Hai bệnh viện ở TP.HCM phải dừng làm xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu có thu phí
Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện FV sẽ phải dừng thực hiện dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu, có thu phí sau khi Bộ Y tế gửi công văn đề nghị tạm dừng.
Ngày 11/4, Sở Y tế TP.HCM cho biết, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa ký công văn khẩn gửi đến tất cả các Sở Y tế về việc khẳng định không cho phép làm xét nghiệm COVID-19 dịch vụ theo yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Trước khi Bộ Y tế gửi công văn này, ngoài 5 đơn vị công lập gồm Viện Pasteur, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện FV là đơn vị y tế tư nhân đầu tiên được thực hiện xét nghiệm virus corona. Trong đó, Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện FV đã triển khai dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu.
Bác sĩ Jean-Marcel Guillon – Tổng giám đốc Bệnh viện FV từng cho biết, Bệnh viện FV sẽ làm xét nghiệm phục vụ cho đối tượng là người dân tự nguyện muốn được xét nghiệm COVID-19. Chi phí một lần xét nghiệm tại bệnh viện là 3 triệu đồng. Người dân có nhu cầu làm xét nghiệm sẽ liên lạc và đặt hẹn qua điện thoại, đồng thời khai báo y tế trước khi đến bệnh viện để được hướng dẫn quy trình đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, ngoài thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho những bệnh nhân do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM chuyển đến (miễn phí), Bệnh viện Thống Nhất triển khai xét nghiệm có thu phí cho những người bệnh có triệu chứng và lo lắng bị nhiễm COVID-19 từ ngày 6/4.
Như vậy, sau đề nghị của Bộ Y tế, 2 đơn vị này sẽ phải dừng thực hiện dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu, có thu phí.
Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm COVID-19 ở Bệnh viện FV.
Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị lãnh đạo các bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo này của Ban chỉ đạo quốc gia, phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Theo công văn của Bộ Y tế, tính đến nay, cả nước có 110 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm COVID-19, trong đó ngành y tế có 95 phòng, các ngành khác (Nông nghiệp, Quốc phòng) có 15 phòng, 36 phòng xét nghiệm đủ năng lực khẳng định.
Việc thực hiện mua sắm, đầu tư máy móc, trang thiết bị xét nghiệm phải được cân nhấc kỹ để phù hợp với nhu cầu và hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí. Theo đó, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới như hiện nay, các máy xét nghiệm, trang thiết bị và sinh phẩm có nguồn cung ứng hạn chế và giá thành cao.
“ Trong giai đoạn hiện nay các phòng xét nghiệm thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc và khẳng định theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia, không xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu“, công văn nêu rõ.
Video: Cận cảnh quy trình xét nghiệm COVID-19
NHẬT LINH
Các bệnh viện ở TP.HCM phòng chống lây nhiễm Covid-19 như thế nào?
Đặt máy sát khuẩn tay tự động, máy quét đo thân nhiệt từ xa, cabin lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, khai báo y tế điện tử trên phần mềm để sàng lọc và 'truy vết' người đến bệnh viện, robot khử khuẩn...
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm người nghi nhiễm Covid-19 qua cabin tại Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM) - Ảnh: Xuân Bình
Đó là nhiều biện pháp các bệnh viện tại TP.HCM đang thực hiện để phòng chống lây nhiễm Covid-19 tại bệnh viện.
Các cách phòng dịch
Hiện tại, tại các bệnh viện ở TP.HCM, mọi người đến bắt buộc thực hiện tờ khai y tế ngay tại mỗi cổng vào (hoạt động 24/7), để kiểm soát chặt chẽ yếu tố nguy cơ liên quan đến dịch Covid-19. Đồng thời, mỗi người đến bệnh viện phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn.
Các bệnh viện đã tạm dừng việc thăm bệnh tại tất cả các khoa nội trú, mỗi người bệnh chỉ được một người nhà chăm sóc.
Chặn đứng đại dịch Covid-19 ngay cổng bệnh viện tại TP.HCM
Ghi nhận tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, tất cả bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế của bệnh viện ngay khi đến cổng đều phải đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và bắt buộc đeo khẩu trang. Đồng thời, người đến bệnh viện cũng phải điền tờ khai y tế.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Đăng Trọng Tường, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết các biện pháp trên nhằm giúp phát hiện sớm những người có yếu tố nguy cơ, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, thân nhân và nhân viên y tế của bệnh viện.
Người đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM phải đeo khẩu trang, được đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn - Ảnh: Nguyên Mi
Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Thống Nhất đã cho đặt các máy sát khuẩn tay tự động tại bệnh viện. Đặc biệt, các máy sát khuẩn tay tự động này đều được hai bệnh viện tự chế tạo. Máy sát khuẩn tay tự động có bộ phận cảm biến, sẽ nhận diện khi đưa bàn tay dưới vòi máy và tự động phun ra một lượng dung dịch rửa tay sát khuẩn dưới dạng phun sương vừa đủ cho một lần rửa tay của mỗi người.
Thay vì bảo vệ trực tại cổng phải xịt dung dịch sát khuẩn tay cho từng người ra vào Bệnh viện Nhi đồng 1 thì nay chỉ cần yêu cầu và giám sát người đến bệnh viện phải tuân thủ rửa tay.
Tại Bệnh viện Thống Nhất, các máy sát khuẩn tay tự động do bệnh viện tự chế tạo cũng được đặt ngay cổng và các vị trí dễ thấy như khu vực đăng ký khám, trước cửa các phòng khám, thang máy... để mọi người sử dụng.
Máy sát khuẩn tay tự động được đặt tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) để mọi người sử dụng - Ảnh: Sở Y tế TP.HCM
Ngoài ra, Bệnh viện Thống Nhất cũng trang bị máy quét thân nhiệt tự động từ xa để kiểm tra nhiệt độ người ra vào bệnh viện. Máy quét thân nhiệt tự động được đặt trước cổng bệnh viện. Nếu trường hợp nào máy báo thân nhiệt trên 37,5 độ C thì sẽ được hướng dẫn đến phòng khám sốt và tiếp tục được thực hiện các thăm khám sàng lọc cần thiết.
Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thay vì người đến bệnh viện phải khai báo y tế bằng cách điền vào tờ khai y tế bằng giấy thì nay đã điền trên máy vào ứng dụng (app) khai báo y tế và sàng lọc bệnh nhân.
Theo bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, việc số hóa này giúp quản lý được số lượng người đến và đi mỗi ngày, dễ dàng hơn trong việc sàng lọc bệnh nhân nghi nhiễm để cách ly và xét nghiệm xác định, giúp truy tìm các mối liên hệ với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 dễ dàng hơn, từ đó khoanh vùng, cách ly nhanh, giúp giảm thiểu lây nhiễm.
Cập nhật sáng 9.4: Việt Nam không ghi nhận thêm bệnh nhân Covid-19 mới
Giảm người, giảm tiếp xúc, tăng khoảng cách
Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn tăng cường triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong bệnh viện để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm dịch Covid-19.
Hiện nay, nhiều bệnh viện tại TP.HCM đã chuyển sang họp giao ban trực tuyến như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố,...
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM): Bệnh viện đã ngưng các cuộc họp giao ban trực tiếp ở các khoa mà chuyển sang trao đổi trực tuyến. Với giao ban quan trọng cấp lãnh đạo bệnh viện cũng chỉ họp trực tiếp những khoa phòng thật sự thiết yếu như Khoa Cấp cứu, Bệnh Nhiệt đới..., không quá 10 người và giữ khoảng cách 2 m.
Các bệnh viện tuyến trên hiện chỉ ưu tiên tiếp nhận ca bệnh nặng, cấp cứu, chuyển tuyến và hạn chế tối đa nhận các trường hợp khám bệnh thông thường mà ở tuyến dưới thực hiện được. Đồng thời, giãn, hoãn việc mổ chương trình các trường hợp trì hoãn được.
Quét thân nhiệt từ xa tại cổng Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) - Ảnh: BVCC
Tất cả nhân viên y tế khám sàng lọc, điều trị, thực hiện các kỹ thuật liên quan đến người bệnh hoặc nghi nhiễm Covid-19 đều phải đảm bảo đầy đủ phương tiện phòng hộ. Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm Covid-19.
Đồng thời, các bệnh viện tổ chức các buồng khám sàng lọc ngay gần cổng vào hoặc tiền sảnh gần nơi thực hiện tờ khai y tế, biệt lập với các khoa/phòng khác; không để người bệnh nghi nhiễm Covid-19 đi lại tự do trong khu vực phòng khám và các khu vực khác trong bệnh viện.
Chuyển ngay người bệnh vào khu cách ly nếu có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng. Khu cách ly phải ở gần buồng khám sàng lọc, đảm bảo thông thoáng và tách biệt khỏi các khoa phòng khác của bệnh viện.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã sắp xếp riêng một xe cấp cứu để vận chuyển các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 và khử khuẩn theo đúng quy định phòng dịch.
Đặc biệt, tại Bệnh viện Quận 2, có 3 cabin dành cho việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đã bệnh viện tự sáng chế, thi công và đưa vào sử dụng. Người nghi nhiễm Covid-19 sẽ được đứng cách ly trong cabin khi lấy mẫu xét nghiệm. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm mặc đồ bảo hộ, đứng bên ngoài và thao tác lấy mẫu qua bao tay, nhằm giảm thiểu tiếp xúc, tránh lây nhiễm. Sau mỗi lượt, cabin đều được khử khuẩn tự động.
Robot khử khuẩn khu cách ly cũng đã được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Nguyên Mi
TPHCM: Bệnh viện đầu tiên dùng máy quét đo thân nhiệt ở khoảng cách 5m Máy quét nhiệt độ tự động có thể đo được ở khoảng cách 5m được đặt ở các cổng ra vào của bệnh viện Thống Nhất. Bệnh viện đầu tiên tại TP.HCM có máy đo thân nhiệt tự động khoảng cách 5m Thay vì sử dụng nhiệt kế điện tử đo thủ công, bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) sử dụng máy quét nhiệt...