Hà Tĩnh: Đầu nậu gom lúa nếp xuất đi Trung Quốc, bao nhiêu cũng mua hết, dân thu tiền tươi
Liên tục giữ giá từ 5.800 – 6.100 đồng/kg lúa tươi suốt từ đầu vụ thu hoạch, các loại giống lúa nếp (nếp 98, nếp 87) Hà Tĩnh đang có giá bán cao nhất từ trước tới nay…
Sở dĩ lúa nếp trở thành loại hàng “hot” tại thị trường Hà Tĩnh là vì nguồn cầu lớn. Không chỉ riêng đầu mối tại địa phương, các đầu nậu lớn từ ngoại tỉnh cũng vào tận nơi “có bao nhiêu, mua bấy nhiêu”. Được biết, phần lớn số lúa nếp này đều được xuất đi thị trường Trung Quốc.
Giá lúa nếp tươi tại chân ruộng Hà Tĩnh dao động động từ 5.800- 6.100 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay
Cánh đồng Nếp 98 của thôn Thuận Giang, xã Thuận Lộc ( thị xã Hồng Lĩnh) chưa bao giờ sôi động như bây giờ. Dưới chân ruộng máy chạy ầm ù, gấp gáp thu hoạch hết thửa ruộng này vắt sang thửa ruộng khác. Lúa đổ ra từ máy còn nóng hôi hổi, bà con nông dân vội tải lên chiếc xe ba gác đẩy ra đường lớn để cân bán cho thương lái ngay bên bờ ruộng.
Ông Nguyễn Duy Hồng, thôn Thuận Giang cho hay: “Nhà tôi làm 3 mẫu thì 1,5 mẫu là nếp. Chưa năm nào được mùa, được giá như năm nay, năng suất bình quân 4 tạ/sào, thu lên là bán luôn cho thương lái với giá 5.800 đồng/kg. Giá cao nên nhà tôi bán hết sạch, thu “tiền tươi” trên 20 triệu đồng”.
Thương lái “dựng” điểm thu mua ngay trên đường lớn vào xã Thuận Lộc (thị xã Hồng Lĩnh)
Cánh đồng này chỉ kéo dài chưa đầy vài cây số nhưng có đến 2-3 điểm tập kết hàng của thương lái. Toàn bộ số lúa đã được bán đều là giống nếp các loại (chủ yếu vẫn là nếp 98). Sau mỗi ngày thu hoạch, các đầu nậu sẽ đưa xe tải “gom” hàng chuyển ra cho các ông chủ lớn miền Bắc trước khi xuất đi Trung Quốc.
Chị Nguyễn Thị Châu, thương lái ở Hương Sơn nhưng xuống tận thị xã Hồng Lĩnh để thu mua lúa. “Giá đã có chung của thị trường rồi, thời điểm cao nhất là 6.100 đồng/kg, còn lại cũng ở khoảng 5.700- 5.800 đồng/kg. Chúng tôi thu mua ở tất cả các địa phương và bán cho các đầu mối lớn để xuất khẩu đi Trung Quốc. Từ đầu vụ đến nay chúng tôi đã thu mua được khoảng 1.000 tấn”, chị Châu cho biết.
Video đang HOT
Không còn đưa lúa về nhà, nông dân xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) đưa thẳng lúa nếp từ đồng vào nhập cho nhà buôn
Còn ở Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà… nhiều ngày nay cảnh mua – bán luôn tấp nập ngay trên bờ ruộng. Ông Đoàn Xuân Lai, thôn Quang Thiêm, xã Thanh Thịnh Bình (Đức Thọ) cho biết: “Mọi năm, giá nếp tươi chỉ được khoảng 4.500- 4.600 đồng/kg, còn giá như năm nay thì chưa khi nào có. Thu hoạch xong là bán lúa tươi luôn, không cần đưa về nhà nữa “.
Tại kho tập kết lúa gạo của hộ thu mua ông Trần Quang Hiển, xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) cứ ít ngày lại có một chuyến xe containe cỡ lớn về nhập hàng. “Bao giờ đầu mối lớn cần hàng thì chúng tôi bắt đầu thu mua của dân và chuyển đi. Tại vùng này, chúng tôi đã mua được khoảng trên 300 tấn với giá từ 5.700- 6.000 đồng/kg. Năm nay lúa nếp đắt giá ở tất cả các thị trường”.
Nhiều cánh đồng lúa nếp ở Thạch Hà tiếp tục được thu hoạch gọn, giá bán vẫn chưa hề “hạ nhiệt”
Vào vụ xuân, Hà Tĩnh có khoảng gần 8.000 ha lúa sản xuất các loại giống nếp như: Nếp 98, Nếp 87 (chiếm khoảng 13% tổng diện tích). Điều đặc biệt, loại giống này phân bố đều trên tất cả các địa phương và được bà con nông dân ưa chuộng.
Kỹ sư Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: “Bình quân năng suất của các loại giống nếp ở khoảng 3,2- 3,5 tạ/sào, nơi cao đạt 4 tạ/sào ở vụ xuân, được xếp vào một trong những loại giống cho năng suất cao. Đặc biệt là nếp 98, giống thích ứng với nhiều vùng sinh thái, năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh và quan trọng nhất là giá trị hàng hóa rất cao”.
Hiện nay, nếp 98 thuộc bản quyền sản xuất của Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh, trở thành lợi thế của địa phương trong việc chủ động nguồn giống. Điều này, giúp ngành chuyên môn quản lý, kiểm soát chất lượng giống tại gốc, nhằm nâng cao giá trị hàng hóa sản phẩm lúa gạo cho bà con nông dân.
Hà Tĩnh: Nguy cơ đạo ôn gây hại lúa xuân trên diện rộng
Đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Tĩnh có 32 ha lúa xuân bị nhiễm đạo ôn lá. Điều đáng nói, tất cả diện tích này đều tập trung vào các bộ giống nhiễm: P6, Xi23, NX30...
Bệnh đạo ôn trở thành mối lo lây lan trên diện rộng
Mới đầu vụ đã phun trừ đạo ôn... 3 lần
Năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Chiên, tổ dân phố La Giang, phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) làm 3 sào giống lúa P6. Bắt đầu thời điểm bén mầm, đạo ôn đã xuất hiện, đến nay khi lúa bước vào kỳ đẻ nhánh cũng là lúc bà Chiên phải phun đến lần thứ 3 để trừ bệnh đạo ôn.
"Mấy sào ruộng P6 này năm nào cũng bị, có điều mọi năm phải đến kỳ lúa sắp trổ bông bệnh mới xuất hiện. Không như năm nay, bệnh xuất hiện sớm hơn và khó phòng trừ. Sào ruộng này tôi mới phun cách đây 10 ngày, nay lại phải phun lại vì bệnh vẫn lan rộng", bà Chiên cho biết.
Bà Nguyễn Thị Chiên đã phải phun đến lần thứ 3 cho sào ruộng P6 của gia đình bị nhiễm đạo ôn
Nhìn theo tay bà chỉ, những đám ruộng đã bị bệnh "ăn" khô đầu lá, lụi hẳn xuống và còi cọc. Trong diễn biến không thể phục hồi, bà phải cắt bỏ hết phần diện tích nhiễm để tránh mầm bệnh lây lan.
Hiện nay, Đức Thọ (20 ha) và thị xã Hồng Lĩnh (10 ha) là nơi có diện tích nhiễm bệnh đạo ôn cao nhất trong ba địa phương ghi nhận nhiễm bệnh. Điều đáng nói, tất cả diện tích này đều gây hại trên nhóm giống "cố hữu": P6, Xi23 và NX30.
Một đám ruộng bị còi cọc, "ăn" lụi vì đạo ôn
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng KHKT& Bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã Hồng Lĩnh cho biết: "Trong số 10 ha nhiễm bệnh đạo ôn lá thì có khoảng 2 ha nhiễm nặng với tỷ lệ nhiễm cục bộ có nơi 30- 45%. Nhiều nơi bà con đã tiến hành phun lần 2, lần 3. Đồng thời, trung tâm cũng hướng dẫn bà con bứt bỏ lá bệnh, vùn đất để tránh lây lan sang các ruộng khác, các giống khác".
Mỗi vụ xuân, toàn tỉnh có khoảng 2.700 ha lúa P6, 1300 ha lúa Xi23, NX30. Chưa năm nào những giống lúa này "thoát" được đạo ôn trên lá và trở thành "mồi lửa" lây lan dịch bệnh nguy hiểm này.
Thời tiết nhiều sương mù - tiềm ẩn nguy cơ cao
Ông Nguyễn Tống Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ Thực vật Hà Tĩnh cho biết: "Thời điểm này, cây lúa đang phát triển mạnh về thân lá, nhiều vùng bà con nông dân đang bón thúc mạnh cho cây đẻ nhánh, sinh trưởng. Trong điều kiện thời tiết ấm ẩm, nhiều sương mù, yếu ánh sáng như những ngày qua sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục phát triển".
Thời tiết âm u, thiếu ánh sáng càng khiến cho lúa nhiễm bệnh nặng hơn và lây lan nhanh hơn
Cũng theo ông, cơ quan chuyên môn đang tăng cường điều tra dịch bệnh, hướng dẫn phòng trừ ở từng giai đoạn sinh trưởng của lúa. Theo đó, ngừng bón đạm vùng nhiễm bệnh, phun phòng trừ các loại thuốc bảo vệ thực vật có hướng dẫn.
Mặc dù bệnh vẫn nằm trong vùng kiểm soát tốt, nhưng một khi đồng ruộng đã xuất hiện giống nhiễm bệnh, cộng với thời tiết bất lợi thì bệnh dịch có thể "thổi bùng" lên hàng nghìn ha chỉ trong vài ngày.
Theo khuyến cáo, khi phát hiện ruộng bị nhiễm bệnh đạo ôn, bà con cần phải ngừng bón đạm và không sử dụng phân bón lá có chứa đạm
Vụ xuân 2017 là một bài học đắt giá, trong khi thời tiết ẩm ướt kéo dài, diện tích sử dụng giống mẫn cảm lớn và sự chủ quan với bệnh dịch đã khiến hơn 20.000 ha lúa xuân bị thiệt hại, đẩy tình hình kiểm soát dịch bệnh của ngành chuyên môn vào thế bất khả kháng.
Giải pháp tối ưu mà ngành nông nghiệp Hà Tĩnh khuyến cáo vẫn là tăng cường dự tính dự báo, xử lý khoanh vùng, tránh lây lan ra nhiều loại giống trên diện rộng.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo khoảng 300 ha mạ xuân 2020. Tuy nhiên, theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, có gần 100 ha mạ vụ xuân gieo trước lịch thời vụ.
Nguyễn Oanh
Theo Baohatinh
Vì sao hết thời vụ, gieo trỉa lạc xuân Hà Tĩnh chỉ đạt 65% diện tích?! Khung lịch gieo trỉa lạc xuân 2020 đã kết thúc (20/2), tuy nhiên, các vùng sản xuất ở Hà Tĩnh chỉ mới đạt 65% kế hoạch. Đây được xem là năm có tiến độ gieo trỉa lạc xuân chậm nhất trong nhiều năm nay... Bà Trần Thị Ngọ đã phải gieo đi gieo lại 3 lần kể từ ngày xuống giống lạc xuân...