Hà Tĩnh có mưa lớn, di dời nhiều người dân đến nơi an toàn
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh thông tin, tính đến 7 giờ ngày 20/9, do ảnh hưởng của bão, hoàn lưu sau bão nên ở tỉnh đã có mưa rất to.
Hiện tại mưa đã làm mực nước trên các sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố gần lên mức báo động 2, sông La ở mức báo động 1.
Lực lượng chức năng giúp người dân lợp lại nhà bị tốc mái trong bão số 4 ở huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: TTXVN phát
Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi; ngập lụt tại các đô thị, thành phố rất lớn. Các công trình hồ, đập xả lũ và tự tràn có nguy cơ cao gây ngập lụt và sạt lở, nên chính quyền địa phương đã khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn, cho học sinh nghỉ học.
Để đảm bảo an toàn, sáng 20/9, hơn 10.800 học sinh thuộc 24 cơ sở giáo dục ở huyện Hương Khê đã được cho nghỉ học, gồm 3.832 em bậc mầm non; tiểu học là 4.457 em; trung học cơ sở là 2.533 em. Ngành giáo dục đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống bão lũ; phân công lãnh đạo, chuyên viên phụ trách các cụm trường để kịp thời nắm bắt thông tin, triển khai nhiệm vụ, phối hợp xử lí tình huống bất thường. Các trường giữ liên lạc với phụ huynh để phối hợp quản lí, hỗ trợ học sinh.
Nhằm chủ động với tình trạng ngập lụt tại các vùng ven sông Rác, sông Ngàn Mọ, huyện Cẩm Xuyên đã chủ động di dời 21 hộ với 55 nhân khẩu ở các xã (xã Cẩm Lạc 13 hộ dân với 19 nhân khẩu; xã Cẩm Duệ có 8 hộ dân với 36 nhân khẩu) nằm trong diện sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn.
Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên thông tin: Trước bão số 4, chính quyền đã chủ động kêu gọi, thông báo cho các chủ tàu, thuyền người dân ven biển vào nơi tránh trú bão an toàn. Hiện nay, do mưa lớn gây nguy cơ ngập lụt và sạt lở ở một số vùng xung yếu nên huyện đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng di dời người dân đến nơi an toàn và có phương án bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ.
Chính quyền các huyện Hương Khê và Thạch Hà cũng chủ động di dời dân vùng hay ngập lụt đến địa điểm an toàn. Cụ thể, huyện Hương Khê di dời 23 hộ dân gần 100 nhân khẩu ở các xã Hương Lâm, Lộc Yên, Hương Vĩnh và ký cam kết với 165 hộ dân ở xã Gia Phố, Hương Lâm, Hương Thủy thực hiện sơ tán khi có lệnh. Nhằm tránh nguy cơ thiệt hại do sạt lở đất ở khu vực núi Nam Giới, huyện Thạch Hà cho di dời 5 hộ với 18 nhân khẩu ở thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn đến nơi trú ngụ an toàn.
Theo thống kê thiệt hại ban đầu, tại tỉnh Hà Tĩnh có 14 nhà dân ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh bị tốc mái. Dông lốc cũng làm 39 ngôi nhà, công trình phụ trợ, mái che và 10 cột đèn đường, hàng trăm cây xanh bị đổ, gãy ở các xã Cẩm Dương, Nam Phúc Thăng thuộc huyện Cẩm Xuyên. Tại các huyện Lộc Hà, Can Lộc có 4 ngôi nhà bị tốc mái ở xã Thịnh Lộc, Sơn Lộc, nhiều cột điện bị đổ ở xã Quang Lộc. Mưa lớn cũng làm đổ tường rào của Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Đậu Liệu, phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh), ước tính thiệt hại 20 triệu đồng. Nhiều cây xanh, công trình phụ ở các huyện Vũ Quang, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh đổ, gãy và hư hỏng.
Lực lượng biên phòng giúp người dân lợp lại nhà bị tốc mái trong bão số 4 ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN phát
Chính quyền địa phương các cấp đã huy động tổ chức đoàn thể khắc phục trước mắt thiệt hại do thiên tai gây ra để ổn định đời sống người dân. Hiện tại, diễn biến mưa lớn thất thường gây ngập lụt cục bộ ở nhiều địa phương.
Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tuyền truyền và có biển cảnh báo, ngăn cấm các điểm, đường giao thông ngập lụt tránh xảy ra thiệt hại nghiêm trọng, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai phòng chống bão, lũ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bão số 4 đổ bộ vào Quảng Bình - Quảng Trị chiều nay, mưa rất lớn ở 4 tỉnh
Khoảng chiều nay, bão số 4 (Soulik) đổ bộ đất liền các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10-11.
Một số khu vực thuộc Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh tiếp tục mưa rất lớn.
Trưa nay (19/9), ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đến 11h40, vị trí tâm bão số 4 (tên quốc tế là Soulik) ở trên vùng biển Quảng Bình - Thừa Thiên Huế với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 10-11 (89-117km/h).
Theo ông Khiêm, chỉ còn vài tiếng nữa, khoảng 13-15h, bão số 4 sẽ đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị với sức gió gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10-11. Vùng gió cấp 6, giật trên cấp 8-9 mở rộng từ khu vực ven biển đất liền Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Dự báo diễn biến bão (trong 24 giờ tới). Nguồn: NCHMF
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, khu vực từ Đà Nẵng trở vào, nguy cơ về gió mạnh của cơn bão số 4 này có thể tạm không đáng ngại. Tuy nhiên, về mưa lớn ở Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế còn tiếp tục trong chiều nay và sau đó giảm dần.
"Chúng tôi muốn nhấn mạnh, cùng với sự di chuyển của hoàn lưu bão sau khi đi vào đất liền sẽ gây mưa lớn diện rộng ở Bắc và Trung Trung Bộ, đặc biệt khu vực phía Bắc Thừa Thiên Huế đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh,...", ông Khiêm cảnh báo.
Ông Khiêm nhận định, lượng mưa lớn tập trung ở khu vực này còn tiếp tục trong ngày và đêm nay. Nguy cơ rất lớn xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Tây.
"Chúng tôi tiếp tục cảnh báo, hoàn lưu bão số 4 gây ra lượng mưa rất lớn trên phạm vi rất rộng ở khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, thậm chí cả khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Do đó, chúng tôi vẫn nhấn mạnh nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt là khu vực vùng núi phía Tây, trong đó tập trung các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An", ông Khiêm lưu ý.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Lệ Thủy (Quảng Bình) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Đêm qua đến sáng nay, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to: Hòa Bắc (Đà Nẵng) 166mm; Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 309mm, Hương Phú (Thừa Thiên Huế) 270mm,..
Dự báo khoảng 16h chiều nay, vị trí tâm bão trên đất liền các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị với sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10-11.
Do tác động của bão số 4, vùng biển từ Nghệ An đến Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 10-11 (89-117km/h), sóng biển cao 3-5m, biển động mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực biển từ Bình Định đến Cà Mau, phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động mạnh. Khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng cao từ 2-3m. Biển động.
Ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cao và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp vào chiều tối ngày 19/9.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn, triều cao và nước dâng do bão.
Đồng thời, trên đất liền: Vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10-11; sâu trong đất liền có gió giật mạnh cấp 6-7.
Đề phòng xuất hiện các ổ mây giông mạnh phía trước hoàn lưu bão. Trong điều kiện thời tiết xảy ra mưa giông mạnh, hệ quả đi kèm với nó là cây xanh gãy đổ, các mái tôn, biển hiệu quảng cáo có thể bị thổi bay trong không khí.
Đáng lưu ý, từ hôm nay đến hết ngày mai (20/9), ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Đề phòng mưa cường suất lớn (>150mm/6 giờ) ở khu vực từ Quảng Trị - Đà Nẵng trong ngày 19/9.
Cũng trong hôm nay, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 70mm.
Mưa lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt cho các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư do nước không kịp thoát.
Thủ tướng: Tập trung ứng phó bão, chủ động xử lý các tình huống xấu nhất Diễn biến của bão và mưa lũ còn rất phức tạp, dự báo có thể thay đổi cả về cấp độ gió, tốc độ di chuyển, hướng di chuyển, phạm vi ảnh hưởng và lượng mưa. Vì thế, Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó. Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão trong đêm 18/9, gây gió mạnh, sóng lớn ven...