Hai Bộ “bắt tay” thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Chiều nay (9/11), Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường phối hợp công tác thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cũng như các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp trong việc triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất, đàm phán mở cửa và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh tình hình thị trường thế giới khó khăn.
Hai Bộ trưởng NN&PTNT và Công Thương cùng ký Bản ghi nhớ.
Theo số liệu do Tổng cục Hải quan công bố, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 10 tháng đầu năm 2016 tăng khá, đạt khoảng 23,92 tỷ USD, tăng 6,1%; trong đó, có 4 mặt hàng đã đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD (thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều) và 7 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Video đang HOT
Tại Lễ ký kết, hai Bộ trưởng cũng đã đánh giá lại công tác phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong suốt thời gian qua. Công tác phối hợp giữa hai Bộ đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thủy sản nói riêng và tăng trưởng xuất khẩu của cả nước nói chung; đặc biệt là trong công tác phối hợp tổ chức sản xuất đáp ứng theo nhu cầu thị trường; xây dựng phương án, nội dung đàm phán mở cửa thị trường trong các Hiệp định thương mại tự do; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; tổ chức kết nối cung – cầu tiêu thụ và bình ổn thị trường; tăng cường chống buôn lậu, kiểm tra, kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp; điện khí hóa nông nghiệp nông thôn, đầu tư đồng bộ các công trình đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp,…
Tuy nhiên, hiện nay, trước tình hình xuất khẩu chung của thế giới vẫn đang suy giảm với nhu cầu tiêu dùng thấp, tình trạng các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có xu hướng quay lại tập trung vào thị trường nội địa, dẫn đến việc bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các rào cản phi thuế quan ngày càng mạnh mẽ, làm hạn chế các lợi thế ưu đãi về thuế quan đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản mà Việt Nam được hưởng trong các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã và đang ký kết.
Trước bối cảnh nêu trên, để phát huy vai trò quản lý nhà nước của hai Bộ trong giai đoạn mới và tăng cường hơn nữa sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị trực thuộc hai Bộ trong công tác triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong khuôn khổ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung nhấn mạnh vào công tác trao đổi thông tin, tháo gỡ rào cản phi thuế quan và mở cửa thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thống nhất ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường phối hợp công tác giữa hai Bộ để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2016 – 2020, kèm theo là Bản Kế hoạch triển khai một số nội dung về đàm phán tháo gỡ rào cản, mở cửa thị trường mà hai Bộ cần tập trung phối hợp thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017.
Trên cơ sở Bản ghi nhớ này, các đơn vị chức năng trực thuộc hai Bộ sẽ tăng cường phối hợp để triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong giai đoạn 2016 – 2020, cụ thể trong các lĩnh vực sau:
Phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu của thị trường; trao đổi thông tin, tháo gỡ rào cản phi thuế quan, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; quản lý thị trường, chống buôn lậu, sản xuất hàng giả đối với vật tư nông nghiệp và hàng nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp nông thôn; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng cường quản lý và phát triển làng nghề; quản lý nhà nước và thống nhất chỉ đạo các địa phương.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
15 doanh nghiệp "hứa" cung ứng nông sản an toàn
Bộ NN&PTNT tổ chức Lễ ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với 15 doanh nghiệp đầu tiên là những tập đoàn, doanh nghiệp lớn có mạng lưới phân phối nhiều sản phẩm nông sản an toàn trong cả nước.
Ngày 8/10, 3 bên - giữa đại diện Bộ NN Doanh nghiệp và Báo Nông thôn ngày nay đã kí kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Theo đó nhằm chuyển đến xã hội, người tiêu dùng một thông điệp, một sự cam kết về cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và cộng đồng; đồng thời, cũng là cam kết của doanh nghiệp liên kết bền vững người sản xuất trong tiêu thụ nông sản an toàn để sản phẩm an toàn của họ có đầu ra ổn định trên thị trường.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám phát biểu tại Lễ ký kết...(Ảnh: Nguyễn Dương).
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đánh giá: "Việc tổ chức Lễ ký cam kết này chỉ là bước khởi đầu, sự đi đầu của các doanh nghiệp và sẽ là động lực thúc đẩy, nhân rộng đến nhiều doanh nghiệp, tập đoàn khác và hy vọng việc triển khai này sẽ đem lại kết quả tích cực, từng bước tạo niềm tin cho người tiêu dùng về sản phẩm nông sản an toàn, thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn theo quy định của Luật An toàn thực phẩm".
Năm 2016, Bộ NN&PTNT xác định là năm hành động về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm mỗi tỉnh/thành phố trên cả nước hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận. Để đạt được mục tiêu này, Bộ NN&PTNT đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Bên cạnh các giải pháp về tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm và công khai các nông sản thực phẩm không an toàn, các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các qui định pháp luật về an toàn thực phẩm thì các giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn từ người sản xuất đến người tiêu dùng; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền... cũng được chú trọng; trong đó Chương trình truyền thông "Địa chỉ Xanh - Nông sản Sạch" do Báo Nông thôn ngày nay đề xuất và phối hợp thực hiện là một điển hình.
Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương báo cáo về đến hết tháng 9/2016, cả nước đã có 45 địa phương có mô hình chuỗi hoàn chỉnh với tổng số 382 chuỗi; 92 chuỗi được cấp xác nhận. Sản phẩm chính là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản các loại. Trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận, doanh nghiệp được xác định là đầu tàu, có vai trò quyết định trong liên kết phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn từ tổ chức liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến đến tiêu thụ, phân phối trực tiếp nông sản thực phẩm an toàn trên thị trường. Đáng mừng là gần đây nhiều doanh nghiệp lớn đã nghiên cứu và quyết định đầu tư vào nông nghiệp.
15 doanh nghiệp tham gia ký kết ứng nông sản thực phẩm an toàn sẽ cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và thực hiện cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và cộng đồng. Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân Theo ông Lương Quốc Đoàn - Phó Chủ tịch Hội NDVN, với chủ đề "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững" hội chợ sẽ góp phần thúc đẩy xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản phẩm hàng hóa trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và thương mại. Tối 28.8, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (Thái Nguyên),...