Hải Dương cơ bản chi trả hỗ trợ cho người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Dương, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tính đến ngày 26/5, tỉnh đã cơ bản chi trả hỗ trợ cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương tặng quà cho công nhân ở khu nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn ở thành phố Hải Dương. Ảnh minh họa: Mạnh Tú/TTXVN
Trước đó, tỉnh Hải Dương đã phê duyệt danh sách hỗ trợ của 12 huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần, người có công và xã hội với tổng số đối tượng hỗ trợ thuộc diện này là 161.717 người. Tổng kinh phí hỗ trợ là 199,3 tỷ đồng.
Đối với các nhóm đối tượng còn lại, tỉnh đang tiếp tục triển khai. Tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định về việc tạm cấp kinh phí cho các đơn vị thực hiện hỗ trợ. Các địa phương đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng làm thủ tục đề nghị hưởng hỗ trợ. Hiện đã có 3 địa phương nhận được hồ sơ và đang tiến hành thẩm định hồ sơ của 4 doanh nghiệp đề nghị chế độ hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Tuy nhiên, theo nắm bắt của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Dương, các địa phương đang vướng mắc trong việc thẩm định điều kiện doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương cho người lao động.
Về việc thực hiện chính sách đối với người sử dụng lao động và người lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đến nay cơ quan chức năng của tỉnh đã nhận hồ sơ và thông báo cho 1 doanh nghiệp được tạm dừng đóng từ tháng 5/2020 đến tháng 6/2020; hướng dẫn 38 doanh nghiệp có văn bản đề nghị giải quyết chế độ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Dương đã gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm giúp địa phương tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. Cụ thể như: cần có hướng dẫn cụ thể hơn về chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ không lương; chính sách hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và một số trường hợp đặc biệt khác…
Người dân Sơn La ấm lòng từ gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ
Số tiền nhận được tuy không lớn, song ai nấy rất vui và ấm lòng trước sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các cấp ngành, địa phương đã dành cho họ.
Video đang HOT
Các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 ở Sơn La những ngày này đang được nhận tiền hỗ trợ từ gói An sinh xã hội theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ. Số tiền nhận được tuy không lớn, song ai nấy rất vui và ấm lòng trước sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã dành cho họ.
Chi trả trợ cấp ảnh hưởng do dịch Covid-19 cho người dân xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, Sơn La.
Ông Hoàng Văn Thương, dân tộc Thái, trú ở bản Pá sang 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) là bệnh binh, năm nay 70 tuổi. Suốt mấy tháng qua, khoản trợ cấp ít ỏi hàng tháng của ông trở thành nguồn thu nhập chính trang trải cuộc sống và sinh hoạt của gia đình 5 khẩu, bởi vợ chồng con trai ông vốn chỉ đi làm thuê, mấy tháng giãn cách xã hội chẳng có việc làm và không có thu nhập, cháu thì đang đi học, còn vợ thì già yếu.
Mới đây, được nhận 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ của Chính phủ do huyện, xã về trao, ông thật sự rất xúc động: "Được Đảng, Chính phủ và Nhà nước quan tâm thế này, chúng tôi thật sự rất trân trọng, không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn rất nhiều".
Cùng với hộ ông Hoàng Văn Thương, tính đến ngày 20/5, đã có gần 2.000 người dân ở Mộc Châu được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Tất cả đều là các đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng. Hơn 7.000 hộ nghèo và cận nghèo của huyện hiện cũng đã được lập danh sách và đang đợi phê duyệt của tỉnh để chi trả.
Ông Nguyễn Quốc Hòa, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mộc Châu cho biết, quá trình triển khai, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để chi trả đảm bảo đúng đối tượng, cũng như tránh việc trục lợi từ chính sách.
"Huyện Mộc Châu đã thành lập 16 tổ công tác thuộc UBND huyện để hướng dẫn rà soát, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện ngay từ bước đầu trong quá trình rà soát đối tượng. Mộc Châu đã thành lập các tổ công tác của các xã, thị trấn rà soát đến từng thôn bản để đảm bảo đúng đối tượng. Các tổ công tác này cũng thực hiện giám sát ngay cả việc chi trả của cơ quan quản lý Nhà nước để đảm bảo không sai chính sách theo tinh thần Nghị quyết và không sai đối tượng".
Thống kê trong toàn tỉnh Sơn La, đến nay, các ngành, địa phương đã tổng hợp được 464.203 người thuộc 3 nhóm đối tượng: người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng và hộ nghèo, cận nghèo được hưởng trợ cấp theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. UBND tỉnh Sơn La cũng đã quyết định tạm ứng số tiền trên 300 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để thực hiện việc chi trả.
Theo ông Nguyễn Mạnh Du, Phó Giám đốc Sở lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La, đối với các nhóm đối tượng còn lại thuộc diện được hưởng trợ cấp theo tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ, bao gồm: người lao động tự do và các hộ kinh doanh cá thể, các cấp, ngành, địa phương hiện đang tích cực rà soát, thống kê trên quan điểm nhanh gọn, kịp thời, nhưng phải công khai, minh bạch, đúng đối tượng và đúng tiêu chí "Không ai bị bỏ lại phía sau"...
"Về mục tiêu thì tỉnh đang cố gắng thực hiện chi trả trong tháng 5. Còn khó khăn vướng mắc thì hiện nay chủ yếu là ở đối tượng người lao động vì đội ngũ này không có căn cứ để quản lý ở các cơ quan quản lý ở các cơ quan quản lý Nhà nước mà chủ yếu phát sinh từ cơ sở. Nên việc rà soát phải được giám sát chặt chẽ với quan điểm thận trọng, chắc chắn và không để sót đối tượng", ông Du nói.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", số tiền được trợ cấp không chỉ giúp người dân ở tỉnh miền núi Sơn La vơi bớt khó khăn do dịch Covid-19 để lại, mà còn giúp họ thêm ấm lòng, từ đó nhân lên niềm tin đối với Đảng, với Chính phủ và Nhà nước.
Hơn ngàn doanh nghiệp phải hoãn đóng bảo hiểm do dịch COVID-19 Đã có trên 1.000 doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực da giày, du lịch, giáo dục... gặp khó khăn do dịch COVID-19 đã làm thủ tục để hoãn, chậm đóng các quỹ hưu trí và tử tuất cho người lao động. Cán bộ ngành bưu điện ra quân hưởng ứng Tháng vận động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngày...