Hạ viện Mỹ nêu lỗi dẫn đến tai nạn 737 MAX
Một ủy ban thuộc hạ viện Mỹ công bố kết quả điều tra 18 tháng về máy bay 737 MAX, nêu các sai sót của Boeing và Cục Hàng không Liên bang (FAA).
“Boeing đã mắc sai sót trong quá trình thiết kế và phát triển MAX, còn FAA đã mắc sai sót trong việc giám sát Boeing và phê duyệt loại máy bay này”, Ủy ban Hạ viện về Cơ sở Hạ tầng và Vận tải nêu trong báo cáo dài gần 250 trang được công bố ngày 16/9.
Máy bay 737 MAX tại sân đỗ của Boeing tại Seattle hồi tháng 6. Ảnh: Reuters
Báo cáo nói rằng hai vụ tai nạn của máy bay 737 MAX “không phải là hậu quả của một sự cố, lỗi kỹ thuật hoặc trường hợp quản lý yếu kém đơn lẻ” mà là “đỉnh điểm kinh hoàng của một loạt các đánh giá kỹ thuật thiếu sót của kỹ sư Boeing, sự thiếu minh bạch của bộ phận quản lý Boeing và sự giám sát thiếu chặt chẽ của FAA”.
Video đang HOT
Boeing mắc sai lầm chủ yếu ở Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển bay (MCAS), vốn được thiết kế để chống thất tốc (luồng khí đi qua cánh máy bay quá yếu để tạo ra lực nâng). Trong thiết kế của 737 MAX, động cơ được lắp đặt nhô về phía trước và cao hơn ở trên cánh, làm thay đổi trọng tâm máy bay, dẫn tới việc mũi máy bay có xu hướng bị ngóc lên trong hành trình, có nguy cơ khiến máy bay thất tốc, mất kiểm soát và rơi tự do. Để khắc phục, Boeing bổ sung MCAS, giúp tự động hạ thấp mũi máy bay xuống khi cảm biến phát tín hiệu cho thấy máy bay có nguy cơ thất tốc. Tuy nhiên, MCAS được kích hoạt sau khi nhận dữ liệu chỉ từ một cảm biến duy nhất, khiến nguy cơ sai sót cao.
Ủy ban chỉ trích Boeing đã giấu “thông tin quan trọng trước FAA, khách hàng và phi công 737 MAX”, bao gồm việc “che giấu sự tồn tại của MCAS đối với các phi công 737 MAX”.
Theo báo cáo, một số nhân viên Boeing đã “không tiết lộ thông tin quan trọng cho FAA có thể giúp tăng cường độ an toàn của 737 MAX”. Boeing cũng không thông báo về MCAS trong hướng dẫn sử dụng cho tổ bay và đã thuyết phục các nhà quản lý không yêu cầu phi công phải tham gia chương trình đào tạo mô phỏng bay tốn kém trước khi được phép điều khiển dòng 737 MAX.
Ủy ban cũng chỉ trích FAA “đã không đảm bảo an toàn cho công chúng”. Các nhà lập pháp đã đề xuất nhiều cải cách để tái cấu trúc cách FAA phê duyệt máy bay. Một ủy ban của thượng viện sẽ đưa ra dự luật cải cách vào ngày 16/9.
Boeing cho biết trong một tuyên bố rằng họ “đã học được nhiều bài học khó khăn từ các vụ tai nạn và những sai lầm chúng tôi đã mắc phải. Chúng tôi đã thực hiện những thay đổi cơ bản đối với công ty và tiếp tục tìm kiếm cách cải thiện”.
FAA cũng ra tuyên bố nói rằng họ sẽ làm việc với các nhà lập pháp để thực hiện các cải tiến. Họ nói thêm rằng họ “tập trung vào việc nâng cao an toàn hàng không tổng thể bằng cách cải thiện cách tổ chức, quy trình và văn hóa của cơ quan”.
Tháng 3/2019, 737 MAX bị cấm bay trên toàn thế giới sau khi 346 hành khách thiệt mạng trong hai vụ tai nạn của Lion Air và Ethiopian Airlines. FAA sau đó yêu cầu Boeing bổ sung một số biện pháp an toàn với MCAS, bao gồm việc thiết lập nó nhận dữ liệu từ hai cảm biến. Boeing cũng đồng ý hỗ trợ quá trình đào tạo mô phỏng bay cho phi công 737 MAX.
Boeing 737 MAX tiến gần hơn tới mục tiêu cất cánh trở lại
Ngày 21/7, Cơ quan Hàng không Dân dụng Mỹ (FAA) cho biết sẽ sớm tiếp nhận các ý kiến cộng đồng về việc cấp lại chứng nhận an toàn cho dòng máy bay Boeing 737 MAX, vốn bị cấm bay kể từ tháng 3/2019 sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến dòng máy bay này.
Máy bay Boeing 737 MAX hạ cánh sau chuyến bay thử nghiệm của Cơ quan Hàng không Dân dụng Mỹ (FAA) tại Seattle, Washington, Mỹ, ngày 29/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
FAA cho biết sẽ ban hành một hướng dẫn đánh giá khả năng bay với dòng máy bay này, công bố trên Sổ đăng kiểm Liên bang - tạp chí chính thức của chính phủ Mỹ. Công chúng có thể đóng góp ý kiến về những thay đổi trong thiết kế và trong các quy trình bay "nhằm giảm thiểu những vấn đề về an toàn được phát hiện trong quá trình điều tra các vụ tai nạn máy bay của hai hãng hàng không Lion Air và Ethiopian Airlines". Giai đoạn tiếp nhận ý kiến kéo dài trong vòng 45 ngày.
Thông báo của FAA đánh dấu Boeing 737 MAX gần hơn tới mục tiêu được cấp chứng nhận trở lại bầu trời sau khi cơ quan này hoàn thành các chặng bay thử nghiệm dòng máy bay nói trên hôm 1/7.
Theo FAA, dù đây là một "cột mốc quan trọng" nhưng cơ quan này cũng nhấn mạnh quy trình cấp lại chứng nhận cho Boeing 737 MAX vẫn chưa chắc chắn và còn nhiều thủ tục khác sau quá trình tiếp nhận ý kiến công chúng.
Các thủ tục sau đó bao gồm biên bản báo cáo cuối cùng về việc đánh giá và khắc phục những phản ánh từ công chúng, cũng như phê duyệt tài liệu về bản thiết kế hoàn chỉnh của Boeing. Tất cả các máy bay thuộc dòng MAX được chế tạo sau 2 vụ tai nạn trên cũng sẽ được các nhân viên của FAA trực tiếp kiểm tra nghiêm ngặt.
FAA cho biết cơ quan này sẽ chưa đưa ra quyết định khi nào các thủ tục trên được hoàn thành, đồng thời tiếp tục thực hiện quy trình phê duyệt một cách thận trọng và theo dõi kỹ những điều chỉnh của Boeing đối với 737 MAX. Cơ quan này sẽ chỉ gỡ bỏ lệnh cấm bay sau khi các chuyên gia khẳng định dòng máy bay nói trên đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận an toàn.
Boeing 737 MAX đã bị cấm bay từ hôm 13/3/2019, sau vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopian Airlines khiến 157 người thiệt mạng. Trước đó, một vụ tai nạn tương tự với hãng Lion Air (Indonesia) hồi tháng 10/2018 cũng đã cướp đi sinh mạng của 187 người. Hệ thống điều khiển bay tự động MCAS của dòng máy bay này được cho là nguyên nhân gây ra cả 2 vụ tai nạn nói trên. Tuy nhiên, trong quá trình thay đổi thiết kế, Boeing cũng phát hiện các lỗi kỹ thuật khác, bao gồm lỗi liên quan đến hệ thống điện, cũng khiến quy trình xem xép cấp lại chứng nhận an toàn kéo dài hơn dự kiến.
Trump dọa cắt ngân sách các thành phố 'vô pháp' Tổng thống Mỹ ký bản ghi nhớ dọa cắt ngân sách liên bang đối với các thành phố "vô pháp", gồm Seattle, Portland, New York và Washington. "Chính quyền của tôi không cho phép những đồng thuế liên bang tài trợ cho các thành phố tự cho phép họ suy đồi thành những khu vực vô pháp", bản ghi nhớ được Tổng thống...