Hà Tĩnh: Bỏ lại sự cố Formosa, những con tàu lại vươn khơi xa
Sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, bức tranh sản xuất nghề biển ở Hà Tĩnh dần tươi sáng trở lại, nhất là trong vụ cá bắc. Liên tục ở cảng cá Kỳ Ninh, Thạch Kim, Xuân Hội… hình ảnh những con tàu trở về với khoang thuyền đầy ắp hải sản đã nhân lên niềm vui, sự tin tưởng của ngư dân trong những ngôi làng bên chân sóng.
Gánh cá tươi ngon của ngư dân Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) sau một chuyến biển
Chúng tôi trở lại cảng cá Xuân Hội khi những lao xao của hoạt động mua bán hải sản đã vãn. Những cặp thuyền dạ, những con tàu mã lực lớn nhỏ nằm “nghỉ ngơi” bên nhau. Phía ngoài xa, một nhóm ngư dân vừa đánh bắt trở về cùng nhau ngồi vá lưới, một nhóm khác đang ngồi chuyện trò về con tàu 800 CV vừa mới hạ thủy của gia đình ông Lê Hồng Sơn. Trong rì rầm, hào sảng những giọng nói đượm màu biển cả, chúng tôi như thấy được niềm vui từ những khoang thuyền ăm ắp “lộc biển”.
Vừa trở về sau một chuyến ra khơi thắng lợi, dư âm của niềm vui vẫn còn lan tỏa trên tàu HT 90005TS của anh Lê Văn Nhâm ở xóm Hội Thủy. Anh Nhâm cho biết: “Tôi sắm con tàu 300 CV này được 10 năm rồi, đợt đền bù do sự cố môi trường vừa qua, cặp tàu dạ của tôi và bạn nhận được 340 triệu đồng tiền hỗ trợ. Sau khi hỗ trợ cho lao động trên thuyền một phần, số còn lại, tôi dùng để tu sửa máy móc và mua sắm ngư cụ, tiếp tục vươn khơi”.
Ngư dân xã Xuân Hội (Nghi Xuân) chuẩn bị ngư cụ ra khơi.
Những ngư dân đang vá lưới trên thuyền bên cạnh cho biết, thuyền của anh Nhâm thường đánh bắt ở vùng biển cách bờ 45 hải lý. Đợt đầu năm nay, anh đã đi khơi 2 chuyến, chuyến nào cũng gặp được luồng cá. Tính ra, mỗi chuyến, anh thu về hơn 100 triệu đồng.
Video đang HOT
Hiệu quả từ những chuyến ra khơi của anh Lê Văn Nhâm đã tạo niềm tin, động lực cho ngư dân trong vùng vững tin bám biển. Trong những câu chuyện của họ, niềm tin về nghề biển chưa bao giờ vơi dẫu có những thời điểm khó khăn, ngư trường ít cá, thị trường thu hẹp. Sau sự cố môi trường biển, nhận được tiền đền bù, ngư dân tập trung tu bổ tàu thuyền, ngư cụ để tiếp tục bám biển vươn khơi. Thậm chí, nhiều hộ còn bán thuyền nhỏ, vay thêm tiền để sắm tàu vỏ thép.
Anh Lê Hồng Sơn ở Hội Thủy cho biết: “Biển bao đời nay nuôi sống các thế hệ trong gia đình nên chúng tôi chưa hề nghĩ đến chuyện chuyển đổi nghề. Đặc biệt, sau khi nhận được tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường, gia đình tôi quyết định bán cặp tàu 320 CV và vay thêm tiền theo Nghị định 67 đóng tàu vỏ thép để vươn khơi xa hơn. Vừa qua, chúng tôi đã làm lễ hạ thủy, hiện đang chuẩn bị các điều kiện để ra khơi”.
Nhận tiền đền bù, ngư dân Lê Hồng Sơn (xóm Hội Thủy, xã Xuân Hội, Nghi Xuân) vay thêm tiền ngân hàng sắm tàu vỏ thép để vươn ra biển lớn.
Nếu như mấy tháng trước, việc đánh bắt ở vùng biển Cẩm Nhượng chỉ cầm chừng do hải sản gần bờ cạn kiệt, giá cả sụt giảm, tâm lý người tiêu dùng còn lo ngại thì thời gian gần đây, việc đánh bắt đã cơ bản bình thường trở lại. Hiện nay, tàu của ngư dân đang đổ về các ngư trường cách bờ khoảng 40 hải lý, một số khác đánh bắt tại vùng biển Quảng Ninh, Thanh Hóa.
Ngư dân Trần Hữu Lương ở Cẩm Nhượng cho biết: “Hiện nay, tàu của tôi đang đánh bắt ở vùng biển Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay đã đi 4 chuyến, bình quân mỗi chuyến thu về chừng 20 triệu đồng. So với thời điểm xẩy ra sự cố môi trường, thuyền của tôi đã thoát khỏi tình trạng lỗ vốn”.
Xuôi vào phía Nam, nét rạng rỡ in trên gương mặt những ngư dân Kỳ Ninh khi ngày nào xe của thương lái cũng đứng sẵn trên bến chờ thuyền đánh cá trở về. Trên địa bàn xã Kỳ Ninh hiện có 219 tàu thuyền các loại. Từ sau tết đến nay, khi “lộc biển” về lại các ngư trường cộng thêm công tác đền bù được giải quyết kịp thời, tâm lý ngư dân đã dần ổn định, vững tin vào nghề đi biển.
Ông Lê Công Đường – Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho biết: “Hiện nay, 100% tàu thuyền của xã đã đánh bắt trở lại. Dù ở ngoài khơi hay trong lộng cũng thu về những khoang thuyền đầy cá. Tổng sản lượng đánh bắt toàn xã mỗi chuyến dao động từ 30 – 40 tấn hải sản các loại”.
Hình ảnh những khoang thuyền lớn nhỏ đầy ắp hải sản cập cảng trong sự mong ngóng, đợi chờ của thương lái và ngư dân đã đẩy lùi những mảng màu trầm trong bức tranh nghề biển. Trong đó, sự kịp thời, công minh trong công tác chi trả tiền đền bù sau sự cố môi trường biển cũng đã góp phần tạo nên những niềm vui bên chân sóng.
Theo Nhóm PV (Báo Hà Tĩnh)
Miếng cơm và nước mắt ở làng lặn biển Xuân Hòa
Vào tháng Giêng âm lịch hàng năm, ngư dân hành nghề lặn biển ở thôn Xuân Hòa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) lại chuẩn bị cho những chuyến ra khơi đắm mình dưới đáy biển sâu lặn bắt hải sản... Nghề này đưa lại cho họ bát cơm hàng ngày nhưng cũng lấy đi nhiều nước mắt.
Đánh cược sinh mạng dưới biển sâu
Theo lời giới thiệu của ngư dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Hữu Sơn (SN 1966) - người có tuổi nghề gần như lâu nhất ở xóm chài này. Thấy chúng tôi đến, ông bước từng bước chân khó nhọc rót nước mời, rồi kể về câu chuyện cuộc đời mình: Năm 1985 ông đi nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ thì trở về quê theo mấy anh em học nghề lặn. Năm 1992, một số người trong làng vào biển Phan Thiết lặn để bắt hàu, nhiều người giàu lên nhờ đi lặn, thế là mọi người kéo nhau đi Phan Thiết lặn biển.
Ông Trần Hữu Sơn cùng bộ nghề lặn biển thô sơ. Q.N
Nghề lặn biển theo thời gian đã trở thành nghề truyền thống của ngư dân Xuân Hòa. Những sản vật từ lòng biển đã mang lại bát cơm cho họ hàng ngày, nhưng cùng với đó là biết bao câu chuyện về người vợ mất chồng, cha mất con và cả nỗi buồn của những người thợ lặn suốt đời mang thương tật cùng niềm mong mỏi "không muốn con nối nghiệp cha"...
"Trong đó làm cực lắm, khi nào cũng lặn xuống sâu dưới đáy biển 20-30m tìm hàu. Hàu lệ thời đó giá cao, mỗi tháng chăm chỉ tôi cũng được 20 đến 30 triệu đồng. Sau nhiều năm theo nghề lặn biển, sức khỏe giảm sút, chân tay tê tái, tôi đi khám ở nhiều bệnh viện. Bác sĩ nói do tôi lặn nhiều bị sức ép nước làm tổn hại đến não và các dây thần kinh nên bị liệt chân khó điều trị. Tôi đi chữa trị khắp từ Bắc vào Nam rồi nhưng vẫn không cải thiện được mấy, bây giờ đành chấp nhận sống với bệnh tật" - ông Sơn kể.
Cũng giống ông Sơn, anh Trần Hữu Anh (SN 1971) bắt đầu đi lặn từ năm 20 tuổi: "Làm cái nghề "người trần gian làm việc âm phủ" cũng sợ lắm, nhưng vì dân ở biển hoàn cảnh khó khăn nên không bỏ được". Câu chuyện trở nên đứt quãng khi anh nói về thương tích của mình: "Vào nghề lặn được 8 năm thì hàu ở quê bán được giá, anh em kéo nhau về quê và đi hành nghề ở vùng biển phía bắc. Trong một lần đang lặn ở đảo Bạch Long Vỹ ở độ sâu khoảng 15m, mới xuống biển được khoảng 15 phút thì chân tui tê tê sau đó chuyển dần đến bụng, tui vội vàng ngoi lên mặt nước. Lênh đên trên biển hơn 10 ngày tui mới được các anh em đưa vào bờ. Dù được vợ con đưa ra Hà Nội điều trị nhưng nhưng đã quá muộn giờ phải mang thương tật liệt chân suốt đời"- anh Hữu Anh tâm sự.
Không thể kể hết những nỗi đau, mất mát từ nghề lặn biển đem lại. Ông Trần Công Tiến- Trưởng thôn Xuân Hòa cho biết: Cứ đến mùa lặn, cả thôn có gần 200 người theo nghề nguy hiểm này, chủ yếu là thanh niên trai tráng. Nghề lặn mang lại thu nhập cao, nhưng cũng để lại nhiều hậu quả, ngoài những người bị thương tật suốt đời thì cũng không ít người phải bỏ mạng, trong đó thương tâm nhất là em Trần Hữu Thuật.
Tháng 8.2016, Thuật đang là sinh viên Trường Đại học Mỏ- Địa chất tại Hà Nội. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ bệnh nặng, không có tiền học nên Thuật phải tạm nghỉ học về quê theo người dân đi lặn biển kiếm tiền với mong quay lại giảng đường. Trong lúc đi lặn tại khu vực cửa biển Lạch Kèn (thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), gặp sự cố khi thuyền dời đi khiến vòi ôxy bị ngập dẫn đến Thuậtbị ngạt thở và tử vong.
Không muốn con cháu nối nghề
Câu chuyện về những người lặn biển sẽ không bao giờ có hồi kết, khi mỗi chuyến ra khơi của những người thợ lặn chỉ được trang bị "đồ hành nghề" thô sơ như kính lặn, 150m dây hơi, đồ bơi nhái, chân vịt, vợt lưới. Để ở lâu dưới biển, họ còn phải mang trên mình từ 15-20kg chì. Họ không có điều kiện để mua sắm những thiết bị lặn đúng tiêu chuẩn, không có những bộ chỉnh áp và thở oxy dưới nước theo quy định. Trong khi đó, việc điều chỉnh áp suất là vô cùng quan trọng. Hầu hết những vụ tai nạn biển của thợ lặn đều do việc mất cân bằng áp suất. Đã nếm trải hết những mất mát từ nghề lặn mang lại, ông Sơn hay anh Anh đều mang một nỗi niềm chung đó là không muốn cho con theo nghề cha.
"Tôi đã phải thuyết phục mãi con tui mới chịu ra Hà Nội học nghề cơ khí, chứ nó ở nhà là đi lặn theo người dân trong làng. Nhiều lần nó cứ muốn bỏ học để về đi lặn kiếm tiền chữa bệnh cho tôi, nhưng tôi không cho. Khuyên mãi nó mới nghe ra trường học, tuy nhiên ra được năm bữa nửa tháng nó lại mò về theo mấy tụi nhỏ đi lặn, tôi lo lắm" - anh Trần Hữu Anh cho hay.
Theo Danviet
Vượt qua ngày "biển động" Lâu nay, biển cả chính là nguồn sống của người dân xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong. Thế nên, khi sự cố môi trường biển xảy ra, những ngư dân vốn vững chãi trước sóng gió rất hoang mang. Với tinh thần "còn da lông mọc, còn chồi nảy cây", bà con vùng biển Triệu Vân đã nỗ lực vượt qua gian khó....