Hai em bé bị ngộ độc thuốc an thần
Nhập viện trong tình trạng lơ mơ, một bệnh nhi ở Lâm Đồng và một ngụ TP HCM được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 xác định nguyên nhân do thuốc an thần.
Hình mang tính minh họa.
Bệnh nhi 40 tháng, đến bệnh viện giữa tháng 8 với các biểu hiện: nôn ói, quấy khóc nhiều, ngồi không vững. Nghi ngờ bé bị ngộ độc, các bác sĩ đã súc ruột và cấp cứu tích cực.
Kiểm tra dịch nôn và dịch trong dạ dày, các bác sĩ xác nhận nguyên nhân gây ngộ độc là do thuốc an thần. Người nhà cho biết, ông của bé có dùng thuốc Carbamazepine. Vài giờ trước khi bé nhập viện, ông phát hiện thuốc của mình bị rơi mất một viên.
Vài ngày sau, một bệnh nhi 33 tháng cũng đến bệnh viện trong tình trạng li bì, người nhà lay gọi không được. Tại Lâm Đồng, bé hôn mê sâu nên các bác sĩ cho chuyển viện. Chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, mẫu máu và nước tiểu của bé sau xét nghiệm cho thấy đều dương tính với thuốc an thần.
Người nhà cho biết, mẹ bé đang điều trị động kinh với loại thuốc Phenolbarbital. Thấy có bịch thuốc để trên giường nên em tự lấy uống.
Sau hơn hai tuần điều trị, hiện sức khỏe của các bé đã ổn định và được các bác sĩ cho xuất viện. Qua 2 trường hợp trên, các bác sĩ lưu ý các bậc phụ huynh về việc lưu giữ thuốc và chăm sóc trẻ.
Video đang HOT
Thuốc phải để xa khỏi tầm với của trẻ, chứa thuốc trong các lọ có nắp đậy kín. Khi trẻ uống nhầm thuốc hoặc có các biểu hiện bất thường, phải nhanh chóng mang bé đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời và theo dõi sau đó.
Theo VNE
"Đừng để quy định là liều thuốc an thần cho người tiêu dùng"
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2012/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, không ít người vẫn "lo ngay ngáy", vì hàng ngày, hàng giờ họ bị qua mặt. Chế tài đã đủ, nhưng việc thực hiện xem ra vẫn còn là câu chuyện dài chưa có hồi kết.
Người tiêu dùng vẫn bị "qua mặt"?
Theo Nghị định 19, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa là 70 triệu đồng. Mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng áp dụng đối với các hành vi: Sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo và không được người tiêu dùng đồng ý chuyển giao thông tin cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nghị định 19 được dư luận ủng hộ và đánh giá cao về tính kịp thời cũng như sự quyết liệt của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, người tiêu dùng vẫn phải "ngậm đắng nuốt cay" vì bị "qua mặt". Vấn đề thực phẩm bẩn, hàng hóa kém chất lượng tràn lan trên thị trường đang đe doạ trực tiếp đến quyền lợi, sức khoẻ người dân. Điển hình là vụ việc thịt siêu nạc có chứa chất kích thích đang gây hoang mang dư luận.
Ảnh minh họa
Không chỉ bị "thiệt đơn thiệt kép" khi phải sử dụng hàng hoá kém chất lượng, người dân còn "kêu như vạc" về việc thông tin cá nhân bị rao bán, hay bị các nhà mạng "tra tấn" bằng việc gửi tin nhắn rác... Chị Minh Ánh (Thanh Xuân - Hà Nội) bức xúc kể lại câu chuyện bị nhân viên bán bảo hiểm làm phiền cả tháng. Hôm đó, chị đang đi làm thì bỗng dưng nhận được điện thoại của một người tên Hương, giới thiệu là nhân viên bán bảo hiểm. Chưa hết bất ngờ vì nhận được điện thoại từ một người chẳng quen biết, chị lại "giật thon thót" khi cô ta biết tỷ mỉ hoàn cảnh mình. Từ chuyện nhà chị có hai con nhỏ, đến làm cán bộ ngân hàng. Sau hồi vòng vo, Hương đã lộ rõ ý đồ, mời chào chị mua bảo hiểm nhân thọ cho hai cháu. Dù đã từ chối vì gia đình chưa có nhu cầu, nhưng cô nhân viên bảo hiểm nọ vẫn "bám dai như đỉa". Vậy là chị ánh "bỗng dưng bị hành" cả tháng.
Chị Ánh đem băn khoăn về việc vì sao nhân viên bảo hiểm lại biết số điện thoại, thông tin cá nhân của mình chia sẻ với đồng nghiệp thì được một bạn cùng cơ quan cho biết, họ cũng từng bị "hành" như vậy. Rất có khả năng chị đã bị người ta bán thông tin cá nhân. Suy đi tính lại, chị ánh mới sực nhớ ra, lần chị sinh con ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khi làm thủ tục chị đã khai báo đầy đủ thông tin cá nhân, số điện thoại cũng như gia cảnh gia đình tại đây. "Tôi nghĩ chắc chắn thông tin của mình đã bị kẻ xấu lợi dụng và bán nó cho cô nhân viên bán bảo hiểm. Tôi cảm thấy phiền phức khi bị làm phiền như vậy, cần có cơ chế xử phạt về việc này", chị Minh Ánh bức xúc.
Những trường hợp "bỗng dưng bị làm phiền" như chị ánh diễn ra nhan nhản hàng ngày, gây nhiều bức xúc cho "nạn nhân". Anh Quang Minh, hiện đang làm giám đốc một doanh nghiệp tư nhân chia sẻ, mỗi ngày anh bị rất nhiều nhân viên kinh doanh, tiếp thị gọi điện mời chào, có ngày lên đến hàng chục cuộc. "Tôi thấy rất khó chịu khi bị làm phiền như vậy. Nhiều khi đang làm việc với đối tác mà chuông điện thoại kêu liên tục, khi nghe thì mới biết đó là điện thoại của một cô nhân viên tiếp thị", anh Minh than thở. Chưa hết bực mình vì bị bán thông tin, anh Minh còn bị nhà mạng "hành" khi thường xuyên gửi đến những tin nhắn mời chào, quảng cáo vặt.
Qua tìm hiểu của PV, việc rao bán thông tin trên mạng không còn là chuyện lạ, thậm chí có nhiều người đang "phát tài" bằng "nghề" này. Điều đáng nói là bản thân người bán, nhiều khi không biết việc mình làm là vi phạm pháp luật.
Xử lý như "muối bỏ bể"
Đem những thông tin trên liên lạc với Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch Hội cho rằng, thực tế chúng tôi cũng chưa nắm được đầy đủ thông tin về Nghị định lần này.
Khi PV thắc mắc, Hội với tư cách là đơn vị đại diện bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, sao lại không nắm bắt được thông tin? ông Hùng cho biết: "Chúng tôi cũng không nhận được văn bản nào về Nghị định từ phía đơn vị soạn thảo là Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương). Thông tin tôi biết được chủ yếu qua báo chí. Thực tế, trong quá trình xây dựng Nghị định, Hội cũng tham gia đóng góp ý kiến nhưng việc thêm bớt, sửa chữa để hoàn thiện, Hội gần như không nắm được. Tôi cũng thắc mắc với Cục nhưng nhận được trả lời rằng, do sơ ý nên sẽ rút kinh nghiệm những lần sau?". Trước sự "thờ ơ" này, không ít người đặt câu hỏi, với tư cách là cơ quan đầu mối tiếp nhận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đến văn bản chỉ đạo họ còn chẳng nhận được nói gì đến chuyện "bênh vực" khách hàng?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam
Liên quan đến những quy chế xử phạt trong Nghị định này, ông Hùng cho rằng, thực tế trong quá trình hoạt động chúng tôi chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến việc "rao bán" thông tin cá nhân của người tiêu dùng cho bên thứ 3. Những lĩnh vực chủ yếu liên quan đến hàng hóa, dịch vụ, an toàn thực phẩm, quảng cáo không đúng sự thật... có thể họ rơi vào hoàn cảnh đó nhưng do chưa thấy được "hậu quả" hay ảnh hưởng về sau nên họ không mấy quan tâm. Không nhận được khiếu nại từ thân chủ, chúng tôi có muốn cũng "lực bất tòng tâm". Những khiếu nại Hội nhận được cũng chỉ rất nhỏ so với thực tế đang diễn ra hiện nay.
Ở nước Pháp, dân số cũng tương đương chúng ta nhưng một năm họ giải quyết hàng chục vạn vụ khiếu nại. Trong khi đó, ở nước ta theo thống kê năm nhiều nhất cũng chỉ chưa đến một nghìn vụ. Điều đó không phải chúng ta làm tốt đến mức không để xảy ra khiếu nại mà do người tiêu dùng chưa biết cách "gõ cửa" Hội để "cầu cứu".
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, việc phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông tin cá nhân không phù hợp với mục đích đã thông báo và không được người tiêu dùng đồng ý chuyển giao thông tin trái phép là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định việc phạt như thế liệu có thực hiện được không, có tìm được ra địa chỉ để phạt không mới là điều quan trọng. Thực tế, ngay những công ty quảng cáo bán hàng lừa đảo cũng là địa chỉ ma, cơ quan chức năng rất khó tìm ra. Bởi, nếu có ý đồ gian dối, chúng thừa thông minh để "ẩn nấp", tránh các cơ quan chức năng "sờ gáy".
Thêm vào đó, với những lợi nhuận "kếch xù" từ việc làm ăn bất chính đem lại thì việc xử phạt 70 triệu hay 100 triệu đồng cũng chẳng phải là gì to tát. Điển hình là hàng loạt các công ty gas "xé rào" tăng giá thời gian vừa rồi gây rất nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng nhưng thực tế xử phạt chỉ như "rung cây dọa khỉ", họ vẫn "chứng nào tật nấy". Chức năng của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chỉ trên cơ sở đơn khiếu nại đứng ra bênh vực chứ không thể đi thẩm tra, xác minh hay xử lý vi phạm. Đó là thẩm quyền của các cơ quan pháp luật như: Cục Quản lý Cạnh tranh, Cục Quản lý Thị trường...
Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Phương Nam, phó cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) từng thừa nhận, dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ lâu nhưng họ vẫn không mạnh dạn tố giác các tổ chức, cá nhân vi phạm với cơ quan quản lý. Trong năm 2011, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cả nước tham gia giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất khoảng 2.000 vụ, qua các Sở Công thương khoảng 400 vụ. Số lượng vụ việc khiếu nại quá ít này chưa phản ánh đúng thực tế thị trường hiện nay.
Liệu có tránh được tình trạng rơi vào... ngõ cụt Luật sư Bùi Đình Ứng, trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình ứng cho biết, quy định là thế, tuy nhiên thực tế việc phát hiện, xử phạt không phải dễ dàng. Việc rao bán thông tin cá nhân trên mạng, nghe thì dễ nhưng để "truy tìm" nguồn gốc của kẻ rao bán cần rất nhiều thời gian, nhiều ngành cùng tham gia. Vậy đơn vị nào đứng ra giám sát, điều tra, cơ quan nào sẽ xử lý? đó là điều quan trọng nhất. Nghị định ban hành là rất cần thiết, nhưng tránh để tình trạng lại rơi vào "ngõ cụt" như việc xử lý hút thuốc lá nơi công cộng, xử lý mũ bảo hiểm rởm...
Theo Người lao động
Nghẹt thở màn chặn bắt đường dây săn bắt, giết mổ động vật hoang dã Các phương án chặn bắt đối tượng mua bán, vận chuyển ĐVHD trên ô tô, xe máy, thậm chí đuổi bắt bộ theo đường mòn đều được trinh sát PCTP về môi trường Công an Hà Nội và Công an tỉnh Lạng Sơn sẵn sàng. Tổng số sản phẩm động vật Trường mua bán, xẻ thịt khoảng 80kg Chân dung "ông trùm" Người...