Hà Tĩnh: Giếng đầy nước dân vẫn sống cảnh “thắt lưng buộc bụng”
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân xã Thạch Thanh (Thạch Hà, Hà Tĩnh) càng trở nên trầm trọng khi nắng hạn kéo dài trong nhiều ngày qua. Nhiều gia đình đã phải thuê thợ khoan giếng, thọc giếng để có nước sinh hoạt hằng ngày.
Anh Lê Ngọc Lợi ở thôn Thanh Giang vừa khoan giếng để có nước sinh hoạt
Dù mới chỉ bước vào đợt nắng hạn đầu tiên của năm 2018 nhưng gia đình anh Lê Ngọc Lợi (xóm Thanh Giang, xã Thạch Thanh, Thạch Hà) đã “điêu đứng” vì thiếu nước sinh hoạt. Ngày nào anh Lợi cũng nghe ngóng bản tin thời tiết và mong mỏi trời đổ mưa vì bể nước ăn của cả gia đình nay đã cạn kiệt. Giếng đào để cấp nước sinh hoạt cũng đã cạn đáy. Trước tình thế bí bách, anh Lợi vừa thuê thợ khoan ở Thạch Vĩnh về khoan giếng.
Anh Lê Ngọc Lợi cho biết: “Giếng khoan mất 3 triệu đồng nhưng cũng chỉ có nước để tắm giặt, vệ sinh, còn nguồn nước ăn thì chúng tôi vẫn phải trông chờ vào trời mưa. Cả tháng nay trời không mưa nên bể chứa cạn kiệt, vợ tôi phải sang nhà hàng xóm để xin nước về nấu”.
Bể chứa nước mưa – nguồn nước ăn của gia đình anh Lê Ngọc Lợi đã cạn kiệt
Tại xóm Thanh Giang, đã có 15 gia đình phải thuê thợ về khoan giếng để chống chọi với nắng hạn. Ông Hồ Thế Thắng – Trưởng thôn Thanh Giang, chia sẻ: “Những gia đình thiếu hẳn thì họ đã thuê thợ đào giếng khoan, một số gia đình lại thuê thợ thọc giếng để khơi thông mạch nước ngầm. Nhiều nhà dù chưa rơi vào tình trạng thiếu nước nhưng cũng phải sống trong cảnh “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm hết mức có thể. Khổ nhất là nguồn nước giếng khoan, giếng đào ở đây bị nhiễm phèn đục, không đảm bảo chất lượng. Nhiều năm nay, người dân trong thôn đã đề xuất lắp đặt nước sạch nhưng vẫn chưa được cải thiện”.
Video đang HOT
Giếng làng của thôn Sơn Vĩnh hiện đã cạn, nguồn nước dưới đáy giếng đục ngầu
Ngoài sử dụng nước giếng khoan, giếng đào, nguồn nước sinh hoạt của người dân xã Thạch Thanh còn trông chờ vào hệ thống giếng làng. Mỗi thôn hiện có từ 2 – 3 giếng làng. Tuy nhiên, thời điểm này, hệ thống giếng làng trong toàn xã đã cạn kiệt, chỉ còn trơ ra hệ thống ống dẫn nước của các gia đình. Với đà này, nếu nắng nóng kéo dài thêm vài tuần nữa thì người dân xã Thạch Thanh sẽ không còn nước để sinh hoạt.
Nói về tình trạng “khát” nước sạch của người dân, ông Nguyễn Bá Cầm – Chủ tịch UBND xã Thạch Thanh cho biết: “Sau nhiều năm kiến nghị, đề xuất, tỉnh cũng đã cho chủ trương triển khai dự án nước sạch. Theo đó, dự án xây dựng công trình hệ thống cấp nước sạch xã Thạch Thanh có tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn đối ứng của xã là 3 tỷ đồng. Thời gian triển khai dự án từ năm 2018 – 2019. Tuy nhiên, đến nay, Sở NNPTNT và địa phương mới chỉ ký được bản cam kết. Chủ đầu tư chưa bố trí được nguồn vốn nên công trình vẫn chưa được triển khai”.
Nguồn nước tại giếng làng hiện không còn nhiều và cũng không đảm bảo vệ sinh.
Chưa có nước sạch nên người dân Thạch Thanh vẫn phải sử dụng nguồn nước mưa để ăn uống hàng ngày. Thế nhưng, nguồn nước này đang dần hết. Theo thống kê, toàn xã có hơn 1.000 hộ dân thì khoảng 30% các hộ hiện đang thiếu nước sinh hoạt.
Hiện tại, các hộ thiếu nước sinh hoạt đang trông chờ, hy vọng thời tiết những ngày tới sẽ có mưa để cải thiện tình hình. Về lâu dài, người dân và chính quyền xã Thạch Thanh mong mỏi dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch sớm được triển khai, giúp bà con thoát khỏi cảnh “khát” nước như hiện nay.
Theo Phan Trâm – Thu Phương (Báo Hà Tĩnh)
Cổng làng gần 80 triệu đồng chắn giữa mương thủy lợi
Con đường vào thôn chưa làm nhưng cổng làng kiên cố đã dựng lên, chắn ngang mương thủy lợi. Việc hy hữu xảy ra ở xã Tượng Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Tháng 1.2018, thôn Bắc Bình, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) khởi công xây dựng cổng làng vào thôn theo chủ trương của xã với kinh phí 76 triệu đồng, được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa.
Một tháng sau, công trình hoàn thành. Cổng xây bằng gạch và đổ bê tông với chiều cao khoảng 5 m, rộng 5,5 m, phía trên xây mái, 4 cột trụ được sơn màu vàng. Giữa cổng có mương thủy lợi chảy qua.
Cổng vào thôn Bắc Bình có mương thủy lợi chảy qua giữa cổng. Ảnh: Phạm Trường.
Con đường nối từ huyện lộ 3 vào thôn nơi đặt cổng dài khoảng 50 m chưa được xây dựng, gồ ghề, hiện chỉ có xe đạp hoặc xe máy mới có thể đi qua, ôtô phải đi đường vòng.
Ông Đức (62 tuổi, trú xã Tượng Sơn) cho biết khi xây cổng, người dân đã góp ý làm đường trước mới làm cổng nếu không rất khó nhìn.
"Trước họ định đặt cổng ra mép ruộng nhưng vướng đường điện nên mới xây trên mương thủy lợi. Dân đều nói cổng đặt thiếu hợp lý, rất chướng, nếu con đường làm xong may ra mới dễ nhìn hơn", ông Đức nói.
Trưởng thôn Bắc Bình Nguyễn Trọng Túc cho biết để vào thôn Bắc Bình có nhiều lối. Sau khi họp dân, việc xây cổng được chọn ở vị trí nằm sát huyện lộ.
"Tiền này do hơn 140 hộ dân trong thôn đóng góp, mỗi khẩu 210.000 đồng. Tiền làm cổng mà mình lấy làm đường thì không được. Đường chưa xây mà cổng đã xong thì đúng là rất khập khễnh, khó coi nhưng xã hứa sắp tới sẽ có kế hoạch làm đoạn đường này", ông Túc nói.
Theo ông Túc, xã đã chủ trương mở rộng, xây mới đoạn đường qua cổng. Mương thủy lợi đi giữa cổng làng sẽ được di dời ra phía ngoài ruộng lúa của dân hoặc đổ bê tông lên trên.
Nhiều người cho rằng vị trí cổng không hợp lý. Ảnh: Phạm Trường.
Ông Dương Kim Huy, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn, cho biết trước khi xây dựng, chính quyền đã có thống nhất với người dân là làm cổng trước làm đường sau, vì kinh phí làm cổng ít tốn kém hơn nên đa số đều thống nhất.
"Cổng làm xong mà đường chưa hoàn thiện, nhìn chướng và không hài hòa, đó là sai sót của xã. Sắp tới, chúng tôi có kế hoạch xây dựng đoạn đường với kinh phí khoảng 150 triệu đồng", ông Huy nói.
Theo Phạm Trường (Zing)
Khéo xử lý rác, làng quê sạch như công viên Từ đường làng vào đến ngõ xóm sạch như công viên không còn cảnh rác thải vứt bừa bãi, làm được điều này người dân ở xã Thạch Điền huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã nghĩ ra cách xử lý rác tiện lợi. Hiện nhiều vùng nông thôn ở Hà Tĩnh đang gặp khó trong việc thực hiện tiêu chí môi trường, đặc...