Hai anh chàng “cướp mất” ánh hào quang của siêu anh hùng “Black Panther” là ai?
Không thể thắng nhân vật chính ở trong Black Panther, nhưng gã Dã nhân M’Baku và tên phản diện Killmonger lại là kẻ chiếm được tình cảm của rất nhiều khán giả sau khi phim kết thúc.
Black Panther là bộ phim thứ 18 trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Phim là màn “chào sân” chính thức của vị siêu anh hùng da màu đầu tiên trong thế giới siêu anh hùng đình đám này.
Bên cạnh sức mạnh phi thường, T’Challa (tức Black Panther) còn được mệnh danh là siêu anh hùng giàu nhất thế giới. Bởi đơn giản, anh là vua của vương quốc Wakanda thịnh vượng – nơi duy nhất sở hữu nguồn kim loại cứng nhất thế giới vibrarium. Tuy nhiên, có 2 nhân vật đã cướp hết spotlight của anh Báo Đen một cách ngoạn mục.
Phim riêng của Black Panther vốn được kỳ vọng sẽ giúp tên tuổi của nam diễn viên Chadwick Boseman tỏa sáng. Trước đó, màn ra mắt của anh trong bộ phim Captain America: Civil War đã để lại ấn tượng rất tốt trong lòng khán giả. Nhưng không ai ngờ, vương quốc Wakanda mà anh sở hữu còn có nhiều nhân vật còn “ưu tú” hơn cả chính nhà vua.
Michael B Jordan và cơ hội sửa sai trong thế giới siêu anh hùng
Phản diện luôn là một trong những điểm yếu thường bị chê bai của Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Vẫn có những kẻ ác nhân nổi bật từng xuất hiện như: Hela, Ego, Helmut Zemo hay Vulture… Nhưng diễn xuất tốt của dàn diễn viên thực lực vẫn không thể khỏa lấp một vài điểm chưa hợp lý trong cách xây dựng kẻ ác của Marvel.
Killmonger mở màn cho hy vọng về những phản diện ấn tượng của Marvel trong năm 2018.
Và rồi Killmonger đã xuất hiện và giúp Marvel gỡ gạc khá khá ngoạn mục. Lòng hận thù và tư tưởng đối nghịch của Killmonger được xây dựng, giải thích hợp lý khiến những khán giả khó tính cũng khó lòng bắt bẻ. Là kẻ bị bỏ rơi, chịu cảnh mất mát ngay từ khi còn quá nhỏ và sống trong hoàn cảnh áp bức, bất công, Killmonger đã học cách trưởng thành theo cách tàn nhẫn nhất. Hắn là kẻ hủy diệt mà cũng chính là bi kịch mà Wakanda tự tạo ra.
Trong số dàn diễn viên của Black Panther, Michael B Jordan chính là người có màn thể hiện xuất sắc nhất. Từng sắc thái tình cảm, diễn biến tâm lý nhân vật được anh truyền tải tinh tế, chạm đến tâm tư người xem. Có lúc là sự tức giận điên cuồng, có khi là sự cay đắng và tiếc nuối nhưng cũng có lúc, uy quyền mà Michael B Jordan tỏa ra còn làm người ta “nghẹt thở” hơn cả Chadwick Boseman.
Michael B Jordan khi cởi bỏ lớp áo chiến binh
Michael B Jordan sinh ngày 9/2/1987, là con thứ hai trong một gia đình có ba anh chị em. Michael theo học diễn xuất tại trường Newark Arts High School – nơi mẹ anh là người giảng dạy môn hội họa. Với chiều cao 1m82, Michael từng tham gia chơi bóng rổ cho đội của trường cũng như làm người mẫu cho nhiều thương hiệu thời trang thể thao.
Năm 1999, Michael quyết định theo đuổi sự nghiệp diễn xuất sau khi tham gia vài vai nhỏ trong hai phim truyền hình Cosby và The Sopranos của đài HBO. Năm 2012, anh tham gia bộ phim độc lập về đề tài khoa học viễn tưởng mang tên Chronicle. Phim nhận được nhiều phản ứng tích cực và cùng với Dane Dehaan, Michael B Jordan nổi lên như một gương mặt trẻ đầy triển vọng.
Tuy nhiên, chỉ đến khi hợp tác cùng đạo diễn Ryan Coogler, tài năng của Michael B Jordan mới bắt đầu có cơ hội tỏa sáng. Nhà phê bình phim Todd McCarthy của tờ The Hollywood Reporter đã so sánh diễn xuất của Michael trong Fruitvale Station (2013) là “phiên bản trẻ của ngôi sao da màu kỳ cựu Denzel Washington”.
Michael trong bộ phim “Creed”
Video đang HOT
Bộ phim thứ hai hợp tác cùng Ryan của Michael là Creed (2015). Để vào vai một võ sỹ quyền Anh, anh đã thực hiện chế độ kiêng chất béo và luyện tập thể dục rất khắc nghiệt.
Năm 2015, anh lấn sân sang dòng phim siêu anh hùng với vai diễn Human Torch trong Fantastic Four reboot. Tiếc thay bộ phim lại là nỗi thất vọng, bị nhấm chìm trong sự xỉ vả của giới truyền thông và những ồn ào nơi hậu trường.
Michael luôn muốn chứng minh “Fantastic Four” chỉ là một tai nạn đáng tiếc.
Lần thứ hai trở lại với phim chuyển thể từ truyện tranh Marvel, Michael B Jordan đã có màn “phục hận” không thể tuyệt vời hơn. Phim đang đạt được nhiều lời khen về nội dung lẫn tạo nên những kỷ lục phòng vé. Còn bản thân Michael thì được chấm điểm rất cao về diễn xuất.
Có thể bạn chưa biết: chữ B trong cái tên Michael B Jordan là “bakara”, trong tiếng Swahili có nghĩa là “một lời hứa hẹn”
Trái với vẻ ngoài nghiêm nghị, căng thẳng của Killmonger trong phim, ở ngoài đời, Michael B Jordan lại là một người đàn ông rất vui vẻ, lại rất hay cười đùa. Dù đã 31 tuổi nhưng Michael B Jordan vẫn thường tự hào khoe việc bản thân vẫn sống cùng bố mẹ hay chia sẻ về niềm đam mê bất tận dành cho anime (phim hoạt hình Nhật). Anh chàng còn có thói quen đọc và review từng chương truyện Naruto trên Twitter cá nhân, tạo sự thích thú cho người hâm mộ.
Độc thân, vui tính, thích xem hoạt hình, Michael B Jordan không đáng sợ như Killmonger tí nào!
Winston Duke và vai diễn đầu tiên cực ấn tượng – Dã nhân thích đùa M’Baku
“Nói thêm từ nào nữa, thì ta sẽ ném ngươi cho lũ con ta ăn thịt đấy!”.
Đặc vụ Ross giương mắt kinh hãi. Còn gã người núi to đùng, thích chơi trò hú như sói cười nắc nẻ: “Đùa đấy. Chúng ta là những người ăn chay mà”.
Kể từ giây phút đó, M’Baku đã trở thành cây hài đáng yêu nhất Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Trái ngược với vẻ ngoài đồ sộ, cơ bắp cuồn cuồn, M’Baku – thủ lĩnh của tộc Dã nhân trong vương quốc Wakanda lại là gã trai có khiếu gây cười đầy duyên dáng. Vài câu nói của M’Baku thật sự còn đáng nhớ hơn cả những gì vua T’Challa từng nói.
Người đem đến sự duyên dáng cho nhân vật này là nam diễn viên 31 tuổi Winston Duke. Ở ngoài đời, anh chàng này cũng sở hữu thân hình của một dã thú với chiều cao 1m94.
Thanh niên “tsundere” (ngoài lạnh trong nóng) cực hot của “Black Panther”.
Sinh ra và lớn lên ở quốc đảo Tobago ở Caribbean, Winston theo gia đình đến Mỹ để giúp em gái có cơ hội theo đuổi ngành y. Tại đây, anh đã đăng ký học diễn xuất tại trường Yale School of Drama và quen thân với Lupita Nyong’o (người đóng vai Nakia trong phim).
Đôi bạn đã cùng nhau xem bộ phim Avengers tại rạp và thầm ước mong, một ngày nào đó họ cũng sẽ có cơ hội tham gia một phim bom tấn như thế. Nhưng lúc đó, họ không hề nghĩ tới việc Marvel sẽ dám làm một phim về siêu anh hùng gốc Phi.
Winston Duke đã phải thực hiện 4 lần thử vai trước khi nhận được cái gật đầu của đạo diễn Ryan Coolger: “Anh ấy có bộ râu, mái tóc khỏe, rất hiện đại. Điều đó đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một chiến binh Jabari”. Dù vậy, sau đó, Winston cũng phải luyện tập với cường độ 6 ngày/tuần để tăng thêm 115 kg cơ bắp và trở thành một gã khổng lồ như trong phim.
Black Panther là bộ phim điện ảnh đầu tay của Winston Duke. Và với hiệu ứng tạo ra từ vai diễn M’Baku, hy vọng anh chàng này sẽ sớm có được những cơ hội để tiến xa hơn trong tương lai. Sắp tới, nhân vật M’Baku của anh sẽ tái xuất trong Avengers: Infinity War.
Black Panther hiện đang được công chiếu trên toàn quốc.
Theo Trí Thức Trẻ
Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda
Câu chuyện về một chiến binh siêu anh hùng da đen Black Panther cùng những đồng bào châu Phi của mình có lẽ đã tìm ra câu trả lời cho những vấn đề chính trị nóng hổi của phương Tây.
(Cảnh báo: Bài viết có tiết lộ nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc)
Năm 2017 vừa qua là một năm có bầu không khí chính trị vô cùng căng thẳng, đặc biệt là vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ, trong đó nạn nhân chủ yếu là những người có nguồn gốc Phi Châu, da màu. Đây là một vấn đề có cội nguồn lịch sử cực kỳ phức tạp và không hề dễ dàng để thảo luận. Chính vì thế, sự xuất hiện của Black Panther (Chiến Binh Báo Đen), một bom tấn siêu anh hùng với dàn nhân vật chủ yếu là người gốc Phi tới từ "ông lớn" Marvel Studios có ý nghĩa lịch sử và thời sự khó có thể đong đếm.
Lần đầu tiên xuất hiện trong Captain America: Civil War (2015), T'Challa/Black Panther (Chadwick Boseman) đã gây ấn tượng mạnh với người hâm mộ Marvel. Anh mang tới cho đại gia đình Marvel một làn gió mới hết sức thú vị với nguồn gốc bi kịch và tính cách vừa ngầu vừa lạnh, nhưng quan trọng hơn chính là nhờ xuất thân châu Phi.
Tiếp nối câu chuyện từ Civil War, T'Challa đã trở lại đất nước Wakanda của mình sau cái chết của vua cha để làm thủ tục nối ngôi, chính thức trở thành nhà vua mới. Quyền lực mới đương nhiên kéo theo nhiều trách nhiệm. Anh và gia đình, đồng bào của mình phải đối mặt với một bóng ma quá khứ vẫn day dứt từ thế hệ trước.
Chính điều đó là thử thách đầu tiên mà nhà vua - chiến binh Báo Đen phải vượt qua để chứng tỏ được bản thân mình xứng đáng trị vì cả một đất nước. Trong cuộc phiêu lưu này, anh có được sự trợ giúp từ bạn gái cũ Nakia (Lupita Nyong'o), Đại tướng của đội quân Dora Milaje - Okoye (Danai Gugira), cô em gái Shuri thiên tài công nghệ (Letitia Wright), và điệp viên CIA Everett Ross (Martin Freeman).
Câu chuyện của Black Panther lấy cảm hứng khá nhiều từ phong cách điệp viên kiểu James Bond, kết hợp với một chút tinh thần của The Lion King, nhưng vẫn đảm bảo chất siêu anh hùng hành động, viễn tưởng quen thuộc của nhà Marvel. Trường đoạn nhóm của T'Challa phải trà trộn vào sòng bạc ở Hàn Quốc, phối hợp chiến đấu bắt giữ Ulysses Klaue (Andy Serkis) mang đầy những tính chất tiêu biểu nhất của một bộ phim tình báo: những trao đổi hàng hóa bí mật, các nhân vật phải hóa trang trà trộn, kế hoạch bại lộ, rượt đuổi tốc độ cao,v.v.. hồi hộp không kém cạnh gì Casino Royale trước đây.
Đạo diễn Ryan Coogler cũng thể hiện một sự đầu tư khá nghiêm túc về mặt hình ảnh cho bộ phim siêu anh hùng đầu tiên của mình. Các cảnh quay đều được bố cục khá cẩn thận, và có sự dụng công lớn về thẩm mỹ từ màu sắc, ánh sáng, cho đến không gian xa gần. Coogler cũng thể hiện khả năng kiểm soát và xử lý chuyển động máy quay thuộc hàng thượng thừa, đặc biệt là trong pha lia máy dài của màn chiến đấu trong sòng bài.
Quan trọng hơn, Black Panther cho người xem thấy viễn cảnh của một châu Phi cường thịnh khi lục địa già này được tự do phát triển, khai thác tài nguyên mà không phải chịu sự đô hộ của thực dân châu Âu và châu Mỹ. Những tòa nhà cao tầng, thành phố tấp nập, ánh sáng đèn điện rực rỡ, và một nền công nghệ không tưởng khiến cho Iron Man trở nên giống như đồ chơi trẻ em.
Chúng được pha trộn với các chi tiết văn hóa sâu sắc thấm đẫm tinh thần châu Phi truyền thống. Tất cả những thiết kế từ trang phục tới phương tiện di chuyển, và cả kiến trúc của Wakanda đều được lấy cảm hứng từ những nền văn hóa giàu có và lâu đời ở châu Phi.
Nhưng giá trị thật sự của Black Panther khiến nó hơn hẳn các phim Marvel trước đây chính là tính thời sự nóng hổi trong chủ đề phim. Ryan Coogler mang tới cho người xem hàng loạt những góc nhìn hết sức đa chiều và nhức nhối của nước Mỹ cũng như toàn thế giới, cả ở thời hiện tại lẫn trong quá khứ. Bộ phim chính là một cuộc thảo luận đầy công bằng, nhưng không kém gai góc và phức tạp về phân biệt chủng tộc, nạn nô lệ da đen trong lịch sử châu Phi, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa bành trướng đế quốc, và cả vấn đề người nhập cư.
Nếu như đặt Wakanda vào vai trò của nước Mỹ hiện đại, chúng ta sẽ nhận ra được một luồng quan điểm cực đoan khá quen thuộc về vấn đề đóng cửa hay cởi mở hơn với người nhập cư và cả thế giới, cũng như ảnh hưởng của họ đến sự cường thịnh của một quốc gia. Nhờ nguồn tài nguyên Vibranium vô tận mà họ may mắn có được, cộng thêm chính sách đóng cửa bí mật, Wakanda đã đạt được những thành tựu khoa học công nghệ vượt xa toàn bộ phần còn lại của thế giới.
Thế nhưng, để giữ được bí mật, họ đã nhắm mắt làm ngơ, để cho đồng bào, đồng loại của mình ở các nước láng giềng phải đổ máu trong những thảm kịch đau thương trong lịch sử châu Phi. Như vấn nạn nô lệ bị bắt cóc và bán sang châu Âu, châu Mỹ; sự tàn sát, đô hộ, bòn rút tài nguyên của chủ nghĩa thực dân, đế quốc ngay trên mảnh đất quê hương; và cả những thế hệ thứ 2, thứ 3 của họ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài trong cảnh lầm than, nghèo khó, bị phân biệt đối xử, hoàn toàn mất đi sự kết nối với cội nguồn.
Cùng lúc đó, khán giả tiếp tục phải đối mặt với một cuộc tranh luận giữa 2 luồng tư tưởng khác nhau về sự cởi mở mà Wakanda cần có: Nakia mong muốn đất nước mình chia sẻ tài nguyên và tiến bộ về công nghệ với thế giới, giúp giải quyết những vấn đề và xung đột trên khắp hành tinh trong vai trò là người trợ giúp, bảo vệ, và gìn giữ hòa bình, chấm dứt chiến tranh.
Trong khi đó, phản diện Erik Killmonger (Michael B. Jordan) đại diện cho đế quốc chủ nghĩa và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mong muốn lợi dụng sự phát triển để gieo rắc bạo lực, bom đạn, can thiệp, lật đổ các nước khác, và ép họ phải phục tùng mình. Điều này cũng phản ánh chính môi trường ở nơi mà Erik đã phải lớn lên một mình sau khi cha của anh bị vua T'Chaka sát hại trong quá khứ.
Không chỉ thế, bộ phim còn có hàng loạt những nhân vật có sự phức tạp nội tâm cực kỳ thú vị, hiếm thấy trong một bộ phim siêu anh hùng của Marvel. T'Chaka (John Kani) - vị vua quá cố của Wakanda, và cả tổ tiên của họ hoàn toàn có lý do chính đáng khi bưng bít bí mật về Tổ quốc mình bằng mọi giá.
Nhưng khi cái giá đó là hàng trăm năm máu và nước mắt của đồng loại đổ ra trên khắp đại dương, cũng như chính anh em của ông, nó đã trở nên quá đắt. T'Challa nhận trọng trách lãnh đạo cả một vương quốc có lịch sử lâu đời và phức tạp, nhưng quá nôn nóng trong hành động, đưa cả đất nước vào cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Nhưng anh đã chứng tỏ được bản thân mình với ngai vàng khi đưa ra quyết định khó khăn về số phận đất nước mình trong hành trình tiến tới tương lai đầy ẩn số.
Ngay cả những nhân vật khác như W'Kabi (Daniel Kaluuya), Okoye, hay M'Baku cũng không hề đơn giản, một chiều. Họ đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện, gây ra những bất ngờ thú vị cho phim một cách liên tục.
Nhưng hơn hết, Erik Killmonger thực sự đã hoàn toàn chiếm được cảm tình của khán giả trong một vai phản diện xuất sắc nhất của Marvel kể từ sau khi Loki xuất hiện. Không cần quá màu mè và ồn ào, Killmonger chứng tỏ giá trị của bản thân ngay trong từng hành động của hắn: hết sức gọn gàng, dứt khoát, đầy uy quyền mỗi khi xuất hiện trên màn hình.
Michael B. Jordan đã có một vai diễn để đời khi diễn đạt những lớp tính cách phức tạp của Killmonger. Trường đoạn hắn đối mặt với người cha quá cố trong giấc mơ về quá khứ của mình đã giúp cởi thắt cho sự đa chiều và sâu sắc trong nhân vật. Sự giằng xé nội tâm của hắn tới từ khao khát tìm lại cội nguồn, lòng hận thù với gia tộc của T'Challa, sự tức giận với cách mà cả thế giới đối xử với người gốc Phi, sự tức giận chính bản thân mình vì đã từng xuống tay hạ sát người châu Phi, tham vọng quyền lực và bành trướng đúng kiểu "Mỹ" mà hắn đã học được suốt cả cuộc đời trong quân ngũ.
Nhưng dù nói nhiều về mối thù chủng tộc, Killmonger không hề nhận ra rằng hắn đã trở nên giống hệt như chính những kẻ thù mà hắn căm ghét. Một mặt, hắn hoàn toàn có cơ sở trong lý luận của mình về những sai lầm mà người Wakanda đã phạm phải như bỏ rơi các nước láng giềng trong cơn hoạn nạn hàng trăm năm, và những người con châu Phi lưu lạc khắp phương trời. Mặt khác, quan điểm về sự "mở cửa" của hắn dựa quá nhiều vào thù hận, định kiến, và quá "diều hâu", bạo lực khi chỉ quan tâm đến việc tấn công xâm lược và thống trị thế giới.
Black Panther qua bàn tay của Ryan Coogler, đã mang tới cho khán giả đại chúng những cái nhìn đa chiều của mình về những vấn đề thời sự, lịch sử, chính trị, nhưng không hề bỏ quên tính giải trí, kịch tính của một bộ phim hành động đầy hấp dẫn. Trong một bộ phim ít tấu hài, lại mang những thông điệp quan trọng giữa bối cảnh thế giới ngày nay, có thể nói Black Panther của Marvel chắc chắn sẽ có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn tới các phim trong tương lai của hãng nói riêng, và cả dòng phim siêu anh hùng nói chung.
Theo Trí Thức Trẻ
Dù hot thật, nhưng có đến 5 hạt sạn phi logic của "Black Panther" khiến fan ngớ người Phim mới của nhà Marvel nhận được vô số lời khen từ cộng đồng yêu điện ảnh. Dù vậy, vẫn phải thừa nhận rằng dù hay đến mấy, thì "Chiến Binh Báo Đen" (Black Panther) vẫn sở hữu không ít sạn. Hiện tại, Black Panther (Chiến Binh Báo Đen) đang là tựa phim siêu anh hùng gây bão tại các phòng vé trên...