Hacker Việt Nam có thực sự tấn công được Anonymous?
Góc nhìn từ những chuyên gia bảo mật cho thấy, việc hacker trẻ phá hoại kênh tấn gẫu của Anonymous không nguy hiểm, dễ thực hiện và là hành vi thường thấy.
Hôm 18/11, tài khoản #OpParis, một trang Twitter phụ của nhóm Anonymous được lập ra nhằm lên án vụ khủng bố tại Paris, thông báo kênh chat của nhóm tại webirc không truy cập được. Tài khoản này cũng khuyên các thành viên nên ra ngoài đi dạo thay vì ngồi nhà để tán gẫu như mọi khi.
Vài giờ sau, một tài khoản tên “Phisher”, có liên quan đến nhóm Anonymous, xác định thủ phạm phá hoại kênh chat của nhóm là 5 hacker trẻ tuổi đến từ Việt Nam. Để cảnh cáo, Phisher đã truy tìm và công bố những thông tin cá nhân của nhóm hacker này như tài khoản Facebook, Youtube, tên và những hoạt động trực tuyến gần đây. Đồng thời yêu cầu nhóm này chấm dứt hoạt động phá hoại.
Hacker Việt Nam có “ hack” được gì của Anonymous?
Trao đổi với Zing.vn, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch mảng An ninh mạng của Bkav cho rằng, hành động gây hấn với Anonymous của nhóm hacker này không gây nguy hiểm và dễ thực hiện. “Những thông tin hướng dẫn về cách làm này dễ dàng được tìm thấy trên mạng và người dùng cũng không cần quá nhiều am hiểu về bảo mật để có thể làm được”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Cụ thể, kênh chat của nhóm Anonymous trên webirc thực chất là một website dựa trên phương thức IRC. Đây là công nghệ lâu đời và có trước cả những phầm mềm chat “cổ xưa” như IM, Yahoo! Messenger, MSN,.. Sở dĩ giới hacker vẫn thích trao đổi thông tin qua IRC bởi giao thức này không yêu cầu người dùng phải đăng ký, đăng nhập, mà chỉ cần điền tên và kênh bất kỳ là đã có thể vào tán gẫu với nhau.
Để phá hoại kênh chat này, nhóm hacker trẻ đã tự lập trình ra những “con bot”, một loại phần mềm đơn giản có khả năng tự động tạo ra hàng trăm nickname khác nhau, vào kênh chat IRC của anonymous và đăng tải những nội dung vô nghĩa, không liên quan (SPAM), khiến kênh chat này bị quá tải, tắc nghẽn, dẫn đến ngừng hoạt động trong một thời gian.
“Đây là một trò phá hoại ở mức độ cơ bản, bản thân Anonymous không thể phòng bị được vì webchat IRC là công cụ dùng chung được làm thô sơ, không bảo mật và ít ai nghĩ đến việc phá nó”, Nguyễn H. Tran, thành viên một diễn đàn bảo mật ở Việt Nam cho biết. Thành viên này cho rằng việc các hacker trẻ tuổi có xu hướng tấn công vào những mục tiêu lớn như Anonymous chỉ đơn thuần là một hành động mang tính cọ xát, gây sự chú ý hoặc để khoe chiến tích, dù chỉ là những hành động phá hoại ở mức độ thấp. Tuy vậy, đây là hành vi không được giới hacker khuyến khích.
Với giao diện chỉ có nền đen, chữ trắng và các khung gõ văn bản, IRC cho người dùng cảm giác như một hacker thật sự trong các bộ phim của Hollywood. Công cụ này ra đời trước cả Yahoo! Messenger, MSN,… dễ tổn thương trước các hành vi phá hoại và không được bảo mật.
Video đang HOT
“Việc nhiều người tỏ ra ‘tự hào’ vì Việt Nam có nhóm hacker tấn công được Anonymous là một điều không đáng. Có thể họ chưa hiểu rõ được bản chất vấn đề. IRC là một công cụ có từ lâu và là một sân chơi chung cho tất cả người dùng Internet, trong đó có giới hacker. Việc nhóm người trẻ phá hoại kênh chat này khó có thể xem là hack, bởi nó chỉ giống như phá hoại một tài sản chung, hay quấy rối trên Internet. Nhóm Anonymous thật sự có rất nhiều kênh khác bảo mật hơn để trao đổi”, một hacker có tiếng đang sinh sống tại TP HCM chia sẻ. Người này cũng có rằng những xung đột vô cớ qua lại giữa các hacker trên thế giới ảo là chuyện bình thường, và đôi khi chỉ mang tính tập dợt, “chào hỏi làm quen”.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, việc những người trẻ có kiến thức về bảo mật tấn công khiêu khích những tổ chức lớn như IS, Anonymous là điều không nên. Anonymous có mạng lưới tại nhiều nơi, có thể sẵn sàng tấn công trả đũa gây ra những hậu quả khó lường.
Đây không phải lần đầu hacker tại Việt Nam gây hấn với các nhóm tin tặc nước ngoài. Cuối 2014, nhóm tin tặc tự nhận là Anonymous Malaysia đã tấn công hơn 50 website của Việt Nam. Sự việc này được cho là hệ quả từ việc một nhóm hacker Việt Nam tấn công vào website Liên đoàn bóng đá Malaysia để chỉ trích việc các cổ động viên nước này hành hung nhóm người Việt trên sân Shah Alam. Tại thời điểm đó, giới an ninh mạng Việt Nam cũng đã kêu gọi các hacker trong nước giữ bình tĩnh và ngừng các hành động đáp trả, tránh xung đột tăng cao.
Duy Tín
Theo Zing
Hacker Việt bị nghi ngờ tấn công webchat của Anonymous
Một nhóm thiếu niên Việt Nam bị cho là có dính líu đến việc tấn công webchat của Anonymous và nhanh chóng bị tra ra thông tin.
17h ngày 18/11, trang Twitter chính thức của Anonymous trong chiến dịch chống IS là #OpParis cho biết, các trang webchat của họ đang bị tấn công và không thể truy cập. Tuy vậy, nhóm chưa xác định được nguyên nhân.
Ngay sau đó, một người dùng được cho là thành viên Anonymous, Phisher cho biết: "Vụ tấn công này có liên quan đến một nhóm thiếu niên Việt Nam". Thông tin này được trả lời trực tiếp trên trang chính thức của Anonymous. Người này nhận định, sau khi bị doxed (tiết lộ thông tin hacker), một bạn trẻ Việt Nam tức giận đã kêu gọi "đội" của anh đến và thực hiện cuộc tấn công.
Trên trang cá nhân của mình, Phisher cho biết, nhóm tấn công gồm 5 người với các biệt danh: New Kings, TAK3R, PT2K2, EZSKEY, NoLifeVN.
Tin nhắn đe dọa được cho là từ "New Kings" gửi đến người dùng.
Tin nhắn được cho là của một thành viên khác gửi đến cho người dùng này.
Bằng cách lần theo dấu vết, các thành viên Anonymous dẫn đến một trang web do nhóm bạn trẻ này "hack" được, với logo của IS cùng những lời lẽ khiêu khích. Trang này cũng ghi rõ tác giả bao gồm 5 biệt danh nói trên, Phisher cũng công bố một tin nhắn hăm dọa do các thiếu niên gửi đến.
Hình ảnh trang web do các bạn trẻ "hack" được, với biệt danh đặt bên dưới
Ngay lập tức, thành viên Anonymous đăng báo cáo vào trang của họ, bao gồm tên thật, tài khoản Facebook, email, trang YouTube và mô tả chi tiết từng thành viên cũng như các hoạt động online của họ. Theo đó, đây là nhóm thanh, thiếu niên từ 15-20 tuổi, với kỹ năng tin học không cao và thông tin dễ lần ra.
Người dùng này thông báo đã lần ra Facebook của bạn trẻ Việt Nam
Trong phần mô tả về nhóm này, Phisher viết: "Đây là những thành viên đến từ Việt Nam. Họ sử dụng các biểu tượng như một cách để &'thể hiện'. Chúng tôi dám cá các bạn trẻ này chỉ mới học trung học. Họ có vẻ không có kỹ năng gì và đã tự tạo ra website rồi tự hack với HTML. Họ tự xưng là thành viên của nhóm Cyber Caliphate nhưng không có thông tin nào từ CC hay IS xác nhận". Người này cho rằng, "họ không phải là mối nguy hại cho Anonymous hay #OpParis". Trang web trên cũng thể hiện trình độ tiếng Anh còn non kém.
Thông tin của hai trong số 5 bạn trẻ được đăng trên website tố cáo khủng bố của Anonymous
Thông báo trên trang của Anonymous cho biết, nhóm này "dường như có các thông tin gây hại đến dân thường, như cách làm bom, tấn công cá nhân hay cả các hoạt động của IS".
Theo đó, Anonymous khuyến cáo, cần báo cáo hoạt động nhóm bạn trẻ trên với GhostSec, BinarySec và cả chính quyền Việt Nam nếu có diễn biến mới".
Người Việt tự lập trang web thành viên IS và có nhiều lời lẽ khiếm nhã.
Hôm 16/11, một tài khoản Facebook do người Việt tự xưng là thành viên IS lập ra với tên gọi Timur Zhunusov. Người này lôi kéo thành viên khác đến like, bình luận bằng tiếng Việt với lời lẽ khiếm nhã. Ngay sau đó, hàng loạt tài khoản Facebook được cho là đến từ Việt Nam lập ra lừa đảo thành viên IS.
Theo PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa tâm lý học, Đại học Sư phạm TP HCM, một số người trẻ đã có suy nghĩ rất cá nhân khi sử dụng mạng xã hội và Internet, thể hiện rõ qua những hành vi thiếu cân nhắc.
Trong khi đó, chuyên gia, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng, việc giả mạo tôn giáo, chính trị... là hành vi thiếu hiểu biết và vô văn hóa. Đối với mỗi quốc gia, tôn giáo và Thánh được người dân tôn thờ, coi trọng. Việc ai đó đụng chạm đến tín ngưỡng của họ hay mang ra đùa cợt được xem là xúc phạm. Lâu dần, sự ức chế sẽ biến thành bạo lực, khủng bố, chiến tranh.
Theo các nhà làm luật, việc giả mạo tài khoản Facebook, xúc phạm tín ngưỡng, văn hoá có thể bị phạt tù.
Lê Phát
Theo Zing
IS tự nhận là ông chủ của thế giới ảo, sẽ trả đũa Anonymous IS vừa đăng tải thông điệp thứ 2, tuyên bố sẽ trả đũa Anonymous để chứng minh họ mới là ông chủ của thế giới ảo. Một tài khoản Telegram được cho là nằm trong nhóm tuyên truyền của IS vừa phát đi thông điệp mới, đáp lại lời tuyên chiến của nhóm hacker Anonymous. Theo đó, IS tự nhận mình mới là...