Hà Văn Thắm cùng hơn 50 bị can chuẩn bị hầu tòa
Ngày 26.7, tin từ TAND TP. Hà Nội, cơ quan này vừa tiếp nhận lại hồ sơ vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng phạm và đang chuẩn bị lên lịch để đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa sơ thẩm lần 1. (ảnh IT).
Theo cáo trạng mới của Viện KSND Tối cao, cựu Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương ( Oceanbank) bị truy tố cùng lúc về 4 tội danh là “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”
Bị can Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) – nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank và là người đại diện phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại Oceanbank bị truy tố về 3 tôi danh là “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong số 50 bị can có Phạm Công Công Danh -cựu Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh và bà Hứa Thị Phấn – cổ đông lớn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín bị truy tố 2 tội danh là “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vụ án này vào tháng 3.2017 đã được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm, tuy nhiên sau đó Tòa đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tại kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an xác định, Nguyễn Xuân Sơn được PVN giới thiệu làm Tổng giám đốc Oceanbank từ năm 2009 đến tháng 11.2010.
Sau đó, khi bị can trở lại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và giữ chức Phó Tổng giám đốc tập đoàn này thì vẫn được cử làm người đại diện phần vốn góp của PVN tại Oceanbank.
Cụ thể, trong thời gian giữ chức Tổng Giám đốc tại ngân hàng, Sơn và Thắm đã thỏa thuận về việc chi lãi ngoài khi huy động vốn cho nhóm khách hàng dầu khí và việc này được thực hiện liên tục đến tháng 6.2014.
Video đang HOT
Từ cuối năm 2010, mặc dù không còn trực tiếp điều hành hoạt động ngân hàng, song với vị thế của bản thân cũng như vai trò của PVN, Sơn tiếp tục lợi dụng cơ chế, chính sách chi lãi ngoài.
Kết luận điều tra bổ sung xác định, từ tháng 1.2011 đến giữa năm 2014, bị can Sơn đã nhận tổng cộng hơn 246,6 tỷ đồng tiền chi lãi ngoài của Oceanbank. Trong số tiền đặc biệt lớn đó, CQĐT xác định PVN bị thiệt hại hơn 49,3 tỷ đồng. Bởi đó là số tiền tương ứng với tỷ lệ vốn góp (20%) của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Oceanbank.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 có 48 bị can bị truy tố, khi diễn ra phiên tòa có 1 bị can được tạm đình chỉ vụ án vì lý do bệnh hiểm nghèo. Sau khi kết thúc điều tra bổ sung, vụ án này có thêm 3 bị can nữa bị truy tố, nâng tổng số bị can lên 52 người.
Theo Danviet
Ai chịu trách nhiệm thất thoát 800 tỷ của PVN ở Oceanbank?
Bản kết luận điều tra bổ sung khẳng định, việc góp vốn đợt 3 có dấu hiệu sai phạm pháp luật của một số cá nhân trong HĐTV, Ban Tổng giám đốc, người đại diện vốn góp và ban kiểm soát...
Tháng 3.2017, TAND TP.Hà Nội đưa vụ đại án Oceanbank ra xét xử. HĐXX khi đó đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ thêm một số vấn đề.
Trong đó, HĐXX yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank, nguyên Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN) và những người có trách nhiệm liên quan đến việc đầu tư, góp vốn, quản lý và sử dụng số tiền 800 tỷ đồng của PVN ở Oceanbank để xử lý theo quy định của pháp luật.
Phiên tòa xét xử đại án Oceanbank hồi tháng 3.2017.
Kết luận điều tra bổ sung mới đây cho thấy, ngày 18.9.2008, lãnh đạo VPN ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank về việc tham gia góp vốn. Theo nội dung bản thỏa thuận này, PVN sẽ tham gia góp 20% vốn điều lệ.
Việc góp vốn sẽ được thực hiện thành 3 đợt. Cụ thể, đợt 1 góp 400 tỷ đồng vào ngày 31.12.2008.
Ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó tổng giám đốc PVN là người ký văn bản về việc chấp thuận nộp 400 tỷ đồng mua cổ phần tăng vốn điều lệ của Oceanbank.
Đợt 2 góp 300 tỷ đồng vào ngày 27.10.2010. Khi đó, ông Vũ Khánh Trường, ủy viên HĐQT PVN ký nghị quyết về việc chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ năm 2010 lên 5.000 tỷ đồng của Oceanbank để duy trì tỷ lệ nắm giữ phần vốn của PVN tại Oceabank là 20 % vốn điều lệ.
Ngày 27.10.2010, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc PVN ký quyết định chấp thuận góp thêm 300 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ. Cùng ngày hôm đó, PVN đã rót 300 tỷ đồng vào tài khoản của Oceanbank.
Đợt 3 góp 100 tỷ đồng, ngày 12.5.2011, ông Nguyễn Xuân Sơn, khi đó là Phó tổng giám đốc PVN đã ký văn bản gửi Hội đồng thành viên gồm 7 người báo cáo tình hình đăng ký vốn điều lệ và dự kiến điều chỉnh kế hoạch cụ thể.
Trong đó có nội dung: "... trình HĐTV xem xét và chấp thuận tiếp tục hỗ trợ và tăng vốn điều lệ ở mức tối đa vào Oceanbank đợt này, với số vốn tăng thêm là 500 tỷ đồng x 20% = 100 tỷ đồng trước ngày 15.5.2011".
Sau khi Nguyễn Xuân Sơn ký ban hành văn bản gửi các Thành viên HĐTV thì có 3/5 thành viên (ông Nguyễn Thanh Liêm, ông Vũ Khánh Trường, ông Phan Minh Đức) ký chấp thuận đồng ý ngay tại tờ trình của ông Nguyễn Xuân Sơn.
Riêng đối với ông Hoàng Xuân Hùng và ông Nguyễn Xuân Thắng, là thành viên HĐTV đề nghị Ban kiểm soát nội bộ báo cáo rõ thêm việc này. Còn lại 2 thành viên vắng mặt...
Sau đó, việc góp thêm 100 tỷ đồng được thông qua, nâng tổng số tiền góp vốn của PVN tại Oceanbank là 800 tỷ đồng, bằng 20% vốn điều lệ Oceanbank và số tiền góp vốn 800 tỷ đồng này có nguồn gốc được hình thành từ kết quả sản xuất kinh doanh của PVN.
Hiện nay Oceanbank được NHNN mua lại 0 đồng, đồng thời PVN chấm dứt tư cách cổ đông và toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của cổ đông tại Oceanbank, dẫn tới việc PVN phải ghi nhận một khoản lỗ tương đương 800 tỷ đồng.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Bản kết luận điều tra bổ sung cho rằng, thời điểm tăng vốn đợt 3 với số tiền 100 tỷ đồng, chiếm 20% vốn điều lệ của Oceanbank là trái quy định, bởi thời điểm này, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, tại khoản 2, điều 55 quy định: "Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng...".
Mặt khác, việc góp vốn 20 % này đã được kiến nghị tại kết luận thanh tra của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, yêu cầu HĐQT Oceanbank phải có biện pháp giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông, trong đó có PVN xuống mức không quá 15%. Dù vậy, PVN và Oceanbank đã không thực hiện.
Bản kết luận điều tra bổ sung khẳng định, việc góp vốn đợt 3 có dấu hiệu sai phạm pháp luật của một số cá nhân trong HĐTV, ban Tổng giám đốc, người đại diện vốn góp và ban kiểm soát.
Hiện Cơ quan điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra làm rõ và cá thể hóa trách nhiệm của lãnh đạo PVN quyết định việc góp vốn vào Oceanbank và việc quản lý, sử dụng tiền được chia cổ tức, vai trò của những người được PVN cử tham gia đại diện phần vốn góp, quản lý vốn góp... dẫn đến PVN bị mất toàn bộ 800 tỷ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để có đề xuất hình thức xử lý.
Nhưng do thời hạn điều tra bổ sung vụ án đã hết, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật này độc lập, không liên quan đến hành vi phạm tội đã được CQĐT Bộ Công an kết luận.
Vì vậy, ngày 24.5.2017, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã quyết định tách nhóm hành vi này để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.
Theo T.Nhung (VNN)
Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn bị cáo buộc "tham ô tài sản" Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa có kết luận điều tra bổ sung vụ đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank. Theo đó, bị can Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Oceanbank và bị can Nguyễn Xuân Sơn, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị cáo buộc "Tham ô tài sản". Hà Văn...