Hà Tĩnh: Thủy điện Hương Sơn xả lũ bừa bãi, bức tử 60ha chè của dân
Mưa lớn cộng với Thủy điện Hương Sơn xả lũ không thông báo đã khiến cho hàng trăm ha hoa màu của người dân huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bị nhấn chìm, không kịp vớt vát. 60ha chè của hơn 300 hộ dân cũng bị thiệt hại ước tính 3,5 tỷ đồng.
Bà Tuyết ở xã Sơn Diệm bên ruộng đậu bị ngập mất trắng sau khi thủy điện xả lũ.
Bà Trần Thị Tuyết, trú tại xóm 3 xã Sơn Diệm huyện Hương Sơn chia sẻ: “Thủy điện xả lũ mà dân có biết gì đâu, mấy ngày ngay mưa nhưng chưa đến mức ngập lớn như vậy. Nếu họ có xả thì cũng phải thông báo cho dân để chúng tôi chủ động thu hoạch ngô và cỏ vùng dọc bờ sông. Giờ nước rút phủ một lớp bùn trắng xóa lên hoa màu, trâu, hươu không có thức ăn”.
Ông Nguyễn Văn Quang – xóm 10 xã Sơn Quang huyện Hương Sơn cho hay: “Nhà làm 4 sào đậu phải gieo đến lần thứ hai, nay mưa và thủy điện xả lũ bị ngập và giờ thì coi như mất trắng. Nếu như lượng mưa của mấy ngày qua, nước sông không lên nhanh như vậy được. Do xả lũ không thông báo nên người dân chúng tôi chạy không kịp”.
Đậu, ngô và cỏ sữa của người dân ở xã Sơn Giang huyện Hương Sơn ngập bùn sau mưa lớn và xả lũ của thủy điện Hương Sơn
Theo ông Nguyễn Quang Hành – Trưởng thôn 3 xã Sơn Diệm, cả thôn có khoảng hơn 1ha đất trồng đậu ngô và cỏ sữa bị ngập nước do đợt xả lũ. Vừa qua, Thủy điện Hương Sơn xả lũ nhưng thôn không nhận được thông báo. Những lần trước mỗi lần xả là họ có thông báo về để thôn thông báo cho người dân. Nếu xả lũ phải thông báo cho người dân để đưa trâu bò lên cao và thu hoạch hoa màu dưới ruộng thấp”.
Trao đổi với PV Dân Việt ông Lê Khắc Ái – Chủ tịch UBND xã Sơn Diệm cho biết: “ Nhà máy thủy điện Hương Sơn xả lũ ngày 26.7, xã không nhận được thông báo. Những đợt trước mỗi lần xả lũ họ có thông báo cho xã, nhưng lần này không thấy ai nói gì về vệc xả lũ cả, kể cả thông báo bằng điện thoại cũng không có”.
Không chỉ hoa màu bị ảnh hưởng hơn 300 hộ dân trồng chè tại xã Sơn Kim 2 huyện Hương Sơn đang chuẩn bị thu hoạch cũng bị thiệt hại nặng nề do mưa lớn cộng với việc thủy điện Hương Sơn xả lũ. Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc xí nghiệp chè Tây Sơn cho hay: “Theo thống kê sơ bộ ước tính có trên 60 ha chè của 300 hộ dân bị ngập, trị giá khoảng 3,5 tỷ đồng. Nếu như trời ngớt mưa và nước rút nhanh, diện tích chè này sẽ có khả năng phục hồi nhưng sẽ ảnh hưởng đến năng suất”.
Video đang HOT
Chè của người dân xã Sơn Kim 2 bị ngập trong nước
Theo tìm hiểu của PV ngày 25.7.2017, Nhà máy thủy điện Hương Sơn đã có thông báo gửi UBND huyện Hương Sơn về việc xả lũ của nhà máy thủy điện. Và đề nghị UBND huyện Hương Sơn thông báo đến các xã ở hạ du, cơ quan ban ngành đóng trên địa bàn biết.
Ông Nguyễn Chí Tâm – Chuyên viên Phòng NNPTNT huyện Hương Sơn giải thích: “Nhà máy Thủy điện Hương Sơn có thông báo về việc xả tràn. Nhưng năm 2017, Nhà máy xây dựng quy hoạch vùng hạ du ảnh hưởng của việc xả lũ của nhà máy chỉ có xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Thị trấn Tây Sơn và xã Sơn Tây nên huyện chỉ thông báo đến các xã này. Còn một số xã khác nằm ở vùng hạ du dọc sông Ngàn Phố trước đây nằm trong vùng ảnh hưởng nhưng nay không (Theo quy hoạch của Nhà máy thủy điện Hương Sơn) nên huyện không thông báo về việc xả lũ đến các xã này”.
Theo thống kê sơ bộ của phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn đến 10h ngày 27.7, có gần 314 ha lúa bị ngập trong đó khả năng bị mất trắng là 138 ha; 465 ha đậu bị ngập trong đó có khoảng 425 ha bị mất trắng và khoảng 253 ha ngô bị ngập trong đó khả năng mất trắng là 234 ha. Trong đó các xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Sơn Bằng, Sơn Thịnh, Sơn Trung, Sơn Châu, Sơn Hòa…(các xã này nằm vùng hạ du nhưng không nằm trong quy hoạch bị ảnh hưởng của Nhà máy thủy điện Hương Sơn).
Dung tích hồ chứa Nhà máy thủy điện Hương Sơn là 3,27 triệu m3, dung tích hữu ích là 1,87 triệu m3 và lưu lượng xả qua đập tràn cao nhất là 817m3/s.
Theo Danviet
Thủy điện xả lũ làm chết cá: Một phần do dân chủ quan
Thủy điện Hòa Bình tiến hành xả lũ trong các ngày 18, 19 và 22/7 đã làm chết hàng trăm tấn cá nuôi lồng của các hộ dân ở hạ du sông Đà trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ. Ông Văn Phú Chính - Cục trưởng Cục Phòng, chống thiên tai (Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT) cho biết, các hộ dân sẽ được hỗ trợ theo quy định.
Cá nuôi lồng của một hộ dân ở huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) bị chết do việc xả lũ của thủy điện Hòa Bình, khiến người nuôi xót xa. (Ảnh: Đàm Quang).
Liên quan đến nội dung trên, sáng nay (25/7), phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Văn Phú Chính, Cục trưởng Cục phòng, chống thiên tai (Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT) để tìm hiểu thêm nội dung này.
Ông Văn Phú Chính trao đổi với phóng viên Dân trí.
- Trước thông tin cho rằng, việc thủy điện Hòa Bình tiến hành xả lũ trong các ngày 18, 19 và 22/7 vừa qua đã làm hàng trăm tấn cá nuôi lồng ở hạ du sông Đà của các hộ dân trên địa bàn hai tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ bị chết, ông có bình luận gì về vấn đề này?
- Tôi cũng được nghe báo cáo từ thủy điện Hòa Bình, đúng là khi tiến hành xả lũ đã làm cho lượng nước sông Đà tăng nhanh, lượng bùn nhiều và tốc độ dòng chảy lớn dẫn đến cá nuôi lồng ở hạ du con sông này của người dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ bị sặc và chết.
- Theo ông thiệt hại này có phải do lỗi của thủy điện Hòa Bình?
- Đây là một dạng thiên tai chứ không phải do lỗi của thủy điện Hòa Bình. Thủy điện Hòa Bình đóng hay xả lũ trong mùa mưa bão đều làm theo lệnh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Trước khi tiến hành lệnh cho hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ, chúng tôi đã mời các đơn vị liên quan, các nhà khoa học họp bàn cân nhắc rất nhiều phương án mới đi đến quyết định.
Ngoài ra, trước khi xả lũ đều có thông báo tới các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng ở phía hạ du. Tôi cũng phải nói thêm, việc xả lũ không chỉ bảo vệ cho thủy điện mà cũng chính là bảo vệ cho người dân phía hạ du. Nếu không xả lũ mà có sự cố xảy ra sẽ trở tay không kịp.
- Vậy theo ông thiệt hại này là lỗi của ai?
- Như tôi nói ở trên, đây là một dạng thiên tai. Có phần do lỗi chủ quan của người dân, vì theo kinh nghiệm thời điểm từ 15/6 là vào chính vụ mùa mưa bão, lẽ ra người dân cần có phương án thu hoạch hoặc tiến hành các biện pháp khác nhằm giảm thiệt hại khi nước lũ dâng cao.
Trước khi xả lũ, chính quyền địa phương đã rất tích cực đi tuyên truyền nhắc nhở người dân. CSGT đường thủy cũng đi dọc sông để nhắc nhở người dân đảm bảo an toàn khi hồ thủy điện xả lũ.
Tôi nhớ năm 2008, hồ thủy điện Hòa Bình còn mở bốn cửa xả, mực nước sông Đà còn dâng cao hơn rất nhiều so với bây giờ. Tôi nghĩ người dân đã có kinh nghiệm, nhưng có phần chủ quan nên mới dẫn đến thiệt hại như vậy.
- Với hàng trăm tấn cá chết như vậy, theo ông người dân ở địa phương trên có được nhà nước hỗ trợ?
- Các chủ hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại sẽ được hưởng các chính sách theo Nghị định 02 (ngày 9/1/2017) về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Theo Nghị định 02, lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7,1 triệu - 10 triệu đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 3 triệu - 7 triệu đồng /100 m3lồng.
Diện tích nuôi cá nước lạnh (tầm, hồi) thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 35,5 triệu - 50 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ từ 15 triệu - 35 triệu đồng/ha.
Các địa phương có người dân bị thiệt hại cần thống kê, tổng hợp để UBND tỉnh hỗ trợ từ ngân sách dự phòng của địa phương. Nếu số tiền hỗ trợ vượt quá khả năng của tỉnh, thì sẽ báo cao lên Trung ương để có cơ chế hỗ trợ người dân.
- Xin cảm ơn ông!
Liên quan việc xả lũ của thủy điện Hòa Bình trong những ngày qua, theo Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ, tính đến 11h trưa ngày 21/7, tại 2 huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy đã có 160 lồng cá nuôi bị thiệt hại, trong đó có 93 lồng có số lượng cá chết trên 70%, 67 lồng có số cá chết từ 30-70%. Tổng số lượng cá chết khoảng 240 tấn, ước tính thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, thiệt hại do xả lũ đập thủy điện Hòa Bình gây ra tại tỉnh Hòa Bình: 13 tấn cá bị chết do sặc nước (TP Hòa Bình 6 tấn, huyện Kỳ Sơn 7 tấn); 6ha lúa mới cấy bị ngập (xã Dân Hạ, Kỳ Sơn, Phú Minh).
Nguyễn Dương (thực hiện)
Theo Dantri
Thủy điện xả lũ gây chết cá: Địa phương sẽ hỗ trợ cho dân Công ty Thủy điện Hòa Bình sau khi mở cửa xả lũ đã làm cá nuôi lồng của các hộ dân ở hạ lưu đập Thủy điện sông Đà bị chết hàng loạt. Cấp xã và huyện đều khẳng định đây là vấn đề thiên tai nên khó nói đến chuyện đền bù, song địa phương sẽ có chính sách hỗ trợ cho...