Hà Nội: Xin 6.000 tỉ đồng cho chữa cháy
Đó là con số mà Trung Tá Nguyễn Quang An, Đội trưởng Đội Tuyên truyền – Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, ước tính sẽ xin TP Hà Nội để trang bị thiết bị cho cảnh sát PCCC và một số điều kiện cơ sở vật chất khác theo từng giai đoạn.
Hiện trường vụ cháy ở cây xăng số 9 Trần Hưng Đạo (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Theo ông An, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội hiện có 10 phòng cảnh sát PCCC khu vực và sáu đội chữa cháy với hơn 800 chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, các thiết bị cho lực lượng hiện nay vừa thiếu vừa cũ. Hiện toàn đơn vị chỉ có 145 xe các loại (chỉ có năm xe công nghệ cao), 166 bộ quần áo chống cháy amiăng, 108 thiết bị thở… Vì vậy, sắp tới Sở sẽ xin TP cung cấp mua thêm 200 bộ quần áo chống cháy amiăng, 200 bộ lọc nọc độc và 200 thiết bị thở. Giá của các bộ phương tiện, thiết bị này do các đơn vị báo giá và sẽ đấu thầu, phần lớn là từ Nhật, Đức và Israel.
Cũng theo ông An, hiện lực lượng PCCC có hai loại quần áo. Bộ quần áo chữa cháy thường và bộ quần áo chống cháy amiăng. Bộ quần áo amiăng có tác dụng hạn chế sự tác động của nhiệt và khá nặng (20 kg) nên chỉ sử dụng cho người nào phải tiếp cận sát đám cháy. Hiện Sở chỉ có 166 bộ đồ cũ do Bộ Công an cấp phát trước đây và một số bộ thuộc diện viện trợ của Đức, Nhật. Theo Trung tá An, những bộ áo quần chống cháy này giá thành trên 200 triệu đồng/bộ. Không chỉ quần áo chống cháy, các phương tiện, thiết bị cho công tác PCCC cũng rất đắt như xe chữa cháy khoảng 10 tỉ đồng/xe (không phải xe công nghệ cao). Thiết bị thở có giá 85 triệu đồng/bộ và mặt nạ lọc độc có giá 21 triệu đồng/bộ nhưng chỉ dùng được một lần.
Ngày 6/6, giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị của Sở tổng kiểm soát toàn bộ cây xăng trên địa bàn TP để đánh giá lại thực trạng và có biện pháp ngăn ngừa, xử lý. Theo đó, cảnh sát PCCC phải đánh giá thực trạng hoạt động các cây xăng, mặt bằng, vị trí trạm xăng dầu cách khu vực dân cư, mốc lộ giới và báo cáo về Sở trước ngày 15/6.
Hiện Đà Nẵng có 68/97 cây xăng dầu đang hoạt động và tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ rất lớn. Nhiều cây xăng xuất hiện tình trạng cho ô tô, xe tải đậu đỗ, làm bãi tập kết hàng hóa. Nhiều cây xăng nằm sát nhà dân và khu dân cư…
Video đang HOT
Hiện trang phục cứu hỏa được quảng cáo trên nhiều trang thương mại điện tử lớn như eBay, Amazon (Mỹ), Alibaba (Trung Quốc). Trên eBay, mặt nạ dành cho lính cứu hỏa được chào bán giá 79 USD, bộ Proximity suit 325 USD. Bộ Proximity suit màu bạc có giá từ 79 USD cho đến 800 USD (khoảng 1,6-16 triệu đồng). Mặt nạ chống độc dành cho lính cứu hỏa trên eBay rao bán cao nhất 300 USD (khoảng 6 triệu đồng).
Trang Tyler Mt. Volunteer Fire Department (Phòng tình nguyện viên của Sở Cứu hỏa Mountain Tyler, West Virginia, Hoa Kỳ) thống kê chi tiết giá tiền để trang bị cho một người lính cứu hỏa (gồm quần áo, găng tay, mũ, ủng, thiết bị thở…) cũng chỉ khoảng 6.000 USD (khoảng 120 triệu đồng).
Theo 24h
Cây xăng bị cháy "bán chui" gần 3 năm
Cây xăng xảy ra vụ cháy xe bồn kinh hoàng ở phố Trần Hưng Đạo - Hà Nội đã bị loại khỏi quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu, chỉ còn là trạm cấp phát xăng dầu nội bộ của Bộ Tư lệnh Biên phòng song vẫn ngang nhiên "bán chui" cho người dân gần 3 năm qua mà không hề bị phát hiện, xử lý.
Sáng nay, 5/6, Bộ Công Thương đã có cuộc gặp gỡ với báo giới để thông tin chính thức về hiện tượng tiêu cực trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, cụ thể là pha chế rút ruột, móc nối "mãi lộ" và cháy ở các cây xăng đang được đăng tải dồn dập trên báo chí.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết cây xăng số 2 Trần Hưng Đạo hoạt động từ năm 2003, được Sở Công Thương Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu.
Trước năm 2010, cây xăng này thuộc sự quản lý của Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipecorp). Năm 2011, Mipecorp có văn bản đề nghị không kinh doanh xăng dầu tại trạm số 2 Trần Hưng Đạo và trả lại giấy phép kinh doanh. Từ thời gian này, cây xăng số 2 Trần Hưng Đạo trở thành trạm cấp xăng nội bộ cho quân đội, thuộc sự quản lý của Bộ Tư lệnh Biên phòng và không có chức năng kinh doanh.
Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội cũng đã loại bỏ cây xăng số 2 Trần Hưng Đạo ra khỏi quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu do không đáp ứng được điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84.
Vụ cháy dữ dội kéo dài hơn 4 giờ tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo, quận Ba Đình - TP Hà Nội vào chiều ngày 3/6. Ảnh: Nguyễn Quyết
Vì không hoạt động kinh doanh thương mại nên cây xăng số 2 Trần Hưng Đạo không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 84 mà hoạt động theo các điều kiện quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy.
Trong suốt quá trình hoạt động của cây xăng số 2 Trần Hưng Đạo, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có 2 lần kiểm tra đều được đại diện trạm xăng làm biên bản cam kết không bán hàng sai đối tượng (bán xăng cho người dân).
Mặc dù có hiện tượng nhà dân lấn chiếm, kinh doanh sát cây xăng và thậm chí cây xăng này còn "bán hàng chui" cho dân, gây hậu quả đáng tiếc nhưng trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động, cả ông Võ Văn Quyền và ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - đều cho biết cơ quan chức năng chưa bao giờ phát hiện cây xăng này bán hàng sai đối tượng. "Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Tư lệnh biên phòng để xem xét lại, nếu sai phạm thì xử lý nghiêm" - ông Quyền nói.
Ông Võ Văn Quyền (phải) và ông Đỗ Thanh Lam tại buổi họp báo của Bộ Công Thương ngày 5/6
Về hiện tượng rút ruột xăng dầu ở phường Bãi Cháy (TP Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh), ông Đỗ Thanh Lam cho biết trước khi báo chí đưa tin, ngày 20/5, Cục Quản lý thị trường đã nhận được đơn nặc danh của người dân tổ 5 khu 10 phường Bãi Cháy phản ánh có hiện tượng pha chế xăng dầu vào xe bồn.
Nhận thấy có dấu hiệu hình sự, Cục Quản lý thị trường đã có công văn gửi Giám đốc Sở Công an Quảng Ninh xử lý. Đến ngày 2/6, Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác minh được vụ việc sai phạm này.
Đối với vụ một số cây xăng ở quốc lộ 20 móc nối, bảo kê nhận "mãi lộ" của lái xe vi phạm, Công an tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai đã lập phương án điều tra.
Ông Võ Văn Quyền cho biết thêm, ngay sau khi báo chí thông tin về các vụ việc tiêu cực nói trên, Bộ Công Thương đã lập tức có các biện pháp cấp bách tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ đã yêu cầu các Sở Công Thương tập trung rà soát quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn để phát hiện, thu hồi giấy phép kinh doanh của các cây xăng vi phạm, tăng cường kiểm tra về chất lượng, đo lường và các điều kiện kinh doanh ở cây xăng..
Theo 24h