Hai con tin Nhật Bản và nữ tử tù Al-Qaeda: Bí ẩn…
Là kình địch của Al-Qaeda, tại sao IS muốn cứu Sajida al-Rishawi – người được coi là nữ anh hùng của Al-Qaeda?
Sajida al-Rishawi là một cái tên đã bị quên lãng cách đây hơn 9 năm. Bỗng dưng, tên người phụ nữ Iraq này được nhắc lại hằng ngày trên các phương tiện truyền thông thế giới từ ngày 27-1 khi IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) yêu cầu chính phủ Jordan trao đổi tù binh.
Theo đó, phía IS sẽ trả tự do cho con tin Nhật Bản Kenji Goto nếu Chính phủ Jordan thả nữ chiến binh thánh chiến Sajida al-Rishawi, năm nay 45 tuổi. Sajida bị một tòa án quân sự ở Amman kết án tử hình bằng hình thức treo cổ năm 2006 về tội tham gia một vụ đánh bom tự sát đẫm máu tại khách sạn Radisson năm 2005, theo hãng tin AP.
Yêu cầu này đã làm chính phủ Nhật và Jordan lúng túng. Trong khi Jordan chỉ đồng ý trao đổi Sajida với trung úy phi công Muadh al-Kasasbeh, người bị IS bắt ngày 24-12-2014, thì Nhật muốn ưu tiên đổi lấy mạng sống của nhà báo Goto. Tình hình đang giằng co thì ngày 31-1-2015, IS loan báo đã cắt cổ nhà báo Nhật, đồng thời hoàn toàn im lặng về số phận của viên phi công Jordan.
Sajida là ai?
Báo chí phương Tây chỉ biết đến Sajida khi nữ công dân Iraq này tự thú trên đài truyền hình quốc gia Jordan rằng vợ chồng bà ta dùng hộ chiếu giả từ Ramadi đến Amman ngày 5-11-2005.
Mục tiêu của vợ chồng Sajida là cùng 2 thành viên Al-Qaeda khác đánh bom tự sát tại 3 khách sạn lớn để dằn mặt chính phủ Jordan vì dám liên kết với Mỹ đánh các lực lượng Al-Qaeda ở vùng Trung Đông.
Kenji Goto, Muadh al-Kasasbeh và Sajida al-Rishawi Ảnh: TELEGRAPH
Trong video clip phát ngày 13-11-2005, Sajida mặc áo chùng đen, đầu choàng khăn trắng, mang 2 túi đựng thuốc nổ RDX và đinh nhọn – nhằm tăng cường mức sát thương – dán ở vùng bụng bằng băng keo. Sajida cho biết khi đột nhập khách sạn Radisson, nơi có tổ chức tiệc cưới, bà ta kích hoạt đai thuốc nổ nhưng ngòi bị tịt. Lập tức, chồng Sajida đẩy bà ta ra cửa rồi xông vào trong tự sát bằng bom, giết chết 38 thực khách. Sajida bị bắt ngay sau đó. Cùng lúc, 2 đồng bọn cũng bỏ mạng khi đánh bom 2 khách sạn khác khiến 57 người tử vong.
Video đang HOT
Tuy nhiên, sau đó Sajida đã phản cung. Ngày 21-9-2006, tòa án quân sự Jordan tuyên án tử hình Sajida nhưng hoãn thi hành vì lúc đó, nước này đình chỉ án tử hình. Mãi đến tháng giêng năm nay, án này mới được tái lập. Sajida kháng cáo nhưng bị bác đơn hồi tháng 1-2007. Ngày 4-10-2010, Sajida tiếp tục kháng cáo. Sau đó, bà ta bị biệt giam tại Jweideh, nhà tù được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở Jordan.
Nhất tiễn hạ song điêu
Theo chính quyền Jordan, chủ mưu những vụ tấn công khủng bố nêu trên là Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh nhóm Al-Qaeda ở Iraq. Trước khi bị máy bay không người lái của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiêu diệt hồi tháng 6-2006, tên này được xem là kẻ chủ trương tách rời tổ chức Al-Qaeda từ năm 2004 để thành lập một nhóm Hồi giáo cực đoan riêng ở Iraq. Việc ấy đã thành hiện thực vào tháng 6-2014 với tên gọi là ISIS (Nhà nước Hồi giáo Iraq và al-Sham, theo tiếng Ả Rập) hay IS (Nhà nước Hồi giáo, theo tiếng Anh), dưới sự lãnh đạo của Abu Bakr al-Baghdadi, nguyên phó tướng của al-Zarqawi.
Trung tá Mỹ về hưu James Reese, cựu tư lệnh lực lượng biệt kích Delta, phân tích trên đài CNN: Không phải vô cớ mà IS yêu cầu trao đổi Sajida al-Rishavi với con tin Kenji Goto. Nữ chiến binh thánh chiến này là em gái của Mubarak Atrous al-Rishawi, trợ lý cao cấp của al-Zarqawi, kẻ cũng bị Mỹ tiêu diệt cùng tay thủ lĩnh. Quan trọng hơn nữa, al-Zarqawi lúc sinh thời từng hứa sẽ giải cứu Sajida. IS đòi Jordan trao đổi Sajida với Goto chính là thực hiện lời hứa của người sáng lập IS.
Dòng họ Rishawi thuộc bộ tộc Abu Rashi theo phái Sunni, có tầm ảnh hưởng lớn ở tỉnh Anbar thuộc miền Tây Iraq. Nhờ vậy, tuy không có thành tích gì đặc biệt, Sajida vẫn nổi bật trong số hàng ngàn nữ chiến binh thánh chiến tham gia phong trào đánh bom tự sát, trở thành một biểu tượng của phong trào thánh chiến trong con mắt IS.
Từ đó, dễ thấy ý đồ của IS trong đề nghị trao đổi con tin Nhật với Sajida al-Rishawi. IS áp dụng chiến thuật “nhất tiễn hạ song điêu” (bắn một mũi tên hạ 2 con chim). Nếu thành công, uy tín của Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh IS, sẽ vượt trội Al-Qaeda; đồng thời chứng minh rằng ở Trung Đông, IS là lực lượng bảo vệ tốt nhất các bộ tộc Hồi giáo dòng Sunni. Mặt khác, nếu không thành công thì việc này cũng chia rẽ Jordan với Nhật Bản, hai đồng minh lớn của Mỹ.
Jordan chỉ muốn đổi Sajida lấy phi công của mình, còn Nhật muốn ưu tiên đổi nhà báo Goto. Không chờ kết quả thương thảo Nhật – Jordan, IS đã ra tay hạ sát con tin Nhật để thị uy.
Tàn ác vô song
Một giờ sau khi IS tung cuộn băng video dài 22 phút mô tả cuộc thiêu sống trung úy phi công Muadh al-Kasasbeh của Jordan ngày 3-2, Jordan đã treo cổ nữ chiến binh Sajida al-Rishawi và một tù nhân Al-Qaeda tên Ziad al-Karbouli. Sau đó, 4 tù nhân liên quan đến tổ chức IS tiếp tục bị đem ra hành quyết lúc 6 giờ 40 phút ngày 4-2 (tức 11 giờ 40 phút giờ Việt Nam).
Nguồn tin Jordan cho biết phi công Muadh, 26 tuổi, đã bị giết hôm 3-1 nhưng việc trao đổi với Sajida vẫn để ngỏ trong cuộn băng video ngày 24-1. Hành động này được mô tả là hèn hạ và xảo quyệt. Cách thức hành quyết con tin Jordan cho thấy IS leo thang mức độ tàn ác vô song. Đây là lần đầu tiên IS thiêu sống con tin bị nhốt trong lồng sắt bằng xăng, xong điều xe hủ lô cán bẹp tro xác nạn nhân.
Trung úy Muadh bị IS bắt sau khi chiến đấu cơ F-16 của anh rơi gần TP Raqqa – Syria ngày 24-12-2014. Mỹ nói máy bay rơi vì lý do kỹ thuật, trong khi IS khoe bắn rơi chiếc máy bay này.
NGUYỄN CAO
Theo_Người lao động
Phóng viên Goto và ước mơ "Syria không tiếng súng"
Cho tới đoạn tin cuối cùng gửi về trước khi bị IS bắt giữ, phóng viên người Nhật Kenji Goto vẫn lạc quan về "một Syria không tiếng súng". Ông cũng thường đặt ống kính camera vào những mảnh đời của các cá nhân, đặc biệt là trẻ em tại các vùng chiến sự mà ông ghé qua.
Phóng viên chiến trường Kenji Goto. (Ảnh: Telegraph)
Ông Kenji Goto là phóng viên chiến trường có danh tiếng tại Nhật Bản khi thường tới các địa điểm nóng trên thế giới để đưa tin. Công việc chủ yếu của ông là tập trung vào những ảnh hưởng của các cuộc chiến, ông cũng là gương mặt thân quen với các sự kiện ở Syria trong năm qua.
Cho tới đoạn tin cuối cùng trước khi tiến vào khu vực của IS, phóng viên Goto vẫn hy vọng về một Syria "không tiếng súng" trong thời gian tới. Ông viết: "Tôi đang có mặt tại Syria. Tôi hy vọng có thể chia sẻ với mọi người về tình hình và bầu không khí nơi đây".
Theo Telegraph, khi bị IS bắt giữ hồi năm ngoái, ông Kenji đang trên đường giúp đỡ người bạn Haruna Yukawa, người đã bị IS bắt trước đó. Ông Goto gặp người đồng hương Yukawa lần đầu tiên ở Aleppo hồi tháng 4/2013 và sau đó đã giúp người bạn mới đến Baghdad, Iraq.
Trong những bài viết của mình sau này, ông Goto cho biết ông Yukawa đã trở thành một người bạn của lực lượng Quân đội Giải phóng Syria. Các bài viết này sau đó nói rằng nhiều binh lính Syria tin tưởng và thân với Yukawa đến mức đã mời ông về nhà dùng bữa.
Khi quyết định tiến vào khu vực bị IS kiểm soát để giúp đỡ người bạn, phóng viên Goto đã quay lại một đoạn video. Ông khẳng định: "Nếu có gì xảy ra, tôi là người chịu tất cả trách nhiệm. Đó là một nơi nguy hiểm song đừng vì thế mà chúng ta có ác cảm với người dân Syria. Tất nhiên, tôi sẽ quay trở lại".
Phóng viên Kenji Goto và mẹ. (Ảnh: NHK)
Trong sự nghiệp của mình, ông Goto từng viết các cuốn sách về tác động của căn bệnh AIDS tại châu Phi, cũng như các báo cáo đánh giá về quãng thời gian làm việc cho các hãng truyền thông của Nhật Bản tại các nước Afghanistan, Somalia và Iraq.
Tại mỗi nơi ông đi qua, Kenji Goto được nhớ tới là một phóng viên luôn tìm cách đưa tin về hoàn cảnh riêng của các cá nhân trong các cuộc chiến, và biến chúng thành các chủ đề được dư luận chú ý.
Nhận xét về người đồng nghiệp Kenji Goto, phóng viên Henry Tricks của tờEconomist, cho rằng: "Ông ấy là người lịch thiệp và đã trải qua những tháng ngày khó khăn với người dân Iraq trong các cuộc chiến. Ông ấy luôn có những góc nhìn khác nhau về các cuộc chiến".
"Thay vì tập trung nói về việc bên nào đang thắng hay thua, ông ấy luôn hướng tới cuộc sống của người dân thường, đặc biệt là trẻ em vì chúng bị ảnh hưởng và tác động nhiều nhất từ các cuộc chiến", phóng viên Tricks chia sẻ về người đồng nghiệp bị IS sát hại.
Ngọc Anh
Theo Dantri/Telegraph
IS chặt đầu con tin Nhật Trong một đoạn video đăng tải hôm 31.1, tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) thông báo đã chặt đầu con tin người Nhật thứ hai, AFP đưa tin. Hình ảnh chụp từ đoạn video đăng tải trên YouTube cho thấy người đàn ông mặc đồ cam, được cho là phóng viên Nhật Kenji Goto, quỳ cạnh phiến quân IS che...