 3. Giá loại 1 chênh so với loại 2, loại 3 vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.
Theo quan sát của phóng viên thì nhìn bề ngoài giữa các loại này không khác nhau tí nào từ nhãn mác, cho đến tên nhà sản xuất. Nhưng chất lượng bên trong thế nào thì chỉ có người tiêu dùng mới biết.
(Còn nữa…)
Cẩn thận với sản phẩm không rõ nguồn gốc: Tiến sỹ Nguyễn Minh Quang- Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội khi được hỏi cho biết: “Các bệnh nhân đến bệnh viện khám, điều trị có thể có nguyên nhân do dùng mỹ phẩm gây nên, nhưng vì lý do tế nhị nên nhiều khi họ không nói. Hiện bệnh viện không có con số thống kê về việc bệnh nhân bị bệnh ngoài da do dùng các sản phẩm có liên quan đến Collagen. Collagen được dùng qua đường uống hoặc đường bôi trên da. Trước khi dùng bất kỳ một sản phẩm nào, NTD cần thông thái xem ký về xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm”.
Theo_Eva
Đưa CNTT trở thành ngành kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn
Đến năm 2025, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn.
Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (Chương trình).
Theo đó, Chương trình phấn đấu đến 2020 tăng trưởng tối thiểu 15%/năm đối với lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng điểm, trong đó lĩnh vực phần cứng điện tử thu hút 5 tỷ USD đầu tư FDI trong giai đoạn 2015-2020.
Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh, duy trì vị trí là một trong 10 nước đứng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội duy trì vị trí thuộc nhóm 10 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm toàn cầu.
Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia.
Phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm
Một trong những nhiệm vụ mà chương trình đặt ra là phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm. Theo đó, triển khai lựa chọn sản phẩm, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ đầu tư cho hoạt dộng nghiên cứu, phát triển, sản xuất, xúc tiến, thương mại hóa, triển khai thử nghiệm và các nội dung liên quan khác.
Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm phần mềm dùng trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là các phần mềm cho các hệ thống lớn, phần mềm ứng dụng trên mạng di động, mạng internet; phát triển các sản phẩm, giải pháp dựa trên phần mềm nguồn mở và trên nền công nghệ mở.
Phát triển các sản phẩm nội dung số thương hiệu Việt; các sản phẩm phục vụ cơ quan nhà nước, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn; các sản phẩm trên mạng di động, internet, công cụ, dịch vụ tìm kiếm trên mạng.
Đầu tư nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất các sản phẩm phần cứng, tích hợp hệ thống mà Việt Nam có lợi thế hoặc vì yêu cầu an toàn an ninh; các sản phẩm vi mạch, điện tử, bán dẫn; phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực phần cứng - điện tử; đầu tư phát triển các sản phẩm CNTT trọng điểm, sản phẩm an toàn thông tin, sản phẩm CNTT phục vụ các hệ thống thông tin quốc gia, an ninh, quốc phòng.
Cung cấp một số dịch vụ CNTT có lợi thế cạnh tranh
Cũng theo Quyết định, cần nâng cao năng lực và sức cạnh tranh cho các tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ CNTT thông qua việc hỗ trợ xây dựng, đánh giá, áp dụng các chuẩn, tiêu chuẩn về quy trình, quản lý, đảm bảo chất lượng và an toàn thông tin trong cung cấp dịch vụ CNTT; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân lực làm dịch vụ CNTT; hỗ trợ các nội dung để phát triển một số tổ chức, doanh nghiệp chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là cung cấp dịch vụ CNTT cho cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, chuyển giao, cung cấp một số dịch vụ CNTT mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, hoặc có hàm lượng chất xám cao, hoặc có khả năng xuất khẩu, hoặc được sử dụng nhiều trong các cơ quan nhà nước, dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, hoặc dịch vụ CNTT trên mạng mà có khả năng định hướng thông tin như các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, công cụ dịch, các sản phẩm giải trí trên mạng.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ CNTT, đặc biệt là dịch vụ gia công quy trình kinh doanh và dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số cho nước ngoài.
Hỗ trợ đầu tư phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao thông qua các giải pháp về cơ chế, chính sách ưu đãi thuế, xúc tiến thương mại, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Phát triển ngành dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu tại Việt Nam, hình thành một số doanh nghiệp chuyên nghiệp về cung cấp dịch vụ dữ liệu và phân tích dữ liệu, đủ sức chiếm lĩnh thị trường nội địa, từng bước tiến ra thị trường quốc tế; nhà nước hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ dữ liệu và dịch vụ phân tích dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.
Hoàng Diên
Theo_Báo Chính Phủ
Thu hút 5 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực phần cứng điện tử trong 5 năm tới Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (Chương trình). Đưa CNTT trở thành ngành kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn Đến năm 2025, công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững,...