Hai cường quốc làm căng trên biển Đông
Tàu chiến Mỹ – Trung đã có “pha chạm trán ở cự ly gần nhất” từ trước tới nay trên biển Đông, khi tàu Trung Quốc áp sát tàu Mỹ, chỉ cách khoảng 40 m
Trung Quốc đang đối mặt ngày càng nhiều thử thách trên biển Đông khi các cường quốc liên tục điều tàu chiến và máy bay đến các vùng biển mà nước này yêu sách chủ quyền phi lý. Theo các nhà phân tích, ngoài Mỹ, nay Bắc Kinh còn phải để mắt đến các chiến dịch quân sự của Anh, Nhật Bản…
Mới đây nhất, hôm 30-9, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ đã đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Gaven và đá Johnson ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Trong chuyến tuần tra hàng hải kéo dài 10 giờ nói trên của Mỹ, đã xảy ra một diễn biến mà đài ABC (Mỹ) gọi là “pha chạm trán ở cự ly gần nhất” giữa tàu chiến 2 nước từ trước tới nay trên biển Đông.
Trong tuyên bố cuối ngày 1-10, phía Mỹ cáo buộc tàu Trung Quốc “hành xử không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” khi áp sát tàu Mỹ – chỉ cách khoảng 40 m – ở gần đá Gaven. “Tàu của quân đội Trung Quốc thực hiện một loạt hành động gây hấn trong lúc đòi tàu Decatur rời khỏi khu vực” – phó phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), ông Nate Christensen, lên tiếng.
Đài ABC dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ mô tả sự đối đầu diễn ra trong thời gian ngắn. Một quan chức khác cho biết ban đầu tàu Trung Quốc chạy bên hông tàu Mỹ ở khoảng cách 450 m, sau đó vọt lên cắt ngang trước mũi USS Decatur. Tàu Mỹ phải di chuyển để tránh va chạm. Một ngày sau, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng ra thông cáo xác nhận điều một chiếc khu trục lớp Luyang ra “cảnh báo USS Decatur”.
Tàu USS Decatur đã có màn chạm trán cự ly gần với tàu chiến Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa Ảnh: US NAVY
Chỉ một ngày sau vụ việc kể trên, có tin Bắc Kinh hủy các cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa. Liền sau đó, một quan chức Mỹ xác nhận ông Mattis hủy chuyến thăm Trung Quốc vốn được lên kế hoạch vào tháng 10. Giới quan sát cho rằng cuộc đấu đá thương mại Mỹ – Trung đã lan sang lĩnh vực quân sự và biển Đông nhanh chóng trở thành điểm nóng. Tuần trước, 2 chiếc máy bay ném bom B-52 của Mỹ cũng bay qua biển Đông.
Điểm khác biệt lần này là các đồng minh của Mỹ tham gia nhiều hơn. Trung Quốc lâu nay ngang nhiên đòi chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, đồng thời yêu cầu các nước không có tuyên bố chủ quyền ở đây đứng ngoài cuộc. Lời kêu gọi này có vẻ vô hiệu khi tuần trước, tàu khu trục Anh HMS Argyll tập trận cùng tàu sân bay trực thăng Kaga và tàu khu trục Inazuma của Nhật ở Ấn Độ Dương trước khi đến biển Đông.
Video đang HOT
Nhật cũng cho tàu ngầm Kuroshio tập trận lần đầu tiên ở biển Đông vào giữa tháng 9, theo báo South China Morning Post. Không chỉ vậy, Pháp và Úc gần đây đã bàn bạc để phối hợp tốt hơn trên vùng biển quan trọng đặc biệt với thương mại toàn cầu kể trên.
Theo ông Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu biển Đông (Trung Quốc), chính những đòi hỏi chủ quyền ngày càng rõ nét của Bắc Kinh đã gây áp lực lên Mỹ và Washington kêu gọi các đồng minh như Nhật, Anh và cả Úc tham gia chiến dịch tự do hàng hải trên biển Đông. “Mỹ sẽ không rời biển Đông và tiếp tục là nhân tố quan trọng trong khu vực” – ông Ngô phỏng đoán.
Thực tế này tạo thành thế khó cho các nước Đông Nam Á, giữa một bên là quan hệ kinh tế với Trung Quốc và một bên là cam kết bảo đảm an ninh từ phía Mỹ – theo ông Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải của Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore). Ông Adam Ni, nhà nghiên cứu về chính sách an ninh và đối ngoại Trung Quốc tại Trường ĐH Quốc gia Úc, cũng cho rằng Mỹ – Trung gia tăng đối địch ở châu Á sẽ đẩy các nước Đông Nam Á vào cảnh phải chọn một trong hai.
“Với các nước ASEAN, ảnh hưởng mạnh mẽ của Mỹ sẽ đối trọng với tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Đây được xem là diễn biến tích cực cho lợi ích và sự ổn định của họ. Nhưng một khi sự cạnh tranh chiến lược sôi sục thì hòa bình và ổn định của khu vực cũng bị ảnh hưởng” – ông Ni phân tích.
Mỹ dồn “hỏa lực” vào Trung Quốc
Nhà Trắng đang hy vọng thỏa thuận thương mại mới với Mexico và Canada sẽ hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến với Trung Quốc về vấn đề kinh tế cũng như an ninh quốc gia.
Các cố vấn chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới công bố hôm 1-10, còn gọi là Hiệp định Mỹ – Canada – Mexico (USMCA), sẽ giúp loại trừ nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại tại khu vực và làm cho Bắc Mỹ trở thành nơi hấp dẫn nhà đầu tư. Cùng với các biện pháp thuế quan nhằm vào Trung Quốc đang làm tăng chi phí sản xuất, các công ty nước ngoài sẽ bắt đầu rút đầu tư khỏi nền kinh tế thứ hai thế giới. Kịch bản này được kỳ vọng làm suy yếu khả năng sản xuất công nghệ thế hệ mới của Trung Quốc, đồng thời tăng áp lực lên Bắc Kinh nhằm giúp Washington đạt được các nhượng bộ thương mại tìm kiếm bấy lâu.
Việc giải quyết tranh chấp với các đối thủ thương mại khác, theo trang Bloomberg, cho thấy ông chủ Nhà Trắng dường như đang dọn đường cho cuộc chiến dài hơi với Trung Quốc. Chỉ trong vài tuần qua, ông Trump đã đạt được thỏa thuận nói trên với Canada và Mexico, ký thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc và thuyết phục Nhật Bản bắt đầu đàm phán kinh tế song phương. Với USMCA, các nhà đàm phán Mỹ rõ ràng nhắm đến Trung Quốc khi đưa vào các điều khoản ngăn sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu vào khu vực, song song đó khuyến khích sản xuất và đầu tư ở Mỹ cũng như Bắc Mỹ. “Mỹ dường như tập trung ngăn chặn hàng nhập khẩu Trung Quốc giành thị phần ở Mỹ” – ông Flavio Volpe, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất phụ tùng ôtô Canada, giải thích.
Theo tờ The Wall Street Journal (Mỹ), một số hãng công nghệ lớn đang cân nhắc liệu có nên đưa dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế từ Mỹ hay không. Trong khi đó, giới chức Mỹ thường xuyên họp với phía Liên minh châu Âu và Nhật Bản để đề ra chiến lược chung đối phó Trung Quốc. Tuy các cuộc đàm phán vẫn chưa có kết quả cụ thể nhưng điều đó đã gửi đến Bắc Kinh thông điệp không dễ chia rẽ 3 đối tác thương mại lớn này.
Một số nhà chiến lược nhận định với đài CNBC (Mỹ) hoạt động kinh tế của Trung Quốc có thể lao dốc do tác động từ đòn trừng phạt thuế quan của Mỹ. Tuy vậy, Bắc Kinh sẽ không dễ dàng chịu đàm phán mà tiếp tục đáp trả Washington. Trước mắt, theo nhận xét của ông Jeff Ng, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á thuộc Công ty Nghiên cứu quốc tế Continuum Economics, Trung Quốc có thể thực hiện các bước đi với hy vọng giảm bớt tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nhằm tăng tính thanh khoản và thúc đẩy tăng trưởng.
Xuân Mai
HẢI NGỌC
Theo nld.com.vn
Tàu Trung Quốc do thám cuộc tập trận RIMPAC
Một quan chức Hải quân Mỹ hôm 13-7 cho biết một tàu do thám Trung Quốc đang hoạt động ngoài khơi đảo Hawaii để theo dõi cuộc tập trận đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).
Theo lời phát ngôn viên Charlie Brown của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, tàu do thám của Hải quân Trung Quốc đã hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ngoài khơi đảo Hawaii từ ngày 11-7.
"Chúng tôi dự đoán rằng con tàu sẽ hoạt động bên ngoài lãnh hải Mỹ và không gián đoạn cuộc tập trận RIMPAC đang diễn ra. Chúng tôi đã thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ những thông tin quan trọng. Sự hiện diện của tàu Trung Quốc không ảnh hưởng đến cuộc tập trận" - trích lời ông Brown.
Trong khi đó, Chuẩn Đô đốc Hải quân Chile Pablo Niemann nói với tờ Star-Advertiser ngày 12-7 rằng: "Thật đáng thất vọng khi sự hiện diện của một con tàu không tham gia RIMPAC có thể làm gián đoạn cuộc tập trận. Tôi hy vọng và mong rằng tất cả thủy thủ sẽ hoạt động một cách chuyên nghiệp để chúng ta có thể tiếp tục tập trung vào công việc ngay lập tức và xây dựng tinh thần hợp tác vốn là mục đích của RIMPAC".
Một tàu do thám lớp Dongdiao của Trung Quốc. Ảnh: USNI News
Trước đó, truyền thông Úc đưa tin một tàu Trung Quốc đã theo dõi tàu Hải quân Hoàng gia Úc trên đường đến RIMPAC. Tuy nhiên, không rõ con tàu này có phải là con tàu đang hoạt động ngoài khơi quần đảo Hawaii hay không.
Theo thông tin của tổ chức USNI News, "vị khách không mời" nói trên là một tàu lớp Dongdiao, cùng loại tàu Trung Quốc đã dùng để theo dõi RIMPAC năm 2016 và 2014. Tàu này hiện diện ngoài khơi Hawaii sau khi Mỹ quyết định không mời Trung Quốc tham gia RIMPAC vào cuối tháng 5.
Trong 2 đợt tập trận năm 2014 và 2016, Mỹ không hề phàn nàn việc tàu Trung Quốc hoạt động trong vùng lân cận vì điều này không trái Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển. "Chúng tôi tiếp tục duy trì nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế" - ông Brown nói với USNI News.
Ông Andrew Erickson, chuyên gia trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở Hawaii có thể được sử dụng như một công cụ để biện minh cho nhiều hoạt động hơn của Mỹ gần Trung Quốc.
"Dù Trung Quốc có làm gì hoặc nói gì, lực lượng Mỹ phải tiếp tục hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, trong đó có biển Đông" - ông Erickson cho biết.
Theo Bảo Hạnh
Người lao động
Nguy cơ lớn từ tham vọng khống chế Biển Đông của Trung Quốc Quá trình bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông diễn ra với tốc độ mà ngay cả các chuyên gia cũng cảm thấy "hết sức ngỡ ngàng". Theo Reuters, sau khi Earthrise Media- một tổ chức phi lợi nhuận- công bố loạt ảnh vệ tinh về hoạt động cải tạo đảo phi pháp và xây dựng các công trình trái phép của...