Hai cách nhìn về cuộc điều tra của FBI với Clinton
Giới phân tích Mỹ có quan điểm trái ngược về cuộc điều tra của FBI đối với ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton khi còn chưa đến một tuần là đến ngày bầu cử.
Bà Hillary Clinton được cho là sẽ giành được nhiều phiếu của đại cử tri và chiến thắng. Ảnh: NYT
Bất chấp dự báo trước đó rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay khó có bất ngờ, cựu ngoại trưởng Clinton nắm giữ đến 90% cơ hội chiến thắng, nhưng ngày 29/10, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã “gây bão” khi công bố đang xem xét các thư điện tử mới liên quan đến cuộc điều tra máy chủ cá nhân của bà Clinton, chỉ 11 ngày trước ngày bầu cử.
Không dừng lại ở đó, ngày 1/11 FBI tiếp tục công khai tài liệu về lệnh ân xá của cựu tổng thống Bill Clinton đối với doanh nhân Marc Rich, người từng bị truy tố về tội trốn thuế ở Mỹ.
Theo FBI, Denise Eisenberg Rich, vợ cũ của doanh nhân Rich là một nhà tài trợ lớn cho đảng Dân chủ và “các khoản đóng góp có thể được dùng để tác động tới lệnh ân xá”. Một số khoản đóng góp khác của vợ ông Rich được chuyển tới Quỹ Tổng thống William J. Clinton, tiền thân của Quỹ Clinton.
Đánh giá về diễn biến mới này, Aubrey Jewett, Giáo sư tại Đại học Central Florida, Mỹ, cho biết mặc dù các tài liệu được kiểm duyệt chặt chẽ và thực sự không cung cấp nhiều thông tin mới, nhưng nó cho thấy những giao dịch mờ ám của nhà Clinton. Bà Rich đã góp 450.000 USD cho quỹ thư viện tổng thống Clinton và hơn 100.000 USD cho chiến dịch ở Thượng viện của bà Hillary.
Đối với cử tri Mỹ, điều này trông như là ông Clinton đổi lệnh ân xá cho doanh nhân Rich để lấy tiền, mặc dù cuộc điều tra của FBI không dẫn tới cáo buộc nào và vụ việc chấm dứt từ hơn 10 năm trước.
“Việc FBI công bố tài liệu liên quan đến việc cựu Tổng thống Clinton ân xá cho doanh nhân Marc Rich gợi ý cho các cử tri rằng nhà Clinton đã có cách hành xử vô nguyên tắc trong một thời gian dài, do đó bà Clinton không đáng tin cậy để làm tổng thống. Điều đó sẽ giúp ông Donald Trump duy trì ưu thế thêm một hoặc hai ngày và thuyết phục các cử tri còn do dự rằng họ nên bỏ phiếu cho Trump”, ông Jewett nói với VnExpress.
Trở lại việc ông James Comey, Giám đốc FBI công bố điều tra thêm email liên quan đến bà Clinton, giáo sư Jewett nhận định tuyên bố này đã tạo tác động chính trị lớn dù ông có cố ý hay không, nó cho thấy bà Clinton vẫn có thể bị truy tố vì sử dụng email cá nhân trong thời kỳ bà làm ngoại trưởng. Khi Giám đốc FBI thông báo với Quốc hội về việc mở lại điều tra email của bà Clinton, nó khiến một lượng nhỏ (dưới 7%) cử tri chưa quyết định quay sang ủng hộ tỷ phú Trump vì họ coi đây là một sự xác nhận rằng “bà Clinton không xứng làm tổng thống”.
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm này, Giáo sư Ross Baker, Đại học Rutgers, cho rằng cựu ngoại trưởng vẫn đang có lợi thế lớn bất chấp các tin tức xấu về email do FBI công bố.
Video đang HOT
“Hầu hết mọi người đã đưa ra quyết định của mình sẽ bầu cho ai, dẫu cho phiếu phổ thông của ông Trump và bà Clinton sít sao nhưng dường như cựu ngoại trưởng vẫn dẫn trước trong nhóm Đại cử tri. Điều đó mới thực sự đáng nói”, ông Baker cho hay.
Chuyên gia Jewett của Đại học Central Florida lưu ý cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay là một sự kiện khác thường trong nền chính trị hiện đại của nước này, vì cả hai ứng viên đều không được nhiều người Mỹ ủng hộ. Có rất nhiều người chưa đưa ra quyết định họ sẽ bầu cho ứng viên nào. Một số đang theo dõi vấn đề chính sách, một số tìm kiếm kỹ năng lãnh đạo của bà Clinton và ông Trump, một số đề cao kinh nghiệm, người khác lại nhìn vào tính khí của ứng viên, có những người đang cố xác định ai là người “ít bị chê trách nhất”.
Từ nay đến ngày bầu cử 8/11, hai ứng viên sẽ tiếp tục nỗ lực thu hút sự ủng hộ của cử tri bằng quảng cáo trên truyền hình, đài phát thanh và internet. Chiến dịch của hai bên cũng sẽ cố tiếp cận cử tri qua email, điện thoại và thậm chí là gõ cửa nhà từng cử tri.
Nói đến cơ hội của tỷ phú Trump, giáo sư Jewett đánh giá dường như ông Trump vẫn đang có ưu thế trong các cuộc khảo sát toàn quốc và ở các bang chiến trường, vì thế ông vẫn có cơ hội chiến thắng. Trong lúc bà Clinton đang dẫn trước với khoảng cách hẹp, rất khó để đoán được kết quả và ông Trump có thể thắng nếu ông giữ được đà trong những ngày cuối cùng của chiến dịch.
“Nếu như việc FBI công bố điều tra lại email của bà Clinton được coi là ‘Bất ngờ tháng 10′, rất có thể cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay sẽ chứng kiến thêm một “Bất ngờ tháng 11″ nữa, giúp một ứng viên vươn lên trở thành người chủ mới của Nhà Trắng”, ông Jewett dự đoán.
Việt Anh
Theo VNE
Những vụ điều tra gây sốc của ông trùm FBI ngáng đường bà Clinton
Giám đốc FBI James Comey từng là cử tri đảng Cộng hòa và đã tiến hành hai vụ điều tra nhằm vào vợ chồng Clinton.
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey. Ảnh: AP
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey hôm 28/10 bất ngờ gửi thư cho Quốc hội thông báo FBI sẽ điều tra một số thư điện tử mới rò rỉ vì nghi chúng có thể liên quan đến vụ bê bối bà Clinton sử dụng máy chủ cá nhân cho việc công khi còn làm ngoại trưởng.
Thông tin này lập tức gây xáo động chính trường Mỹ, khiến những người đảng Dân chủ tức giận và bất an bởi nó tiềm ẩn nguy cơ làm thay đổi cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng theo hướng có lợi cho ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ông Comey đưa ra những quyết định pháp lý gây sốc.
Truy tố nữ doanh nhân quyền lực
Theo CNN, năm 2003, nữ doanh nhân, ngôi sao truyền hình Martha Stewart, người từng được tạp chí TIME bầu chọn vào danh sách 25 phụ nữ quyền lực nhất thế kỷ 20, bị truy tố về hàng loạt tội danh liên quan đến một giao dịch chứng khoán gian lận hồi năm 2000.
Người đứng ra truy tố bà Stewart chính là Comey, khi ấy là công tố viên khu vực phía nam New York.
"Đây là một vụ án hình sự về hành vi lừa dối, lừa dối FBI, lừa dối Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC), lừa dối cả các nhà đầu tư", Comey nói tại một cuộc họp báo.
"Martha Stewart bị truy tố không phải vì cô ta là ai mà vì những gì cô ta đã làm", ông quả quyết. Năm 2004, Stewart bị kết án 5 tháng tù vì các tội danh liên quan đến giao dịch chứng khoán gian lận.
3 lần điều tra vợ chồng Clinton
Vụ điều tra máy chủ cá nhân của bà Clinton là lần thứ ba ông Comey nhắm vào vợ chồng cựu tổng thống Mỹ.
Vụ điều tra đầu tiên diễn ra vào thập niên 1990. Khi đó, Comey tham gia Ủy ban Whitewater của Thượng viện với tư cách phó cố vấn pháp lý đặc biệt nhằm làm rõ các cáo buộc vợ chồng Clinton dính líu đến một vụ gian lận liên quan đến công ty bất động sản Whitewater ở bang Arkansas.
Công ty trên hoạt động trong thập niên 1970 và 1980 nhưng sau đó bị phá sản. Cả hai vợ chồng Clinton không bị truy tố nhưng chính cuộc điều tra này dẫn đến một cuộc điều tra khác của công tố viên độc lập Kenneth Starr, giúp phanh phui vụ Bill Clinton ngoại tình với nữ thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.
Năm 2002, Comey, lúc đó là công tố viên liên bang, tiến hành điều tra quyết định ân xá của Tổng thống Bill Clinton đối với doanh nhân Marc Rich, người bị truy tố về hàng loạt tội danh liên quan đến rửa tiền trước khi tẩu thoát khỏi nước Mỹ. Quyết định ân xá cho Rich được Bill Clinton ký vào đúng ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ, khiến ông hứng chịu một cơn bão táp chính trị.
Cơ quan điều tra cho rằng Denise, vợ cũ của Rich, đã đóng góp nhiều khoản tài trợ cho đảng Dân chủ, và số tiền đóng góp này có thể đã gây tác động tới quyết định ân xá cho Rich. Song cuối cùng, Comey quyết định dừng cuộc điều tra.
Comey chính là người giám sát vụ truy tố Rich trong khoảng thời gian từ năm 1987 - 1993. Hôm 1/11, FBI lại khiến ban vận động tranh cử của bà Clinton giận dữ khi công bố 129 trang tài liệu trong vụ điều tra nhằm vào Rich.
Nhiều năm ủng hộ đảng Cộng hòa
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) tại cuộc họp báo đề cử James Comey vào ghế giám đốc FBI vào năm 2013. Ảnh: CBS News
Trong một cuộc điều trần tại Ủy ban về Giám sát và Cải cách Chính phủ thuộc Hạ viện Mỹ hồi tháng 7, Comey khẳng định FBI là một tổ chức "hoàn toàn phi chính trị".
Tuy nhiên, Comey cũng thừa nhận ông trước đây là cử tri đảng Cộng hòa. "Tôi từng là cử tri đảng Cộng hòa trong phần lớn quãng thời gian trưởng thành", Comey nói trước khi khẳng định ông hiện không còn là cử tri của đảng này nữa.
Theo Politico Scope, với tư cách cử tri đảng Cộng hòa, Comey đã đóng góp 10.000 USD cho những ứng viên cũng như các tổ chức của đảng này, trong đó có khoản đóng góp 2.300 USD cho ứng viên tổng thống John McCain vào năm 2008 và 5.000 USD cho ứng viên Mitt Romney vào năm 2012.
Comey được Tổng thống Barack Obama đề cử vào chiếc ghế giám đốc FBI năm 2013, và đề xuất này nhanh chóng được Thượng viện phê chuẩn với số phiếu cao. Tại lễ đề cử, Tổng thống Obama đã nhận xét Comey là "một người rất đáng tin cậy đối với công lý và pháp quyền".
Hồng Vân
Theo VNE
Giám đốc FBI - trở ngại của Hillary Clinton nếu đắc cử Mối quan hệ không tốt với giám đốc Cơ quan điều tra Liên bang (FBI) James Comey được đánh giá là trở ngại không nhỏ đối với ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton nếu đắc cử tổng thống Mỹ. Giám đốc FBI James Comey. Ảnh: AP Việc giám đốc FBI James Comey ngày 28/10 bất ngờ tuyên bố trước quốc hội sẽ...