Hai bé 3 tuổi mồ côi mẹ trong túp lều tranh
Sinh ra không biết mặt bố, hơn 3 tuổi anh em sinh đôi Tuấn – Đức lại mất mẹ vì bệnh ung thư. Hai em bé đầu chít khăn tang, tay chống gậy bên bàn thờ mẹ đặt giữa túp lều xập xệ khiến nhiều người xót xa.
Con đường bê tông cũ nát dẫn vào xóm 10, xã Thanh Mỹ ( Thanh Chương, Nghệ An) hôm nay đông hơn thường lệ. Nhiều người túm tụm kể về gia cảnh hai anh em sinh đôi không cha, mồ côi mẹ. “Hơn nửa đời người tôi chưa gặp hoàn cảnh nào đáng thương như anh em Tuấn – Đức. Mấy hôm nay ngày nào tôi cũng tranh thủ qua nhà thăm các cháu”, bà Nguyễn Thị Hoa (60 tuổi) nói.
Túp lều chừng 10m vuông nơi người thân dựng tạm bợ cho ba mẹ con chị Anh. Ảnh: Phương Linh.
Nằm ở góc vườn, túp lều của anh em Tuấn – Đức chỉ rộng khoảng 10 m2, lợp bằng lá mía, quấn quanh là dải bạt nylon, phên tre cũ nát. Giữa lều là chiếc bàn ọp ẹp đặt di ảnh chị Nguyễn Thị Anh (23 tuổi). Đứng chống gậy trước bàn thờ là hai anh em Nguyễn Bá Tuấn và Nguyễn Bá Đức (hơn 3 tuổi).
Thương con gái đầu đoản mệnh, hai cháu mồ côi, hai ngày nay vợ chồng ông Nguyễn Quang Thịnh và bà Nguyễn Thị Thân khóc không thành tiếng. Đôi mắt đỏ hoe, bà Thân kể vợ chồng có 4 người con, Nguyễn Thị Anh là con gái đầu. Vì hoàn cảnh khó khăn, học hết lớp 9, Anh xin bố mẹ nghỉ học ở nhà phụ giúp đồng áng, chăn trâu cắt cỏ để nhường phần học cho các em.
5 năm trước, Anh khăn gói ra Hải Phòng làm thuê với mong muốn thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, kiếm tiền gửi về quê phụ bố mẹ nuôi các em. Cô xin vào làm nhân viên dọn dẹp ở một nhà hàng, lương chỉ đủ trả tiền nhà và chi phí hàng ngày. Xa quê, thiếu thốn tình cảm người thân, Anh đã đem lòng yêu một người con trai tên Hoan cùng trang lứa ở xã bên, làm công nhân.
Tin tưởng người yêu, Anh đã trao thân và hy vọng vào một đám cưới không xa. Nhưng ngày Anh thông báo có bầu, người con trai từ chối vì lý do bố mẹ không đồng ý và khuyên bỏ thai. Thương giọt máu mủ, chị Anh quyết giữ.
Vợ chồng ông Thịnh, bà Thân. Ảnh: Phương Linh.
“Cả gia đình, họ hàng đã họp để cử đại diện qua nhà của cậu con trai đó thương thuyết chuyện hôn nhân cho hai cháu. Song gia đình họ xua đuổi, không chấp nhận”, bà Thân nghẹn trong nước mắt khi nhắc tới câu chuyện hôn nhân dang dở của con gái xấu số.
Video đang HOT
Vợ chồng ông Thịnh dựng tạm túp lều ở góc vườn để chị Anh sinh con. “Thương con, thương cháu lắm nhưng vì phong tục làng quê, con gái lỡ thì không thể sinh hạ trong nhà được, đành thắt ruột cho ra riêng. Mang tiếng ở riêng nhưng trong túp lều tuềnh toàng đó chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ kỹ và chiếc kiềng làm chỗ nấu ăn”, ông Thịnh thều thào vừa nấc vừa kể.
Tháng 11/2012, chị Anh chuyển dạ sinh hai con trai, đặt tên là Nguyễn Bá Tuấn và Nguyễn Bá Đức. Khi hai con được vài tháng tuổi, chị Anh gửi con cho ông bà trông nom, còn mình mưu sinh kiếm tiền bằng những việc làm thuê hàng ngày ở địa phương như cuốc cỏ, bốc vác thuê.
Hai tháng trước, gửi lại con nhỏ, chị Anh lần hai ra miền Bắc tìm kiếm việc làm. Vừa vào công ty may được hai ngày, thấy ngực đau nhói, chóng mặt nên chị Anh trở về quê. Vay mượn được hơn 20 triệu đồng đi khám, người mẹ trẻ suy sụp khi được thông báo mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, không thể cứu chữa.
Hai ngay nay anh em Tuấn và Đức chống gậy túc trực bên bàn thờ mẹ. Ảnh:Phương Linh.
Bà Thân kể, 20 ngày nằm viện nhiều lần Anh khóc, van xin bác sĩ “Hãy cứu lấy em để trở về chăm hai con nhỏ. Vì em chết đi thì hai con mồ côi không biết ai nuôi nấng và trả số nợ hàng chục triệu đồng vay ngân hàng, người thân…”.
Trưa 9/1, gia đình xin đưa chị Anh về quê để lần cuối nhìn hai con và người thân. Trong túp lều rách, siết chặt hai con vào lòng, người mẹ trẻ lịm dần. Người thân, bà con lối xóm không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến giây phút đó.
Ngày đưa tang mẹ, hai anh em Tuấn chống gậy đi trước xe tang khiến nhiều người nghẹn lòng. “Lúc chưa chôn mẹ, hai cháu cứ quẩn quanh linh cữu, rồi lại sà vào lòng bà khóc, nói đừng chôn mẹ cháu xuống đất, chuột ăn mất tay …”, bà Thuận vừa kể vừa khóc.
Ôm chặt hai đứa cháu bất hạnh vào lòng, ông Thịnh kể, hai hôm nay nhiều người biết hoàn cảnh khó khăn đã tìm về thăm hỏi, chia sẻ. Cũng có người gọi điện ngỏ ý muốn xin cháu làm con nuôi, nhưng gia đình chưa nghĩ đến việc đó. “Khó khăn trăm bề, nhưng vợ chồng tôi sẽ cố nuôi nấng hai cháu. Giờ mà cho cháu đi với người ta thì thắt ruột lắm”, ông Thịnh nói.
Ông Nguyễn Thế Thuận, xóm trưởng xóm 10, xã Thanh Mỹ cho biết, cách đây vài năm, theo chỉ tiêu hộ nghèo, chị Anh được nhà nước cấp cho một con bò để phát triển kinh tế. Số tiền chị nợ ngân hàng phía địa phương nắm được là 50 triệu đồng, đến nay chưa có trả.
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Mỹ, ông Hoàng Tiến Thọ cho biết thêm, từ lúc được bố mẹ tách khẩu ra ở riêng, gia cảnh chị Nguyễn Thị Anh rất bi đát, mấy năm đều là hộ nghèo. Gia đình vợ chồng ông Thịnh là hộ cận nghèo. Biết chị Anh qua đời, cán bộ cấp xóm, xã và huyện đã tới thăm hỏi. Sắp tới xã sẽ phát động phong trào quyên góp để hỗ trợ gia đình.
Hải Bình
Theo VNE
Mắc bệnh xương thủy tinh, cô bé mồ côi vẫn rất đảm đang
Hàng ngày sau giờ học, Hằng dành nhiều thời gian giúp các bảo mẫu chăm sóc trẻ bị bỏ rơi cùng sống trong Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn với mình.
Hơn 11h, Hoàng Thị Thu Hằng (12 tuổi) được nhân viên của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn đón về từ trường học. Ngồi xuống xe lăn, em đẩy nhanh đến phía cuối phòng rồi gấp phẳng phiu chiếc áo đồng phục cất trong tủ. Ngay sau đó, cô bé xương thủy tinh đẩy xe vào phòng các em nhỏ.
Hằng mắc bệnh xương thủy tinh nhưng vẫn giúp chăm sóc các bé tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Hồng Vân
Cùng sống trên tầng 2 của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh với Hằng có 15 trẻ từ 3 ngày tuổi đến dưới một năm tuổi, tất cả bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng. Sau khi đi học về, Hằng lại vào phòng giúp các cô, bác trông em. Do chân yếu, khi muốn bế em, Hằng kẹp em bé vào giữa hai chân rồi đặt ngồi trên đùi.
Chăm sóc và chơi đùa với các em bé là niềm vui lớn nhất trong ngày của Hằng. Với những em bé ở trung tâm, Hằng cũng là người bạn gắn bó nhất. Vừa nựng em ăn, cô bé vừa chia sẻ về cuộc sống hàng ngày, chuyện bạn bè, lớp học...
Khá bạo dạn, Hằng kể sinh ra tại xã Hoàng Văn Thụ (Bình Gia, Lạng Sơn), do mắc bệnh xương thủy tinh nên từ nhỏ em được gia đình "nâng như nâng trứng". Bất hạnh ập đến với em khi cha qua đời, mẹ bỏ đi nơi khác, để lại em một mình. Năm lên 6 tuổi, Hằng được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội. Tại đây, em bắt đầu làm quen với cách tự chăm sóc bản thân.
Đôi chân yếu ớt không thể đứng vững, chiếc xe lăn trở thành người bạn gắn bó với em. Đôi bàn tay gầy guộc nhỏ bé đã bao lần mỏi nhừ, toát mồ hồi không thể kéo nổi bánh xe lăn. Thế nhưng Hằng chưa bao giờ bỏ cuộc trước những khó khăn, em tập làm mọi thứ sao cho thật nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh.
5 năm liền Hằng đạt danh hiệu học sinh giỏi, tranh thủ buổi trưa và tối em làm bài tập. Ảnh: Hồng Vân
Mỗi lần muốn đi vệ sinh, hoặc tắm, chiếc ghế trở thành "đôi chân" giúp em di chuyển. Hằng tự tay giặt quần áo mà không cần nhờ người khác giúp đỡ. "Em tự làm mọi việc để chăm sóc bản thân, một lần không được thì làm lại sau nhiều lần cũng quen dần. Em còn giúp các cô trông em bé lúc rảnh rỗi", Hằng vui vẻ nói.
Ở trên tầng 2 của Trung tâm nên Hằng chỉ điều khiển xe lăn loanh quanh các phòng hoặc ra hành lang. Nhiều lúc ngó xuống sân tầng dưới thấy các bạn, các em chơi đùa chạy nhảy, Hằng cũng muốn tham gia. Nhưng em sợ bị người khác va trúng gãy tay, gãy chân như một số lần trước. Hằng đã 5 lần bị gãy tay và chân, mỗi lần đều phải nghỉ học ít nhất 2 tháng.
Ngoài niềm vui khi được chăm em thì Hằng tập trung nhiều thời gian cho học tập. Từ lớp 1 đến lớp 5, em đều giành danh hiệu học sinh giỏi. Buổi trưa và tối em dành khoảng 2-3 tiếng ôn bài, làm bài tập và đọc trước trong sách giáo khoa.
Cô Thịnh, giáo viên chủ nhiệm của Hằng (Trường THCS Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn) cho biết: "Hằng nhập học vào lớp 6A2 muộn 2 tuần so với các bạn, nhưng em đã chăm chỉ để theo kịp kiến thức bạn bè và đặc biệt là em nhận thức, tiếp thu bài nhanh. Em được thầy cô và bạn bè quý mến, mỗi khi đến giờ tin học, các bạn lại cùng nhau giúp đưa Hằng lên tầng 2 nhẹ nhàng vì biết xương em dễ gãy".
Hằng mơ ước trở thành cô giáo dạy trẻ em thiểu năng trí tuệ. Ảnh: Hồng Vân
Mỗi ngày, nhìn các em nhỏ bị thiểu năng trí tuệ trong trung tâm không được đến lớp, vui chơi loanh quanh trong sân, Hằng rất muốn lại gần chơi đùa, trò chuyện nhưng vì căn bệnh xương thủy tinh nên không thể làm được. Do vậy, ước mơ của Hằng là sau này trở thành cô giáo dạy trẻ em bị thiểu năng trí tuệ.
"Cháu Hằng chăm ngoan và được mọi người quý mến. Cháu còn nhỏ nhưng đã hiểu rõ hoàn cảnh của mình, vươn lên học giỏi và giúp chúng tôi chăm sóc các em nhỏ bất hạnh khác", ông Nông Văn Quận, Phó giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn cho hay.
Hồng Vân
Theo VNE
Nỗi đau của nữ sinh mồ côi bị nhiễm HIV Em P.T.T (SN 2003, lớp 7E trường THCS Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An) mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới 3 tuổi. Em bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Suốt 7 năm đi học, em được xếp vào dạng "học sinh hòa nhập", lạ lùng là em chỉ được giáo viên đánh giá nhận xét mà không có học bạ, bảng...