Hà Nội yêu cầu không tụ tập quá 10 người nơi công cộng để phòng dịch
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công điện, trong đó yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, không tụ tập quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi công cộng.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, UBND TP. Hà Nội đã ra Công điện yêu cầu tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình diễn biến mới của dịch bệnh.
Trong Công điện nêu rõ, hiện nay tình hình dịch bệnh trên cả nước đang diễn biến nhanh và phức tạp, số ca mắc hằng ngày vẫn tăng cao tại một số địa phương như TPHCM và các tỉnh phía nam. Từ ngày 5/7/2021 đến ngày 7/7/2021, Thành phố đã ghi nhận thêm 16 trường hợp mắc trên địa bàn các quận, huyện. Trong đó có những trường hợp là công nhân tại Khu Công nghiệp, người dân trở về Hà Nội có yếu tố dịch tễ liên quan đến TPHCM, Nghệ An, Bắc Giang…
Cách ly tại nhà 7 ngày đối với người từ TPHCM và vùng dịch về
Thành phố đánh giá, hiện nay nguy cơ lây lan dịch bệnh quay trở lại cộng đồng là rất cao. Thực hiện Công điện số 914/CĐ-TTg ngày 6/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 5389/BYT-MT ngày 7/7/2021 của Bộ Y tế về việc tiếp nhận người từ TPHCM về địa phương, để tăng cường kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, và xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố quyết liệt thực hiện một số nội dung sau:
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt; yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, không tụ tập quá 10 người ngoài trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi công cộng ; các cơ sở dịch vụ, nhà hàng ăn uống trong nhà thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn phòng chống dịch và đóng cửa trước 21h hằng ngày.
Những người về từ vùng dịch phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cách ly tại nhà 7 ngày
Tăng cường kiểm soát toàn bộ hoạt động vận tải từ các vùng dịch về Thành phố. Trong đó, hạn chế tối đa hoạt động vận tải hành khách công cộng từ các vùng dịch (danh sách vùng dịch được công bố, cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế) về Hà Nội và ngược lại.
Tổ chức hoạt động vận tải đi lại hợp lý đến các tỉnh (thành phố) có dịch theo định hướng: Tỉnh (thành phố) có dịch nếu có vận tải đường sắt hoặc đường hàng không thay thế thì cho dừng hoạt động vận tải đường bộ. Kiểm soát chặt chẽ hành khách đi các phương tiện vận tải hành khách công cộng: Xe khách liên tỉnh, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn Thành phố.
Các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ người về từ các vùng/tỉnh thành phố có dịch: Từ 18h00 ngày 7/7/2021 áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ TPHCM và các vùng dịch (danh sách các vùng dịch được công bố, cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế): Thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cách ly tại nhà 7 ngày theo đúng hướng dẫn tại Quyết định 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế (trừ trường hợp đi công tác công vụ trở về Hà Nội và tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế); tất cả các trường hợp từ vùng có dịch về phải tổ chức xét nghiệm 3 lần (vào ngày đầu tiên, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 kể từ ngày đi từ vùng có dịch về), sau đó tự theo dõi sức khỏe tiếp trong vòng 7 ngày; nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác… phải thông báo ngay cho chính quyền cơ sở, cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.
Video đang HOT
Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đối với những đối tượng trên sẽ được điều chỉnh khi có hướng dẫn mới từ Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế.
Yêu cầu người dân hạn chế tối đa di chuyển đến các vùng dịch và TPHCM. Trường hợp bắt buộc phải đến với mục đích công vụ, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, khu công nghiệp… có trụ sở tại TPHCM và các vùng dịch khác phải được cấp thẩm quyền cho phép, phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng chống dịch; tổ chức xét nghiệm sàng lọc theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và chủ động điều chỉnh Phương án đáp ứng điều trị, xét nghiệm trong tình huống dịch bùng phát lan rộng (nâng công suất xét nghiệm và giường bệnh điều trị bệnh nhân trong trường hợp số ca mắc tăng lên mức 3.000 ca, mức 5.000 ca).
Dừng hoạt động các doanh nghiệp không đảm bảo an toàn phòng chống dịch
Yêu cầu các địa phương phải rà soát lại kế hoạch phòng chống dịch để điều chỉnh đáp ứng với tình huống dịch bùng phát, lan rộng. Rà soát các cơ sở trên địa bàn để thiết lập các khu vực cách ly tập trung và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng tiếp nhận cách ly tập trung F1.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, chế xuất; thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện của các doanh nghiệp, kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động nếu không đảm bảo an toàn. Yêu cầu các doanh nghiệp tuyên truyền sâu rộng cho công nhân về các biện pháp phòng chống dịch, gắn trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch Hội đồng thành viên các Tổng công ty, các công ty TNHH nhà nước trực thuộc UBND Thành phố quán triệt, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố đã chỉ đạo tại văn bản số 1597/UBND-KGVX ngày 25/5/2021 của UBND Thành phố.
Giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại nhà ga, sân bay
Cũng tại Công điện này, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Cảng vụ hàng không Miền Bắc, Ga Hà Nội tăng cường tuyên truyền, giám sát thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, tình hình, diễn biến dịch bệnh tại các điểm đi và đến trước mỗi chuyến bay, chuyến tàu theo chỉ đạo của UBND Thành phố (khai báo y tế, theo dõi sức khỏe hàng ngày,…) trong khu vực nhà ga, sân bay để hành khách kịp thời cập nhật; kiểm soát danh sách hành khách trên các chuyến bay, chuyến tàu, đặc biệt từ TPHCM ra Hà Nội.
Công an Thành phố chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, UBND các quận huyện thị xã tăng cường tổ chức các chốt trực cố định tại các bến tàu, bến xe liên tỉnh, các chốt trực lưu động tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào Thủ đô để kiểm soát toàn bộ lưu lượng các phương tiện vận tải hành khách, gắn với di biến động của lực lượng lao động, người dân giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt các vùng, tỉnh, thành phố đang có dịch nhưng không gây ách tắc phương tiện vận tải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức cao nhất trong điều kiện dịch bệnh.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý đến các khu vực có nguy cơ cao: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chung cư, cơ sở khám chữa bệnh, trường, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nơi tập trung đông người…; chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn và các lực lượng chức năng tại cơ sở thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm các quy định.
Thực hư thông tin nước sát khuẩn Covid-19 tại sân bay Nội Bài là nước lã
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc - đã bác bỏ thông tin nước sát khuẩn là nước lã và khẳng định về sự hiểu nhầm của khách đi máy bay.
Mới đây, một tài khoản trên mạng xã hội lan truyền thông tin kèm theo clip ngắn về nước sát khuẩn tay tại sân bay Nội Bài - Hà Nội và cho rằng đó là nước lã. Tài khoản này cũng đặt câu hỏi: Lỗi của Cảng hàng không hay lỗi của nhà cung cấp?
Thông tin xuất phát từ phản ánh của một nam hành khách tên là T.T.T. Sáng 27/5, hành khách này đến sân bay Nội Bài làm thủ tục đi chuyến bay QH1213 của Bamboo Airways từ Hà Nội đi Quy Nhơn.
Khi sử dụng nước sát khuẩn đặt tại ở sân bay, khách T. cho rằng đó là nước lã, không phải gel sát khuẩn như thông tin trên vỏ hộp ghi nhãn là nước rửa tay khô Hazoku - sản phẩm của Công ty CP Xà phòng Hà Nội.
Sau đó, nam hành khách đã báo sự việc cho an ninh sân bay, đội y tế khẩn nguy tại sân bay. Đại diện các đơn vị đã có mặt tiếp nhận thông tin và lập biên bản theo phản ánh của hành khách T.
Chai nước sát khuẩn tại sân bay Nội Bài được phản ánh là nước lã (Ảnh: Facebook).
Chiều 29/5, trao đổi với PV Dân trí , ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc - cho biết: Lực lượng có trách nhiệm của Cảng vụ đã đi kiểm tra toàn bộ nước sát khuẩn tại các khu vực được bố trí ở sân bay Nội Bài ngay khi tiếp nhận thông tin.
"Kết quả kiểm tra xác định đó là nước sát khuẩn, không phải nước lã. Đây là dung dịch axit hipocloro, đã được kiểm dịch bởi Viện truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, viện Pasteur TPHCM, Trung tâm Quatest 3 - Tổng cục đo lường Việt Nam" - ông Phương khẳng định và cho biết nước dung dịch này được dùng để rửa tay, súc miệng, phun, khử trùng dụng cụ tùy theo tỉ lệ pha chế.
Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cũng thông tin thêm, hiện sân bay Nội Bài sử dụng 2 loại dung dịch sát khuẩn, dạng gel hiệu Kazoku tại tầng 2 nhà ga T1 và dạng nước dung dịch axit hipocloro tại tầng 1 nhà ga T1. Cả 2 loại dung dịch trên đều không phải là nước lã.
Lực lượng an ninh đo nhiệt độ hành khách đi máy bay.
Theo ông Phương, Nội Bài là một trong hai cảng hàng không lớn nhất nước. Sân bay nằm cửa ngõ của Thủ đô, có vai trò đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị, giao thương kinh tế. Trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà ga, sân bay Nội Bài được quán triệt sâu sắc về công tác phòng chống dịch và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế, kiểm dịch nhằm đảm bảo đảm bảo tuyệt đối an ninh an toàn phục vụ chuyến bay.
"Việc khử khuẩn tại sân bay Nội Bài được thực hiện định kỳ hàng tuần, tiến hành phun khử khuẩn luồng tuyến di chuyển của khách, quầy thủ tục, lối đi kiểm soát an ninh, cửa ra tàu bay, cầu ống lồng. Chúng tôi cũng tăng cường vệ sinh toàn bộ các bề mặt tiếp xúc mà hành khách thường chạm đến tại các khu vực của nhà ga hành khách" - ông Phương cho hay.
Liên quan đến sự việc này, đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài cho PV Dân trí biết đã tiếp thu, kiểm tra và khẳng định hai loại dung dịch sát khuẩn hiện đang được sử dụng tại nhà ga hành khách Nội Bài. Đó là dung dịch sát khuẩn tay axit Hipocloro sản xuất từ máy OSG Nhật Bản và được một đơn vị tài trợ miễn phí cho Cảng sử dụng trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Khu vực cách ly Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài thực hiện giãn cách.
Về việc dung dịch được đựng trong chai sát khuẩn có tên Hazoku, đại diện Cảng Nội Bài giải thích: Vì loại dung dịch diệt khuẩn axit Hipocloro mà Cảng được nhận tài trợ có quy cách đóng trong các can 20 lít nên để thuận tiện cho việc hành khách sử dụng tại nhiều vị trí của nhà ga, Cảng đã tạm thời sử dụng các chai nhựa nhỏ nhãn hiệu Hazoku - vốn là hệ thống các chai nước rửa tay khô Hazoku - đã được Cảng sử dụng hết trước đó với mục đích tái sử dụng.
"Việc tái sử dụng lại các chai nhựa với mục đích hạn chế phát thải rác thải nhựa ra môi trường của Cảng đã dẫn đến sự hiểu nhầm của vị khách nói trên về chất lượng dung dịch sát khuẩn" - đại diện Cảng Nội Bài thông tin.
Đại diện Cảng Nội Bài cũng cho biết thêm, Cảng đang triển khai lắp đặt các điểm sát khuẩn tay cảm ứng tự động nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc của hành khách. Hẹ thống camera cũng thực hiẹn hiẹu quả viẹc truy vết các trường hợp F0 qua Cảng, các trường hợp nhân viên có tiếp xúc để tiến hành khoanh vùng, cách ly ngay.
Cảng Nội Bài đang phối hợp với các cảng hàng không trên cả nước tạo mạng lưới kết nối chạt chẽ cùng góp phần truy vết, khoanh vùng trong thời gian nhanh nhất.
Diễn biến dịch 24/5: Bắc Giang vượt 1000 ca, chùm ca bệnh ở Hà Nội phức tạp Trong 24h qua, Việt Nam có thêm 187 ca Covid-19 gồm 3 ca nhập cảnh và 184 ca trong nước. Như vậy, tính từ 27/4 đến nay, nước ta đã có đến 2.349 ca lây nhiễm trong cộng đồng, xuất hiện ở 30 tỉnh thành. Sau 28 ngày, tổng số ca nhiễm của đợt dịch thứ 4 đến nay cao gấp 2,85 lần...