Hà Nội… xâm
Hà Nội nghìn năm đang bị lắm thứ xâm phạm. Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội thì từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.616 vụ vi phạm Luật Đê điều.
Nguồn: Website Tổng cục Thủy lợi.
Riêng 6 tháng đầu năm 2012, toàn thành phố đã phát sinh 128 vụ.
Video đang HOT
Những vi phạm xảy ra trên toàn bộ 20 tuyến đê chính- dài gần 470km và 25 tuyến đê bối- dài 82,537km chủ yếu bởi sự cố tình xâm phạm hành lang bảo vệ đê điều để xây nhà cấp 4, dựng lều quán, chợ tạm đào xẻ đê, khai thác cát sỏi, xây lò gạch… Các hành vi xâm phạm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thoát lũ và an toàn đê.
Theo ngành VHTTDL thì số di tích văn hóa bị xâm phạm cũng lên tới hàng nghìn. Ngày ngày, cổng chùa đang bị biến thành chợ, thành quán ăn, nơi bán giày dép, hoa quả, thậm chí các phật tử xung quanh không lúc nào nguôi hành vi “xâm” mỗi năm một ít… đất của chùa.
Theo Cty điện lực Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn 1.140 trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Việc xâm phạm này diễn ra quen thuộc đến mức người ta thấy đó là chuyện thường ngày ở thủ đô. Nhiều người hồn nhiên dựng lều, quán, hồn nhiên buôn bán, hồn nhiên ăn uống dưới bốt điện hay cột điện cao thế. Có người coi thường tính mạng, tận dụng dây điện làm dây phơi quần áo…
Xâm phạm đất đai của công thì diễn ra thường xuyên, liên tục và ngày càng tinh vi. Bằng mọi cách, người ta có thể hô biến hàng trăm hécta đất nông nghiệp thành đất ở. Sân trường thành bãi gửi xe, công viên, ghế đá là nơi bán hàng… Còn chuyện vỉa hè, hành lang an toàn giao thông bị xâm phạm thì “dài như cổ tích” bên sông Hồng. Nhà nhà đua nhau xâm lấn, người người cố tình tận dụng biến không gian công cộng thành không gian riêng…
Chỉ cần đứng một chỗ, nhìn ra xung quanh cũng thấy đủ các thứ “xâm” đang ngày càng tràn lan ở Hà Nội. Thực tế thì chính quyền thủ đô đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn các thứ “xâm” ấy. Không có luật thì làm ra luật, thiếu nghị định, thông tư thì nhanh chóng ban hành, thiếu người thì tăng biên chế…
Vậy mà, các loại “xâm” vẫn như vòi bạch tuộc, chặt vòi này nó lại mọc ngay vòi khác. Lịch sử đã chứng kiến bao phen thủ đô đương đầu với giặc ngoại xâm, lần nào cũng kiên cường và nhanh chóng ca khúc khải hoàn. Nhưng ngày nay, cuộc chiến với các thứ “xâm” làm tan nát thủ đô này có vẻ khó có hồi kết.
Rõ ràng các loại “xâm” bây giờ đâu có nguy hiểm, ác liệt như giặc ngoại xâm, nhưng bởi những kẻ có thể gọi thành tên như: “Lợi ích nhóm”, “phạt cho tồn tại”, “đánh trống bỏ dùi” “buông lỏng quản lý” “mùa nào thức nấy”, “thông đồng cùng hưởng”… nó đang làm cho các thứ “xâm” ấy tồn tại dai dẳng như một thứ ký sinh.
Luật Thủ đô đang được Quốc hội thảo luận sôi nổi. Nếu được ban hành thì liệu rằng luật có là liều thuốc đủ mạnh để quét sạch các thứ “xâm”?
Theo laodong
"Khép", "siết", "bóp" và những chiếc barie
Khi Luật Thủ đô được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ, chúng tôi nảy ra ý định sẽ không ngồi ở nơi họp của Đoàn ĐBQH Hà Nội, mà đi "tỉnh lẻ" để xem các đại biểu nghĩ sao, nói sao về thủ đô.
Theo ý kiến của một số đại biểu QH, Luật Thủ đô mới chú trọng vào việc xử phạt, thu phí, nhập cư
Câu trả lời: Mối quan tâm của các vị đại biểu hóa ra là ở câu chuyện hình ảnh biểu tượng của thủ đô. Mà không chỉ là Khuê Văn Các.
Một đặc điểm dễ nhận là Luật Thủ đô ôm đồm quá nhiều thứ, từ vấn đề "vĩ mô tên lửa" như "cơ chế tài chính đặc thù", "thể chế đặc biệt cho chính quyền", cho đến "cây kim": "Xét tặng danh hiệu Công dân thủ đô", "chất lượng công dân". Cóp nhặt đến nỗi có vị đại biểu nói thẳng ra là "chép ở mỗi luật một tí".
Nhưng điều gì khiến cho người dân nhận biết "cả nước chỉ có một thủ đô"? Điều gì sẽ khiến Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, như Seoul của Hàn, Tokyo của Nhật, Moscow của Nga, hay London của Anh, Washington của Mỹ?
Rất ít, thậm chí là không có, ngoài một chữ mà báo chí đã dùng cực chuẩn là "siết", trong việc nhập cư. Và "phạt nặng" trong mọi lĩnh vực, từ giao thông, môi trường, đất đai, đô thị... Nói như một đại biểu xứ Nghệ- cũng là một quan chức Quốc hội- là Luật Thủ đô đang chỉ loay hoay xem đường sá thế nào, xử phạt ra sao, rồi thu phí, rồi nhập cư- tức là chỉ nói đến cái đô (thị), mà chẳng có cái gì để rõ về cái thủ (tức là cái đầu não) của cả nước. Tóm lại, nơi nào "bồ câu khó vào thóc" nhất, thì đó là thủ đô.
50 ngàn người nhập cư mỗi năm, dân số toàn TP đã tăng 9% so với năm 2008, với mật độ trung bình 2.129 người/km2, gấp 8 lần bình quân cả nước và tình trạng đường sá ùn tắc triền miên, mà muốn đến họp đúng giờ, thậm chí xe của các vị đại biểu phải có "xe ò oe" dẫn đường. Con số và tình trạng này được đưa ra trong báo cáo giải trình dự án luật, như một gánh nặng mà thủ đô ngàn năm tuổi phải gánh. Như một nguyên cớ để dự thảo luật đưa ra với các điều luật chủ yếu hướng tới mấy chữ "khép", "siết" và "bóp". Nhưng thực ra, lỗi đâu có thuộc về người dân- những người, cũng từ cả ngàn năm nay- đang bằng mồ hôi và máu của mình khiến cái thế "rồng cuộn hổ ngồi" của Thăng Long thực sự trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
Một ĐBQH của đất Sài Gòn - Gia Định- khi bàn về dự án luật- đã tỏ ra băn khoăn với cái biểu tượng Khuê Văn Các: "Thế giới chỉ biết đến Hà Nội với chùa Một Cột, với hồ Gươm, chứ mấy ai biết đến Khuê Văn Các".
Có lẽ nỗi lo đó hơi thừa. Bởi khi Luật Thủ đô được thông qua, người dân cả nước, cũng như thế giới, sẽ biết đến đất Thăng Long- thủ đô ngàn năm Hà Nội như là nơi phạt nhiều nhất và nặng nhất, hạn chế quyền tự do cư trú được quy định rành rành trong Hiến pháp, không lưu tâm đến sinh kế của hàng vạn người nhập cư sẽ khó khăn.
Theo laodong
Vẫn nhiều băn khoăn về luật Thủ đô Nhiều ĐB vẫn băn khoăn về cơ chế đặc thù của một thủ đô chưa thể hiện rõ trong dự thảo luật Thủ đô khi thảo luận tại tổ chiều 27.10. ĐB Nguyễn Bá Thanh phát biểu thảo luận tại tổ - Ảnh: Ngọc Thắng Luật cho Hà Nội hay thủ đô ? ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) đặt vấn đề: luật này...