Hai bệnh viện lớn ở TP HCM ‘ăn chặn nhiều tỷ đồng’
Thu tiền bệnh nhân loại phim cỡ lớn nhưng lại chụp phim cỡ nhỏ, liên kết với phòng khám tư hưởng “hoa hồng”… Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM và Bình Dân bị cho là đã “ăn chặn” nhiều tỷ đồng của người bệnh.
Ngày 7/10, Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã công bố kết luận thanh tra về những vấn đề được cho là sai phạm tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM và Bệnh viện Bình Dân. Việc thanh tra được tiến hành từ tháng 5, sau khi có đơn tố cáo từ chính cán bộ nhân viên bệnh viện.
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM là cơ sở y tế chuyên khoa luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Thiên Chương
Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, cơ quan chức năng cho biết đã kiểm tra hơn 32.000 phim X-quang trong tháng 10/2010, 11/2011 và tháng 6/2012, phát hiện có 6.688 phim sai và bị thay đổi kích thước từ phim cỡ lớn sang cỡ bé hơn. Ngoài ra, trong 3 năm này, bệnh viện này còn để thất thoát khoảng 15.500 tờ phim với trị giá khoảng 500 triệu đồng.
Trong đó, kiểm tra ngẫu nhiên phim chụp cho bệnh nhân ngoại trú còn lưu trữ trong tháng 10/2011 (những trường hợp này bệnh nhân không mang phim về), thì có 444 trường hợp đổi phim (từ cỡ A thành cỡ B) trong tổng số 1.126 tờ phim lưu.
Việc sai kích thước phim trong khu vực điều trị nội trú chủ yếu là đổi phim (tức phim kích thước A đổi thành phim B, C có kích thước nhỏ)… “Nếu áp dụng tỉ lệ sai của phim B, C vào tổng số phim sử dụng hàng năm của bệnh viện thì số tiền sai lệch ước tính hơn 3,3 tỷ đồng (chênh lệch giá tạm tính giữa phim A và phim B, C trung bình là 14.500 đồng theo giá gốc mua vào)”, kết luận thanh tra nêu.
Video đang HOT
Báo cáo của thanh tra cũng cho biết thêm, đối với bệnh nhân ngoài giờ, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thu tiền chụp phim kích thước A và B chênh lệch nhau 20.000 đồng. Nếu bệnh nhân đóng tiền phim A mà khoa in phim B và báo cáo là sử dụng phim B thì bệnh nhân sẽ bị thiệt hại số tiền chênh lệch.
Về tình trạng cắt, ghép phim, thực tế khi kiểm tra cụ thể phim sử dụng, đoàn thanh tra phát hiện có hiện tượng cắt, ghép phim trên tờ phim A trong khi thu tiền nhiều phim B, C. Việc cắt, ghép phim này tạo ra số lượng “phim thừa” tại khoa Chẩn đoán hình ảnh so với tổng số lượng phim đã thu tiền của bệnh nhân, số “phim thừa” này chủ yếu là phim B, C. Do số liệu thu được không đầy đủ (vì khoa không cung cấp được cho đoàn thanh tra) nên chỉ tìm ra được số liệu “phim thừa” ở một số tháng.
Thanh tra Sở Y tế cũng cho rằng “chưa thể xác định chính xác vấn đề cắt, ghép phim để tạo ra ‘phim thừa’ xảy ra từ khi nào. Số phim thừa này được đối tượng nào quản lý, chiếm dụng ra sao”. Chính vì thế, thanh tra Sở Y tế sẽ kiến nghị Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện bệnh viện này.
Ngoài ra, thanh tra Sở Y tế còn phát hiện một số sai phạm tại Bệnh viện Bình Dân. Cụ thể, từ năm 2009 đến năm 2012, việc liên kết máy móc với các công ty bên ngoài gồm máy tán sỏi với Công ty TNHH Huynh đệ Phương Đông, máy siêu âm với phòng khám đa khoa Lạc Việt, máy CT Scanner với Công ty TNHH Việt Nhật… đều không có trong chủ trương phê duyệt của Sở Y tế TP HCM.
Thanh tra cũng phát hiện mỗi bác sĩ ỡ Bệnh viện Bình Dân chỉ định mỗi bệnh nhân đi siêu âm, chụp X-quang từ máy liên kết với công ty bên ngoài sẽ được hưởng 50.000 đồng; đọc kết quả được 40.000 đồng. “Một số cán bộ trong ban giám đốc bệnh viện đều hưởng lợi từ việc liên kết đặt máy”, thanh tra nêu.
Riêng về việc đầu tư trang thiết bị y tế, thanh tra phát hiện bệnh viện này chi lãng phí hơn 1 tỷ đồng cho những máy móc mua về nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng. Thanh tra kiến nghị thu hồi hơn 3 tỷ đồng nộp vào ngân sách đồng thời yêu cầu bệnh viện phải chấn chỉnh mọi sai phạm. Hiện Bệnh viện Bình Dân đã có giám đốc mới.
Thiên Chương
Theo VNE
'Thầy' chữa bệnh bằng bùa phép chống cự Thanh tra y tế
Phát hiện những "bệnh nhân" đang có mặt trong phòng chữa bệnh của mình là Thanh tra Sở Y tế TP HCM, thầy bùa ở quận Bình Thạnh la ó, quyết liệt xua cả đoàn ra khỏi nhà.
Tối 10/9, từ thông tin của người dân và một số bệnh nhân từng điều trị mà không khỏi bệnh, đoàn Thanh tra Sở Y tế TP HCM đã có mặt tại một căn hộ trên đường Nguyễn Cửu Vân (phường 17, quận Bình Thạnh), nơi "thầy" Giang đang hành nghề chữa bệnh bằng phương pháp "dán bùa".
Bùa điều trị chứng bại não được thầy dán lên trán của một thanh tra y tế đóng vai bệnh nhân. Ảnh: Thiên Chương
Trong vai người bệnh bại não, một thanh tra viên được "thầy" khám. Sau khi hỏi vài câu, ông Giang quyết định điều trị bằng cách "đau ở đâu dán bùa ở đó". Thấy đã có đủ cơ sở cho thấy việc khám chữa bệnh không có chứng cứ khoa học, đoàn thanh tra xuất hiện, yêu cầu kiểm tra cơ sở chữa bệnh trái phép này.
"Thầy" Giang sau đó được cho là "đã phản ứng dữ dội". Theo các thanh tra viên, từ vẻ mặt tập trung chú ý vào điều trị, ông Giang đổi sắc giận dữ cùng người nhà la lối cho rằng thanh tra "không được phép vào nhà". Bất chấp phía thanh tra trình quyết định kiểm tra của Sở Y tế, ông này và người nhà vẫn lớn tiếng và kiên quyết yêu cầu những vị khách không mời "ra khỏi nhà".
Khẳng định mình chữa bệnh không thu phí, chi phí điều trị tùy vào tấm lòng của bệnh nhân, "thầy" Giang cho rằng mình không sai. Khi thanh tra đề nghị trình bằng cấp chuyên môn về khám chữa bệnh, ông này thừa nhận "không có" và cũng không có giấy phép đăng ký hoạt động khám chữa bệnh.
Trước phản ứng của gia chủ được cho là có dấu hiệu manh động, đoàn thanh tra gọi điện nhờ sự hỗ trợ của công an phường nhưng bị từ chối giúp đỡ với lý do "đoàn không báo trước để phường biết". Vì thế, biên bản vi phạm được lập với ý kiến của cơ sở được thanh tra là "không thống nhất".
Theo đại diện Thanh tra Sở Y tế TP HCM, ngành y tế không cấm các hoạt động khám chữa bệnh nếu người lập cơ sở có bằng cấp chuyên môn và có đăng ký hoạt động tại Sở Y tế. Tuy nhiên chữa bệnh bằng bùa chú là không được phép vì không có cơ sở khoa học. Cách chữa này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân, khiến bệnh ngày càng nặng hơn mà "thầy" Giang là một minh chứng.
Theo thư tố cáo của một số người bệnh từng điều trị tại nhà thầy Giang, cách chữa của thầy là cho bệnh nhân tự khai bệnh rồi dán miếng bùa có viết chữ Hoa vào vị trí "bị bệnh". Người đau đầu dán vào đầu, bệnh ở tay chân thì dán vào tay chân. Thời gian mỗi lần điều trị từ 2 đến 3 giờ đồng hồ.
Thanh tra Sở Y tế cho biết, dù không thu phí nhưng việc nhận bệnh điều trị của ông Giang là sai quy định và yêu cầu ông này Giang ngưng tiếp nhận bệnh kể từ ngày 10/9. "Riêng việc bất hợp tác thi thành công vụ của công an phường 17, thanh tra Sở Y tế sẽ có ý kiến bằng văn bản gửi đến Công an quận Bình Thạnh", lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế cho biết.
Thiên Chương
Theo VNE
Massage đội lốt phòng khám y học cổ truyền Để biển hiệu công ty nhưng bên dưới của căn nhà phố 3 tầng lại gắn biển có nội dung "Day, ấn huyệt, xông hơi... do nam nữ khiếm thị thực hiện". Trưa 3/10, Thanh tra Sở Y tế bất ngờ kiểm tra Công ty TNHH Y học cổ truyền Thanh Tâm trên đường Phan Xích Long (quận Bình Thạnh), phát hiện cơ...