Hải cảnh Trung Quốc đe dọa Biển Đông
Trong số tàu hải cảnh hộ tống nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN, có một tàu vũ trang lớn.
Tàu CCG 3901 và tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động trái phép tại khu vực bãi Phúc Tần – Tư Chính Ngư dân cung cấp
CCG 3901 là một trong những tàu hải cảnh hộ tống nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN tại khu vực bãi Phúc Tần – Tư Chính. Thuộc hàng những tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, con tàu này hiện là công cụ đắc lực trong chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
“Tàu dân sự” vũ trang
Theo chuyên trang The Diplomat, CCG 3901 là một trong những tàu tuần duyên lớn nhất thế giới với lượng giãn nước 12.000 tấn, lớn hơn cả những lớp chiến hạm thường được Mỹ triển khai đến Biển Đông là tàu tuần dương Ticonderoga và khu trục hạm Arleigh Burke. Tuy không mang danh tàu quân sự nhưng CCG 3901 được trang bị vũ khí hạng nặng, gồm pháo khai hỏa nhanh 76 mm, 2 pháo phòng không và một số loại súng khác. Tàu còn có bãi đáp trực thăng, di chuyển với vận tốc tối đa 46,3 km/giờ.
Theo giới quan sát, Trung Quốc đang sử dụng tàu hải cảnh và các tàu dân quân biển ngụy trang dưới dạng tàu cá cho chiến thuật “vùng xám” nhằm vào các bên khác ở Biển Đông.
Video đang HOT
Chiến thuật “vùng xám”, hay còn được gọi là những hành động “dưới ngưỡng chiến tranh”, tức là không sử dụng hải quân mà thay bằng những lực lượng quân sự hoặc bán quân sự trá hình tiến hành các hoạt động trên biển nhưng không vượt qua một giới hạn nào đó để không kéo theo phản ứng quá mạnh từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, Trung Quốc không ngừng mở rộng lực lượng hải cảnh. Từ năm 2010, đội tàu trên 1.000 tấn của CCG tăng từ khoảng 60 lên hơn 130 chiếc và gia tăng hoạt động ở những vùng biển tranh chấp, theo báo cáo của Lầu Năm Góc trình quốc hội Mỹ hồi tháng 5. Phần lớn trong số đó được trang bị bãi đáp trực thăng, vòi rồng, pháo từ 30 – 76 mm. Ngoài ra, CCG còn vận hành hơn 70 tàu tuần tra nhanh (trên 500 tấn) và hơn 400 tàu tuần tra gần bờ.
“Mối đe dọa thật sự”
Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hồi tháng 3, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Philip Davidson khẳng định các tàu CCG của Trung Quốc “thường xuyên quấy nhiễu và đe dọa tàu cá Philippines hoạt động gần bãi cạn Scarborough cũng như đội tàu cá của những nước khác trong khu vực”. Theo giới chức Philippines, lực lượng CCG thường chặn tàu và tịch thu thủy sản do ngư dân Philippines đánh bắt ở Scarborough. Phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines Harry Roque chỉ trích đây là hành động “không thể chấp nhận”, vi phạm thỏa thuận song phương liên quan đến Scarborough, theo AFP. Trước đó, tàu hải cảnh vũ trang bị cáo buộc can thiệp thô bạo để ép buộc giới chức Indonesia thả tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ do đánh bắt trái phép ở vùng biển gần quần đảo Natuna, phía nam Biển Đông hồi tháng 3.2016. Từ đó đến nay, Indonesia đã phải tăng cường hiện diện quân sự cũng như tuần tra ở khu vực và mới đây đã triển khai tàu tuần tra lớn nhất của cảnh sát quốc gia mang tên KP Yudistira đến đóng trú tại đơn vị ở tỉnh đảo Riau, bao gồm quần đảo Natuna.
Từ những diễn biến phức tạp trên thực địa lâu nay, Giáo sư Andrew S.Erickson tại Đại học Hải chiến Mỹ cảnh báo trong bài viết đăng trên chuyên san The National Interest: “CCG là mối đe dọa thật sự đối với cả Mỹ lẫn các lực lượng trên biển của tất cả những nước ven biển gần Trung Quốc”.
Tàu sân bay Mỹ tuần tra ở Biển Đông
Ngày 6.8, trang Facebook của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đăng nhiều hình ảnh kèm chú thích cho thấy hàng không mẫu hạm này đang hoạt động tại Biển Đông, bao gồm các diễn tập chiến đấu cơ cất hạ cánh. Theo tờ The Japan Times, nhóm tàu USS Ronald Reagan có mặt ở Biển Đông trong ngày 4.8 để tiến hành “đợt tuần tra thông thường” và bắt đầu chuyến thăm Philippines từ hôm qua.
Cùng ngày, Đài ABS – CBN News dẫn lời phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho hay trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp tới, Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ đề cập phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp. Ông Panelo nói rõ Tổng thống Duterte sẽ dùng phán quyết làm cơ sở để thảo luận kế hoạch tiến hành thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông với mục tiêu đạt tỷ lệ ăn chia 60 – 40 với Trung Quốc. Phủ Tổng thống Philippines xác nhận ông Duterte sẽ thăm Bắc Kinh trong tháng này nhưng chưa công bố ngày cụ thể.
Theo thanhnien
Tàu sân bay Mỹ vào biển Đông tuần tra
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố hình ảnh tàu sân bay USS Ronald Reagan đang ở biển Đông hôm 5-8 để tiến hành nhiệm vụ tuần tra thường xuyên.
Báo The Japan Times đưa tin tàu USS Ronald Reagan - đóng tại cảng nhà ở Yokosuka, tỉnh Kanagawa - Nhật Bản, được giao nhiệm vụ tuần tra thường xuyên trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố tập trận gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) vào ngày 6 và 7-8.
Trước đó, đài ABS-CBN cho biết tàu USS Ronald Reagan sẽ tiến vào lãnh hải Philippines trong ngày 6-8 (giờ địa phương). Đây là tàu sân bay duy nhất được Washington triển khai tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet trên tàu USS Ronald Reagan. Ảnh: Reuters
Tàu USS Ronald Reagan sở hữu chiều dài hơn cả tháp Eiffel của Pháp. Nó có thể chở 100 máy bay chiến đấu và máy bay được sử dụng cho các hoạt động tác chiến điện tử và chống ngầm. Đây là 1 trong 10 tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, từng là tàu chiến lớn nhất cho đến khi tàu USS Gerald Ford ra đời vào năm 2017 nhưng chưa được triển khai.
Chuẩn Đô đốc Mỹ Patrick Piercey từng ca ngợi USS Ronald Reagan là một tàu sân bay "cấp cao", đại diện cho sức mạnh chiến đấu của Mỹ.
Trước đó, trên trang web của Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc thông báo Bắc Kinh sẽ tổ chức các cuộc tập trận gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) thuộc biển Đông. Thông báo cho biết các tuyến đường dẫn vào khu vực tập trận sẽ bị phong toả nhưng không có thêm thông tin chi tiết.
Cả Nhật Bản và Mỹ đều không tuyên bố chủ quyền ở biển Đông nhưng thường xuyên khẳng định cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.
Washington nhiều lần lên án Bắc Kinh xây đảo nhân tạo phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa (đều của Việt Nam). Mỹ lo ngại sân bay và hệ thống vũ khí được Trung Quốc trang bị trên các đảo có thể được sử dụng để hạn chế hoạt động tự do đi lại ở biển Đông.
Một số chuyên gia quân sự cũng cho rằng việc triển khai vũ khí là một phần trong nỗ lực phối hợp để kiểm soát các vùng biển - bao gồm cả biển Đông, của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh nguỵ biện rằng họ đưa vũ khí lên các đảo nhỏ chỉ nhằm mục đích phòng thủ.
Phạm Nghĩa (Theo The Japan Times, ABS-CBN)
Theo nld.com.vn
Tàu chiến Mỹ thăm Philippines giữa căng thẳng với Trung Quốc Một trong những tàu sân bay lớn nhất của Mỹ tiến vào vùng biển Philippines sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper lên án Trung Quốc gây bất ổn khu vực. USS Ronald Reagan, tàu sân bay duy nhất được hải quân Mỹ điều động đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngày 5/8 đã tiến vào vùng biển...