Hạ viện Mỹ không thể vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Trump
Ngày 26/3 (rạng sáng 27/3 theo giờ Hà Nội), Hạ viện Mỹ đã thất bại trong nỗ lực nhằm vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với nghị quyết bác bỏ sắc lệnh khẩn cấp quốc gia được lưỡng viện Quốc hội thông qua trước đó.
Trụ sở Quốc hội Mỹ tại Washington D.C. Ảnh: Fox News
Dù rất nỗ lực vận động, song với kết quả 248 phiếu thuận và 181 phiếu chống, đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện Mỹ đã không thể nhận đủ một đa số 2/3 phiếu ủng hộ theo luật định để vô hiệu hóa quyết định phủ quyết của Tổng thống Trump. Trong cuộc bỏ phiếu này, chỉ có vài nghị sĩ Cộng hòa quay sang ủng hộ việc phản đối quyết định phủ quyết đầu tiên của ông Trump kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng ngày 20/1/2017.
Kết quả này được coi là một thắng lợi chính trị quan trọng dành cho ông Trump, đồng nghĩa với việc sắc lệnh khẩn cấp quốc gia nhà lãnh đạo Mỹ ban bố hồi tháng 2 nhằm huy động ngân sách xây bức tường biên giới phía Nam giáp Mexico vẫn còn nguyên hiệu lực.
Trên thực tế, trước đó 1 ngày, Lầu Năm Góc đã thông báo với Quốc hội Mỹ về việc chuyển 1 tỷ USD để khởi công xây dựng bức tường dọc biên giới Mỹ – Mexico, động thái bị các nhà lập pháp đảng Dân chủ phản đối. Quyết định của Lầu Năm Góc được thực hiện trong phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh khẩn cấp quốc gia.
Sau khi Quốc hội Mỹ không chuẩn chi khoản ngân sách 5,7 tỷ USD cho an ninh biên giới theo đề xuất của Nhà Trắng, Tổng thống Trump trung tuần tháng 2 đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm huy động số tiền hơn 8 tỷ USD cho dự án này. Như một phần của tuyên bố, ông chỉ đạo sử dụng nguồn ngân sách chống buôn lậu ma túy để cấp vốn một phần cho dự án. Dưới tình trạng khẩn cấp, các nguồn ngân sách khác – kể cả quỹ xây dựng quân sự – cũng có thể được huy động để xây tường cùng cơ sở hạ tầng liên quan.
Ngày 26/2, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết nhằm ngăn chặn Tổng thống Donald Trump nhận được ngân sách xây dựng bức tường biên giới với Mexico thông qua tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia. Với tỷ lệ 245 phiếu ủng hộ và 182 phiếu chống, nghị quyết nói trên đã được thông qua và chuyển lên Thượng viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát, để tiếp tục bỏ phiếu. Đáng chú ý, trong lần bỏ phiếu đó tại Hạ viện, đã có 13 nghị sĩ đảng Cộng hòa quyết định ủng hộ phe Dân chủ.
Đến ngày ngày 14/3, với 59 phiếu thuận và 41 phiếu chống, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua nghị quyết chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do Tổng thống Trump ban bố liên quan đến vấn đề an ninh biên giới.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 13/3/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tuy nhiên, ngày 15/3, Tổng thống Trump đã phủ quyết nghị quyết ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump dùng quyền phủ quyết của mình kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng nhằm bảo vệ quan điểm cho rằng mở cửa biên giới sẽ làm tăng tỷ lệ tội phạm, ma túy và buôn lậu vào quốc gia này.
Phát biểu trước phóng viên báo chí tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump khẳng định: “Tôi phủ quyết nghị quyết này. Quốc hội có quyền tự do thông qua nghị quyết và tôi có nhiệm vụ phủ quyết nó”. Tổng thống Trump cũng cho rằng đây là nghị quyết “nguy hiểm” và “thiếu thận trọng”.
Phe Dân chủ đã cố gắng tìm cách vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Trump trong trường hợp này. Một số nghị sĩ Cộng hòa cũng bày tỏ quan ngại rằng quyết định phủ quyết của Tổng thống Trump, qua đó giữ nguyên hiệu lực của sắc lệnh khẩn cấp quốc gia, sẽ tạo một tiền lệ xấu.
Tuy nhiên, vô hiệu hóa quyền phủ quyết của người đứng đầu nhánh hành pháp là một qui trình không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh chính trường Mỹ chia rẽ như hiện nay. Nghị quyết đó cần phải nhận được các đa số phiếu thuận áp đảo (2/3 số phiếu ủng hộ) tại cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ để vô hiệu hóa quyết định phủ quyết của tổng thống.
Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Ông Trump có thoát nổi tình cảnh 'tứ bề thọ địch'?
Các thành viên Dân chủ tại Hạ viện Mỹ vừa khởi động một "cuộc tổng tấn công" nhằm vào mọi góc cạnh trong đời sống chính trị, kinh doanh và cá nhân của Tổng thống Donald Trump.
Khởi đầu "cuộc tổng tấn công" này, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, ngày 4/3, gửi thư cho 81 cá nhân, cơ quan và thực thể để thu thập tài liệu về nhiều vấn đề liên quan đến Tổng thống Trump, làm rõ nghi vấn về tham nhũng, hành vi cản trở công lý, trả tiền "mua" sự im lặng, cáo buộc thông đồng với Nga và lạm dụng chức vụ để tư lợi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: REX/Shutterstoc)
Theo CNN, trong danh sách nhận thư có Tổ chức Trump, các nhân viên của ông Trump, chiến dịch Trump, nhóm chuyển giao Trump, Ủy ban Nhậm chức Trump, Nhà Trắng và các thành viên gia đình ông Trump. Ủy ban yêu cầu họ phải phản hồi về những nội dung đề cập đến trong thư trong vòng 2 tuần.
Người phát động "cuộc tổng tấn công" là nghị sĩ Jerry Nadler, thành viên Dân chủ ở New York và là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Giới phân tích cho rằng, mục tiêu của ông Nadler cùng các thành viên Dân chủ là muốn có bằng chứng tạo tiền đề pháp lý chống ông Donald Trump nếu họ muốn luận tội ông, hoặc dọn đường cho cuộc bầu cử 2020, khi đó cử tri sẽ được vận động quay lưng lại với vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ.
"Họ muốn thọc sâu vào mọi mặt đời sống của ông ấy. Ở Mỹ, chúng ta điều tra các sai phạm. Chúng ta không điều tra con người" - Rob Astorino, một người ủng hộ ông Trump - nhận xét.
Theo các chuyên gia, phe Dân chủ có lẽ sẽ không đào bới các vi phạm của ông Trump ở ngưỡng luận tội "tội nặng và tội nhẹ" theo hiến pháp. Với cảm nhận phe Cộng hòa không bao giờ bỏ rơi tổng thống của đảng này, các lãnh đạo Dân chủ biết rõ nỗ lực hạ bệ ông Trump ở một phiên tòa Thượng viện mà bất thành thì các triển vọng chính trị của họ sẽ bị tổn hại nặng nề hơn nhiều vào năm 2020.
Nhưng cái bóng của tiến trình luận tội tiềm tàng sẽ không bao giờ mất đi, vì Nadler sử dụng các thuật ngữ như "lạm dụng quyền lực" và "cản trở" - loại tội danh mà các tổng thống đã từng phải đối mặt với yêu cầu luận tội 2 lần trong 50 năm qua. Và Nadler, trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Tư pháp - sẽ chủ trì bất kỳ tiến trình luận tội nào mà có thể sẽ dựa trên những chứng cứ các nhà điều tra của ông đang tìm kiếm.
Về ngắn hạn, động thái của phe Dân chủ là một dấu hiệu cho thấy, kể cả khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller nộp báo cáo hay các vụ truy tố dân sự hoặc hình sự nhằm vào cuộc sống trước kia cũng như hiện tại của ông Trump không cho kết quả, thì những rắc rối vẫn không tha bủa vây ông.
Trong danh sách nhận thư từ Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ có hai con trai đã trưởng thành của ông Trump là Eric và Donald Jr. cùng con rể Jared Kushner, trưởng nhóm chuyển giao Tom Barrack, các thành viên chủ chốt trong chiến dịch tranh cử như Steve Bannon, và các quan chức Cánh Tây như cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus.
Thư gửi tới cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer và Giám đốc truyền thông Hope Hicks yêu cầu ghi chép riêng. Ủy ban còn gửi thư cho người gác cổng ở Tháp Trump năm xưa, Rhona Graff. Một nhân vật đáng chú ý không có tên trong danh sách là Ivanka Trump, con gái ông Trump và là cố vấn Nhà Trắng. Nadler không giải thích vì sao nhưng bóng gió rằng cô cũng có thể có tên trong danh sách tương lai.
Tổng thống Trump đã đoán trước được phe Dân chủ sẽ mở rộng "chiến trận" chống lại ông. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Hành động chính trị Bảo thủ cuối tuần vừa qua, ông nói: "Họ chẳng có gì với Nga cả. Không có thông đồng. Vì vậy họ đi và biến đổi. 'Hãy điều tra mọi thỏa thuận ông ấy đã đạt được. Chúng ta sẽ tìm hiểu về tài chính của ông ấy. Chúng ta sẽ kiểm tra các hợp đồng của ông ấy'. Những người này thật bệnh", ông Trump nói.
Ngày 4/3, khi các phóng viên hỏi liệu ông có hợp tác với cuộc điều tra của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Tổng thống Trump khẳng định: "Tôi luôn hợp tác với tất cả mọi người".
Chiến dịch của Ủy ban Tư pháp Hạ viện hiện chỉ là một trong rất nhiều các cuộc điều tra chồng lấn của Quốc hội nhằm vào Tổng thống Trump, tập trung ở các Ủy ban Đối ngoại, Giám sát và Tình báo của Hạ viện. Ba ủy ban này, ngày 4/3, đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp thông tin về các cuộc gọi và họp kín của ông Trump trong mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Họ cũng muốn những phiên dịch viên tham gia các cuộc họp kín đó trả lời thẩm vấn.
Tuy nhiên, theo CNN, đảng Dân chủ cũng hứng chịu không ít rủi ro và hệ lụy của riêng mình. Nếu họ dành hàng tháng trời chỉ để đào bới các khía cạnh cuộc sống liên quan đến Tổng thống rồi không thu được kết quả gì, thì chính họ đã trao cho ông Trump một chiến thắng chính trị khổng lồ mà ông có thể tận dụng để chiến thắng thêm một nhiệm kỳ nữa ở Nhà Trắng.
Và kể cả có tìm thấy chứng cứ ông Trump phạm "cả tội nặng lẫn tội nhẹ" khi công kích các nguyên tắc cốt lõi của nền dân chủ Mỹ thì họ cũng đối mặt với một lựa chọn chính trị mang tính định mệnh. Nếu rốt cuộc không "phạt" nổi ông Donald Trump thì phe Dân chủ sẽ phải giải thích lý do vì sao cho các cử tri Mỹ.
Theo Vietnamnet
Thanh Hảo
Bức tường pháp lý bắt đầu Dân Mỹ thở phào vào ngày thứ sáu tuần trước, 15/2/2019, vì chính phủ không bị đóng cửa và có tiền xài cho đến cuối tháng 9 năm nay. Điều này đã được dự báo trước. Trước giờ "G" các cơ quan chính phủ không dặn dò nhân viên như lần trước. Trên Quốc hội, các nghị sĩ dân chủ tự tin là...