Hà Tĩnh rà soát tiêm bù, tiêm vét vắc-xin phòng ngừa bệnh bạch hầu
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, Hà Tĩnh đang tăng cường rà soát các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian bị tạm hoãn do dịch Covid-19 để thực hiện tiêm bù, tiêm vét đầy đủ.
Đến ngày 7/7, cả nước ghi nhận có 63 ca bệnh bạch hầu. Trong ảnh : Điểm cách ly tại bon BuN”doh, xã Đắk Wer (Đắk R”lấp, Đắc Nông). Ảnh Báo Tuổi trẻ
Tính đến ngày 7/7/2020, Việt Nam ghi nhận 63 ca bệnh bạch hầu, chủ yếu tập trung tại khu vực Tây Nguyên, gấp 3 trung bình hằng năm, hiện đã có 3 trường hợp tử vong. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ tiêm chủng thấp 48-52%, các trường hợp mắc bệnh đều chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin phòng bệnh bạch hầu.
Theo các chuyên gia y tế, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và cả người lớn nếu không có miễn dịch, có khả năng gây tử vong cao. Bệnh có thể phòng ngừa rất hiệu quả bằng việc tiêm vắc-xin, vì vậy, các phụ huynh nên đưa con trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong đó có bạch hầu.
Theo bác sỹ Nguyễn Lương Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, ở nước ta, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ, vì thế người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Tuy vậy, bệnh bạch hầu hoàn toàn có thể dự phòng được bằng cách tiêm vắc-xin đủ liều và đúng lịch.
Các bé được khám phân loại trước khi tiêm phòng.
“Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu DPT-VGB-Hib (SII) đủ mũi tiêm và đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời” – bác sỹ Tâm khuyến cáo.
Đối với người lớn, tiêm 1 mũi dự phòng Boostrix và 10 năm tiêm nhắc lại 1 lần, tuy nhiên không bắt buộc. Riêng phụ nữ mang thai nên tiêm mũi vắc-xin dự phòng: bạch hầu – ho gà – uốn ván cách thời điểm trước sinh 3 tháng.
Tại Hà Tĩnh, nhiều năm qua, ngành y tế không ngừng đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, nhờ đó, bệnh bạch hầu được khống chế, trên địa bàn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh.
Ngành y tế Hà Tĩnh đang tập trung rà soát để tiến hành tiêm bù, tiêm vét cho trẻ.
Video đang HOT
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, năm 2019, toàn tỉnh có 19.479 trẻ được tiêm đủ mũi vắc-xin bạch hầu – ho gà – uốn ván trong chương trình tiêm chủng mở rộng (đạt tỷ lệ 82,3%); 21.093 trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi được tiêm nhắc lại liều DPT, đạt tỷ lệ 87,3%.
Được biết, từ tháng 10/2019, Hà Tĩnh thay thế tiêm vắc-xin ComBeFive (vắc-xin phối hợp 5 trong 1, phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ) bằng vắc-xin DPT-VGB-Hib hay còn gọi là SII (giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên vi-rút viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib). Trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 8.293 trẻ được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin SII cho trẻ dưới 1 tuổi và 6.511 trẻ từ 18 tháng được tiêm mũi DPT.
Trước tình hình xuất hiện bệnh nhân tử vong do mắc bệnh bạch hầu tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có Công văn số 422 ngày 26/6/2020 về việc đôn đốc triển khai công tác tiêm chủng mở rộng thường xuyên ở tuyến cơ sở, tăng cường rà soát các đối tượng chưa được tiêm chủng trong thời gian bị tạm hoãn do dịch bệnh Covid-19 để thực hiện tiêm bù, tiêm vét đầy đủ.
Lịch tiêm chủng vắc-xin SII trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Hà Tĩnh:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
Mũi 2: Khi trẻ 3 tháng tuổi
Mũi 3: Khi trẻ 4 tháng tuổi
Mũi 4: Tiêm nhắc lại khi trẻ 18 – 24 tháng tuổi.
Bệnh bạch hầu: Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao nhất và cách sàng lọc bệnh
Để biết người bệnh có bị nhiễm khuẩn bạch hầu hay không thì xét nghiệm là tiêu chuẩn vàng để sàng lọc và chẩn đoán xác định bệnh.
Chỉ trong tháng 6 năm nay, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Trong đó, 4 trường hợp tại xã Đắk Sor, 8 trường hợp mắc tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R'măng. Tính đến thời điểm hiện tại (27/6), đã có 1 trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu, bệnh nhân là cháu bé 9 tuổi, trú tại xã Quảng Hòa.
Theo Cục y tế Dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên.
Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch. Các khu vực ghi nhận bệnh nhân mắc bạch hầu tại Đắk Nông có tỷ lệ tiêm chủng thấp 48-52%, các trường hợp mắc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu nhất và cách sàng lọc bệnh?
Cục y tế Dự phòng khuyến cáo, những nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu đó là:
- Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
- Người sinh sống ở khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Để biết người bệnh có bị nhiễm khuẩn bạch hầu hay không thì xét nghiệm là tiêu chuẩn vàng để sàng lọc và chẩn đoán xác định bệnh. Mẫu xét nghiệm được lấy từ dịch ngoáy họng, dịch nhầy ở thành họng, ở mũi hoặc giả mạc tại vị trí viêm của người bệnh.
Tại tỉnh Đắk Nông, sau khi xuất hiện 3 ổ bệnh bạch hầu làm 1 người chết, ngành y tế tỉnh này đã tổ chức khám sàng lọc theo phương pháp trên cho hàng ngàn người.
Các bác sĩ khám sàng lọc, lấy mẫu tầm soát bệnh bạch hầu ở Krông Nô, Đắk Nông.
Dấu hiệu sớm của bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu thường khởi phát chỉ như một đợt cảm lạnh, cảm cúm do thời tiết thông thường với những biểu hiện như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản... chính vì thế bệnh nhân rất dễ bỏ qua các dấu hiệu ban đầu của bệnh.
Nếu được phát hiện sớm, bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh. Ngược lại, khi để bệnh bạch hầu tiến triển xấu gây ra tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng thì người bệnh có khả năng bị liệt cơ, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh và có thể dẫn đến tử vong.
Các dấu hiệu sớm của bệnh bạch hầu biểu hiện như thế nào còn phụ thuộc vào từng vị trí gây bệnh.
* Bệnh bạch hầu mũi trước:
- Bệnh nhân sẽ có biểu hiện sổ mũi, những chất mủ mũi nhầy, có thể lẫn cả máu.
- Khi khám sẽ thấy có những giả mạc trắng ở vách ngăn mũi.
- Người bệnh chỉ có triệu chứng này thì thường nhẹ vì độc tố của vi khuẩn ít xâm nhập vào máu.
* Bệnh bạch hầu họng và amidan:
- Bệnh nhân có biểu hiện đau rát cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ, mệt mỏi nhiều.
- 2 - 3 ngày sau, vùng amidan hoặc vùng hầu họng của bệnh nhân sẽ xuất hiện những đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc.
- Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò... ở thể nặng, bệnh nhân sẽ đờ đẫn, hôn mê sâu, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
* Bệnh bạch hầu thanh quản:
- Bệnh nhân thường sốt, khàn giọng, ho to và nhiều.
- Khi khám sẽ thấy hình ảnh nhiều giả mạc tại thanh quản. Nếu không được phát hiện sớm, những giả mạc này có thể gây bít tắc đường thở, khiến bệnh nhân suy hô hấp, nhiễm độc và tê liệt các dây thần kinh sọ não, gây viêm cơ tim... có nguy cơ tử vong nhanh chóng.
*Bệnh bạch hầu ở các vị trí khác:
Trường hợp này rất ít gặp và nhẹ, Bệnh bạch hầu da thì có thể gây ra các vết loét, ở niêm mạc có thể có bệnh bạch hầu niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.
4 mũi vắc xin thiết yếu ngăn ngừa bệnh bạch hầu Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Bộ Y tế) cho biết đã ghi nhận 2 ổ dịch bạch hầu ở Đắk Nông từ đầu năm đến nay. Riêng trong tháng 6.2020, tại H.Đắk Glong (Đắk Nông) đã có 12 trường hợp bệnh bạch hầu, trong đó 1 ca tử vong. Bạch hầu có thể gây dịch, diễn tiến nặng trên trẻ...