Hãi hùng hủ tục “là ngực” để chống… hiếp dâm
Cho đến ngày nay, cứ 4 bé gái ở Cameroon thì có một bé phải trải qua hình thức “ là ngực” vô cùng đau đớn do chính những người thân của các em thực hiện. Mục đích của hình thức này là làm xấu, giảm đi sự phát triển của bộ ngực nhằm bảo vệ họ trước nguy cơ bị hiếp dâm, có thai ngoài ý muốn…
Chiếc chày nung nóng là một trong những dụng cụ dùng để là ngực các em gái
Ám ảnh khôn nguôi
Mỗi buổi sáng trước khi đến trường, cô bé 9 tuổi Terisia Techu lại cắn răng chịu đựng những tập tục hành xác khi mẹ cô bé nung nóng miếng sắt và đặt lên ngực Terisia. Nghẹn ngào trong nước mắt, những ký ức về hủ tục là ngực lại dội về, Terisia kể lại có một hôm chiếc “bàn là” thô sơ nóng quá, khiến cô bị bỏng và để lại một vết sẹo. Giờ đây, khi đã 18 tuổi, Terisia vẫn ám ảnh bởi hủ tục lạc hậu này.
Mẹ của cô, bà Grace khăng khăng rằng đó là phương pháp mà bà đã sử dụng đối với con gái bà trong vài tuần nhằm làm con giảm ham muốn tình dục và… để tránh thai. Trong buổi phỏng vấn với CNN, Terisia kể cô có thai khi mới 15 tuổi nhưng đứa bé đã mất khi vừa chào đời. Terisia nói rằng việc là ngực không hiệu quả như mẹ cô nói. Trong khi đó, bà Grace một mực khẳng định nếu không là ngực thì con gái bà đã mang thai sớm hơn rồi.
Bà Grace có 4 cô con gái nhưng bà chỉ áp dụng hủ tục là ngực đối với 2 cô con gái đầu. Con gái thứ 3 của bà tránh được bởi ngực cô bé phát triển ở mức độ… tạm chấp nhận cho qua, còn cô út thì vẫn còn bé. Cũng như bà Grace, các bà mẹ khác ở Cameroon đều mong muốn con gái mình học hành xong mới tính chuyện gia đình và làm mẹ, vì vậy họ đã áp dụng triệt để phương pháp là ngực này.
Những ám ảnh đến sự phát triển tâm sinh lý của các em gái khi phải trải qua thủ tục này còn được so sánh với tập tục “cắt bì” dã man ở Uganda. Trước sự phê phán gay gắt của quốc tế, quốc gia ở vùng Sừng châu Phi này đã nhất trí thông qua dự luật cấm cắt âm vật của thiếu nữ này. Theo pháp luật mới quy định, người nào vi phạm sẽ phải đối mặt với 10 năm tù và nếu nạn nhân tử vong sau khi bị “cắt bì” thì thủ phạm sẽ chịu mức án tù chung thân. Các nhà hoạt động nhân quyền đã lên án mạnh mẽ tập tục này.
Bí mật được phơi bày
Nạn là ngực gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý các em
Năm 2006, một tổ chức phi chính phủ của Đức đã phơi bày hủ tục này. Trong một phóng sự do kênh truyền hình Current TV của Mỹ thực hiện, một nữ phóng viên người Anh đã được tận mắt được chứng kiến cảnh tượng hãi hùng khi một bà mẹ ở Cameroon đang là ngực cho con gái mình. Cô bé là nạn nhân của hủ tục chỉ biết khóc thét lên vì sợ hãi và đau đớn.
Có hơn 200 dân tộc tại Cameroon với nhiều phong tục, tập quán nhưng là ngực thì dân tộc nào tại đất nước này cũng áp dụng. Do chế độ ăn uống tại Cameroon ngày càng được cải thiện, các bé gái thường dậy thì sớm. Vì thế nhiều em gái mới lên 10 cũng có thể là đối tượng bị là ngực. Thông thường, việc là ngực cho các bé gái được mẹ các em thực hiện liên tục nhiều lần và bí mật từ lúc các em bắt đầu có dấu hiệu dậy thì cho đến khi nào ngực các em xấu xí đi. Dụng cụ là ngực có thể là một miếng thép, sọ dừa, bàn là quần áo, hòn đá cuội… đã khi được hơ nóng trên bếp lửa. Những bà mẹ ở Cameroon nói rằng đây là hình thức truyền thống đã được áp dụng trên đất nước Cameroon từ rất lâu, thậm chí nó còn được đưa vào trong các tiết học ở nhà trường. Các vụ cưỡng bức tình dục thường xuyên xảy ra trên đất nước Cameroon vì vậy các bà mẹ tin rằng nếu được là ngực, các em gái sẽ làm giảm đi những ham muốn bất chợt phát sinh từ những gã đàn ông ở xung quanh.
Một cuộc nghiên cứu cho thấy cứ 4 bé gái ở Cameroon thì có 1 em phải trải qua “cực hình” này. Theo báo cáo năm 2010 của một số tổ chức nhân quyền và trích dẫn từ các bài báo cho thấy “số bé gái tại Cameroon là nạn nhân của hủ tục này là rất nhiều, trong số đó nhiều trường hợp để lại hậu quả đáng tiếc cho các em như các vết bỏng, ngực bị biến dạng hay các vấn đề tâm lý”. Hiện nay, các tổ chức từ thiện đã bắt tay vào chiến dịch tuyên truyền cho các bà mẹ ở Cameroon về giáo dục giới tính, trong đó đặc biệt lưu ý không áp dụng là ngực như một giải pháp phòng tránh mang thai ở tuổi vị thành niên. Bác sĩ Sinou Tchana, một bác sĩ phụ khoa ở Cameroon, người đã chứng kiến nhiều bệnh nhân bị phá hủy tuyến vú do chính hủ tục này kể lại: “Có những bà mẹ phải đến bệnh viện để điều trị các vết bỏng vì cầm đá nóng hay chày nung nóng để là ngực cho con”. Một trong số các bệnh nhân của bác sĩ Sinou có một bệnh nhân 23 tuổi đã vật lộn với những cơn đau do vết sẹo trong 14 năm qua sau khi là ngực.
Trong khi đó, đối với tập tục là ngực tại Cameroon, nhiều tổ chức nhân quyền thế giới cũng đã vận động người dân Cameroon không nên tiếp tục áp dụng hình thức gây đau đớn về thể xác và khiếp sợ về tinh thần này nữa bởi nó vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Tuy nhiên hủ tục này đang trở nên phổ biến và ảnh hưởng đến tâm sinh lý của ít nhất 25% em gái tại quốc gia châu Phi này.
Theo ANTD
Những hồ nước tử thần trên thế giới
Ở Châu Phi, tính mạng người dân đang bị đe dọa khi sống gần những hồ nước chứa khí đôc. Lượng khí độc khổng lồ trong hồ khiến chúng có khả năng giết chết hàng nghìn người chỉ trong chớp mắt.
Hồ Nyos - Cameroon
Vào năm 1986, khoảng 1.700 người đã chết ngạt sau khi khí CO2 thoát ra khỏi hồ vào ban đêm.
Hồ Nyos - nằm ở vùng tây bắc của Cameroon và cách Nigeria 50 km về phía bắc - là một trong ba nguồn nước được gọi là tử thần trên thế giới bởi khả năng giết người. Hàng tỷ tấn khí carbon dioxide (CO2) đang tích tụ dưới đáy hồ. Nếu thoát ra, khí CO2 có thể lấy mạng người trong chốc lát.
Hồ Nyos hình thành do nước mưa tích tụ trong quá trình nguội của núi lửa. Nham thạch tạo nên một con đập tự nhiên có tác dụng giữ nước. Với chiều dài 1,2 km, diện tích mặt nước của hồ Nyos là hơn 1,5 triệu mét vuông. Một túi dung nham của núi lửa nằm bên dưới hồ. Khí carbon dioxide (CO2) từ đó xâm nhập vào nước trong hồ, tạo nên axit carbonic (H2CO3).
Với những hồ trên miệng núi lửa, các lớp nước lưu chuyển từ bề mặt xuống đáy hồ rồi di chuyển ngược lại theo chu kỳ khiến cho khí tích tụ dưới đáy được giải phóng vào khí quyển. Song Nyos lại không như vậy. Do đáy sâu và rất dốc nên nước của nó không lưu chuyển từ trên xuống dưới khiến khí CO2 bị "nhốt" dưới đáy. Khi lượng khí CO2 bị tích tụ trở nên quá lớn, hoặc khi một tác nhân kích thích (như lở đất, địa chấn) xảy ra, nước ở bề mặt chìm xuống đáy và đẩy nước ở đáy lên phía trên. Khí độc từ trạng thái hòa tan sẽ thoát ra ngoài, giống như bọt khí bung ra khi chúng ta mở nắp chai nước khoáng.
Ngày nay, hồ Nyos vẫn là một hiểm họa bởi bức tường chắn tự nhiên bằng dung nham đang suy yếu. Một trận động đất có thể khiến bức tường này sụp đổ, khiến nước tràn xuống các làng bên dưới và khí CO2 thoát ra.
Hồ Monoun - Cameroon
Hàng tỷ tấn khí CO2 đang tích tụ dưới đáy hồ Monoun.
Hồ Monoun nằm trong vùng núi lửa Oku tại Cameroon. Giống như hồ Nyos, hàng tỷ tấn khí CO2 đang tích tụ dưới đáy hồ Monoun. Ngày 15/8/1984, một lượng lớn khí CO2 bất ngờ phun lên mặt nước khiến 37 người chết ngạt. Ban đầu người ta cho rằng nguyên nhân gây nên cái chết của họ là một bí ẩn. Thậm chí nhiều người còn cho rằng đó là hành động của bọn khủng bố. Hai năm sau, một thảm họa tương tự tại hồ Nyos khiến người ta tin rằng khí độc từ đáy hồ giết chết người.
Hồ Kivu - Nằm giữa Rwanda và Cộng hòa dân chủ Congo
Thỉnh thoảng khí độc phun lên mặt nước ở hồ Kivu khiến một số người dân sống gần đó ngạt thở. Mặc dù vậy, hồ Kivu là một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch.
Nằm giữa Rwanda và Cộng hòa dân chủ Congo, hồ Kivu có diện tích 2.700 km2 và độ sâu cao nhất là 495 m. Nó là hồ cao nhất tại châu Phi (nằm ở độ cao gần 1.500 m) và cũng là một trong những hồ lớn nhất của lục địa đen.
Kivu nằm trong một thung lũng khổng lồ trải dài từ châu Á tới châu Phi. Với chiều dài tới 6.400 km và chiều rộng tối đa 64 km, thung lũng này đang bị kéo về hai phía bởi hoạt động địa chất. Vì thế mà hoạt động của núi lửa trong khu vực này cũng tăng. Một túi dung nham khổng lồ ngay bên dưới hồ Kivu khiến hàng tỷ tấn khí CO2 và metan tích tụ trong nước. Theo tính toán của giới khoa học, lượng khí metan trong hồ vào khoảng 65 km3, còn khí lượng khí CO2 lên tới 256 km3. Thỉnh thoảng khí độc phun lên mặt nước khiến một số người dân sống gần đó ngạt thở. Mặc dù vậy, hồ Kivu là một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch.
Nhiều nghiên cứu địa chất và sinh học cho thấy khí độc từ hồ Kivu từng gây nên nhiều sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trong lịch sử. Các chuyên gia cho rằng hoạt động núi lửa có thể là nguyên nhân khiến khí thoát ra khỏi hồ. Khi núi lửa hoạt động, dung nham nóng khiến nhiệt độ nước hồ tăng vọt. Nước càng nóng thì khí metan càng dễ thoát ra khỏi hồ, gây nên hiện tượng nổ và giải phóng khí CO2. Sự lan tỏa của khí CO2 tới những khu vực xung quanh hồ khiến các loài động vật chết ngạt. Một giả thuyết thứ hai là những trận sóng thần trong hồ (do động đất gây nên) khiến nước trên bề mặt chìm xuống đáy hồ, còn nước dưới đáy nổi lên. Khi nước dưới đáy nổi lên trên, khí CO2 và metan cũng được giải phóng.
Theo Bưu Điện Việt Nam