Hà Tĩnh: Vườn mẫu nhiều cây trái, đẹp hơn, cho nhiều tiền hơn
Hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân (ND) Hà Tĩnh đã phát động toàn thể hội viên, nông dân đẩy mạnh phong trào xây dựng vườn mẫu với 2 mục tiêu: Vườn đẹp và có hiệu quả kinh tế cao.
Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình vườn mẫu được bố trí khoa học, đảm bảo xanh – sạch – đẹp, từng bước phát triển thành mô hình kinh tế lớn.
“Đến từng ngõ, gõ từng nhà”
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Nhân Sâm – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Khi nói đến vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu là một đặc sản riêng và là tiêu chí thứ 20 của Hà Tĩnh trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hội ND Hà Tĩnh được tỉnh giao nhiệm vụ là nòng cốt trong tham gia xây dựng vườn mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, các cấp Hội tiến hành tham mưu ban hành bộ tiêu chí cụ thể cho mỗi vườn mẫu và khu dân cư mẫu, tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng”.
Mô hình vườn mẫu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: Trần Quang
Hội đã đổi mới các hình thức tuyên truyền vận động, tổ chức cuộc thi về chủ đề “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Cụ thể, Hội phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về nông nghiệp, như: “Nông nghiệp – Nông thôn”, “Chuyện làng quê”, “Nông thôn mới”, “Đến với làng quê kiểu mẫu”, “Nông thôn ngày mới”.
Đáng chú ý, để hội viên nông dân hào hứng tham gia, Hội còn tổ chức các cuộc thi như: Cuộc thi Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu, thi sáng tác thơ xây dựng nông thôn mới; đồng thời phát động phong trào tình nguyện giúp đỡ nông thôn mới của cán bộ, hội viên nông dân “Ngày thứ 7 nông thôn mới”…
Ông Bùi Nhân Sâm cho biết: Trong quá trình thực hiện vận động phong trào xóa bỏ vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, các cấp Hội ND Hà Tĩnh đã gặp không ít khó khăn. Hội đã bằng nhiều cách tuyên truyền “đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Hội vừa tổ chức vận động giúp đỡ vừa góp ý, định hướng cho hội viên quy hoạch, sản xuất, đồng thời tranh thủ các chính sách hỗ trợ của tỉnh để sau khi cải tạo liền bắt tay vào sản xuất không để vườn hoang.
Video đang HOT
Theo Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh: Cán bộ hội và hội viên tiêu biểu là một nhân tố gương mẫu nòng cốt, trong công tác tuyên truyền, vận động, tích cực hưởng ứng, tham gia trong chương trình cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, xây dựng vườn mẫu theo chủ trương của tỉnh.
Đoàn công tác của Văn phòng nông thôn mới Trung ương thăm quan mô hình vườn mẫu ở Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: T.Q
“Mỗi cán bộ hội làm gương trong việc hưởng ứng cải tạo từ vườn tạp của gia đình mình. Hội trực tiếp hướng dẫn cụ thể cho từng hộ quy hoạch lại vườn, xóa những cây không có giá trị kinh tế, tư vấn đưa các loại cây con vào sản xuất phù hợp cho từng đối tượng. Những vườn có diện tích nhiều khuyến khích trồng cây ăn quả, vườn diện tích ít trồng rau màu…” – ông Sâm thông tin.
Vườn đẹp, thu nhập cao
Trước đây, khu vườn hơn 1.000m2 của ông Nguyễn Văn Trịnh (ở xã Thạch Môn, thành phố Hà Tĩnh) chủ yếu cây tro, tre… Vì vậy, ngay khi có chủ trương xây dựng vườn mẫu, ông Trịnh đã đăng ký tham gia và được Hội ND xã vận động hội viên đến giúp đỡ ngày công cải tạo, chỉnh trang vườn nhà. Hiện nay, trong vườn có rất nhiều loại cây ăn quả đã cho thu nhập. Ông Trịnh phấn khởi cho biết: “Mỗi ngày tôi có ít nhất 100.000 đồng từ bán các loại rau, hoa quả. Ngoài ra vợ chồng tôi còn đâu tư chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với quy mô 1ha và hàng năm còn đảm nhận việc ươm giống cây cho địa phương xây dựng mô hình. Mỗi năm, gia đình tôi cho thu nhập từ 70 – 80 triệu đồng”.
Gia đình chị Bùi Thị Nga (ở xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ) sau nhiều năm đi làm ăn xa đã quyết định trở về lập nghiệp trên quê hương. Với diện tích vườn trên 3.000m2, gia đình chị đã được Hội ND xã Đức Đồng khảo sát, hướng dẫn xây dựng vườn mẫu. Hiện khu vườn của gia đình đã được bố trí khoa học, với 120 gốc cam và chanh, 10 cây đào. Mùa nào thức ấy, chị Nga trồng xen gừng, hành tăm, vừng và rau xanh các loại. Bên cạnh đó, gia đình chị còn dành diện tích phù hợp để xây dựng chuồng trại nuôi 5 con trâu, hàng trăm con gà thả vườn.
Còn ông Phan Quốc Kỳ (thôn Lai Đồng, xã Đức Đồng) mặc dù tuổi cao, con cái đã trưởng thành, nhưng vẫn muốn xây dựng khu vườn đồi 14.000m2 thành vườn mẫu, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ông Kỳ cho biết: Hiện 70% diện tích đã trồng các loại cây ăn quả phù hợp với vùng đất nơi đây như: Thanh long, cam và bưởi Diễn; ngoài ra, còn bố trí nuôi thả 10 đàn ong, trồng cỏ phục vụ nuôi đàn bò 10 con…
Ông Lê Văn Canh – Chủ tịch Hội ND xã Đức Đồng cho biết: Hội ND xã có gần 900 hội viên, trong đó, 300 hội viên có diện tích vườn đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích, mỗi vườn đạt 2.000m2 trở lên. Để đáp ứng các tiêu chí về xây dựng vườn mẫu, cùng với công tác tuyên truyền, hội đã đánh giá đúng thực trạng vườn và có sự hướng dẫn, hỗ trợ phù hợp. Trong đó, mục tiêu là mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có chất lượng, xây dựng các mô hình vườn trồng rau an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Đức Thọ cho biết: Để tạo điều kiện cho bà con nông dân xây dựng vườn mẫu cho thu nhập cao, Hội ND huyện Đức Thọ phối hợp với các trung tâm cung ứng giống cây trồng đảm bảo chất lượng; đồng thời, tư vấn, định hướng để bà con lựa chọn những giống cây được huyện xác định là chủ lực, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, cho hiệu quả kinh tế cao.
Đối với vùng thượng, chủ lực là cây ăn quả như: Chanh, cam, thanh long; đối với vùng ngoài đê, chủ lực là các giống rau ngắn ngày. Từ đầu năm đến nay, hội đã cung ứng trên 7.000 cây ăn quả các loại cho bà con nông dân.
Hàng tuần, Hội ND huyện cử cán bộ thường trực xuống các địa phương trực tiếp khảo sát, hướng dẫn, đánh giá tiến độ xây dựng vườn mẫu, từ đó, kịp thời giúp nông dân tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó, hội coi trọng việc hướng dẫn cho bà con về KHKT, áp dụng các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo hướng an toàn. Đến nay, toàn huyện Đức Thọ có 491 vườn đăng ký triển khai xây dựng vườn mẫu (trong đó Hội ND xây dựng 224 vườn), có 2.841 vườn được cải tạo, phá bỏ vườn tạp, bố trí các loại cây trồng phù hợp, có hiệu quả, đảm bảo cảnh quan, môi trường.
Theo Danviet
FLC đề xuất đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf rộng 1.330ha tại Đồng Nai
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai vừa có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC để nghe báo cáo ý tưởng dự án khu dân cư nông thôn mới, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú).
Theo báo cáo ý tưởng triển khai dự án của FLC, dự án có tổng quy mô dự án dự kiến khoảng 1.332ha, nằm trên địa bàn 2 xã: Thanh Sơn và Phú An (huyện Tân Phú). Trong đó, giai đoạn 1 khoảng 786ha được lên ý tưởng phát triển khu quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sân golf, khu biệt thự, khu dân cư đô thị du lịch, công viên vui chơi giải trí.
Mục tiêu của dự án nhằm hướng tới xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng, thể dục, thể thao và vui chơi giải trí cao cấp với nhiều loại hình dịch vụ du lịch kết hợp khu đô thị dịch vụ du lịch và đô thị sinh thái tạo cơ sở hạ tầng du lịch tầm quốc tế.
Đại diện Tập đoàn FLC cũng kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất ranh giới của dự án, chấp thuận chủ trương cho nghiên cứu đề xuất lập quy hoạch và đầu tư liên quan đến dự án này.
Về phía địa phương, Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng đây là dự án lớn, đơn vị mong muốn đầu tư dự án cần làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan về quy hoạch đảm bảo theo quy định hiện hành.
UBND tỉnh cơ bản chấp thuận chủ trương cho FLC nghiên cứu đề xuất lập quy hoạch và đầu tư liên quan đến dự án này, từ đó công ty cần xác định rõ cơ cấu sử dụng đất, đặc biệt là phần diện tích liên quan đến đất rừng, hoạt động bảo vệ rừng cũng như xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan để xây dựng kế hoạch triển khai, có quy hoạch cụ thể để trình tỉnh rà soát, xem xét tính khả thi của dự án.
UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị FLC và các sở ngành, địa phương liên quan phối hợp cung cấp thông tin về bản đồ, hiện trạng sử dụng đất, nghiên cứu phương án quy hoạch phù hợp và các thủ tục về đầu tư theo đúng quy định.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cũng đang làm thủ tục để đầu tư dự án hồ Đa Tôn ở xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú). FLC dự tính sẽ thuê khoảng 760 ha gồm diện tích mặt hồ và khu vực đất xung quanh để làm các khu vui chơi, nghỉ dưỡng, nguồn vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Theo đại diện của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, bước đầu công ty sẽ thực hiện trước dự án du lịch hồ Đa Tôn. Tới đây, FLC có thể sẽ tiếp tục đầu tư dự án hồ Gia Ui, Trị An.
Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Đồng Nai, địa phương hiện đang mời gọi 26 điểm du lịch với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến gần 20 ngàn tỷ đồng. Trong đó, dự án thấp nhất có vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng và cao nhất gần 2 ngàn tỷ đồng.
Các địa phương có nhiều dự án du lịch đang mời gọi đầu tư là huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Xuân Lộc, Tân Phú. Đồng Nai cũng đi theo xu hướng, nhu cầu chung của du khách trong nước và thế giới là phát triển du lịch sinh thái. Mục đích là dựa vào những tiềm năng có sẵn là các hồ, thác, rừng tự nhiên để xây dựng thành những khu du lịch gần gũi với thiên nhiên để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Đồng Nai.
Một trong những dự án có vốn đầu tư lớn đang mời gọi đầu tư là hồ Núi Le ở thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc). Dự án này có diện tích hơn 110 ha, riêng mặt hồ 31 ha, dự tính sẽ phát triển thành khu du lịch nghỉ dưỡng. Tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 ngàn tỷ đồng. Hồ Núi Le cách TP.Biên Hòa khoảng 80km, hiện trạng trong khu vực này có 70 hộ dân đang sinh sống. Ngoài ra, huyện Xuân Lộc có thêm 3 điểm khác đang mời gọi doanh nghiệp rót vốn vào làm khu vui chơi, nghỉ dưỡng là thác Trời ở xã Xuân Bắc, hồ Gia Ui ở xã Xuân Tâm và núi Chứa Chan với số vốn đầu tư 500-800 tỷ đồng/dự án.
Huyện Vĩnh Cửu là nơi quy hoạch 8 khu vực để phát triển du lịch với tổng vốn lên đến gần 4 ngàn tỷ đồng. Các dự án tập trung ở các xã: Mã Đà, Phú Lý, Tân Bình, Bình Lợi và Bình Hòa. Vĩnh Cửu dự tính sẽ phát triển theo hướng du lịch miệt vườn và du lịch sinh thái thác, hồ, rừng.
Nam Phong
Theo Nhịp sống kinh tế
10 năm nông thôn mới: Gỡ được nút thắt, nông thôn bứt phá mạnh hơn Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, nếu biết gỡ các nút thắt sẽ khơi thông được dòng chảy, thu hút nguồn lực cho phát triển nông thôn mới. Sau 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, có thể thấy rất rõ diện mạo nông thôn ở nhiều...