Hai chiến binh thầm lặng của điền kinh Việt Nam
Không được chú ý nhiều, nhưng Nguyễn Văn Lai và Phạm Thị Bình đều đã mang về cho điền kinh nước nhà những tấm HC vàng.
Phạm Thị Bình giành HC vàng nội dung marathon. Ảnh: Thế Ngọc.
Phạm Thị Bình là người đã xuất sắc giành tấm HC vàng đầu tiên cho đội tuyển điền kinh tại SEA Games 27. Với sự vươn lên mạnh mẽ, ý chí sắt đá, Bình chiến thắng bệnh tim để trở lại đường đua, giành tấm HC vàng SEA Games đầu tiên trong đời. Ít ai nghĩ cô gái nhỏ mắc căn bệnh nan y từ nhỏ có thể thành công với môn thể thao khắc nghiệt như marathon.
Thành tích ở SEA Games không chỉ là sự ghi nhận ý chí phi thường của cô gái quê Quảng Ngãi, mà còn là phần thưởng xứng đáng giúp cô và em trai vượt qua gian khó trước mắt về tài chính để tiếp tục theo đuổi những giấc mơ của mình. Ít ai biết rằng mọi phần thưởng từ huy chương của cô từ trước tới nay đều được dành dụm để nuôi em trai học Đại học. 45 triệu đồng tiền thưởng từ HC vàng lần này cũng sẽ góp phần giúp đỡ gia đình cô nhiều hơn.
Một đồng đội của Bình ở đội tuyển điền kinh là Nguyễn Văn Lai cũng để lại nhiều ấn tượng tại SEA Games Myanmar. Không phải gương mặt nổi bật và được kỳ vọng lớn, nhưng VĐV quê Thanh Hóa khiến khán giả và giới chuyên môn có mặt tại nhà thi đấu Wunna Theikdi phải ngỡ ngàng với những bước chạy của mình khi anh xuất sắc giành HC vàng nội dung 5.000m.
Video đang HOT
Theo đuổi môn thể thao này 10 năm nay nhưng Nguyễn Văn Lai mới được thừa nhận tài năng, vào đội tuyển quốc gia 3 năm nay. Tại SEA Games 26 hai năm trước, VĐV Thanh Hóa giành hai chiếc HC đồng đội nội dung 5.000m và 10.000m. Trước khi tham dự nội dung 5.000m ở SEA Games này, mục tiêu của cá nhân Nguyễn Văn Lai cũng như ban huấn luyện đội tuyển điền kinh đề ra là có huy chương. Tuy nhiên trong một ngày may mắn, chiến thuật hợp lý và những nỗ lực của bản thân, chàng trai 26 tuổi đã tạo ra điều kỳ diệu nhất từ trước đến nay.
Nguyễn Văn Lai có hai HC vàng ở đường chạy SEA Games 27. Ảnh: Kỳ Lân.
26 tuổi, người con xứ Thanh này mới có một lần hưởng hương vị chiến thắng của người dẫn đầu. Đây là thành tích ấn tượng nhất của Nguyễn Văn Lai và nó có thể đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp chạy cự ly dài của anh. Thầm lặng nhưng đầy quyết tâm, Nguyễn Văn Lai chứng tỏ bản lĩnh cũng như tài năng thực sự. Sau quá trình rèn luyện gian khổ nhiều năm qua, đã đến ngày VĐV Thanh Hóa hái trái ngọt.
Tương tự như khi vô địch nội dung 5.000m cách đây hai ngày, Nguyễn Văn Lai tiếp tục áp dụng chiến thuật “núp gió” hợp lý. Anh âm thầm đeo bám Srisung ở nhóm dẫn đầu, trước khi bứt lên quyết liệt ở vòng sân cuối cùng. Sau khi cán đích VĐV của Việt Nam không hề có dấu hiệu của sự mệt mỏi. Anh còn chạy loanh quanh, múa may ăn mừng trong khi Srisung thở không ra hơi và nhiều đối thủ khác thậm chí còn về muộn hơn một vòng sân. Nguyễn Văn Lai giành HC vàng nội dung 10.000m nam với thành tích 29 phút 44 giây 82. Đối thủ người Thái Lan Srisung giành HC bạc, đạt 29 phút 46 giây 61.
Theo VNE
Cô gái chân trần đoạt HC vàng SEA Games
Phạm Thị Bình vượt qua quãng đường hơn 42 km bỏng cháy với đôi chân không có giày.
Marathon là cự ly dài nhất, khó khăn nhất trên đường chạy điền kinh. VĐV tham dự nội dung này không chỉ sở hữu ý chí, nghị lực tuyệt vời mà còn phải có thể lực rất tốt. Thế nhưng, Phạm Thị Bình lại bị bệnh tim và từng bị bác sĩ yêu cầu dừng thi đấu để không nguy hiểm đến tính mạng. Năm 2010, cô gái vùng quê nghèo Quảng Ngãi gặp rất nhiều khó khăn mới gom đủ số tiền 45 triệu đồng để thực hiện ca phẫu thuật và phải nhờ sự giúp đỡ của một tổ chức từ thiện thì tài năng của thể thao Việt Nam mới có cơ hội trở lại đường đua.
Tấm HC vàng marathon của Phạm Thị Bình là HC vàng của nghị lực vượt khó. Ảnh: Đức Đồng.
Sinh trưởng trong gia đình nghèo, từ bé Bình đã phải làm quen với những thử thách khó khăn của cuộc sống. Điều đó góp phần tôi luyện nghị lực vượt khó hiếm thấy của cô. Vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, Bình trở lại mạnh mẽ trên đường đua. Chỉ 3 tuần sau ca phẫu thuật, Bình giành 2 HC bạc ở Đại hội TDTT toàn quốc tại Đà Nẵng. Một năm sau, cô giành tiếp HC đồng SEA Games 2011 với chỉ số thành tích khá tốt là 2 giờ 48 phút 43 giây.
Ở SEA Games lần này, công tác chuẩn bị của Bình cũng gặp nhiều khó khăn vì HLV trực tiếp hướng dẫn cô bị kỷ luật nên cô phải một thân một mình đối phó với các đối thủ. Chứng kiến cảnh cô gái chân trần này thoăn thoắt trên đường chạy dưới cái nắng gắt ở Myanmar, giới truyền thông nước ngoài khá bất ngờ. Camera của ban tổ chức cũng nhiều lần "zoom" vào đôi chân kỳ lạ này để tìm hiểu tại sao nó có thể chống chịu được ma sát và thời tiết nắng nóng trong suốt gần 3 tiếng trên đường.
Hỏi Bình về điều này, cô cho biết mình đã quen chạy chân đất từ bé và luôn cảm thấy khó chịu khi mang giày. Mỗi khi đi giày, cô cảm thấy như cực hình, chân bị nóng, bước chạy nặng nề và thành tích không tốt như khi đi chân đất. Chạy chân đất nhiều nên toàn bộ bàn chân cô bị chai sần và ít nhạy cảm với điều kiện thời tiết.
Phạm Thị Bình băng băng về đích trên đôi chân không giày. Ảnh: SG.
Theo Phạm Thị Bình, đường chạy bê tông khá bằng phẳng, mịn màng ở Myanmar vẫn còn là lý tưởng với đôi chân trần của cô. Đã có giải đấu cô phải vượt qua quãng đường hơn 42 km nhiều sỏi đá và ngược lại, có giải đấu ở Nhật Bản phải chạy trên đường lạnh như băng. Tất nhiên, khi đó thành tích cũng bị ảnh hưởng theo.
Vì thế, với gợi ý của lãnh đạo môn điền kinh, đã nhiều lần Bình quyết tâm tập để bỏ thói quen không đi giày nhưng không lần nào thành công. Việc không đi giày khiến cô chịu nhiều bất lợi hơn đối thủ nên không có nhiều người nghĩ Bình sẽ có cửa giành HC vàng ở nội dung khó khăn này. Thế nhưng, nghị lực vượt khó hiếm thấy cộng thêm đường chạy khá đẹp ở Myanmar đã giúp cô gái Quảng Ngãi đăng quang ngôi vô địch nội dung khó khăn nhất với thành tích 2 giờ 45 phút 34 giây.
Năm nay Phạm Thị Bình 24 tuổi và vẫn còn nhiều năm đỉnh cao phía trước. Cô sẽ được xếp vào diện đầu tư trọng điểm trong thời gian tới để nâng dần đẳng cấp. HLV trưởng môn điền kinh Dương Đức Thủy cho biết: "Dưới góc độ chuyên môn, tôi vẫn muốn Bình tập mang giày bởi mỗi cuộc thi đấu có điều kiện địa hình khác nhau và không phải giải nào cũng thích hợp với người đi chân trần".
Trước khi bước vào "cuộc chiến" khó khăn là tập đi giày thì nhà tân vô địch SEA Games cứ vui cái đã khi số tiền thưởng hơn 50 triệu đồng (gồm thưởng nóng 6 triệu và 45 triệu đồng cho tấm HC vàng) sẽ giúp cô làm được nhiều việc cho mình và gia đình.
Theo VNE
Vũ Thị Hương cảm ơn bạn trai Người đầu tiên Vũ Thị Hương nhớ tới sau khi chiến thắng ở nội dung 200 m chiều nay là bạn trai từng sát cánh những tháng ngày gian khó. Vũ Thị Hương cùng bạn trai cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn để có thành công hôm nay. Ảnh: Kỳ Lân. Sau chiếc HC vàng chạy 100m, Vũ Thị Hương tiếp tục...