Hai ca Covid-19 diễn biến nặng, Bộ Y tế khuyên người già hạn chế ra ngoài
Tại Việt Nam, hai ca mắc Covid-19 diễn biến nặng đang phải điều trị tích cực đều trên 60 tuổi, có sẵn bệnh lý nền. Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 khuyến cáo người cao tuổi hạn chế ra ngoài.
Theo đó, tại Việt Nam, đến hai ghi nhận 2 trường hợp diễn biến nặng trong tổng số 76 ca mắc Covid-19.
Đó là trường hợp bệnh nhân nữ người Việt (64 tuổi có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình) vẫn đang thở máy, lọc máu duy trì.
Bệnh nhân nam người Anh (69 tuổi có bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp), vẫn đang thở máy do suy hô hấp nặng.
Theo dõi sức khoẻ cho người có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại khu cách ly. Ảnh: Toàn Vũ
Ngày 19/3, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã có công văn gửi đến Chủ tịch UNBD các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công văn do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế kí, đề nghị các địa phương tăng cường phòng chống dịch cho người cao tuổi, người có các bệnh lý và đối tượng nguy cơ khác.
Video đang HOT
Theo đó, Ban chỉ đạo đề nghị địa phương thống kê và lập danh sách, quản lý chặt chẽ sức khoẻ người cao tuổi, đặc biệt người có bệnh lý nền, các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh khác.
Khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có bệnh lý nền và đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác. Khi có vấn đề về sức khoẻ phải liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sĩ gia đình. Trong trường hợp thực sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh (như hết thuốc, cần chỉnh liều…); luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay nếu ra ngoài.
Cá cơ sở y tế thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối thiểu 2 tháng).
Thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ đầy đủ, trước tiên ưu tiên khai cho người từ 60 tuổi trở lên và người có bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác.
Trước đó, tại cuộc họp cung cấp thông tin về dịch Covid-19 cho báo chí, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết: “Có đến 80% các ca tử vong tại Trung Quốc là trên 60 tuổi, 75% có bệnh nền đi kèm theo như tăng huyết áp, tim mạch, COPD. Bệnh nền này gây nên tình cảnh lâm sàng nặng hơn”.
Trong buổi hội chẩn về hai ca mắc Covid-19 diễn biến nặng hôm 17/3, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cũng khuyến cáo cần đẩy mạnh tuyên truyền đối với người cao tuổi, có bệnh nền đi kèm cần tham gia khai báo y tế đầy đủ.
Bên cạnh đó, tuyên truyền hướng dẫn người cao tuổi có biện pháp nâng cao sức khoẻ, tránh chỗ đông người, tránh tiếp xúc với những nơi nguy cơ có dịch và người từ vùng dịch về. Người cao tuổi cần tăng cường nếp sống lành mạnh, sử dụng khẩu trang, vệ sinh cá nhân, ăn, ngủ, nghỉ điều độ. Đặc biệt khi có những biểu hiện sức khỏe như ho, sốt, khó thở thì báo cáo cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế đến tận nơi thăm khám và chăm sóc.
Theo các chuyên gia, một số điểm bất lợi của người cao tuổi đối với bệnh Truyền nhiễm là khả năng chống đỡ với bệnh tật và thích nghi với môi trường của người cao tuổi ngày càng suy giảm; Phổi giảm dung tích, lồng ngực thu hẹp, màng nhầy giảm, lực ho yếu, do vậy người cao tuổi rất dễ bị viêm đường hô hấp; Tim phì đại, khả năng điều hoà và thích nghi kém… Người cao tuổi dễ mắc nhiều bệnh cùng lúc. Theo nghiên cứu của BV Lão khoa TƯ cho thấy trung bình người cao tuổi mắc 2,6 bệnh, đối với người trên 80 tuổi con số này là 6,8 bệnh.
Liên quan đến các trường hợp bệnh nhân nặng, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế thành lập Nhóm Điều trị tích cực gồm các chuyên gia các lĩnh vực để hỗ trợ và điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng.
Hồng Hải (dantri.com.vn)
Italia: Gần 500 người chết, hơn 4.000 người mắc Covid-19 trong 24 giờ
Tính đến hết ngày 18/3, số người tử vong vì Covid-19 ở Italia lên gần 3.000 người, số ca mắc bệnh xấp xỉ 36.000 người.
Số ca tử vong và mắc Covid-19 ở Italia tiếp tục tăng mạnh. (Ảnh: AFP)
AFP dẫn số liệu từ Cơ quan Phòng vệ Dân sự Italia cho biết, trong ngày 18/3, nước này ghi nhận 475 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người chết vì dịch viêm phổi cấp tại đây lên 2.978 người. Đây là ngày Italia có nhiều người tử vong vì Covid-19 nhất kể từ khi dịch bùng phát cuối tháng 2. Như vậy, hiện tại, Italia chiếm tới 34,2% số ca tử vong toàn cầu vì Covid-19, và đang trên đà vượt số người tử vong ở Trung Quốc.
Cũng trong vòng 24 giờ qua, Italia ghi nhận thêm 4.207 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại đây lên 35.713.
Trong đó, 4.025 người đã được chữa khỏi các triệu chứng, hiện vẫn còn hơn 2.200 người phải điều trị tích cực.
Theo số liệu thống kê của giới chức y tế Italia, trung bình các bệnh nhân Covid-19 tử vong khoảng 8 ngày sau khi có các triệu chứng đầu tiên. Bệnh nhân tử vong do Covid-19 ở nước này trung bình ở độ tuổi 80 và chủ yếu là người có bệnh lý nền như huyết áp cao, tiểu đường hay các bệnh về tim mạch. Trong khi đó, những người mắc bệnh Covid-19 trung bình ở độ tuổi 63. Biến chứng chủ yếu gây ra ở bệnh nhân Covid-19 tại Italia là suy hô hấp (khoảng 97%), ngoài ra gây các biến chứng về gan và tim.
Trong bối cảnh số ca tử vong và mắc Covid-19 tiếp tục tăng mạnh bất chấp lệnh phong tỏa và hàng loạt biện pháp ứng phó của chính phủ Italia, giới chức nước này kêu gọi người dân bình tĩnh và tin tưởng sẽ chiến thắng dịch bệnh.
"Điều quan trọng là không được từ bỏ. Chúng ta cần thêm vài ngày nữa để thấy các biện pháp ứng phó phát huy hiệu quả. Chúng ta phải duy trì các biện pháp này để thấy hiệu quả của nó và trên hết là để bảo vệ những người dễ bị ảnh hưởng nhất", người đứng đầu Viện Y tế Quốc gi Italia Silvio Brusaferro phát biểu trong một cuộc họp báo phát sóng trên truyền hình quốc gia ngày 18/3.
Chính phủ Italia đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 10/3, khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trừ trường hợp khẩn cấp, đồng thời yêu cầu các nhà hàng, quán bar, đóng cửa, cấm tụ tập đông người. Các trường học ở Italia cũng đóng cửa để phòng dịch cho đến đầu tháng 4. Một quan chức Italia cho biết, lệnh đóng cửa trường học có thể gia hạn đến tháng sau nếu cần thiết.
Thống đốc vùng Lombardy, ông Attilio Fontana, hôm qua kêu gọi người dân ở trong nhà, tránh ra ngoài để hạn chế lây lan Covid-19 trong bối cảnh hệ thống y tế ở vùng dịch này đã quá tải. "Các bạn hãy ở nhà, đừng ra ngoài. Đáng tiếc là số ca mắc bệnh chưa giảm, vẫn tiếp tục cao. Không lâu nữa chúng ta không thể tiếp nhận những người mắc bệnh. Chúng tôi mong muốn các bạn hy sinh để cứu lấy sinh mạng nhiều người. Mỗi khi các bạn ra ngoài đó sẽ là rủi ro cho chính bạn và cả những người khác", ông Fontana nói và cho biết thêm ông sẽ đề nghị chính phủ triển khai các biện pháp ứng phó mạnh hơn nữa.
Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái và hiện đã lan ra hầu khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Dịch đã khiến hơn 200.000 người mắc bệnh và gần 9.000 người tử vong. Trong khi tình hình tại Trung Quốc đã được kiểm soát, dịch lại đang bùng phát mạnh tại các nước châu Âu và Mỹ. Hàng loạt quốc gia đã ban bố lệnh khẩn cấp y tế, đóng biên, phong tỏa cả nước và bơm ngân sách hỗ trợ nền kinh tế.
Minh Phương
Theo dantri.com.vn/ AFP
Công đoàn Y tế VN thăm hỏi, động viên bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TW Ngày 11/02/2020, PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác của Công đoàn đã đến làm việc, thăm hỏi và trao tặng kinh phí 50 triệu đồng, nhằm động viên tập thể cán bộ, y, bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TW. PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam...