Hà thủ ô bổ can, thận
Hà thủ ô còn gọi là giao đằng, thủ ô, dạ hợp… Tên khoa học: Fallopia multiflora (Thunb) Haraldson, họ rau răm (Polygonaceae). Hà thủ ô là rễ củ phơi hay sấy khô của cây hà thủ ô.
Theo Đông y, hà thủ ô vị đắng ngọt chát, tính hơi ôn, vào các kinh can và thận. Tác dụng bổ can thận, dưỡng huyết bổ âm giải độc, nhuận tràng thông tiện.
Hà thủ ô dùng cho người can thận âm hư, huyết hư, đau đầu hoa mắt chóng mặt, đau lưng mỏi gối ù tai điếc tai, râu tóc bạc sớm, di tinh, huyết trắng, táo bón, hội chứng lỵ mạn tính, trĩ xuất huyết, sốt rét, lao hạch, bệnh mạch vành, tăng huyết áp, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch. Liều dùng: 12 – 60g. Bổ huyết thì dùng hà thủ ô chế; nhuận tràng thông tiện thì dùng hà thủ ô sống.
Hà thủ ô đỏ.
Một số bài thuốc trị bệnh có hà thủ ô:
Trị chứng buồn bực, mất ngủ, mộng mị: dạ giao đằng 12g, đan sâm 12g, trân châu mẫu 60g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bổ huyết, an thần, dùng cho người huyết hư, lo lắng, mất ngủ, râu tóc bạc sớm: hà thủ ô chế 12g, bắc sa sâm 12g, quy bản 12g, long cốt 12g, bạch thược 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thuốc ích thận, cố tinh, dùng khi gan thận đều yếu, lưng và đầu gối đau nhức buốt, phụ nữ khí hư, di tinh – Thất bảo mỹ nhiệm đơn: hà thủ ô chế 20g, bạch linh 12g, ngưu tất 12g, đương quy 12g, thỏ ty tử 12g, phá cố chỉ 12g, câu kỷ tử 12g, kỷ tử 12g. Tất cả tán thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần uống 12g, chiêu bằng nước muối loãng.
Video đang HOT
Dùng khi thiếu máu, tăng huyết áp, đầu váng, mắt hoa, chân tay tê cứng: hà thủ ô chế 12g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, bạch thược 12g, hạn liên thảo 12g, sa uyển tật lê 12g, hy thiêm thảo 12g, tang ký sinh 12g, ngưu tất 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trường hợp sốt rét lâu ngày hại đến chân âm, sốt li bì triền miên dùng hai bài thuốc sau:
- Hà thủ ô sống 60g, sài hồ 12g, đậu đen 20g. Sắc với nước, đem phơi sương 1 đêm, sáng hôm sau hâm lại uống.
- Hà nhân ẩm: hà thủ ô chế 16g, đảng sâm 12g, đương quy 12g, trần bì 12g, gừng nướng12g. Sắc uống.
Thuốc nhuận tràng, thông tiện. Trị các chứng huyết hư, tân dịch khô nên đại tiện bí: hà thủ ô tươi 30 – 60g. Sắc uống.
Hà thủ ô uống hàng ngày có thể chữa chứng tinh trùng yếu, tinh loãng.
Phối hợp với tang ký sinh, nữ trinh tử để chữa tăng huyết áp do xơ vữa mạch máu.
Kiêng kỵ: Người thể đàm thấp, tỳ hư, đại tiện lỏng không được dùng.
Lưu ý: Ở Việt Nam, ngoài hà thủ ô đỏ, còn dùng rễ của cây hà thủ ô trắng (dây sữa bò, hà thủ ô Nam), thuộc họ thiên lý. Dùng thay hà thủ ô đỏ làm thuốc bổ máu, nhưng chưa có tài liệu nghiên cứu chi tiết. Theo kinh nghiệm dân gian, vị thuốc này có tác dụng chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt rét, phụ nữ sau đẻ mà không có sữa.
Chú ý: Khi thu hái hà thủ ô trắng cần hết sức tránh nhầm với dây càng cua cũng thuộc họ thiên lý; cây mác chim thuộc họ trúc đào (Apocynaceae); các cây này đều là cây có độc.
BS. Tiểu Lan
Theo SK&ĐS
Thói quen ăn mặn của người Việt: Rước bệnh vào thân
Thông tin cảnh báo từ Cục Y tế dự phòng: thói quen ăn quá nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác.
Ở nước ta hiện nay cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp, cứ 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do các bệnh tim mạch. Nguyên nhân chủ yếu là do tai biến mạch máu não...
Gánh nặng bệnh tật vì thói quen ăn mặn
Tại Hội thảo báo chí về Truyền thông vận động giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não và các bệnh không lây nhiễm khác do Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa tổ chức, PGS.TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2015, trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4g muối/ngày, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê).
Dù ăn nhiều muối song khi được hỏi, chỉ có 16% người dân thừa nhận bản thân ăn mặn, trong khi thực tế hơn 90% người dân ăn quá 5g muối/ngày, 20% thường xuyên ăn các món có nhiều muối như dưa, cà muối, mì ăn liền, bim bim, lạc rang muối, hạt điều mặn, dưa chuột muối, pho mát, thịt muối và các loại thịt chế biến khác (xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, giò, chả...).
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cung cấp thêm, nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, 73% gia đình dùng mì ăn liền, 37% sử dụng thức ăn đóng hộp, 31% có ăn xúc xích... Trong khi đó, một gói mì ăn liền trung bình có 4,2g muối; tương ứng 5-7g muối trong mỗi 100g sản phẩm. Trong 100g xúc xích cũng có 1,5-2,3g muối. Ăn quá nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ gây suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày.
Thói quen ăn mặn của người Việt dẫn đến bệnh tăng huyết áp và là nguy cơ chính của các bệnh tim mạch.
Bằng chứng, tỷ lệ tăng huyết áp tại Việt Nam liên tục tăng trong vài thập kỷ qua, từ mức 1% năm 1960 lên 11,2% năm 1992 và năm 2015, tỷ lệ này là 18,9% dân số, tương đương 12 triệu người. Hiện tại cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và cứ 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do tim mạch.
Giảm tiêu thụ muối sẽ cứu sống được khoảng 2,5 triệu người trên toàn cầu
TS. Jun Nakagawa, Phó Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khuyến cáo: Việt Nam nên xây dựng khuyến nghị về lượng muối tối đa trong 100g thực phẩm, ưu tiên thực phẩm nhiều muối và phổ biến như mì ăn liền, xúc xích... Cần bắt buộc công bố sản phẩm của các công ty một cách tự nguyện. Việt Nam nên xây dựng môi trường hỗ trợ tại trường học, bếp ăn tập thể cũng như ban hành và thực thi quy định về dán nhãn, cảnh báo sức khỏe; cấm quảng cáo thực phẩm nhằm vào trẻ em.
Đến năm 2025, Việt Nam đặt ra mục tiêu sẽ có hơn 90% người trưởng thành biết tác hại do ăn nhiều muối; giảm mức tiêu thụ muối ăn trung bình của người trưởng thành xuống còn dưới 7g/người/ngày; hơn 70% số học sinh thực hiện ít nhất một biện pháp để giảm ăn muối theo khuyến cáo; hơn 90% số người được phát hiện mắc tăng huyết áp, bệnh tim mạch được tư vấn, hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giảm muối.
Theo đại diện của WHO tại Việt Nam, nếu mọi người đều giảm tiêu thụ muối như khuyến cáo của WHO thì sẽ cứu sống được khoảng 2,5 triệu người trên toàn cầu. Do đó, để giảm gánh nặng bệnh tật và nâng cao sức khỏe cộng đồng, mọi người hãy giảm một nửa lượng muối ăn vào hàng ngày. Giảm muối ăn vào để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác .
Các chuyên gia khuyến cáo, để giảm ăn muối cần thay đổi thói quen ăn ít muối, chấm nhẹ tay. Trong đó, cần giảm lượng muối và gia vị cho vào khi chế biến thức ăn; hạn chế lượng muối, gia vị, nước chấm đặt trên bàn trong khi ăn; hạn chế lựa chọn, sử dụng thực phẩm có nhiều muối và thay bằng thực phẩm tự nhiên.
Hiện tại Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.
Nguyễn Hoàng
Theo SK&ĐS
Cách phòng, điều trị bệnh tim mạch trong mùa lạnh Thời tiết lạnh nguy cơ về các bệnh lý về tim ngày càng tăng cao, vậy hãy tìm hiểu cách phòng và điều trị bệnh tim mạch trong mùa đông để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân yêu. Vào đông, những ngày gần đây nhiệt độ miền Bắc đang xuống thấp khiến nhiều người phải nhập viện vì...