Hai gia đình loạn đả vì đống vỏ lon bia
Là hàng xóm ở cùng hẻm tại Sài Gòn, lại làm chung, tuổi tác vừa lứa, hai bà thân thiết nhau lắm. Vậy mà, phút chốc tình thân lại bị phủ nhòa… Cái nghèo nào cũng dễ khiến bi kịch nảy sinh.
51 tuổi, bà Rượu đi làm nhân viên dọn dẹp cho một nhà hàng trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP HCM. 47 tuổi, bà Bích cùng làm việc chung nhà hàng với bà Rượu.
Chiều cuối tuần, khách đến nhà hàng đông nườm nượp. Chủ nhà hàng thương nên cho phép nhân viên quán được bán những vỏ lon bia khách đã uống xong nhằm kiếm thêm thu nhập. Thấy số lượng vỏ bia nhiều, độ hơn 200 lon, bà Rượu muốn giành hết về phía mình, bà Bích cũng muốn bà là người duy nhất sở hữu số vỏ lon bia. Bán hết toàn bộ vỏ lon chắc được chừng 70.000 đồng.
Sau hồi tranh cãi, cả hai bà lao vào nhau, tay nắm tóc, miệng buông lời hằn học. Được mọi người can ngăn, hai bà tạm thời “đình chiến”. Tiếc là, vẫn chưa thôi hẳn. Bà Rượu cầu cứu chị gái là bà Đặng Kim Cúc, cùng cháu trai là Đặng Nguyễn Tuấn Thanh (con bà Cúc). Trong khi đó, phía bà Bích gọi cho con gái Nguyễn Thị Bích Trâm, con rể Mai Hữu Sang, em ruột Nguyễn Thị Bích Loan và em rể Nguyễn Văn Thành.
Vài phút sau, người thân của hai bà đến nơi. Gặp người thân, ai cũng tranh phần kể tội nhau. Ông Thành hỏi bà Bích: “ Sao vậy chị? Nó có đánh chị chưa? Sao chị hiền để nó ăn hiếp hoài vậy?”. Bà Bích chưa kịp trả lời thì phía bên kia, chị gái của bà Rượu là bà Cúc đã dùng nón bảo hiểm tấn công ông Thành, ông Thành đánh lại. Bà Bích cũng nhào vào, hỗn chiến với bà Rượu.
Thấy mẹ bị ông Thành đánh trả, Thanh liền chạy đến định can thiệp thì bị anh Sang dùng ly đánh vào đầu nhưng do còn đội mũ bảo hiểm nên không gây thương tích. Tức giận, Thanh chụp lấy con dao ở gánh hàng rong gần đó đâm vào phần cổ bên phải của anh Sang. Khi anh Sang bỏ chạy, Thanh đuổi theo nhưng không kịp nên quay sang đâm ông Thành nhiều nhát vào người.
Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương quá nặng, anh Sang đã tử vong tại bệnh viện Sài Gòn lúc 20h cùng ngày. Riêng ông Thành chỉ mang thương tật 6%. Có máu đổ, như người say bất ngờ choàng tỉnh, tất cả đều dừng tay, mếu máo khóc gọi nhau cầu cứu ới ời… Vậy đó, phút chốc mà mọi chuyện trở nên nghiêm trọng ngoài dự liệu của mọi người.
Cuối tháng 5, TAND TP HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ loạn đả này. Ngồi dự, hỏi chuyện người thân các bị cáo, mới thấy hết nỗi ngậm ngùi lẫn những tình tiết vô cùng bất ngờ.
Sau lúc gây án, Thanh bỏ chạy trối chết. Thanh khai tại Tòa, Thanh ở ké nhà người bạn để tránh sự truy đuổi của lực lượng điều tra. Lúc này, Thanh nhớ đến cô người yêu, Thanh gọi cho cô, tâm sự mọi chuyện. Cô người yêu bảo: “Chuyện nhỡ xảy ra rồi, anh đi đầu thú đi”.
Thanh nói: “Không, anh không đầu thú đâu. Anh đi tù, em ở ngoài này lấy chồng thì anh còn niềm hy vọng gì để sống”. Cô người yêu trả lời: “Nghe em nói, em chỉ yêu thương mình anh thôi. Nếu anh không tin, thì em sẽ xin phép ba mẹ cho mình kết hôn. Nhưng sau ngày kết hôn, anh bắt buộc phải đầu thú”.
Đám cưới diễn ra trong vòng bí mật, chỉ có gia đình của hai bên, không họ hàng, không quan khách… Sáng hôm sau, gia đình đưa Thanh đến cơ quan công an đầu thú. Mẹ vợ Thanh trấn an con rể mới: “Con cố gắng cải tạo tốt để còn về với vợ. Ba má ngoài này, sẽ “canh chừng” vợ giúp con”. Họ tin Thanh, họ tin vào tính tình hiền lành, họ tin cả chuyện Thanh gây án là do bộc phát.
Hôm ra tòa, Thanh đứng đầu hàng bên này, mẹ Thanh đứng đầu hàng bên kia. Cứ vài phút một lần, hai mẹ con lại cùng hướng ánh nhìn về phía nhau, ánh nhìn buồn buồn. Thanh khai: “Hôm đó, bị cáo đang ngủ thì nhận được điện thoại của mẹ bảo đang bị người khác hành hung. Lo lắng, bị cáo liền điều khiển xe đến nhà hàng Hương Xưa. Vừa vào đến cổng đã thấy mẹ cùng hai dì đánh nhau. Không một chút suy nghĩ, bị cáo liền xông vào trợ giúp. Nhưng, bị cáo cũng không ngờ hậu quả lại nặng nề như vậy”.
Video đang HOT
Còn mẹ Thanh thì thừa nhận vừa nghe em gái gọi điện thoại nói là bị người khác đánh, bị cáo ức quá nên gọi cho con trai về để hai mẹ con cùng đến xem dì Rượu thằng Thanh có sao không. “Đến nơi, thấy em gái đứng bên cạnh đông người, tự nhiên bị cáo cảm nhận được cảm giác uất ức mà em gái bị cáo đang nhận lãnh. Vậy là, bị cáo không còn kịp suy nghĩ gì”, bà khai.
Ngừng lại một chút, mẹ Thanh nói thêm, sau khi vụ việc xảy ra, bà hối hận vô cùng. Nhiều đêm liền bà không ngủ được, nghĩ ra hàng vạn cách giải quyết khác nhau, cách nào cũng hợp tình hợp lý. Thế nhưng, không hiểu vì sao lúc đó bà lại chọn cách tiêu cực nhất. “Giá mà bị cáo tỉnh táo hơn, thì ngày nay, hai mẹ con của bị cáo đâu phải lâm vào bi kịch này”, bà nói.
Chắc cảm giác này không chỉ xảy ra ở bản thân mẹ của Thanh, tức bà Cúc. Rất nhiều người ra tòa, đều có chung cảm giác ấy. Một cảm giác nuối tiếc đan xen với hối hận.
Hai mẹ con Thanh bị dân giải sau phiên tòa.
Trong vụ việc của Thanh, còn có một nạn nhân khác. Nạn nhân hoàn toàn không liên quan đến toàn bộ vụ việc này, nhưng nỗi đau bà đang vướng phải ấy lại là nỗi đau không hồi kết. Bà chính là mẹ của người bị Thanh sát hại, mẹ của anh Mai Hữu Sang.
Bà kể với rằng, năm 1989 cả gia đình bà dắt díu nhau từ tỉnh Tây Ninh về Sài Gòn sinh sống, đi để trốn nghèo. Ở Sài Gòn, bà đi phụ việc nhà cho người ta. Còn chồng bà làm mướn, ai thuê gì làm nấy. “Ngày ba thằng Sang mất, nó vừa hơn 10 tuổi. Thằng út em nó, mới lên 5″. Bà khóc.
Sang cùng cậu anh trai xin mẹ cho nghỉ học để lăn vào cuộc mưu sinh kiếm tiền lo cho gia đình. Sang đi phụ quán cà phê, bưng bê quán ăn…. Tích cóp nhiều năm, Sang xin mẹ cho được đi học lái xe ôtô với ý định khi có bằng lái sẽ xin vào một hãng taxi làm tài xế. Mọi việc diễn ra suôn sẻ theo đúng dự tính của Sang. Sang làm tài xế taxi, thu nhập trung bình mỗi ngày được chừng 300.000 đồng, anh xài độ 100.000, còn lại đưa cho mẹ. Cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn.
Một ngày, Sang về thưa với bà rằng có người thương rồi. “Không cần cưới hỏi linh đình đâu, vì nhà mình đâu có tiền, mà nhà cô ấy cũng nghèo nữa. Mình chỉ cần làm mâm cơm tươm tất, hai bên gia đình gặp mặt nhau là được thôi má” bà kê lại lời con và cho biêt sau đó đã đông ý đê Sang thành con rể của bà Bích từ đó.
Hai vợ chồng anh thuê nhà ở riêng. Mặc dầu vậy, ngày nào anh cũng tranh thủ ghé sang nơi ở của mẹ để biếu mẹ ít tiền chi tiêu mỗi ngày. Trước khi tham gia vào trận ẩu đả rồi thiệt mạng, anh có thông báo với bà, vợ anh đã có thai. “Má yên tâm nha. Đợt này, má sắp có cháu nội rồi”, anh hồ hởi. “Vậy mà, cháu nội tui không được thấy mặt cha. Thằng Sang không có cơ hội ẵm bồng con nó chú ơi”, nước mắt bà giàn giụa.
Anh Sang mất, bà và gia đình sui gia chạy vạy mãi mới mượn được độ 40 triệu đông để làm ma chay. Trong đó, có một khoản tiền mà bà chủ nhà trọ nơi bà đang cư ngụ thương tình nên coi như là tiền đi viếng đám tang trước. 40 triệu đó, cho đến nay chưa trả được đồng nào…
Sau khi xem xét các tình tiết, tòa tuyên phạt Thanh 20 năm tù về tội Giết người. Liên quan vụ án, bà Cúc lãnh mức án lãnh môt năm 2 tháng 7 ngày tù (bằng thời gian tạm giam). Bà Bích, bà Rượu cùng lãnh 10 tháng tù; Loan lãnh 1 năm tù treo về tội Gây rối trật tự công cộng.
Ai cũng thương cô gái chấp nhận làm vợ Thanh, vợ chông chưa kịp bén hơi nhau thì đã phải 20 năm đằng đẵng chờ đợi.
Theo VNE
Hai mẹ con cùng vào tù vì... mấy vỏ lon bia
Là hàng xóm, lại làm chung trong một nhà hàng, đáng nhẽ, hai người phụ nữ phải cùng giúp đỡ nhau.
Thế nhưng, chỉ vì một gánh ve chai bán kiếm thêm tiền, họ xích mích, gây gổ rồi kéo thêm bè phái dằn mặt đối phương. Kết cục, một người tử vong, hai mẹ con gây ra chuyện đau lòng phải đứng trước vành móng ngựa với bản án nghiêm khắc.
Gánh ve chai đổi mạng người
Đứng trước vành móng ngựa khán phòng C của TAND TP.HCM hôm ấy là 4 bị cáo, trong đó, có hai mẹ con Đặng Kim Cúc (SN 1958) và Đặng Nguyễn Tuấn Thanh (SN 1991, cùng ngụ tại phường An Khánh, quận 2, TP.HCM).
Đặng Kim Cúc cúi mặt xuống đất, hai tay vân vê tà áo thuật lại sự việc mà khóe mắt đong đầy nước. Nguyễn Thị Hồng Bích (47 tuổi) và Đặng Kim Rượu (51 tuổi, em gái của bà Cúc) là hàng xóm thân nhau từ thời thơ ấu. Do cả hai gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn nên họ khá thân thiết. Lớn lên, gia đình lại khó khăn, cả hai rủ nhau vào làm trong nhà hàng Hương Xưa (quận 1, TP.HCM). Cùng san sẻ vui buồn sướng khổ, tình cảm chị em ngày càng khăng khít. Thế nhưng, mối thân tình đó ngày càng bị phai nhòa chỉ vì những vướng mắc nhỏ nhặt.
Mẹ con Cúc bị dẫn giải sau phiên tòa.
Sau mỗi buổi tối, quán đóng cửa, Rượu và Bích thường thu gom vỏ lon bia, nước ngọt để bán kiếm thêm tiền. Số tiền lời từ đống ve chai chỉ khoảng vài chục nghìn, nhưng đối với những người dân lao động thì đó là số tiền lớn. Cũng vì ảnh hưởng đến lợi ích, nên những cuộc xích mích giữa hai người hàng xóm thân thiết dần dần xuất hiện. Khoảng 5h chiều 03/12/2011, vì giành quyền bán đống lon bia, nước ngọt trị giá 70 nghìn đồng, hai người đã xảy ra cự cãi. Không ai chịu thua ai, họ lớn tiếng chửi mắng nhau. Sau một hồi đấu "võ miệng", hai người phụ nữ xông vào nhau "thượng cẳng tay hạ cẳng chân". Thấy cuộc hỗn chiến ngày càng nghiêm trọng, những người làm cùng liền đến can ngăn. Hai người phụ nữ hậm hực ngừng "chiến". Tưởng rằng mâu thuẫn như thế đã được giải quyết, nhưng không thể ngờ... cơn tức giận vẫn không nguôi, Rượu và Bích liền gọi thêm tiếp viện đến "dằn mặt" đối phương.
Rượu gọi mẹ con chị gái là Cúc và Thanh, còn Bích cầu viện vợ chồng em gái là Nguyễn Thị Bích Loan, Nguyễn Văn Thành và vợ chồng con gái là Nguyễn Thị Bích Trâm (27 tuổi), Mai Hữu S. (29 tuổi). Vừa đến nơi, ông Thành liền hỏi: "Sao chị cứ để cái bà già đó ăn hiếp hoài, chị để đó em". Câu nói chưa kịp dứt cũng là lúc bà Cúc cầm nón bảo hiểm xông đến đánh tơi tả. Người đàn ông bị đánh, đau đớn vội dùng tay chống cự, nhưng da thịt làm sao chọi nổi vật thô cứng. Những vết bầm tím cứ thế tăng dần trên thân thể. Cùng lúc này, bà Bích cũng xông vào đánh nhau với bà Rượu, còn bà Cúc hỗn chiến với bà Loan.
Thanh vừa chạy xe đến nơi, thấy mẹ bị đánh, không kìm nổi cơn giận liền xông vào định bênh, nhưng, lúc này, anh S. phát hiện, lấy một cái ly thủy tinh đập vào đầu của Thanh. Do Thanh đang đội mũ bảo hiểm nên không bị thương tích gì. Nóng máu, Thanh quay ngược trở lại, lấy một con dao ở gánh hàng rong gần đó lao tới đâm vào người anh S.. Đau đớn, anh S. bỏ chạy, Thanh đuổi theo nhưng không kịp. Thấy ông Thành đứng gần đó, đang say máu, Thanh liền chuyển sang rượt đuổi và đâm ông Thành. Mặc dù được mọi người đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, anh S. đã qua đời, còn ông Thành bị thương tích 6%. Sau một thời gian lẩn trốn, đến 8/3/2012, được sự động viên của gia đình, Thanh và bà Cúc đến cơ quan công an đầu thú.
Nỗi đau đến khi nào vơi?
Đứng trước vành móng ngựa, Thanh thừa nhận hành vi mình đã gây ra không một lời chối cãi. Thanh cho biết, hôm vụ án xảy ra, gã đang ngái ngủ thì nhận được điện thoại của mẹ bảo đến nhà hàng Hương Xưa. Chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo, khi vừa đến cổng, thấy mẹ bị đánh, thương mẹ, gã liền xông vào dùng dao đâm đối phương. "Bị cáo chỉ dùng dao với ý định đâm hù chứ không ngờ hậu quả nghiêm trọng đến vậy", gã lí nhí. Đứng bên cạnh, bà Cúc nước mắt lưng tròng: "Chỉ vì bị cáo không suy nghĩ kĩ. Nghe em gái bị đánh, lo lắng gọi điện cho con trai. Không ngờ đã gây ra cái chết cho nạn nhân khiến cả hai mẹ con rơi vào vòng lao lý".
Giờ nghị án, ba bị cáo rời khỏi vành móng ngựa, Cúc liền đến bên đứa con trai tội lỗi. Thị đưa tay lau vội dòng nước mắt rồi hỏi về sức khỏe của con trai. Trong khi đó, Thanh chỉ biết ôm đầu không nói gì. Người phụ nữ bần thần cho biết, mình sinh được ba người con, nhưng tất cả đều cùng mẹ khác cha. Trong đó, Thanh là con trai thứ hai trong gia đình.
Bị cáo Cúc kéo thời gian trở về quá khứ. Khi biết chắc chắn anh S. đã qua đời, Thanh bỏ trốn, bị cáo đã đi khắp nơi tìm khuyên con ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Gia đình không có tiền, chỉ có chiếc xe gắn máy đáng giá, thị cũng đem bán rồi vay mượn khắp nơi được hơn 30 triệu đồng để đưa qua thắp nhang, xin lỗi gia đình bị hại.
Cùng khoảng thời gian này, Thanh lên mạng làm quen với một người bạn học cũ. Hai người nói chuyện, tâm sự, để rồi trái tim hòa cùng nhịp. Họ yêu nhau từ lúc nào không hay. Một khoảng thời gian sau, không muốn che giấu người yêu, gã kể lại mọi chuyện và cho biết, mình đang trốn truy nã. Người con gái chết lặng. Sau một hồi suy nghĩ cô này đã khuyên người yêu ra đầu thú. Tuy nhiên, do sợ nếu mình vào tù thì người tình sẽ bỏ rơi, đi theo người đàn ông khác nên Thanh không đồng ý. Người con gái giấu mọi chuyện với gia đình và cử hành hôn lễ vào ngày 7/3/2012. Chỉ sau một ngày, Thanh kể mọi chuyện cho cha mẹ vợ. Ông bà nhạc cũng khuyên đứa con rể ra đầu thú, đồng thời để tạo niềm tin cho Thanh, hai người còn hứa sẽ chăm sóc con gái cho đến khi gã ra tù. Tin tưởng, gã bước từng bước nặng nề đến cơ quan công an, để lại nỗi đau lớn cho người vợ mới cưới chưa kịp hưởng hạnh phúc.
Năm bị cáo trong phiên tòa.
Đau thương
Ngồi ở hành lang, mẹ anh S. buồn rầu cho biết, gia đình trước đây ở Tây Ninh, do khó khăn, cách đây hơn 20 năm cuốn gói về Sài Gòn đi ở đợ. Số tiền kiếm được không nhiều nhưng vẫn có thể lay lắt nuôi hai đứa con thơ. Khoảng thời gian ở đây, bà sinh thêm được một đứa con trai nữa. Khi đứa con út vừa tròn năm tuổi, chồng bà qua đời, gánh nặng cơm áo gạo tiền rơi xuống vai của người phụ nữ yếu ớt. Cũng chính vì thế, cả ba đứa con của bà đều không lấy nổi bằng tốt nghiệp cấp 1.
Lớn lên, anh S. làm nhân viên bán cà phê thuê. Nghe mọi người bảo, làm tài xế kiếm được nhiều tiền, anh lên kế hoạch tiết kiệm để đi học bằng lái xe. Thời gian trôi qua, anh tích cóp được một số vốn nên đi học bằng lái rồi xin vào làm tài xế cho một hãng taxi. Mỗi ngày, anh kiếm được vài trăm nghìn đồng. Trừ chi phí ăn uống, số tiền còn lại anh đưa về cho mẹ trả nợ. Trong khoảng thời gian này, anh gặp người con gái làm nghề chế biến thức uống trong một quán bar. Sau một vài lần nói chuyện, tình cảm lớn dần, hai người chuyển về sống chung nhưng không đăng ký kết hôn. Mẹ anh S. vui mừng khi hay tin con dâu có thai. Niềm vui chưa trọn vẹn thì cũng chính tai bà nhận tin buồn anh S. bị đâm chết.
Ngày anh S. ra đi, vợ mang thai 6 tháng, gia đình không có một nghìn đồng tiết kiệm nào. Chủ nhà biết hoàn cảnh khó khăn nên dúi vào tay mẹ anh S. một số tiền: "Bà bớt đau buồn, cầm lấy số tiền này để chôn cất nó cho đàng hoàng". Nhà trọ nhỏ, bà chủ thậm chí còn đập tường để đưa di hài vào bên trong. Đến bây giờ, mẹ anh S. vẫn đang ở trong ngôi nhà trọ đó, số tiền nợ chưa trả được đồng nào. Mắt bà nhoà đi khi nhắc đến đứa cháu nội chỉ mới tròn một năm: "Hàng đêm, tôi thường gác tay lên trán nghĩ suy về đứa cháu nội mới tròn một tuổi không biết sau này cuộc đời nó sẽ ra sao?".
Nếu biết kiềm chế, bi kịch đã không xảy ra
Xem xét tất cả các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thanh 20 năm tù về tội giết người. Liên quan đến vụ án, tòa còn tuyên bị cáo Cúc 1 năm 2 tháng 7 ngày tù (bằng thời gian tạm giam), Nguyễn Thị Bích Loan (SN 1971, ngụ quận 1) bị tuyên 1 năm tù treo, Nguyễn Thị Hồng Bích (SN 1966, ngụ quận 1) và Đặng Thị Kim Rượu (SN 1962, ngụ quận 2) cùng nhận 10 năm tù cùng về tội Gây rối trật tự công cộng. Giữa trưa nắng nóng, bóng mẹ con Thanh lan dài giữa sân tòa theo chân công an viên giải về trại giam chờ ngày thi hành án khiến nhiều người cảm thấy nhói lòng tự đặt câu hỏi: "Phải chăng trước đây mẹ con Thanh biết kiềm chế và có cách hành xử tốt hơn thì mọi chuyện đã không ra nông nỗi thế này".
Theo vietbao
Những người phụ nữ không có 8/3 Ngày 8/3 được mặc định là ngày giành cho nữ giới. Ngày ấy, phái đẹp được tặng hoa tặng quà và những lời có cánh. Nhưng đâu đây trong đời sống này vẫn có những người phụ nữ khi được hỏi tới chỉ biết lặng lẽ lắc đầu. Với họ, 8/3 không có ý nghĩa gì cả, thậm chí có người, đó lại...