Hạ viện Mỹ bất ngờ thông qua Nghị quyết về Biển Đông
Trong một động thái nêu bật sự quan tâm của Mỹ đối với tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, hôm 4/12, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết với số phiếu ủng hộ 100%, kêu gọi các nước giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tàu Trung Quốc – bảo vệ hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương 981 – chủ động tấn công tàu công vụ Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tháng 5/2014
Mang ký hiệu H.Res-714, Nghị quyết đã được trình lên Hạ viện Mỹ để xem xét từ ngày 8/9/2014, tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với quyền tự do hàng hải và hàng không, đồng thời lên án những hành vi cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực để ngăn cản việc thực thi các quyền tự do sử dụng vùng biển hay không phận quốc tế.
Nghị quyết của Hạ viện Mỹ cũng liệt kê một loạt những vụ cản trở quyền tự do hàng hải và lưu thông trên không từ năm 2010 đến nay, mà tác giả là Trung Quốc. Điển hình là các vụ tàu Trung Quốc tấn công, uy hiếp tàu cá, tàu công vụ của Việt Nam, Philippines, Ấn Độ tại Biển Đông.
Bên cạnh đó, Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh các vụ Trung Quốc đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông hồi tháng 12/2013, hay ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7/2014 là hoàn toàn sai trái, đi ngược với luật pháp quốc tế.
Video đang HOT
Trên cơ sở đó, Nghị quyết kêu gọi Trung Quốc tự kiềm chế trong việc thực thi các quy định về ADIZ ở biển Hoa Đông, tránh hành động khiêu khích tương tự như ở những nơi khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Đồng thời, Nghị quyết thúc giục ASEAN, các đồng minh và đối tác của Mỹ, cùng tất cả các bên giải quyết những tranh chấp này, bao gồm cả việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông.
Thông qua Nghị quyết này, Hạ viện Mỹ cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với các nỗ lực tăng cường hợp tác ở châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Washington, nhằm khuyến khích các quyền tự do hàng hải, hàng không, duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế trong khu vực.
Giới quan sát nhận định, nếu như Thượng viện Mỹ đã nhiều lần chính thức lên tiếng quan ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông thì đây là lần hiếm hoi mà Hạ viện Mỹ – chủ yếu phụ trách các hồ sơ đối nội – ra nghị quyết về vấn đề này.
Trước đó 1 ngày, trong một buổi gặp mặt với các doanh nghiệp hàng đầu Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã nói rằng: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “đã củng cố quyền lực nhanh chóng và toàn diện hơn bất cứ người tiền nhiệm nào, kể từ sau thời lãnh đạo Đặng Tiểu Bình”. Tuy nhiên, theo ông Obama, người đứng đầu của quốc gia đông dân nhất hành tinh đã sử dụng chủ nghĩa dân tộc và gây lo ngại cho các nước láng giềng, thể hiện qua các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo Petrotimes
Nghị sĩ Nga muốn trừng phạt một số "quốc gia tấn công"
Một số đại biểu Hạ viện Nga đã soạn thảo một kiến nghị xác định tất cả các nước trừng phạt Nga là "quốc gia tấn công" và ra lệnh trừng phạt trả đũa tự động chống lại các nước đó.
Dự luật được đưa ra Hạ viện với nhận xét tiêu cực từ chính phủ. Các chuyên gia của chính phủ nói rằng dự thảo này trái với một số luật đang hiện hành của Nga và Hiến pháp Nga. Định nghĩa "tấn công" sử dụng trong dự thảo này cũng khác với khái niệm được quốc tế chấp nhận trong các nghị quyết của HĐBA LHQ.
Kiến nghị về quốc gia tấn công được soạn thảo bởi 2 nghị sĩ đảng Nước Nga Thống nhất bảo thủ, vốn chiếm đa số trong quốc hội, và một nghị sĩ thuộc đảng dân túy - dân tộc LDPR.
Dự thảo này đã được đăng trên trang web chính thức của Duma Quốc gia. Dự thảo đề nghị trao cho chính phủ Nga quyền thiết lập và phê chuẩn danh sách "các quốc gia tấn công" - gồm những nước mà chính quyền đưa ra lệnh trừng phạt chống lại Nga, các công dân và công ty Nga.
Dự thảo cũng đề nghị, khi một nước bị đưa vào danh sách, tất cả các công dân, người cư trú lâu dài và công ty đăng ký ở nước đó sẽ tự động mất quyền sử dụng dịch vụ pháp lý, tư vấn kinh doanh và kiểm toán tài chính trên lãnh thổ Nga. Chính phủ Nga có thể bỏ một số lệnh trừng phạt hoặc đưa ra các biện pháp bổ sung với hoạt động kinh doanh của các công ty hoặc cá nhân đó nếu cần thiết.
Các nghị sĩ bảo trợ cho dự luật này nói rằng, luật nếu được đưa ra sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền kinh tế của Nga và đảm bảo phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia. Nghị sĩ Evgeny Fyodorov của đảng Nước Nga thống Nhất được biết đến với những đề xuất tương tự trong năm nay. Tháng Sáu vừa qua, ông nói rằng Hạ viện Nga đang chuẩn bị một dự luật cấm các công ty nhà nước sử dụng dịch vụ của các công ty tư vấn Mỹ và các chi nhánh của họ. Trước đó ông gợi ý coi việc sử dụng các công ty kế toán Mỹ đểkiểm toán tài chính các tập đoàn nhà nước là việc bất hợp pháp.
Ngoài sự phản đối của chính phủ, dự thảo "quốc gia tấn công" cũng bị phản đối trong chính Duma Quốc gia. Phó Chủ tịch Ủy ban Luật pháp, nghị sĩ Vyacheslav Lysakov của đảng Nước Nga Thống nhất nói rằng các khái niệm trong dự thảo rất tương đối và đã bị chính trị hóa.
Tuy nhiên, ông Lysakov cũng đồng ý rằng, các nước có chính sách không thân thiện với Nga cần được xác định theo cách nào đó trong lĩnh vực pháp lý của Nga.
Mùa hè vừa qua, EU, Mỹ và một số đồng minh đã áp đặt trừng phạt kinh tế với một số quan chức cấp cao Nga và một số công ty lớn của Nga vì cáo buộc Nga giật dây quân ly khai ở miền đông Ukraina.
Đầu tháng Tám, Nga trả đũa bằng lệnh cấm nhập thịt, cá, pho mát, sữa, rau quả từ Australia, Canada, EU, Mỹ và Na Uy. Các nhà lãnh đạo Nga nói rằng Nga không sợ hãi lệnh trừng phạt và các nỗ lực gây sức ép với Nga sẽ không hiệu quả.
Theo M.Y/ RT
Lao Động
Việt Nam hoan nghênh Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết về Biển Đông Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định, Việt Nam hoan nghênh việc Hạ viện Hoa Kỳ lần đầu tiên thông qua một nghị quyết ủng hộ những nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình...