Hà Trần: ‘Tôi may mắn là cháu gái Trần Tiến’
Hà chia sẻ, cô mang sẵn dòng máu lãng tử của Trần Tiến. Khi hai chú cháu họ ngồi cạnh nhau, cùng trò chuyện về âm nhạc, người ta còn nhận ra sự thông thái, dí dỏm và tâm huyết của những nghệ sĩ chân chính – muốn làm mọi điều tốt đẹp nhất bằng âm nhạc.
- Ngoài việc chia sẻ với độc giả về hai đêm nhạc sắp diễn ra, điều gì khiến hai chú cháu Trần Tiến – Trần Thu Hà nhận lời tám chuyện với độc giả vào ngày 8/8 này? (Minh Anh, 35 tuổi, Cần Thơ)
- Trần Tiến: Chào các bạn. Đừng hỏi tôi gì nhiều rắc rối nhé! Tôi khó trả lời lắm! Cuộc trò chuyện này không ngoài mục đích chia sẻ với độc giả về hai đêm nhạc sắp tới.
- Chào chú Trần Tiến. Bây giờ có rất nhiều nhạc sĩ trẻ và… đẹp trai hơn chú (!). Nhưng chú vẫn luôn là nhạc sĩ mà cháu hâm mộ nhất. Bài hát “Giấc mơ Chapi” của chú đã lay động rất nhiều trái tim. Cháu từng đọc một bài báo nói về cây đàn Chapi và cháu băn khoăn một điều là hiện giờ còn rất ít người chơi loại đàn này và cũng rất ít người làm ra loại đàn này. Vì bài hát của mình và những người hâm mộ, chú hãy làm điều gì đó cho cây đàn Chapi thân yêu của mình, nhé chú?! (Thanh Mai, 27 tuổi, Hà Nội)
- Trần Tiến: Những nhạc sĩ trẻ đẹp trai hơn chú nhưng chưa chắc đã đẹp lão bằng chú. Chưa chắc phụ nữ bây giờ thích người đẹp trai. Cây đàn Chapi mà không còn ai làm và chơi nữa thì buồn lắm cháu nhỉ. Vì tiếng đàn đó mộc mạc và quyến rũ lắm, không có kim loại hoặc một chút chất liệu gì của nền văn minh. Âm nhạc trên thế giới đang trở lại sự tinh tế, mộc mạc và thật của acoustic.
Nhạc sĩ Trần Tiến và ca sĩ Trần Thu Hà tại tòa soạn VnExpress.
- Chị Hà ơi, em là fan của chị từ rất lâu rồi, về quá khứ quá nổi tiếng của chị chắc em không còn gì để hỏi, em hỏi chị về tương lai nhé. Sau này, chị có chăm chút cho âm nhạc nước nhà nhiều không, kế hoạch sắp tới của chị ở Việt Nam là gì ạ? (Lương Phạm Ngọc Lâm, 35 tuổi, Cần Thơ)
- Hà Trần: Kế hoạch gần nhất của tôi là hát chương trình Trần Tiến In The Spotlight – Như chờ từng giấc mơ – vào ngày 11 và 12/8 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Tôi còn rất nhiều kế hoạch khác đang trong quá trình thực hiện. Xin được tiết lộ sau.
- Chào chị Hà Trần. Em thường thấy trên các diễn đàn, chị có biệt danh như: Hà màu mè, Hà hoa lá cành, Hà cải lương, Hà technical, thậm chí là Hà khùng. Vậy biệt danh nào đúng với chị nhất? (Bích Duyên, 23 tuổi, Hà Nội)
- Hà Trần: Vậy thì em nhầm hoàn toàn chứ chị chưa bao giờ được nghe những biệt danh này, hay là em tự đặt ra? Hay em nhầm Hà khác? (cười).
- Hà thích yếu tố gì nhất khi hát nhạc Trần Tiến? (Minh Hà, 30 tuổi, Vinh)
- Hà Trần: Có rất nhiều điều tôi thích ở âm nhạc Trần Tiến nhưng cảm xúc mạnh mẽ nhất có lẽ đến từ tính “đời” trong âm nhạc của chú. Nhạc Trần Tiến có một đặc điểm là rất bám sát vào cuộc sống của người Việt Nam đương đại. Tôi có nhiều “đất” để thể hiện giọng hát và tâm hồn của mình qua những ca khúc rất nhiều màu sắc đời sống, nhiều câu chuyện cuộc đời.
- Cháu là Minh Quân 30 tuổi, cháu hâm mộ chú từ rất lâu rồi và thuộc gần hết các bài của chú, đặc biệt là bài “Ngẫu hứng phố”. Chú có thể nói cho cháu biết tâm trạng của chú khi sáng tác bài này? Vì cháu cũng là một người xa quê khi mỗi lần nghe bài này cháu lại đau đáu nhớ về Hà Nội. Cảm ơn chú. (Minh Quân, 30 tuổi, TP HCM)
- Trần Tiến: Đã có rất nhiều nhạc sĩ viết rất hay về Hà Nội vào những năm tháng hào hùng của thủ đô. Thời của chú khác! Những kỷ niệm về bạn bè xung quanh ly trà năm xu, quanh quán bia hơi dẫu xếp hàng mãi mới được một ly lại còn phải uống kèm với món gì đó. Khổ mà sướng! Bây giờ không còn cảm giác uống bia hơi ngon đến thế. Hà Nội những con đường chiến tranh đầy bụi, những đoàn quân lên đường, những sân ga đầy ắp tiếng cười tiễn con tàu ra đi và những giọt nước mắt đón con tàu trở lại, mang thương bệnh binh và những tấm huân chương.
Đôi khi, người ta thèm nhớ lại những hình ảnh cụ thể của chiếc cầu thang gác, những chiếc salon rách nát thời Pháp thuộc, những rụt rè dịu dàng của thiếu nữ Hồ Gươm xưa hơn là tiếng loa truyền thanh suốt ngày hí hửng vì những chiến công và niềm tự hào.
- Thưa nhạc sĩ, tôi rất thích tính ngẫu hứng và tính thời sự trong các bài hát của nhạc sĩ. Vậy, với thực trạng Hà Nội bây giờ, nhạc sĩ có thể ” Ngẫu hứng thời sự ” một vài câu có được không? Xin chân thành cảm ơn. (Nguyễn Song Toàn, 43 tuổi, TP HCM)
- Trần Tiến:
Không bán, không mua
Không ai được chạm vào đất thiêng của tổ tiên
Dẫu có hy sinh, dẫu tan nhà nát phận
Không ai được chạm vào danh dự người Việt Nam
Tổ Quốc ơi, thân xác anh em
Phơi đầy rừng vì không chịu nhục
Một chút vui sao nỡ quên nhau
Nước mắt nào sao giờ lạnh giá
Hãy đứng lên đi, không ai được chạm vào
Đất thiêng của tổ tiên
Hãy hát vang lên khúc ca lòng tự hào
Không có bạo tàn nào khuất phục người Việt Nam
(Chú đang ngẫu hứng về vấn đề bản đồ Mãn Thanh năm 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa!).
- Em đã rất thành công ở Việt Nam, vậy tại sao em lại quyết định ra nước ngoài phát triển sự nghiệp? (Hoài Anh, 30 tuổi, Huế)
- Hà Trần: Việc định cư ở nước ngoài tôi đã giải thích rất nhiều lần trên báo rồi. Đó là một quyết định riêng tư cho cuộc sống gia đình. Trong gia đình mà mình có khả năng hội nhập, thích ứng uyển chuyển hơn chồng mình thì Hà thấy nên tạo điều kiện để cho cuộc sống được đơn giản hơn.
- Chị Hà ơi, chị về VN lần này có đi cùng ông xã và con trai không? (Than Tu Loc, 30 tuổi, Hải phòng)
- Hà Trần: Không bạn ạ. Em bé còn quá nhỏ nên chưa đi xa với mẹ được. Bé ở nhà với bố và bà nội.
- Lâu rồi không nhìn em hát trên sân khấu, giờ nhìn em vẫn trẻ và xinh đẹp vậy? (Nguyễn Anh Thắng, 38 tuổi, Kinh môn, Hải Dương)
- Hà Trần: Em xin cảm ơn anh (cười). Dù đây không phải là một câu hỏi thì anh cũng đã có câu trả lời rồi đấy!
- Chào chú Tiến và chị Hà. Quãng thời gian xa quê, chị Hà có nhớ VN không? Những lúc nhớ chị hay làm gì, việc hát ở VN và nước ngoài có gì khác nhau nhiều không? Em cảm ơn (Đức Thảo, 23 tuổi, TT HCM)
- Hà Trần: Tôi định cư ở nước ngoài được 8 năm thì trong suốt quãng thời gian đó, tôi vẫn luôn luôn sống ở quê nhà trong các giấc mơ. Chính nỗi niềm nhung nhớ với người thân và quê hương đã trở thành một động lực, cảm xúc, cảm hứng để tôi làm cuốn album “Đối thoại 06″ và “Trần Tiến” phát hành năm 2008. Đó là những album tôi cảm thấy “ruột” nhất của mình. Lần này lại là một cơ hội may mắn để tôi được hát những ca khúc đó trong chương trình “Trần Tiến In The Spotlight”.
- Cháu đọc trên blog của nhà thơ Nguyễn Quang Lập, thấy kể rằng, chú đã khóc khi biết về tấm bản đồ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Cháu muốn nghe chính chú kể lại chuyện này? (Hà Linh, 30 tuổi, Nghệ An)
- Trần Tiến: Lâu lâu ngồi nhậu với Nguyễn Quang Lập và Đỗ Trung Quân, các bạn ấy cứ bảo tôi viết bài hát xuống đường. Tôi không bao giờ viết khi mình không hiểu rõ chuyện “xuống đường” mà không có cảm xúc đích thực. Quân bảo: “Anh không viết thì em không chơi với anh nữa!”. Tôi bảo, đây là vấn đề nhạy cảm của Tổ Quốc, không được phép đùa. Thông tin bây giờ quá loạn. Chỉ có trái tim mới nghe được lòng dân. Hãy nghe lời của chính trái tim mình!
- Theo chị để ca sĩ Việt Nam có thể đứng trên nhiều sân khấu ở khắp nơi trên thế giới (như các ca sĩ nước Philippines), chúng ta cần làm gì? (Do Viet, 32 tuổi, Kim Lien, Ha Noi)
- Hà Trần: Tôi nghĩ rằng điều đầu tiên là chúng ta cần phải có một nền công nghệ biểu diễn tương đương với các nước khác. Từ đó mới sinh ra những người trình diễn có đủ kỹ năng để hoạt động trong những môi trường âm nhạc khác ngoài Việt Nam. Đó là một cách. Cách thứ hai là nếu như nền âm nhạc Việt Nam quá rạng rỡ đến mức kể cả một người không biết tiếng Việt mà vẫn thích nghe nhạc Việt thì bạn đã có câu trả lời.
Video đang HOT
- Xin anh Trần Tiến chia sẻ những kinh nghiệm khi chạm những “lình xình khốn khổ” ở đời? (Nhã Quang Huân, 37 tuổi, 18 Ngõ Nội Tiết, Thái Thịnh ĐốngĐa HN)
- Trần Tiến: Những “lình xình khốn khổ” của bạn là gì? Tôi cũng chẳng có kinh nghiệm gì hơn bạn đâu. Lúc đó, tôi dùng phép “như không có nó”, rồi để một thời gian sau “tính” cho nó tỉnh táo.
- Chị Hà yêu quý, chị đã sống ở nước ngoài lâu vậy. Chị đã có ý định ra album nào trên đất người chưa? (Lê Thị Dương, 27 tuổi, Thanh Hóa)
- Hà Trần: Tất cả album của tôi từ thời điểm 2004 đến nay đều được phát hành cả ở Việt Nam và nước ngoài. Nếu bạn sống ở nước ngoài có thể mua album của Hà qua các kênh phát hành như Amazon, CDBaby.com, iTunes. Bạn chỉ cần đánh tên “Hà Trần” hoặc “Trần Thu Hà” đều có thể mua đĩa của Hà được. Đặc biệt là ở trang web www.cdbaby.com/hatran. Trang này sẽ hiện ra tất cả sản phẩm của Ha Tran Productions.
- Là một nhạc sĩ tuổi đã lớn nhưng ông vẫn rất trẻ trung về tâm hồn. Vậy ông có bí quyết gì tiết lộ cho chúng cháu biết với? (Tạ Tân, 27 tuổi, Hà Nội)
- Trần Tiến: Tâm hồn rất dễ rách nát. Đừng để những chuyện nhỏ mọn ảnh hưởng đến nó. Đã rách rồi không vá lại được đâu. Nhớ rằng cuộc đời chẳng đẹp và cũng chẳng xấu. Chỉ có lòng ta không bình yên thôi.
- Em rất thích cách xử lý bài hát của chị. Nhưng trong thị trường âm nhạc hiện nay rất lộn xộn, có rất ít ca sĩ có đạo đức nghề nghiệp. Chị đánh giá cao ca sĩ trẻ nào hiện nay mà theo chị là người có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng cũng như hoạt động nghệ thuật bằng tài năng để chinh phục khán giả? (Nguyen Anh Trung, 25 tuổi, 26/6 tan son nhi, tan phu)
- Hà Trần: Tôi có thể rất nhanh đưa cho bạn 4 cái tên mà theo thiển ý của tôi là những gương mặt nhiều triển vọng: Tùng Dương, Hà Anh Tuấn, Nguyên Thảo và Uyên Linh.
- Chào bác Trần Tiến! Nghe nói bác hiện nay đang ở thành phố Vũng Tàu, vậy bác có thể bật mí cho cháu biết về nơi ở của bác để cháu đến thăm và gặp bác được không? Chúc bác sức khỏe thật nhiều nhé. (Nguyễn Cát Linh, 26 tuổi, TP HCM)
- Trần Tiến: Cách bờ Bãi Trước 4 hải lý, có một con thuyền thúng. Bác đang ngồi trên đó chơi với cá. Cháu ra đây với bác. Cảm ơn cháu vì lời chúc sức khỏe! Cháu cũng vậy nhé!
- Bác Tiến ơi, cho cháu hỏi Lá Diêu Bông có thật không ạ? (Nguyễn Văn Hưng, 31 tuổi, Hà Nội)
- Trần Tiến: Cách đây 6 năm, tôi lên Điện Biên biểu diễn, có bà cụ bảo “Chú có thích đi tìm lá Diêu bông không?”. Chiếc lá đó rất ít người tìm được nhưng nó có thật. Ở trong những khu rừng sâu của vùng Phong Thổ (Lai Châu), vào cuối thu, trong tuần trăng, ở những nơi ẩm thấp, chiếc lá đó chỉ ra đời trong một giây phút rất thiêng. Ai có duyên được ngồi nhìn chiếc lá mọc, người đó sẽ rất hạnh phúc. Nó gần như một thứ ngải của người dân tộc. Tôi cũng mong một ngày nào đó mở cuộc hành trình đi tìm lá Diêu bông.
- Nguồn cảm hứng nào khiến em hát về cao nguyên hay đến thế? Cảm ơn (Vũ Xuân Hoà, 36 tuổi, Vinakip-Son Tây)
- Hà Trần: Buồn cười ở chỗ là Hà rất ít khi đến những vùng cao nguyên. Trong hành trình trình diễn của Hà chắc chỉ có khoảng vài ba lần dừng chân ở những vùng đất cao nguyên. Nhưng có lẽ là Hà mang trong mình tâm hồn của một người du mục nên có thể cảm nhận được tinh thần phóng khoáng và đầy tự do của những con người nơi cao nguyên để mà hát thật đúng với tinh thần của bài hát.
- Ngoài những bài hát cho đời, Thu Hà có ca khúc nào hát cho chính mình không? (Anh Gò Công, 50 tuổi, Gò Công)
- Hà Trần: Tất cả những bài mà Hà đã hát cho mọi người đều có một phần của Hà ở trong đó. Không thấy mình ở trong bài hát thì không thể hát hay được đâu anh ạ.
- Xin hỏi chú Trần Tiến và chị Hà Trần có quan điểm như thế nào đối với việc thí sinh các cuộc thi âm nhạc gần đây trong phần thi của mình thuờng sử dụng tiếng Anh? (Đặng Văn Lộc, 30 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
- Hà Trần: Thú thực thì tôi cũng không hiểu tại sao các bạn cứ phải cố gắng hát bằng tiếng Anh trong khi rất nhiều bạn hát tiếng Anh không chuẩn. Khi tôi hát tiếng Việt và người nghe khen hay là bởi vì tôi rất hiểu ngôn ngữ đó. Vậy bạn có thực sự hiểu tiếng Anh bằng như bạn hiểu tiếng Việt để mà hát hay được không? Hát tiếng Anh nghe như là bắt chước thì dễ, hát tiếng Anh để mà nghe tự nhiên như một người sử dụng tiếng Anh thành thạo thì tôi ít khi gặp ở trong những cuộc thi âm nhạc. Vậy tại sao lại đánh đổi cái sở trường để lấy cái sở đoản?
- Trần Tiến: Ngày tôi được BBC mời sang London để phỏng vấn, câu đầu tiên ông trưởng ban Việt ngữ người Việt Nam hỏi tôi có biết nói tiếng Anh không. Tôi trả lời, tôi đang học Tiếng Việt. Và thế là ông ta bị mất chức!
- Cháu chào chú Trần Tiến! Cháu rất thích bài hát “Vết chân tròn trên cát” của chú. Chiến tranh đã đi rất xa, như bọn cháu chỉ còn biết qua tư liệu lịch sử, qua lời kể… Vậy chú có nghĩ rằng mình sẽ sáng tác thêm những tác phẩm về những người lính sau chiến tranh, về cuộc sống của họ để chúng cháu biết và nhớ được nhiều hơn về họ không ạ? (Phạm Sơn, 29 tuổi, Hải Phòng)
- Trần Tiến: Chú nợ những người bạn đã nằm yên bên những cánh rừng già Trường Sơn. Cả lớp chú cùng đi vào đội cầu Trần Quốc Bình (Thanh Hóa) rồi chi đoàn họp quyết định chú phải trở ra để học nhạc và có nhiệm vụ viết về lớp. Lớp chú đã chết một nửa khi đội cầu trở thành đơn vị thanh niên xung phong đầu tiên phá đường Trường Sơn. Vì vậy, cho đến khi chú ra đi khỏi cuộc đời, chú vẫn phải có nhiệm vụ viết tiếp về những người lính mà bạn bè đã giao cho.
- Anh Tiến, sao mặt anh lúc nào cũng có vẻ khắc khổ vậy? Có phải tại vì anh dành quá nhiều tâm huyết để viết bài hát không vậy? (Huyên, 38 tuổi, Vinh)
- Trần Tiến: Cái mặt tôi nó xấu nên thế đấy! Chứ làm nhạc gì mà đến nỗi khắc khổ vậy. Làm nhạc phải như chơi mới hay.
- Nghe chị Hà Trần hát, đặc biệt hát nhạc Trần Tiến, tôi vừa thấy sự trong sáng, yêu đời, vừa thấy chất lãng du, phóng khoáng, lại vừa chất chứa những tâm sự, trắc ẩn trước cuộc đời. Làm thế nào để một người con gái còn quá trẻ như chị, từ nhiều năm trước, đã có thể cảm, hiểu và thể hiện được một cách quá có hồn, quá “có thần” những tác phẩm do chú Trần Tiến sáng tác như vậy? Quan niệm của chị về tình yêu quê hương là gì? (Trần Hương, 33 tuổi, Hải Phòng)
- Hà Trần: Tôi nghĩ rằng điểm may mắn của tôi là cháu gái của chú. Tôi đã mang sẵn trong mình dòng máu lãng tử của Trần Tiến. Điều này giúp tôi vượt qua những khoảng cách về thời gian. Ngoài yếu tố gia đình thì chú Tiến luôn là một “người hùng” trong con mắt của tôi. Từ nhỏ, tôi đã bị cuốn hút không chỉ bởi âm nhạc mà còn cả bởi những câu chuyện đời sống, kinh nghiệm sống của chú.
Chú như một “thư viện di động” – nơi mà tất cả thắc mắc của tôi đều có câu trả lời. Người ta có câu: “Thầy đồ già, con hát trẻ”. Những ca sĩ nếu đợi đủ vốn sống để hát được nhạc của những người nhạc sĩ gấp đôi, gấp ba tuổi mình thì lúc đó chả ai mời đi hát nữa rồi. Nên một ca sĩ nhạy cảm phải là người hấp thụ được vốn sống của người khác và biến nó thành của mình.
Theo tôi, tình yêu quê hương là bạn hãy làm những gì có thể ngay lúc này cho quê hương và cho những người thân yêu. Đừng đợi chờ, đừng thắc mắc về điều đó.
- Chào nhạc sĩ Trần Tiến, xin chú cho khán giả được biết điều gì khiến chú có cảm xúc sáng tác những ca khúc rất hay? (Nguyễn Tiến, 32 tuổi, Long Biên – Hà Nội)
- Trần Tiến: Có lẽ là tôi quá yêu cuộc đời, dẫu đôi khi cuộc đời vùi tôi nát tan. Hãy yêu đến tận cùng những sinh vật, cỏ cây cùng loài người đi cùng ta qua cuộc hành trình trên mặt đất thân yêu này. Ta chỉ có một lần được hạnh phúc như thế thôi!
- Chào Thu Hà. Anh rất thích nghe nhạc của Hà, tuy nhiên phải là các ca khúc do Hà hát sau khi Hà sang Mỹ. Vừa rồi có nghe Hà hát bài “Vật đổi sao dời” tại Đà Nẵng, anh rất thích Hà hát kiểu jazz như vậy, rất ngẫu hứng và anh cảm nhận Hà hát theo phong cách này hay nhất. Để phục vụ cho giới audiophile Việt và cả fan Thu Hà, Hà có thể nghiên cứu làm một album jazz Việt được không? (Nguyen Duy Truong, 39 tuổi, Da nang)
- Hà Trần: Tôi dàn dựng bài “Vật đổi sao dời” trên một câu guitar của nhạc sĩ Thanh Phương và câu guitar đó bám vào những làn hơi Hò Quảng. Sau đó, đoạn phát triển thì mang tính World Music nhiều hơn là nhạc Jazz. Tôi có rất nhiều dự án còn đang dang dở, anh hãy chờ nhé. Thế nào cũng sẽ có nhạc Jazz. Anh chịu khó lên VnExpress để đọc tin về Hà Trần nhé (Cười). Cảm ơn anh!
- Muốn thấy nhạc sĩ Trần Tiến xuất hiện cùng du ca đồng nội như thuở nào, nhạc sĩ nghĩ sao? (Nguyễn Việt Hưng, 43 tuổi, TP HCM)
- Trần Tiến: Nếu không có gì thay đổi, khoảng cuối năm hoặc đầu năm sau sẽ có một chuyến đi như vậy. Đến đâu hát đấy, ngoài bờ cỏ, trên thuyền, trước cửa nhà hát… không bán vé, không vì mục đích từ thiện, không quảng cáo. Ai thích thì đến nghe!
- Người ta thêu dệt không ít giai thoại về anh (đẹp có, xấu có) anh có thể cho độc giả và tôi vài lời về cái gọi là “những giai thoại Trần Tiến”. Xin anh “hài hước hoá” vấn đề này. Cảm ơn anh Tiến. (Lê An, 43 tuổi, Vĩnh Phúc)
- Trần Tiến: Đừng nghe lời giai thoại. Nếu gặp nhau được thì tốt. Tôi không đẹp đến như thế đâu. Nhưng cũng không xấu lắm. Nhớ mang rượu theo sẽ thấy tôi đẹp hơn.
- Tôi thấy bạn ngày càng xinh đẹp, đằm thắm, bạn có bí quyết gì vậy? (Trịnh Thanh Hà, 40 tuổi, TP Lạng Sơn)
- Hà Trần: Bí quyết của tôi chẳng có gì đặc biệt cả đâu, chỉ là tập thể dục và ăn bổ… Mà chị biết đấy, đồ ăn ngon thì không bổ mà bổ thì không ngon cho nên muốn đẹp thì phải hy sinh tí nhỉ?!
- Anh hỏi Hà một câu hỏi nhé, từ khi sinh con đến bây giờ bạn đã làm và đã đi hát ở đâu chưa? (Nguyễn Anh Thắng, 38 tuổi, Kinh môn hai dương)
- Hà Trần: Ôi giời, em chả đi hát mãi rồi, thay mấy đôi giầy rồi (cười lớn).
- Kính gửi: Bác Trần Tiến! Khi ở cõi riêng, (ở Vũng Tàu, bác viết hai bài: “Ngũ sắc biển” và “Sen hồng hư không”), thì những lúc đó bác suy ngẫm gì trong cuộc đời của mình? Cháu rất thích phong thái lãng tử của bác. Sau này cháu nghỉ hưu cháu cũng sẽ tìm về cõi riêng của mình giống như bác. (Phong, 43 tuổi, Quảng Trị)
- Trần Tiến: Lo về hưu sớm thế. Chóng già đấy! Ngay từ bây giờ phải suy ngẫm về cuộc đời của chính mình. Mình là ai? Đi từ đâu tới và sẽ đi về đâu? Suy ngẫm ngay đi kẻo muộn, đừng lo chuyện về hưu.
- Mình rất thích các bài hát của chú Trần Tiến và giọng hát của chị Hà Trần. Không chỉ mình mà rất nhiều người cũng muốn nghe – xem trực tiếp các buổi biểu diễn nhưng nói thật là giá vé so với đồng lương còm cõi hàng tháng không thể đáp ứng được. Rất mong có một ngày, chú và chị tổ chức một buổi ở sân vận động Mỹ Đình với giá ưu đãi hoặc miễn phí thì mừng quá, mừng cho những “người nghèo” được cải thiện đời sống tinh thần. (Nguyễn Kim Hà, 32 tuổi, Thanh Xuân – Hà nội)
- Hà Trần: Đúng là địa điểm ở Cung Văn hóa Hữu nghị thì số lượng ghế dành cho khán giả không được nhiều. Ngoài ra, chương trình cũng đã được đầu tư rất kỹ và bài bản nên có thể mức giá vé không được như bạn mong muốn. Đây vẫn là một bài toán chưa có câu trả lời cho những người làm kinh doanh âm nhạc như chúng tôi. Nếu muốn “hay” thì không thể “rẻ” được. Nhưng trong thâm tâm, chúng tôi vẫn muốn ngày càng đem tới nhiều hơn những chương trình âm nhạc có chất lượng cao cho nhiều khán giả hơn. Việc đầu tiên là phải có hoạt động âm nhạc trước đã, sau đó những chuyện khác mới có thể căn chỉnh được.
- Chú cho cháu hỏi, bài hát về cô gái Sầm Nưa xinh đẹp được chú sáng tác ở đâu? Chú hát tiếng Lào thật không? (Sằn Pạt Múi, 31 tuổi, Hải hà Quang Ninh)
- Trần Tiến: Tôi viết bài này ở Xiêng Khoảng, dưới chân núi P”u Khen, khu căn cứ của Đảng Cộng sản Lào và gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông sinh sống. Lời Lào do nhà văn Việt Nam sinh sống bên đó dịch ra từ lời Việt. Chú cũng biết tiếng Lào nhưng chưa đủ để tự dịch, chỉ đủ tán cô công chúa Nhọt Kẹo và cô ấy xin phép Hoàng thân đặt tên tác giả bài hát “Cô gái Sầm Nưa” là Xổm Bun.
- Xin hỏi nhạc sĩ Trần Tiến, đến tuổi 65 rồi, nhạc sĩ còn có nhiều cảm xúc với những người phụ nữ đẹp không (Quockhanh, 27 tuổi, TP HCM)
- Trần Tiến: Không những còn mà hơi bị thừa, chả để làm gì.
- Gửi Trần Thu Hà: Nếu không có gì bí mật, bạn có thể nói về người dì ruột mà bạn có nhắc đến khi đặt tên con gái của mình? Bên Mỹ, các ca sĩ đi hát có “kèn cựa” nhau không? Hà đánh giá thế nào về sự có mặt của mình ở sân khấu hải ngoại và Hà thường hát nhạc của ai? (Bùi Huy, 45 tuổi, Thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình)
- Hà Trần: Dì tôi là em gái út trong nhà và sống với bố mẹ tôi từ thưở đôi mươi. Khi mẹ tôi qua đời thì dì sống với anh em tôi. Trong nhà có 11 đứa cháu thì đều qua tay dì chăm bẵm, sau này đến con của các cháu. Mẹ tôi trước khi qua đời cũng căn dặn tôi coi dì Yến như người mẹ thứ hai của mình. Tôi cũng tâm niệm rằng nếu trời cho tôi con gái thì tôi sẽ đặt theo tên dì. Bé Nala Yến Đoàn ở nhà tôi thường gọi là “Yến nhỏ” để phân biệt với bà Yến.
Bên Mỹ vì có tận 50 tiểu bang và cả các nước lân cận nên các ca sĩ gặp nhau không thường xuyên, chẳng có cơ hội mà kèn cựa, nếu muốn (cười). Ở hải ngoại, Hà thường hát dòng nhạc tiền chiến và cả nhạc của chú Trần Tiến, các tác giả kinh điển trong nước như Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Thanh Tùng. Chỉ có hơi bị hạn chế nếu muốn hát nhạc của những tác giả trẻ.
- Năm nay hoặc năm tới Hà có dự định âm nhạc chung nào với Bằng Kiều không? Lứa tuổi chị rất mong được thưởng thức những bản tình ca của em và Bằng Kiều. Chúc em hạnh phúc trong cuộc sống gia đình. (Nguyễn Thị Phương, 39 tuổi, Hà Nội)
- Hà Trần: Nếu Bằng Kiều về nước làm liveshow xuyên Việt thì Hà chắc chắn sẽ tham gia. À nhưng anh ấy phải mời đã chứ nhỉ?
- Ca khúc nào của chú Trần Tiến mà chị Thu Hà yêu thích nhất? (Nguyễn Thanh Sơn, 24 tuổi, Quận 2 , sài gòn)
- Hà Trần: Chùm ca khúc “Ra ngõ” của chú Trần Tiến là những bài hát mà Hà cảm thấy nhiều chất đương đại và phù hợp với Hà nhất. Tuy nhiên, để mà khai thác thì series “Trần trụi 87″, “Chuyện năm người”, “Chuyện ba người”, “Ngẫu hứng khi đi qua hải quan”, “Rock đồng hồ” là những bài hát “nặng ký” mà Hà vẫn chưa tìm ra cách nào để làm cho thật hay vì nó quá “đàn ông”. Chắc phải tìm một nam ca sĩ nào đủ độ xù xì giống chú Trần Tiến thì mới hát được.
- Bác Trần Tiến cho cháu hỏi về hoàn cảnh sáng tác bài “Chiếc vòng cầu hôn” được không ạ? Chấu rất thích bài hát này (Đặng Thành Dũng, 28 tuổi, HN)
- Trần Tiến: Một ngày, có cô con gái người K”ho được huyện Đơn Dương cử đi thực tế cùng tôi về âm nhạc bản địa. Tôi thấy cô có chiếc vòng đẹp đeo trên tay. Tôi hỏi xin, cô ấy không cho, bảo: “Đây là tục lệ của người K”ho, nếu anh yêu em thì mới được trao vòng”, rồi cô ấy kể chuyện về chiếc vòng ấy. Người con trai trao cho cô đã nhảy xuống vực tự tử vì gia đình không cho lấy. Tôi chẳng xúc động gì về việc đàn ông tự tử, nhưng câu chuyện đã theo cuộc đời tôi cho đến một ngày, tôi được thấy bên cạnh xác một người lính có chiếc vòng đó, dịu dàng dưới ánh trăng. Vậy là lời cầu hôn vẫn còn nguyên trên mặt đất này, mà người lính thì ra đi mãi mãi. Ở một ngọn núi xa vời kia, có một người con gái cũng đeo chiếc vòng như thế, và chờ đợi. Nhưng mãi mãi anh không bao giờ trở lại.
- Chào nhạc sĩ Trần Tiến, tôi được biết ông rất yêu và tâm huyết với nghề, cũng như âm nhạc Việt Nam. Thời gian gần đây tôi thấy nhạc sĩ thường viết bài hát theo đơn đặt hàng, như vậy theo ông cảm hứng được hiểu như thế nào trong những ca khúc đó? (Phan Thành Tú, 38 tuổi, 334Tân Hòa Đông, Q. Bình Tân)
- Trần Tiến: Không có nhạc đặt hàng và nhạc cảm hứng. Chỉ có nhạc hay và dở thôi.
- Chào chú Trần Tiến ! Hôm vừa rồi cháu có gặp chú trên tàu cánh ngầm khi đứng ngoài nhìn cảnh sông nước từ Vũng Tàu – Sài Gòn. Cám ơn những tác phẩm nghệ thuật của chú dành cho công chúng. Cháu chúc chú, chị Hà và gia đình nhiều sức khỏe. (Nguyễn Vân Quỳnh, 29 tuổi, Q.2, TP.HCM)
- Trần Tiến: Ừ, cảm ơn cháu. Chúc cháu và gia đình hạnh phúc! Lúc nào gặp lại trên tàu, nhớ gọi chú nhé! Chú sẽ cho ăn kẹo.
- Ở nước ngoài thế hệ Diva đã trở thành lỗi thời và từ Diva ít còn tượng trưng cho đẳng cấp nữa, nhưng ở Việt Nam thì có vẻ danh xưng Diva Việt vẫn là “vương miện” mà nhiều người mong muốn. Cá nhân chị nghĩ gì nếu như Diva Việt được phong tặng rộng rãi cho các nghệ sĩ kế tiếp? Chị theo nhạc indie và thần tượng Bjork – một nghệ sĩ không bao giờ được gọi là Diva, vậy Diva có thực sự là cái đích mà chị hướng đến? (Vũ Sơn Tùng, 30 tuổi, Cầu Giấy, HN)
- Hà Trần: Trong tiếng anh, từ “Diva” là chỉ cho những biểu tượng nữ gây ảnh hưởng mạnh mẽ và tạo ra các trào lưu cho xã hội, không chỉ khoanh vùng trong âm nhạc. Cho nên Hà nghĩ bạn đã nhầm khi cho rằng “thế hệ Diva đã trở thành lỗi thời”. Ví dụ như Beyonce, Lady Gaga cũng được gọi là “Diva” thì họ là lỗi thời hay đương thời?
Tôi không có ý kiến gì nếu danh hiệu này được phong tặng cho các nghệ sĩ kế tiếp. Vấn đề là họ có mặc vừa “chiếc áo” Diva này không? Cá nhân tôi thì tôi không hướng tới danh hiệu này vì tôi là người thích thay đổi. Bản thân tôi cũng có lúc gầy, béo khác nhau nên không thể mặc một loại áo được.
- Kính chào chú Trần Tiến, cháu có câu hỏi này lâu rồi nhưng không có dịp để nói chuyện. Chú có hai bài hát cháu rất thích là “Ngẫu hứng qua cầu” và “Tùy hứng lý ngựa ô” rất hay. Vậy trong cuộc sống của chú có hay ngẫu hứng không, nhất là trong việc tình cảm, vì cháu thấy chú rất phong trần và có chút lãng tử nữa. (Nguyễn Nam Thành, 29 tuổi, 35 Bạch Đằng, Bà Rịa – Vũng Tàu)
- Trần Tiến: Cũng thế cháu ạ. Ngẫu hứng chỉ nên dành cho việc sáng tác thôi. Còn trong tình cảm mà ngẫu hứng dễ rắc rối lắm.
- Chào Hà Trần! Hà Trần về nước khá muộn, liệu chị có đủ thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng cho 2 đêm nhạc không? Tôi rất thích giọng hát của chị nhưng những lần về nước gần đây tôi có cảm giác phong độ của chị không được ổn định lắm từ Không gian âm nhạc đến Lung linh Sắc Việt, có phải chăm lo cho con nên chị mất tập trung trong nghệ thuật? (Lê Minh Đức, 33 tuổi, Thanh Hóa)
- Hà Trần: Hà chỉ có một tiếng rưỡi để giao lưu với các anh, chị thôi. Sau đó đến lúc tập và không có hỏi han gì nữa nhé! (Cười). Rất cảm ơn băn khoăn của bạn về phong độ dù tôi cũng hơi ngạc nhiên trước nhận định này. Đơn giản thôi, nếu tôi xuống phong độ thì sao còn ngồi đây chat với bạn được nữa? (Cười).
- Chào Hà, bạn đang có góc nhìn rất xa nhìn về đời sống âm nhạc VN, bạn đánh giá như thế nào về những hiện tại đang diễn ra. Cảm ơn Hà vì bạn là người làm nghệ thuật thông thái. (Phuong An, 34 tuổi, Thái Hà, Hà Nội)
- Hà Trần: Góc nhìn của Hà sẽ là phiến diện vì Hà không có đầy đủ thông tin. Hà đang không sống và sinh hoạt trong môi trường âm nhạc ở Việt Nam. Tuy nhiên, Hà nghĩ rằng cái gì cũng có hai mặt. Khi khủng hoảng thừa về số lượng thì bao giờ cũng khủng hoảng thiếu về chất lượng, phải không bạn? Chỉ có thời gian và công chúng mới căn chỉnh được điều này.
- Xin nhạc sĩ cho biết thời gian biểu hàng ngày của anh? (Trịnh Ngọc Tuấn, 60 tuổi, Thủ Đức TP HCM)
- Trần Tiến: 3 – 4h sáng tỉnh dậy, ngồi hút thuốc trong đêm, chờ bình minh. Thường lúc này cũng hay viết được nhiều. Nếu không có gì thì xách xe đạp quanh núi, ngắm sương sớm, nghe tiếng chổi tre quét rác và bài hát của những chú chim bé nhỏ đi đón mặt trời. Buổi sáng ngồi viết hoặc lang thang trên mạng. Trưa phải ngủ một tiếng. Sau đó lang thang trên bãi biển. Buồn thì tìm một người ít nói, biết uống rượu, làm vài ly, ngắm sóng vỗ và những người đẹp. Nếu có hứng thì làm việc tiếp, không thì díp mắt. Kênh HBO có hay đến mấy cũng “chào bác, em ngược” rồi chìm vào giấc ngủ, để 3h sáng lại tỉnh dậy, hát tiếp điệp khúc mặt trời.
- Chú Trần Tiến nghĩ sao nếu được Đàm Vĩnh Hưng đặt hàng ca khúc? (Tùng Minh, 30 tuổi, TP HCM)
- Trần Tiến: Nếu tôi được một người nổi tiếng và giàu có như Đàm Vĩnh Hưng đặt hàng thì tôi hân hạnh lắm. Nhưng chắc anh ấy không thích ca khúc tôi đâu. Đặt cho phí tiền.
- Chị Hà ơi, sao chị có thể cân bằng được cuộc sống khi bận bịu với bộn bề công việc vậy? (Nguyễn Thị Lê, 25 tuổi, Quận Tân Bình, HCM)
- Hà Trần: Đối với Hà thì cuộc sống lúc nào cũng bận rộn. Lúc còn trẻ thì là những bận rộn cho công việc, sự nghiệp. Khi sự nghiệp ổn định rồi thì lại bận rộn với chuyện gia đình. Những sự bận rộn khác nhau nhưng cái nào cũng có niềm vui của nó cả vì không bận thì cuộc sống buồn tẻ lắm! Hà muốn sống vui, muốn cuộc đời của mình sau này có gì để kể lại như là một quyển sách hay một bộ phim. Vì vậy nên Hà phải thu xếp thời gian để giải quyết tất cả các “loại” bận rộn. Sợ nhất là lúc ngoảnh lại nhìn mình thì chả có gì để kể cả.
- Chào nhạc sĩ, cháu có gửi câu hỏi về bài hát “Chị tôi” từ lúc sáng, nhưng chưa thấy chú trả lời, cho phép cháu hỏi lại nhé: Bài hát “Chị tôi” có giai điệu và nội dung hơi giống bài hát “Celine” của Pháp. Chú có thể cho biết hoàn cảnh ra đời của bài hát “Chị tôi” được không ạ. Đêm nhạc sắp đến có bài hát này không? Cảm ơn Chú (Yen, 30 tuổi, TP HCM)
- Trần Tiến: Nếu cháu gửi được cho chú bài hát Celine của Pháp, thì chú cám ơn lắm. Khả năng một bài hát bị ảnh hưởng bởi một giai điệu đâu đó là chuyện thường. Cũng như Sting trong album cách đây 5-6 năm cũng có bài vừa mới mở ra, tôi tưởng ông ta hát Đôi mắt hình viên đạn của tôi. Tất nhiên ông ta đâu biết bài đó.
Còn bài hát Chị tôi, tôi viết về người chị ruột của mình. Hoàn cảnh gần như 50% đời thật. Số còn lại là những cảm xúc của những người chị khác tôi gặp trong cuộc đời. Đêm nhạc sắp tới có hát không vẫn còn nằm trong bí mật của chương trình.
- Không hiểu sao lần này thấy Trần Thu Hà đẹp quá (Nguyễn Tình, 47 tuổi, Đà Nẵng)
- Hà Trần: Đó là nhờ tòa soạn VnExpress mới mắc thêm ít đèn (cười). Cũng nhờ bộ trang phục của nhà thiết kế/ họa sĩ Dzũng Yoko, người bạn thân lâu năm của Hà và cũng là người luôn sáng tạo những bìa đĩa thật độc đáo cho Hà. Thực ra lúc đầu định đến tòa soạn giản dị hơn nhưng nghĩ thế nào nhất định phải đòi về khách sạn tắm một cái rồi thay bộ đồ này. Dzũng tặng cho Hà bộ đồ này năm ngoái khi sang California thăm và muốn chụp bộ hình kỷ niệm nhưng bận rộn, không kịp thực hiện. Sau đó lại có bầu, không mặc vừa cho nên bây giờ vừa kịp xuống cân là phải diện ngay cho bạn ấy xem. Cảm ơn bạn nhé! Tớ biết là bạn cũng đang xem cuộc phỏng vấn này.
- Chú Trần Tiến. Cháu là người đã xin chụp hình với chú ở quán bánh cuốn bà Hoành một buổi sáng tháng 2/2012 đây. Đúng 20 năm, 1992-2012 cháu mới xin chụp hình lại với chú. Những ca khúc chú và nhóm du ca Đồng Nội trình bày ngày đó đã để lại cho thế hệ sinh viên chúng cháu ngày ấy rất nhiều cảm xúc. Chú có tìm được truyền nhân không? (Hao Duong, 37 tuổi, Q9, TP HCM)
- Trần Tiến: Chú chưa tìm được truyền nhân. Cháu có thích làm truyền nhân không? Hãy đến hàng bánh cuốn bà Hoành, mua cho chú một con cà cuống, làm lễ “bái sư”. Cảm ơn cháu và thế hệ của cháu đã yêu nhạc chú!
- Chào chú Tiến! Ngoài Hà Trần, những ca sĩ nào thể hiện thành công nhạc của chú? Theo chú, để hát hay nhạc Trần Tiến thì người ca sĩ cần những yếu tố nào ? Chú có hài lòng với êkip thực hiện liveshow lần này không ? (Thanh Hà, 28 tuổi, Vinh)
- Trần Tiến: Có Sỹ Thanh, Lâm Xuân, Tùng Dương, và nhiều lắm, chú không thể nhớ hết lúc này. Để hát hay nhạc Trần Tiến, hãy ngồi uống bia với Trần Tiến, thế thôi. Chiều nay chú được nghe ban nhạc tập, thích lắm, bất ngờ lắm! Chú nói đùa với Tùng John – người tổ chức chương trình – tăng giá vé lên 4 triệu đồng. Tùng John tái mặt.
- Trần Tiến và Hà Trần hôm nay có thể cho chúng tôi nghe bài hát “Mặt trời bé con” mà anh từng hát được không ạ? (Nguyễn Tình, 47 tuổi, Đà Nẵng)
- Hà Trần: Hà xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của độc giả VnExpress và các độc giả đang theo dõi cuộc phỏng vấn này. Thời gian có hạn nên Hà không thể trả lời thêm dù câu hỏi rất nhiều. Xin hẹn gặp lại các quý độc giả tại chương trình “Như chờ từng giấc mơ”. Hà xin bật mí thêm là sẽ hát bài này trong chương trình và phải đến sớm mới được nghe (Cười).
- Trần Tiến: Anh hay chú đây, thưa ông bạn 47 tuổi? Hai người chưa bao giờ hát với nhau bài này qua mạng.
Cảm ơn các bạn đã hỏi. Tôi được hỏi là hạnh phúc lắm! Bởi sẽ có ngày chả ai hỏi tôi nữa cả. Tôi sẽ cố gắng viết tiếp và vẫn phải hay tiếp để các bạn lại hỏi nữa nhé! Chào các bạn!
VnExpress
Trần Tiến: 'Vợ yên lòng khi tôi hạnh phúc trong cõi riêng'
Thoải mái, chân thành và không thiếu những phút bông đùa, vừa trả lời vừa nhâm nhi cốc bia mát lạnh, "gã du ca" sót lại của nhạc Việt khiến người đối diện cảm thấy gần gũi, khác hẳn những e ngại về một Trần Tiến khó tính, lảng tránh báo chí.
- Có giai thoại rằng, những đêm nhạc Trần Tiến ở Sài Gòn cách đây hai thập kỷ, phụ nữ sồn sồn ra phủ kín chiếc Vespa ghẻ của ông bằng những vết son môi. Vẻ bề ngoài xù xì của ông vì sao lại hấp dẫn người khác giới như vậy?
- Quan tâm lớn nhất trong cuộc đời tôi là âm nhạc, mình phải làm những gì khác mình, phá chính mình, không bao giờ lặp lại, chuyện đàn ông, đàn bà phù du lắm. Tôi không phải người chung thủy nhưng cũng không phải người mây mưa. Nói về phụ nữ bao giờ cũng vui, nhưng chỉ là kiểu nói đùa, nói vui chứ không phải thật. Có tiếng mà không có miếng thôi.
Có thể phụ nữ thích nhạc của tôi vì thấy tôi đồng cảm với họ. Tôi sáng tác nhiều bài hát về thân phận đàn bà, chia sẻ những thiệt thòi, thiếu hụt hạnh phúc của họ. Tôi làm vậy vì tôi yêu mẹ tôi, yêu chị tôi, yêu những phụ nữ đã đến với cuộc đời tôi. Tôi rất thương những người vất vả, nhất là khi họ sinh thành ra loài người. Tình yêu ấy vượt quá tình yêu nam nữ.
Khởi đầu, chàng trai Trần Việt Tiến mơ ước trở thành một nhà khoa học. Ông thậm chí còn bực mình khi ông anh Trần Hiếu hát suốt ngày. Nhưng cuối cùng âm nhạc lại là cái nghiệp của ông.
- Thế ông nghĩ sao về vẻ đẹp cổ điển và vẻ đẹp hiện đại? Ông từng nói không muốn Rihanna hát nhạc mình vì cô ấy sexy quá mức.
- Có thể là vì tôi cổ. Bạn hỏi ông già này làm gì. Tôi không khắt khe nhưng mỗi vẻ đẹp phù hợp với con người thời đó. Mới đây, khi được mời làm đêm nhạc Trần Tiến - Như chờ từng giấc mơ, tôi nói ngay: "Các bạn định làm âm nhạc tôi kiểu gì, nếu định làm bằng mông, bằng ngực, bằng quần áo hở hang, bằng khói xịt cay mắt, bằng màn hình hào nhoáng hay những thứ ngớ ngẩn thì tôi không nhận đâu". Nhưng người ta bảo tôi, đêm nhạc sẽ toàn người mặc comple lên hát, tôi đi xem cũng phải mặc comple. Thế có nghĩa là tử tế, thế là tôi đồng ý, còn hay hay không tôi cũng chẳng biết.
- Thế mà khi làm giám khảo Bước nhảy Hoàn vũ 2011, ông lại khiến người ta sốc với những phát ngôn về mông và ngực, để rồi trên các diễn đàn, người ta bảo một Trần Tiến thanh cao trong sáng tác chẳng liên quan gì đến một Trần Tiến trần tục ngoài đời. Vì sao vậy?
- Thế tôi nói chẳng đúng à? Không nói mông với ngực thì nói gì? Các cụ ngày xưa dạy con thì bảo: "Giơ mông ra đây", có ai nói: "Giơ cái vòng ba ra đây" đâu?
Đúng là già rồi còn dại, tự nhiên lại nhận lời Bước nhảy Hoàn vũ. Tôi yêu mọi người nhưng tôi thấy mệt mỏi khi phải ứng phó với những quyền lực comment. Đời mình sinh ra làm gì? Để viết - thế thì viết đi chứ rắc rối ngồi làm giám khảo rồi đi thanh minh với dư luận. Đó không phải là tôi, tôi chỉ muốn được là tôi thôi, còn người ta bảo gì thì kệ. Trần Tiến ngoài đời và Trần Tiến sáng tác khác nhau ư? Tôi có là quỷ nhưng tôi viết ra những bài thiên thần thì người ta vẫn phải thích chứ.
- Lâu rồi, người ta không thấy một lãng tử Trần Tiến, mặc áo bò phanh cúc, cầm guitar hát. Tuổi tác làm ông thay đổi thế nào?
- 15 năm nay, tôi không đi xem ca nhạc, không xem truyền hình, không đọc báo. Tôi đi vào cõi riêng, không biết xuất hiện ca sĩ mới nào, ngay cả cháu mình hát gì tôi cũng chẳng được xem. Bản thân tôi đã quên chính tôi, ngay cả bài hát đầu tay của tôi, đôi khi tôi cũng không nhớ, nhưng giờ vẫn có người đưa tôi ra làm đêm nhạc. Chắc mình vẫn còn khán giả nhưng không thể đông bằng những nhạc sĩ hot hiện nay. Tôi nghĩ vậy.
Giờ mấy ai hát nhạc Trần Tiến? Đi hát mà chọn bài của tôi thì có mà lỗ à? Những người yêu nhạc của tôi chết đến nửa rồi. Mỗi thời có một loại nhạc khác nhau, nếu thời này vẫn nghe nhạc của tôi, hoá ra chúng ta chậm tiến? Tôi chẳng hy vọng người ta xếp nhạc tôi vào những tình khúc vượt thời gian. Tôi thấy những nhạc sĩ sống lâu quá chẳng hay ho gì. Ngày xưa thế hệ tôi thần tượng Mozart, Bach, Beethoven bây giờ người ta cũng quên gần hết. Không có gì là bất tử, người ta cứ bịa ra cái gọi là "ca khúc vượt thời gian" để loè nhau vậy thôi. Cái tai tôi giờ còn không nghe được nhạc tiền chiến. Bác Phạm Duy bao lần mời tôi đi nghe nhạc, tôi kính trọng bác vô cùng mà cũng chẳng đi nghe được. Giờ tôi tiếp cận âm nhạc hiện đại sao để mình đừng bị tụt hậu, tất nhiên là tôi cũng không mê cho lắm.
Trần Tiến bảo, ông chưa bao giờ thấy mình hát hay mà chỉ hát để giới thiệu ca khúc của mình đến mọi người.
- Đi vào cõi riêng - câu ấy như một sự xót xa về tuổi già. Ông thấy sao?
- Có một chút thôi. Mỗi người cũng phải đi tìm một cõi của mình, đó là hạnh phúc chứ. Bây giờ tôi ở Vũng Tàu, lái thuyền thúng, suốt ngày ở trên sóng giống như ông già biển cả. Tôi không thích về Hà Nội hay Sài Gòn nữa. Ở Vũng Tàu, tôi có một hòn đá riêng nằm sát biển. Tôi ngồi đó và viết hai bài hay nhất là Ngũ sắc biển và Sen hồng hư không. Bây giờ, Nguyễn Cường, Dương Thụ cũng về hết Vũng Tàu. Thành phố nhỏ nhắn, yên tĩnh. Tôi có cái xe hơi, phóng tốc độ trăm cây số một giờ cũng chẳng sao, đi xe trên sóng sát mép bờ vẫn tằng tằng, gặp em gái xinh đẹp thì vẫy tay sung sướng.
- Vợ ông - một công chức chỉn chu - đứng ở đâu trong thế giới riêng ấy?
- Cô ấy vẫn ở cạnh tôi chứ. Vợ tôi rất muốn tôi được yên tĩnh. Cô ấy ở nhà đợi khi tôi ra biển và vừa lòng với suy nghĩ: Kệ ông ấy, ông ấy có cõi riêng, cõi riêng đó khiến ông ấy hạnh phúc, viết được nhiều bài hát mọi người thích, lại có tiền mang về. Khi vợ về lo cho cháu ngoại, tôi lại thong dong một mình, làm bạn với kiến, gián, chuột trong nhà. Tôi chẳng giết chúng dù chúng có thể ăn cơm của tôi, cắn chân tôi. Mỗi lần làm một việc thiện be bé như vậy, tôi thấy tôi hạnh phúc hơn và có vẻ như chúng cũng yêu tôi hơn, ít quấy quả hơn.
- Có sự mâu thuẫn nào giữa Trần Tiến, một con người cổ, không thích những mông, những ngực trên sân khấu nhưng lại mặc quần bò cắm thùng, đeo headphone nghe nhạc tân thời và phóng ôtô trăm cây số một giờ?
- Không mâu thuẫn đâu. Đó là hai mặt của con người. Con người luôn luôn muốn mới nhưng lại bị cả một quá khứ giằng lại, ai cũng vậy thôi. Ngày nào tôi cũng phải vượt qua những cuộc đấu tranh ấy trong mình. Cũng như việc tôi sáng tác nhạc không dùng để bán, tôi chưa bao giờ làm đĩa bán, trừ đĩa cho trẻ mồ côi. Nhưng tôi lại viết nhạc theo đơn đặt hàng.
"Trần Tiến - Như chờ từng giấc mơ" là đêm nhạc duy nhất trong 15 năm trở lại đây của Trần Tiến. Trước đó ông từng từ chối lời mời làm đêm nhạc riêng từ đài truyền hình và các công ty truyền thông.
- Thay vì ngồi nhận từng đồng kiểu bán lẻ thì ông nhận một cục kiểu bán buôn. Ông chọn cách "kinh doanh cao cấp", khác hẳn những gì người ta từng nghĩ về giới nghệ sĩ tâm hồn treo ngược cành cây. Ông nghĩ sao nếu người ta nói Trần Tiến quá khôn ngoan?
- Chỉ mình tôi làm được việc ấy, thế giới không có ai làm đâu. Cái đó khó nên tôi lấy tiền rất cao, có thể nói là mức "khủng" (vì tiền bây giờ mất giá). Đăng kiểm, HIV, kế hoạch hóa gia đình, rồi tôn, truyền thông, doanh nhân, cọc nhồi... bình thường đố ai làm nó thành bài hát. Thế mà tôi làm được. Nói vui thì tôi đang lừa họ để gửi gắm tâm hồn của tôi, vẫn làm đúng yêu cầu của họ như nói sinh đẻ có kế hoạch mà thành Sao em nỡ vội lấy chồng, nói tôn mà thành Sen hồng hư không. Mỗi người vẫn phải có cách mà sống chứ. Quan trọng là không thấy mùi tiền bạc, mùi thị trường mà vẫn thấy đúng chất của mình, vẫn tự hào: bài hát này của tôi, vẫn được đưa trên truyền hình, vẫn được nhiều người hát, nhiều người thích.
- Những ai hát nhạc của ông làm ông ưng ý?
- Mỗi người hát một hai bài hay, trừ cháu Hà Trần là hát được khá nhiều bài. Ít có ca sĩ của một nhạc sĩ lắm vì ca sĩ phải đa dạng về hiểu biết, phong cách, màu sắc để tồn tại. Làm sao một nhạc sĩ có thể đáp ứng hết những điều đó. Với Hà Trần, có lẽ là vì ADN hay nói khác đi là tiếng gọi sâu thẳm của dòng giống. Hà Trần hát bài nam tính thì phủ lên đó chất dịu dàng và bài nữ tính lại phủ lên đó chút góc cạnh. Sự pha chế đó rất cần thiết, đem đến sự hài hòa, giống như phối khí, bài càng phức tạp, càng phải phối thật đơn giản.
- Vừa lòng với cháu ruột như vậy, ông cảm thấy thế nào khi các con đẻ lại không nối tiếp sự nghiệp âm nhạc của ông?
- Dòng giống nhà tôi đã làm gì là phải ra được việc đó thì mới làm. Còn theo bố thành nghệ sĩ mà không ai biết tên, chỉ mượn nghề kiếm tiền thôi thì chúng dứt khoát không. Chúng làm nghề khác để chứng tỏ, chúng là con bố Tiến thì phải giỏi và bây giờ giỏi thật. Đứa nào cũng chịu khó học hành, đều có học bổng, đứa ở London, đứa ở Paris. Thi thoảng cũng gửi tiền phụng dưỡng bố, dù không nhiều. Tất nhiên tôi là người bố không bao giờ muốn các con phải nuôi, tôi tự sống được, tôi vẫn còn khoẻ lắm.
Chương trình In the Spotlight số 3 với chủ đề: "Trần Tiến - Như chờ từng giấc mơ" diễn ra tối 11 - 12/8 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Diva Trần Thu Hà sẽ là ca sĩ hát chính, ngoài ra còn có sự góp mặt của Tấn Minh, nhóm Duo (Đinh Mạnh Ninh, Tô Minh Đức). Ban nhạc Anh Em, dàn kèn Big K, dàn nhạc dây phụ trách âm thanh cho đêm nhạc. Đây cũng là một trong những lần hiếm hoi Trần Tiến xuất hiện không với vai trò ca sĩ, không với cây đàn guitar quen thuộc, mà với vai trò dẫn dắt câu chuyện âm nhạc do chính ông viết nên.
Ngọc Trần thực hiện
Ảnh: Nguyễn Đức Việt
Theo VNE
Hà Trần khen chồng 'cổ quái' "Đẹp mà nói chuyện không hấp dẫn thì không ăn thua. Anh ấy sâu sắc, không dễ bị thuyết phục đâu. Cuộc hôn nhân của tôi như là hai nửa ghép lại, rất vừa vặn, nếu không ở với anh ấy thì tôi chẳng biết ở với ai", diva 35 tuổi chia sẻ. Người viết bài đã phỏng vấn Trần Thu Hà không...