Hà Nội xin vay 53.000 tỷ làm đường sắt đô thị
Để thực hiện tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai), số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình), TP Hà Nội đề xuất vay của Ngân hàng phát triển Châu Á và từ nguồn vốn ODA.
TP Hà Nội vừa đề xuất với Bộ Kế hoạch và đầu tư hai khoản vay liên quan đến tuyến đường sắt đô thị số 3 và số 2.
Trong đó, tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội – Hoàng Mai có chiều dài khoảng 8 km, gồm 7 ga, đi qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Điểm đầu của dự án này là Quảng trường 1/5 trên đường Trần Hưng Đạo, điểm cuối ở phố Tam Trinh tại nút giao với cầu cạn Pháp Vân (phường Yên Sở, Hoàng Mai).
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án hơn 1,2 tỷ USD (tương đương khoảng 27.600 tỷ đồng), vay nước ngoài trên 1 tỷ USD từ nguồn vốn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và các nhà tài trợ khác; còn lại là vốn đối ứng trong nước; thời gian thực hiện dự kiến từ 2020 – 2025.
Tuyến đường sắt số 3 (đoạn Nhổn – ga Hà Nội) khởi công từ năm 2010, đã phải điều chỉnh tăng vốn 2 lần. Ảnh: Bá Đô.
Tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình chiều dài khoảng 5,9 km, có 6 ga (toàn bộ đi ngầm), qua các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân. Điểm đầu của dự án này trên phố Huế, trước ngã tư giao với đường Nguyễn Du – Lê Văn Hưu, điểm cuối tại Thượng Đình ở vị trí nút giao giữa Nguyễn Trãi với đường vành đai 2,5.
Video đang HOT
Tổng mức đầu tư của dự án trên 177 tỷ Yên (tương đương khoảng hơn 34.700 tỷ đồng). Dự kiến, tuyến này sẽ vay 146 tỷ Yên vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) của Nhật Bản, còn lại là vốn đối ứng trong nước. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ 2020 -2025.
Như vậy, tổng vốn đầu tư của 2 dự án này lên tới hơn 62.000 tỷ đồng, trong đó vay khoảng 53.000 tỷ đồng.
Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch xem xét, cho 2 dự án trên được sử dụng các nguồn vốn như thành phố đề xuất và báo cáo Chính phủ chấp thuận.
Tuyến đường sắt số 3: Trôi – Nhổn – ga Hà Nội – Hoàng Mai có chiều dài 26 km, trong đó đoạn Trôi – Cầu Giấy đi trên cao, còn lại chủ yếu đi ngầm. Giai đoạn 1 (đoạn Nhổn – ga Hà Nội) đã khởi công từ năm 2010, sau 2 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của giai đoạn 1 lên tới 36.000 tỷ đồng.
Tuyến số 2: Nội Bài – Nam Thăng Long – Hoàng Hoa Thám – Bờ Hồ – Hàng Bài – Đại Cồ Việt – Thượng Đình – Vành đai 2,5 – Hoàng Quốc Việt với tổng chiều dài 42 km, có 32 ga và 2 đề pô tại Xuân Đỉnh và Phủ Lỗ. Giai đoạn 1 đang triển khai thực hiện đoạn từ Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (chiều dài 11,5km) với 10 ga và 1 đề pô tại Xuân Đỉnh.
Võ Hải
Theo VNE
Tuyến metro số 1 của TP HCM nguy cơ chậm tiến độ
Trung ương chậm chi vốn ODA khiến thành phố nợ các nhà thầu thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hơn 1.300 tỷ đồng, dẫn đến khả năng dự án bị chậm.
Ngày 27/4, ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM - cho biết, hiện số tiền nợ nhà thầu thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên lên đến 1.339 tỷ đồng, do chưa được Trung ương bố trí vốn.
"Thành phố thúc nhà thầu làm càng sớm càng tốt. Nhà thầu chấp thuận và làm quyết liệt, song họ cũng gay gắt yêu cầu thanh toán đúng tiến độ. Thành phố đã kiến nghị nhưng hầu như các bộ đang án binh bất động", ông Quang nói.
Theo ông Quang, từ tháng 9/2016, Bộ Tài chính yêu cầu Kho bạc Nhà nước không thanh toán tiếp bởi đã thanh toán vượt vốn ODA của năm. Trước Tết, TP HCM ứng khoảng 900 tỷ đồng để chủ đầu tư trả tiền nhà thầu thanh toán cho công nhân.
Trong năm nay tuyến số 1 cần hơn 5.400 tỷ đồng, trong khi vốn Trung ương bố trí về chỉ 2.100 tỷ - chỉ đủ trả nợ nhà thầu và tiền tạm ứng của thành phố.
Tuyến metro số 1 của TP HCM có nguy cơ chậm tiến độ do Trung ương chậm bố trí vốn. Ảnh: Duy Trần.
Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị cho hay, khi đặt vấn đề về vốn cho một số tuyến metro khác, JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) nói thẳng "trước khi bàn chuyện đó thì phải bàn việc thanh toán".
"Mục tiêu thành phố theo đuổi hiện nay không phải là từng đợt phân bổ vốn, mà là xin cơ chế thanh toán theo tiến độ thi công dự án. Các nhà tài trợ rất bức xúc, cho rằng tiền họ lo được nhưng chúng ta bị vòng lẩn quẩn và không thanh toán được", ông Quang nói.
Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư mới đây, UBND TP HCM cho biết, chỉ tính 2 dự án lớn sử dụng vốn ODA (tuyến đường sắt đô thị TP HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên và dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2), thành phố kiến nghị 7.000 tỷ đồng nhưng Bộ dự kiến chỉ phân bổ 3.500 tỷ.
Vốn ODA bố trí như vậy, theo TP HCM, là không đáp ứng nhu cầu giải ngân của hai dự án. Một số nhà thầu đã đề nghị giãn tiến độ thi công trong tháng 4 và có thể dừng thi công nếu tiến độ giải ngân tiếp tục chậm trễ như hiện nay.
Trong năm 2016, hồ sơ thanh toán dự án đường sắt đô thị thành phố tuyến Bến Thành - Suối Tiên và dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 cũng gặp khó khăn trong giải ngân do Bộ Kế hoạch - Đầu tư giao vốn ODA không kịp theo tiến độ thực tế.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương).
Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.
Hữu Công
Theo VNE
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ vì vướng giải ngân vốn Giám đốc điều hành dự án cho hay, nguyên nhân chậm tiến độ một số hạng mục trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là do thiếu vốn để thanh quyết toán các công việc. Chiều 4/5, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai dự án đường sắt đô thị Hà...