Hai giám đốc ngân hàng ‘ngậm đắng’ vì chiêu trò của đại gia
Sở hữu 4 công ty, đại gia này đã khiến giám đốc ngân hàng OCB Thăng Long và PGBank Thăng Long phải ngồi tù.
Từ ngày 15-19/10, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Chu Minh Ngọc (SN 1976, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc công ty CIMCO) và đồng phạm ra xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bị đưa ra xét xử cùng với Chu Minh Ngọc còn có giám đốc các công ty – là những người đã giúp bị cáo trong việc lập hồ sơ khống. Ngoài ra, một loạt cán bộ ngân hàng cũng bị truy tố vì tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Các bị cáo tại tòa
Theo cáo buộc, Chu Minh Ngọc là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty CIMCO. Đại gia này còn thành lập 3 công ty khác, để người quen đứng tên, nhưng Ngọc là người chỉ đạo, điều hành, quyết định.
Năm 2010, 2011 công ty CIMCO kinh doanh thua lỗ, không có tài sản, không còn khả năng thanh toán nợ vay đến hạn tại các ngân hàng. Để duy trì hoạt động của công ty và có tiền sử dụng cho mục đích cá nhân, Chu Minh Ngọc đã dùng đủ các chiêu trò để qua mặt 2 ngân hàng.
Đại gia này chỉ đạo kế toán trưởng của công ty CIMCO lập khống báo cáo tài chính, phương án sản xuất kinh doanh… để được ký 3 hợp đồng hạn mức tín dụng với ngân hàng TMCP Phương Đông – chi nhánh Thăng Long (OCB Thăng Long) và ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex – chi nhánh Thăng Long (PGBank Thăng Long).
Ngọc còn chỉ đạo người khác lập và ký hợp đồng, xuất hoá đơn GTGT khống về việc mua bán thép với các công ty TMC, công ty Tam Sơn, công ty Vạn Lộc, công ty Vinarich. Nhờ những tài liệu khống này, Ngọc đã được OCB Thăng Long và PGBank Thăng Long giải ngân hơn 500 tỷ đồng.
Video đang HOT
Mơ hồ về tài sản đảm bảo
Để che giấu hành vi, mỗi khi nhân viên ngân hàng đến kiểm tra tài sản đảm bảo, Ngọc chỉ đạo thủ kho công ty CIMCO chỉ vào đống thép bất kỳ và nói đó là tài sản thế chấp.
Điều này được bị cáo Lương Duy Huỳnh (nguyên Giám đốc PGBank Thăng Long) xác nhận trong lời khai tại CQĐT.
Quý 3 năm 2011, ông Huỳnh thấy công ty CIMCO không trả được nợ đối với hợp đồng tín dụng cũ, nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới tiếp tục giải ngân cho công ty CIMCO vay vốn mà không cần tài sản bảo đảm.
Trong vụ án này, ông Vũ Đức Thực (nguyên Giám đốc OCB Thăng Long) bị xác định đã ký 27 khế ước cho công ty CIMCO vay tiền. Quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn của công ty CIMCO, ông Thực đã không đánh giá đúng khả năng tài chính, khả năng trả nợ của công ty này.
Khi công ty CIMCO không trả được nợ khoản vay trước, ông Thực vẫn chỉ đạo tiếp tục đề nghị gia hạn thực hiện hợp đồng tín dụng hạn mức; ký giải ngân mà không bổ sung tài sản bảo đảm…
Cáo trạng cho rằng, quá trình vay vốn, Chu Minh Ngọc đã trả được một phần số nợ, hiện còn chiếm đoạt hơn 132 tỷ đồng.
Chiều 19/10, sau khi xem xét, HĐXX đưa ra nhận định: Đủ căn cứ xác định bị cáo Ngọc lừa đảo. Các bị cáo khác khai không bàn bạc và không biết mục đích của Ngọc. Song căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ, thấy phù hợp với lời khai của Ngọc, HĐXX xác định các bị cáo biết mục đích của Chu Minh Ngọc nên phải chịu trách nhiệm hình sự.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Ngọc mức án tù chung thân; bị cáo Thực và Huỳnh cùng nhận mức án 6 năm tù giam. Các bị cáo còn lại nhận từ 36 tháng tù treo đến 16 năm tù giam.
T.Nhung
Theo VNN
Chủ tịch CIMCO phải trả cho 2 ngân hàng 130 tỷ đồng
Chiều 19/10, TAND TP Hà Nội tuyên phạt án chung thân với Chu Minh Ngọc (SN 1976, ở Hà Nội) - Chủ tịch kiêm TGĐ Cty TNHH Xây lắp và Vật liệu công nghiệp (CIMCO) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Các bị cáo trong vụ án.
Theo tòa án, năm 2010, ông Ngọc chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, gửi Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chi nhánh Thăng Long để xin vay 100 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là nhà máy thép tại khu công nghiệp Đại An (Hải Dương) và hàng hóa hình thành từ vốn vay. Qua đây, bị cáo chiếm đoạt gần 29 tỷ đồng của OCB Thăng Long.
Năm 2011, do cần tiền trả nợ ngân hàng An Bình, bị cáo Ngọc nhờ Davis Tuấn - đại diện Cty Metalloyd của Anh tại Việt Nam ký hợp đồng mua hơn 2.340 tấn thép từ Cty CIM và sau đó bán lại số thép này cho CIMCO để CIMCO bán lại cho chính Cty CIM; Metalloyd được nhận từ 5 - 6 USD/tấn. Trên thực tế, số thép vẫn "nằm yên".
Tiếp đến, Ngọc sử dụng hợp đồng nhập khẩu giữa CIMCO và Metalloyd để vay gần 32 tỷ đồng từ OCB Thăng Long, tài sản đảm bảo là 2.340 tấn thép nói trên. Đồng thời, bị cáo này sử dụng pháp nhân của Cty CIM và hợp đồng CIMCO bán thép cho Cty CIM để vay hơn 1,6 triệu USD từ Ngân hàng Đầu tư và phát triển.
Sau khi các ngân hàng giải ngân, Chu Minh Ngọc dùng tiền vay từ Ngân hàng Đầu tư và phát triển trả cho Ngân hàng An Bình; dùng tiền từ OCB Thăng Long trả cho ngân hàng Đầu tư và phát triển. Tuy nhiên, Ngọc chỉ đạo bán hơn 2.390 tấn thép là tài sản thế chấp, không bàn giao cho OCB. Qua đây, bị cáo chiếm đoạt thêm hơn 20 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2011, CIMCO được Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex PGBank chi nhánh Thăng Long cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 200 tỷ đồng. Để được giải ngân, Chi Minh Ngọc chỉ đạo cấp dưới lập khống các hợp đồng mua bán thép giữa CIMCO và các cy Tam Sơn, TMC, Cty Vinarich (do Ngọc lập, điều hành). Vì vậy, PGBank Thăng Long đã cho CIMCO vay hơn 300 tỷ đồng và bị chiếm đoạt gần 83 tỷ đồng.
Giúp sức cho hành vi lừa đảo của Chu Minh Ngọc, có 6 bị cáo khác đều bị tuyên phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và phải nhận án tù. Cụ thể, Lê Thị Hương - kế toán trưởng CIMCO án 13 năm; Hà Trùng Dương - Chủ tịch Cty Tam Sơn án 16 năm; Trần Mạnh Hải - thành viên Cty Vinarich nhận 10 năm; Lê Thành Dũng - GĐ Cty Vạn Lộc nhận 7 năm tù.
Tiếp đến, Vũ Duy Trinh - nguyên Phó TGĐ Cty CP dịch vụ bảo vệ 24/7 lĩnh 8 năm tù; Nguyễn Văn Phượng - Đội trưởng Cty CP dịch vụ bảo vệ Năm Sao lĩnh 7 năm tù. Cả 2 được xác định đã ký khống nhiều hợp đồng bảo vệ tài sản đảm bảo khoản vay, biên bản kiểm tra tài sản... giúp Chu Minh Ngọc "qua mặt" các ngân hàng.
Trong vụ án, 6 lãnh đạo, cán bộ các chi nhánh của OCB và PGBank được xác định vi phạm quy định về điều kiện vay vốn, nhập kho... nên phạm vào tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Cụ thể, nhóm bị cáo thuộc OCB gồm, Vũ Đức Thực - nguyên GĐ OCB Thăng Long nhận án 6 năm tù; Hoàng Văn Đông - Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp án 5 năm tù; Nguyễn Văn Khuê - chuyên viên Phòng khách hàng doanh nghiệp án 5 năm tù.
Tiếp đến là nhóm cán bộ thuộc PGBank gồm Lương Duy Huỳnh - nguyên GĐ PGBank Thăng Long án 6 năm tù; Tô Quang Tuyển án 5 năm tù và Nguyễn Thị Vân Khánh nhận 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Về phần dân sự, HĐXX tuyên Chu Minh Ngọc phải trả lại hơn 49 tỷ đồng cho OCB, hơn 82 tỷ đồng cho PGBank; các bị cáo khác không hưởng lợi về hành vi phạm tội nên không bị liên đới bồi thường. Tòa án cũng yêu cầu hủy bỏ các lệnh kê biên tài sản bảo đảm, cho các ngân hàng xử lý số tài sản này.
XUÂN ÂN
Theo TPO
Lê Nguyễn Hưng đã "giải ngân" 264 tỷ cuỗm của Eximbank vào việc gì? Cựu cán bộ ngân hàng đã tẩu tán tài sản bằng việc sử dụng thẻ Visa để thanh toán qua website thương mại điện tử FOREX.COM (UK) và GAINCAPITAL (UK). Lê Nguyễn Hưng đã chiếm đoạt hơn 264 tỷ đồng của Eximbank. Như BizLIVE đã đề cập, VKSND Tối cao mới đây đã truy tố 6 bị can là cựu nhân viên Eximbankchi...