Hà Trần hát nhạc Hari Won: Thỏa hiệp hay nhạc thị trường đã tốt hơn?
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, việc Hà Trần hát “ Anh cứ đi đi” phản ánh sự chuyển biến về chất lượng của nhạc thị trường, nhưng cũng đặt ra câu chuyện về sự thỏa hiệp ở hải ngoại.
Việc ca sĩ Hà Trần thể hiện ca khúc Anh cứ đi đi, một sáng tác của Vương Anh Tú, vốn được cho là “đo ni đóng giày” dành cho Hari Won đã gây tranh cãi trong dư luận những ngày qua. Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long gửi đến Zing.vn bày viết bày tỏ quan điểm cá nhân về vấn đề này.
Tranh cãi vì Hà Trần là một cá tính âm nhạc
Trong làng nhạc Việt hiện nay, Hà Trần là một trong số ít gương mặt nổi bật cả về cá tính, phong cách cũng như quan điểm. Cô ấy cũng là người có những nhận định sắc sảo về âm nhạc trong nước cũng như thế giới.
Có thể nói, Hà Trần không đơn thuần là một người làm nghề ca hát, mà thực sự cô là một nghệ sĩ, có đam mê, có cống hiến, có con đường đi riêng. Ngay cả khi vị trí đã rất vững vàng Hà Trần vẫn không ngừng khát khao tìm tòi, sáng tạo để mang đến cho đời sống âm nhạc những điều mới mẻ mà Bản Nguyên mới đây là một minh chứng.
Nói như thế có nghĩa là Hà Trần đã làm được những điều không phải ai cũng làm được, chỉ là số ít, rất ít. Và như vậy, chuyện Hà Trần bất ngờ hát Anh cứ đi đi của Vương Anh Tú bỗng nhiên trở thành tâm điểm dậy sóng dư luận cũng là điều dễ hiểu.
Rất nhiều người, ở trong nước, khán giả của Hà Trần, có thể sẽ có cảm giác bất ngờ và ngạc nhiên. Bản thân tôi cũng có cảm giác vậy, ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi, tại sao Hà Trần lại hát một bài hát mang tính thời trang, thị trường. Rất khác so với chính con người âm nhạc của cô ấy.
Tất nhiên, Hà Trần đã cất lên một giai điệu nào đó thì nó phải theo cách xử lý âm nhạc của riêng mình, không ảnh hưởng bởi cách xử lý của ca sĩ đã thể hiện trước đó.
Chẳng phải trường hợp Anh cứ đi đi mà ngay cả cách đây chưa lâu, Hà Trần hát những bản nhạc Bolero đã xưa cũ nhưng không sa lầy vào lối mòn của những giọng hát một thời mà có cách xử lý khác, không quá rên siết, ủ ê mà nhẹ nhàng, có chút phiêu lãng và vẫn rất tình, theo cách của Hà Trần.
Nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long. Anh từng Phó ban biên tập Nhà Xuất bản Âm nhạc Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Nhạc “thời trang” đã có sự chuyển biến
Tôi tin Hà Trần không phải là tuýp ca sĩ chọn bài bừa bãi. Mọi sự lựa chọn đều có tính toán, dù đó là một dự án lớn, tâm huyết của cô ấy hay là một khoảnh khắc để chiều lòng khán giả. Cho nên, Hà Trần hát Anh cứ đi đi phải có lý do của nó. Và ở đây, theo tôi, đó là những tín hiệu vui.
Thử nhìn lại sẽ thấy, Hà Trần không phải giọng ca tên tuổi đầu tiên hát ca khúc “không thuộc về mình”. Trước đó, nhiều giọng ca hải ngoại như Thu Phương, Bằng Kiều, Thanh Hà cũng đã từng thể hiện những bài hát theo kiểu này.
Thậm chí, khi nghe ca khúc Sau tất cả với cách xử lý của Thu Phương cũng đã mang đến những cảm nhận mới. Khách quan mà nói, theo cảm nhận của cá nhân tôi, thì Sau tất cả về mặt âm nhạc và ca từ ổn hơn so với Anh cứ đi đi.
Video đang HOT
Nhưng quan trọng hơn, để những giọng ca đàn chị như Thu Phương hay Hà Trần hát những ca khúc như vậy, chứng tỏ dòng nhạc vẫn được cho là “thị trường”, “thời trang” đã có những chuyển biến tích cực về mặt chất lượng.
Nhìn lại chừng chục năm về trước, trong một thời gian dài, nhạc thị trường với ca từ nhảm nhí, quẩn quanh chuyện thất tình, chia tay… đã lũng đoạn thị trường nhạc Việt.
Thế nhưng, một vài năm gần đây, xuất hiện một vài gương mặt trẻ như Khắc Hưng, Tiên Cookie, Mew Amazing, Châu Đăng Khoa, Vũ Cát Tường… có những bài hát vừa mang tính giải trí nhưng vẫn có giá trị âm nhạc.
Điều đó đã tác động tích cực đến quan điểm âm nhạc của những giọng ca được coi là nghiêm túc trong nghề nghiệp. Rõ ràng, đây là một tín hiệu đáng mừng của nhạc Việt.
Hai giọng ca hải ngoại là Bằng Kiều và Thu Phương từng song ca Sau tất cả.
Ca sĩ thỏa hiệp âm nhạc ở hải ngoại là có
Tôi cho rằng Hà Trần hát Anh cứ đi đi chẳng phải phản ảnh sự giao thoa âm nhạc gì hết. Ca sĩ tên tuổi hát lại ca khúc của người khác, thuộc thế hệ trẻ hơn, cũng không phải là một tác nhân làm cho âm nhạc phát triển.
Việc thể hiện lại ca khúc của ca sĩ thế hệ sau, như đã nói, chỉ là một tín hiệu vui cho thấy thế hệ đàn chị đã phần nào chấp nhận dòng nhạc mà rất nhiều đồng nghiệp trẻ tuổi đang theo đuổi.
Còn sự phát triển mang tính tích cực thì tự thân trong dòng nhạc này và các nghệ sĩ trẻ của chính dòng nhạc đã làm được. Đấy là nói ở góc độ nhìn nhận sâu, còn thực tế, có khi chỉ đơn giản là một phần cover, thể hiện vui, như món quà của ca sĩ dành tặng cho khán giả của mình.
Nói âm nhạc là nghệ thuật mà nghệ thuật thì không có đúng sai là đúng, nhưng chưa đủ. Nghệ thuật luôn có những “nấc thang” thẩm mỹ khác nhau, “nấc thang” đó cao hay thấp, tương đồng hay khác biệt phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ lịch sử, truyền thống, đời sống, môi trường, tầng lớp… của từng cộng đồng, bộ phận công chúng.
Vì có “nấc thang” nên chúng ta mới chia được nhạc phương Đông, phương Tây, cổ điển hay đại chúng… Ngay tại Việt Nam, chỉ nói riêng các ca sĩ và âm nhạc của họ đã có thể chia ra nhiều nhánh khác nhau. Ví dụ như Tùng Dương, Thanh Lam, Hà Trần hay Thu Minh, Mỹ Tâm hay Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên…
Và ngay cả khi đã định hình phong cách, không có nghĩa nghệ sĩ chỉ đóng đinh với phong cách đó. Nghệ sĩ có quyền thể hiện thứ mình thích, khán giả cũng có quyền yêu cầu. Truyền thông và như dư luận cũng có quyền bày tỏ quan điểm. Cả ba chủ thể đều làm đúng vai trò của mình, không ai đang sai cả.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, việc Hà Trần thể hiện Anh cứ đi đi có thể còn hàm chứa một câu chuyện khác nữa. Đó là câu chuyện của sự “thỏa hiệp”.
Tuy nhiên, ngoài những tín hiệu tích cực bao quát chung cho đời sống âm nhạc, thì việc Hà Trần thể hiện Anh cứ đi đi có thể còn hàm chứa một câu chuyện khác nữa. Đó là câu chuyện của sự “thỏa hiệp”.
Bởi khi đã xác định ca hát là một nghề thì ngoài đam mê, còn có những nhu cầu khác. Nhu cầu được thể hiện trước công chúng, nhu cầu có thu nhập từ việc xuất hiện trước công chúng là hết sức bình thường.
Khi đó, nghệ thuật, âm nhạc cũng được coi là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt. Có cung thì có cầu. Cung phải đáp ứng được cầu thì hoạt động biểu diễn nghệ thuật mới được diễn ra.
Nhìn thực tế Hà Trần, Thu Phương, Bằng Kiều… đều hoạt động ở hải ngoại. Trong khi, khán giả nghe nhạc Việt Nam ở hải ngoại ngày càng cao tuổi và ít đi, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở hải ngoại hầu như sẽ không quan tâm tới âm nhạc Việt như thế hệ cha ông, thì việc các nghệ sĩ đang định cư ở nước ngoài có thể hát những ca khúc nằm trong nhu cầu nghe của bộ phận khán giả nơi họ đến thể hiện là điều bình thường.
Hà Trần, Bằng Kiều hát những bản nhạc xưa, bolero… vì thế cũng là điều dễ hiểu. Cái đáng quan tâm là họ vẫn kiên đinh con đường âm nhạc mình đã chọn. Và khi có những dự án tâm huyết theo đúng cá tính thì họ vẫn chọn về nơi phù hợp nhất để thỏa sức đam mê.
Theo Zing
Hà Trần hát nhạc Hari Won: Diva đang tự phá 'đền đài'?
Trên sân khấu hải ngoại, Hà Trần nức nở thể hiện "Anh cứ đi đi". Nhiều người cho rằng ca khúc của Hari Won "sang" hơn nhờ đẳng cấp của một diva, nhưng thực tế có phải như vậy?
Trần Thu Hà thể hiện ca khúc 'Anh cứ đi đi' Diva nhạc Việt thể hiện ca khúc "Anh cứ đi đi" của Vương Anh Tú trên sân khấu hải ngoại.
Đằng sau là ban nhạc chơi live, phía trước là khán giả hải ngoại, Hà Trần ở giữa, cất tiếng hát: "Mình buồn vì tim mình đau/ Mình buồn thì ai thấu đâu/ Từng lời yêu chưa hết câu, nước mắt đã dâng khóe sầu/ Đừng bên nhau nếu không vui, em muốn thấy anh cười/ Vì yêu nên em xin anh cứ đi...".
Diva nhạc Việt không phải dụng công quá nhiều, nôm na là không tốn sức. Chị vẫn nhún nhảy, đong đưa và hấp dẫn theo cách riêng, dù có đôi chỗ sai lời. Thoáng có tiếng hú hét từ dưới khán phòng, hình như là ủng hộ. Hà Trần chưa hát hết bài, khán giả đã vỗ tay như pháo. Nữ ca sĩ cúi người cám ơn.
Hà Trần là một trong bốn giọng ca được mệnh danh là diva nhạc Việt. Ảnh: Việt Hùng.
Từ ca khúc từng bị cho là thiếu 'tìm tòi, sáng tạo'
Chuyện chẳng có gì đáng nói, nếu đó là một ca khúc trong Bản Nguyên -album vừa đoạt giải Cống hiến 2017, hay một sáng tác của Trần Tiến - vốn làm nên "bản sắc" âm nhạc của Hà Trần. Nhưng lạ là ở chỗ, Hà Trần - một trong bốn diva nhạc Việt - đã hát một ca khúc của Vương Anh Tú, gắn liền với tên tuổi của Hari Won.
"Trình của một diva, bài hát bình thường cũng thành tuyệt phẩm", một người phản hồi phía dưới đoạn clip. Một ca sĩ thì bình luận trên mạng xã hội "Ôi khác hẳn. Nói chung là bài gì đi nữa, nhạc gì đi nữa, vào giọng hát này và cái đầu có trình độ cao cấp nó cũng phải khác".
Hà Trần được tung hô trong khi Hari Won vô tình lại bị "dìm hàng", y như khi danh ca Thanh Hà hát lại ca khúc này. Nhưng giới mộ điệu Trần Thu Hà - một giọng ca được nhận xét là dị nhân, "tắc kè hoa", không ngại tìm tòi, sáng tạo và cống hiến - lại có một góc nhìn khác.
Những thắc mắc được đặt ra, kiểu như: Hà Trần thỏa hiệp trên sân khấu hải ngoại? Chấp nhận hát nhạc thị trường, danh xưng diva có còn là "đền đài?".
Nếu không có đoạn clip đăng tải trên mạng, không ai nghĩ rằng, có ngày Hà Trần lại hát Anh cứ đi đi - một ca khúc từng bị ban chuyên môn của giải Âm nhạc Cống hiến loại khỏi danh sách đề cử vì cho rằng "chỉ được sự yêu thích của số đông trên mạng chứ phần âm nhạc không có nhiều giá trị". Do vậy, chưa xứng đáng để tôn vinh.
Chẳng là, trong buổi họp báo công bố đề cử của giải Âm nhạc Cống hiến dịp đầu năm nay, trước thắc mắc về việc Anh cứ đi đi gây bão mạng xã hội trong năm 2016, được nhiều người cover lại bị "loại"; đại diện ban tổ chức thẳng thắn cho biết ca khúc của Vương Anh Tú không đáp ứng tiêu chí "có những tìm tòi, sáng tạo, đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng" của giải.
Công bằng mà nói, Anh cứ đi đi có ca từ dễ nghe, giai điệu nhẹ nhàng, bắt tai. Vương Anh Tú sáng tác ca khúc này theo phong cách ballad Hàn Quốc, được cho là "đo ni đóng giày" cho Hari Won, nói như chính tác giả thì "Dù có ai hát, Hari Won vẫn là người hát hay nhất". Nhưng nếu phải phân loại thì đúng là "nhạc thị trường".
Hình ảnh Hà Trần biểu diễn trong đêm nhạc Hà Trần hát Trần Tiến vào năm 2016 tại Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng.
Đến chuyện diva ở hải ngoại: Nhạc gì cũng hát?
Người ta bảo diva nhạc Việt chỉ thực sự là "gác tía lầu son" khi ở trong nước, còn một khi đã chấp nhận đứng trên sân khấu hải ngoại thì "thượng vàng hạ cám", hát theo yêu cầu. Show diễn thì mô hình "lẩu thập cẩm", nhạc nhẹ chính thống, nhạc thị trường, bolero đủ cả.
Thế nên, không chỉ có chuyện Hà Trần hát nhạc của Hari Won mà việc diva nhạc Việt là ca sĩ hát trong đêm nhạc của các "ngôi sao" như Đàm Vĩnh Hưng cũng chẳng có gì là hiếm. Ở hải ngoại, dường như "chất" nhạc quan trọng hơn gương mặt. Thế nên, câu chuyện "âm nhạc mỗi người mỗi khác", có thể không phải thứ quan trọng.
Nói "đánh mất mình", nghe có vẻ nặng nề. Nhưng đúng là có chuyện diva Việt phải "thỏa hiệp" khi sinh tồn ở một cộng đồng nhỏ hơn trong nước và thói quen thưởng thức âm nhạc cũng khác. Không đến mức "nhạc gì cũng nhảy" nhưng để chiều lòng "thượng đế", ca sĩ không thể cứ giữ khư khư những "món hàng" của mình.
Thế nên, những giọng ca có tầm như Hà Trần có lẽ chỉ là chính mình khi biểu diễn ở Việt Nam. Được giới thiệu là diva, được tôn vinh với dự án kén người nghe Bản nguyên, được là Hà Trần hát Trần Tiến.
Ở trong nước, Hà Trần cũng như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh có vị trí của riêng mình. Diva vừa là danh xưng bán được vé, vừa là "chiếu trên" nhạc nhẹ, không phải ca sĩ nào muốn cũng có được.
Và ngay cả khi, các diva ít ra sản phẩm mới, chủ yếu làm khách mời đêm nhạc thì người ta vẫn "tặc lưỡi", đại ý họ đã có một thời đỉnh cao, không thể thiếu trên bản đồ nhạc Việt. Quan trọng hơn, người ta tin, diva luôn biết mình ở đâu, và không tuýp ca sĩ "cái gì cũng... hát".
Mặc lòng, khán giả đến Nhà hát Lớn Hà Nội có lẽ sẽ chẳng chịu được nếu Thanh Lam cất tiếng hát Destiny, còn Mỹ Linh - Hồng Nhung hòa giọng trong Trái tim của em cũng biết đau.
Theo Zing
Không lẽ Diva thì không được hát 'Anh cứ đi đi'? Trong đêm nhạc tại hải ngoại, Diva Hà Trần đã hát ca khúc "Anh cứ đi đi" - một ca khúc nhạc trẻ đình đám thời gian qua. Vụ việc trở nên tranh cãi khi người hâm mộ cho rằng Hà Trần đang thỏa hiệp với nhạc thị trường. Đêm diễn ở hải ngoại của Diva Hà Trần bỗng trở nên xôn xao...