Hải Dương: Nóng bỏng cuộc chiến chống cát tặc
Không hề ngoa ngôn khi dùng từ “cuộc chiến” để nói tới việc hơn 500 người dân thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đứng dọc bờ đê sông Luộc chuẩn bị đối đầu với cát tặc. Có tàu cát tặc đã bị đốt, bị chìm, có người đã bị chết, dao kiếm cũng đã được cát tặc sử dụng để “đấu” với cuốc, gậy của người dân.
Hàng trăm người dân bao vây, bảo vệ hiện trường vụ chìm tàu
Ngày 29.11, PV Lao Động có mặt tại bờ đê sông Luộc thuộc địa bàn thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ chứng kiến không khí “ nóng hừng hực” tại đây. Hơn 500 người dân có cả người già, người trẻ, thanh niên, phụ nữ, có người cầm cả cuốc, xẻng, liềm đang đứng dọc tuyến đê này sẵn sàng “chiến đấu” với phía bên kia là hàng chục thanh niên đứng ngồi lố nhố quanh những chiếc thuyền sắt đậu giữa sông. Nhiều đống rơm, rạ lớn đã được người dân chuẩn bị, sẵn sàng đốt lên khi cát tặc hành động. Gần 20 cán bộ, chiến sĩ công an của huyện Tứ Kỳ, xã Hà Thanh bất lực trong việc giải thích, đề nghị người dân giải tán. Cách bờ bãi khoảng 10m là hiện trường một vụ chìm tàu diễn ra hồi 3h ngày 27.11. Phía chủ tàu cho rằng con tàu này chưa kịp hút cát, vừa neo đậu thì bị hàng chục người quá khích đi trên 4 thuyền nan mang theo đao, kiếm, tuýt sắt… bủa vây, phóng hỏa sau đó nhấm chìm tàu xuống sông. Một thuyền viên trên tàu đã bị đánh trọng thương, nhập viện Hải Phòng cấp cứu ngay trong sáng cùng ngày.
Người dân thôn Tri Lễ thì khẳng định con tàu cát tặc này cùng 2 tàu khác tiến sát bờ hút đầy cát, khi bị người dân phát hiện, gõ kẻng, đốt đuốc lao ra ngăn chặn, những chiếc tàu hút cát này tháo chạy nhưng do hút quá nhiều cát bị sóng xô vào và chìm xuống đáy sông. Tại hiện trường, PV không thấy dấu hiệu nào của con tàu bị chìm. Chị Trần Thị Lâm ở thôn Tri Lễ cho biết: Con sông này đã bị hút cát quá nhiều nên sâu lắm. Thời điểm này nước cạn nhưng con tàu cao khoảng 7m vẫn không thấy tăm hơi.
Sáng 27.11, khi Công an huyện Tứ Kỳ tới hiện trường lập biên bản và triển khai phương án trục vớt theo đề nghị của chủ tàu thì gặp sự phản ứng của người dân, yêu cầu bảo vệ hiện trường.Tới chiều tối ngày 29.11, các bên “tạm nghỉ”, lực lượng công an rút đi, các tàu cát tặc cũng nổ máy quay về thì người dân mới giải tán nhưng vẫn dựng lều, cắt cử người trông coi, giám sát.
Con tàu vừa bị chìm cách đây không lâu cũng đã bị đốt ngay tại đoạn sông chảy qua thôn Tri Lễ khi tiến hành hút cát trộm. Khoảng 22h30 ngày 11.11, chiếc tàu này bị người dân xông lên bắt quả tang, họ ép toàn bộ thuyền viên lên bờ rồi đốt tàu. Con tàu này sau hơn 1 tuần sửa chữa lại tiếp tục “làm nhiệm vụ” cát tặc, đến ngày 27.11 thì nó
bị chìm.
Video đang HOT
Cát tặc đánh chết người dân, vác kiếm đuổi cán bộ
Mở đầu câu chuyện với PV, ông Trần Văn Điền – Phó chủ tịch UBND xã Hà Thanh – kể lại câu chuyện ông cùng các cán bộ công an xã bị cát tặc vác dao, kiếm truy đuổi phải nhảy xuống sông. Đó là tháng 5.2010, khi nhận được thông tin từ người dân, ông Điền cùng 8 công an viên của xã đi nhờ thuyền nan của dân ra tiếp cận tàu cát tặc đang hút cát. Khi ông cùng 4 công an viên vừa lên tàu, thì bị những người trên tàu rút kiếm, dao chém. Hoảng hồn 4 công an viên vội nhảy xuống sông còn ông Điền nhảy xuống thuyền rồi cùng anh em vớt những người vừa nhảy xuống. Tàu cát tặc sau đó lừ lừ bỏ đi. Chẳng hiểu sao vụ việc đó bị chìm vào quên lãng?
Tham gia vào việc ngăn chặn cát tặc ngày 29.11 có ông Vũ Trọng Khoát, 74 tuổi, là ông của một thanh niên chết cách đây không lâu vì lao ra sông ngăn cát tặc. Ngày 16.8.2011, nhận được tin cát tặc đang hút cát ở sát bờ bãi thôn mình, khoảng 10 thanh niên đi thuyền nan xông ra ngăn chặn và hai bên xảy ra va chạm khiến anh Vũ Văn Trường, 39 tuổi ở thôn Tri Lễ rơi xuống sông.
Sau đó, tàu cát tặc quay đầu bỏ chạy, chân vịt quẹt vào người anh Trường khiến anh tử vong tại chỗ. Chị Vũ Thị Thơm người cùng thôn ngao ngán: Sau vụ việc trên, những tên cát tặc bị bắt, đưa ra xét xử. Nhưng chỉ được 3 tháng chúng lại quay lại, lộng hành hơn trước và kéo dài suốt từ đó đến nay.
“Cát tặc hút sạch ruộng vườn của chúng tôi”
Tại sao người dân thôn Tri Lễ lại có hành động quyết liệt đến vậy với cát tặc? Theo ông Trần Văn Điền – Phó chủ tịch UBND xã Hà Thanh: Sông Luộc chảy qua địa bàn xã Hà Thanh dài 15,4km. Người dân thôn Tri Lễ phần nhiều sản xuất ở phía ngoài đê vốn là đất công điền của xã, giao cho người dân đấu thầu sử dụng. Tuy vậy, nhiều năm qua cát tặc thường xuyên lộng hành, khai thác bừa bãi khiến bến bồi này thành… bến lở.
Theo thống kê của UBND xã, từ năm 2007-2012, các thôn này mất 3,1ha đất do tình trạng khai thác cát bừa bãi của cát tặc. Tình trạng lở đất, mất đất khiến Bộ NNPTNT đã phải triển khai một dự án di dân ra khỏi vùng đất lở đang triển khai tại xã Hà Thanh.
Dọc bờ đê thôn Tri Lễ bị xói lở nham nhở, có thể thụt xuống bất cứ lúc nào và đã có nhiều tai nạn xảy ra do sạt lở.
Bất bình trước nạn cát tặc, người dân nơi đây đã viết đơn kiện khắp nơi. Chính quyền huyện, tỉnh chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về bắt cát tặc. Tuy vậy, như ông Phó chủ tịch UBND xã Hà Thanh khẳng định: Có đợt họ bắt phạt tới gần 20 tàu cát tặc nhưng chỉ mấy hôm sau số tàu cát tặc xuất hiện ở đây vẫn nhiều như cũ, thậm chí nhiều hơn. Quá thất vọng về hiệu quả công việc của những đoàn kiểm tra liên ngành, người dân đã tự chống cát tặc, mặc dù UBND tỉnh Hải Dương từ lâu đã có công văn chỉ đạo cấm triệt để việc khai thác cát trên triền sông Luộc.
Theo LAODONG
Ai tiếp tay cho "sa tặc"?
Thời gian gần đây, trên tuyến sông Tiền chạy qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp (dài trên 100 km), tình hình khai thác cát trái phép diễn ra vô cùng táo tợn.
Manh động hơn, có đối tượng khai thác cát lậu còn thuê xã hội đen đe dọa những người dân dám tố cáo và đứng ra làm chứng.
Lộng hành, thách thức...
Chỉ riêng tại địa phận H.Hồng Ngự và TX.Hồng Ngự đã có hàng trăm phương tiện ngày đêm thi nhau bơm, hút cát trái phép. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều khu vực nhà dân trên bờ sông Tiền liên tục bị sạt lở. Theo các ngành chức năng, đến hết tháng 9.2012, toàn tỉnh Đồng Tháp chỉ còn 9 đơn vị, với khoảng 60 phương tiện được phép khai thác cát sông. Tuy nhiên, qua rà soát, số phương tiện khai thác cát trên sông Tiền thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp đã lên đến gần 200 trong đó có 10 sà lan trọng tải từ 100 - 450 tấn 50 ghe sắt từ 50 - 150 tấn, hàng trăm ghe gỗ từ 15 - 80 tấn... thi nhau hoạt động liên tục, thách thức dư luận.
Các phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Tiền - Ảnh: Mai Trâm
Mới đây, tại cuộc họp khẩn về tình hình quản lý và khai thác cát trên địa bàn do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức, Chủ tịch UBND H.Hồng Ngự, cho biết từ đầu năm đến nay, huyện đã phát hiện, xử lý và tịch thu hàng chục phương tiện khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát lậu vẫn không giảm mà đang có chiều hướng gia tăng. Manh động hơn, có đối tượng còn thuê xã hội đen đe dọa những người dân dám tố cáo và đứng ra làm chứng... Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chỉ đạo Công an tỉnh tiến hành kiểm tra, xử lý triệt để các phương tiện khai thác cát lậu trên sông Tiền, sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp đồng thời yêu cầu nếu có cán bộ bao che thì phải kịp thời báo cáo để UBND tỉnh xử lý nghiêm.
Cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt đối với Nguyễn Văn Mươn (ảnh trên), Lương Công Thành (ảnh dưới) - Ảnh do Công an Đồng Tháp cung cấp
Kết quả, từ ngày 5 - 18.10, Công an tỉnh Đồng Tháp bắt giữ 13 phương tiện, với 30 đối tượng thực hiện hành vi khai thác cát sông trái phép tạm giữ nhiều phương tiện xáng cạp cùng các tang vật liên quan. Đáng chú ý là vào tối 18.10, lực lượng chức năng bắt quả tang 3 sà lan (có trọng tải 150 tấn) đang khai thác trái phép tại khu vực ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền (H.Hồng Ngự). Tại thời điểm kiểm tra, các phương tiện trên không xuất trình được giấy phép khai thác cát. Theo lời khai ban đầu của các chủ phương tiện, 3 sà lan trên khai thác cát theo hợp đồng với Công ty TNHH Ngự Bình (Công ty Ngự Bình có trụ sở tại H.Hồng Ngự). Mở rộng điều tra, ngày 24.10, Phòng PC46 Công an tỉnh Đồng Tháp đã bắt khẩn cấp 3 nghi phạm gồm: Dương Tấn Quốc (Giám đốc Công ty Ngự Bình), Phạm Văn Danh (nhân viên công ty) và Nguyễn Văn Mươn (Út Mươn) để làm rõ hành vi trốn thuế. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Quốc và Mươn (bổ sung tội danh) để điều tra về hành vi khai thác trái phép tài nguyên bắt khẩn cấp Phan Thanh Dân (Phó giám đốc Công ty Ngự Bình) và Lương Công Thành (kế toán trưởng công ty) để phục vụ công tác điều tra.
Dân tố có cán bộ tiếp tay
Ngày 11.11, PV Thanh Niên đã đến những điểm "nóng" về khai thác trái phép tại H.Hồng Ngự (Đồng Tháp). Theo phản ánh nhiều người dân sống tại xã Phú Thuận B và xã Long Thuận, lúc trước, không kể ngày đêm tại đây luôn có hàng chục sà lan trọng tải lớn đua nhau khai thác cát đến tận gần bờ (chỉ cách từ 5 - 6 m), bất chấp sự phản đối của người dân và chính quyền địa phương. Theo nhiều cán bộ hưu trí, cựu chiến binh tại H.Hồng Ngự, sở dĩ bọn "cát tặc" lộng hành trong thời gian qua là do có người đứng ra "tiếp tay", trong số đó có cả cán bộ lãnh đạo. Thậm chí, có lãnh đạo huyện còn là chủ xáng cạp, thường xuyên hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Tiền, đoạn qua xã Thường Phước 2 (H.Hồng Ngự).
Ngoài ra, theo ông L., chủ xáng cạp tại H.Hồng Ngự (Đồng Tháp), có cán bộ còn thông qua một số người có máu mặt để thao túng thị trường cát trên sông Tiền. "Hằng ngày, có người lái ca nô chạy dọc theo sông Tiền để nắm tình hình. Các doanh nghiệp, cá nhân muốn mua bán hay khai thác cát trên sông Tiền đều buộc phải thông qua những người này, nếu không muốn bị rắc rối trong việc làm ăn", ông L. khẳng định.
Làm rõ thông tin một Bí thư Huyện ủy có liên quan
Tại cuộc họp chiều 13.11, ông Nguyễn Văn Dương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT tiến hành rà soát lại toàn bộ các vị trí mỏ, thân cát đã cấp phép cho khai thác trên địa bàn đồng thời giao cho Công an tỉnh Đồng Tháp điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật hành vi khai thác cát trái phép ồ ạt.
Chiều cùng ngày, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành xác minh, làm rõ thông tin ông Nguyễn Hồng Lâm, Bí thư Huyện ủy Hồng Ngự, có liên quan đến việc khai thác cát trái phép.
Theo TNO
Khai thác cát, tàu chìm, thuyền viên bị tấn công Hôm (28/11), Công an huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương cho biết đang tiến hành điều tra làm rõ việc một tàu khai thác cát bị chìm trên sông Luộc. Trước đó vào lúc 3h sáng, ngày 27/11, trên sông Luộc, đoạn chạy qua địa bàn thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ (giáp ranh với huyện Vĩnh Bảo) đã xảy...