Hà Nội xác minh nguyên nhân chính đàn lợn ở Long Biên mắc dịch tả lợn châu Phi
Chiều 5/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị của UBND TP triển khai việc ứng phó cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo tại Hội nghị, đến thời điểm này, trên địa bàn TP Hà Nội có 1 ổ dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại hộ nuôi của ông Nguyễn Thái Sơn ở tổ 17, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Qua kiểm tra xác minh, nguyên nhân chính đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể do việc sử dụng thức ăn dư thừa từ các nhà hàng, bếp ăn tập thể, khi sử dụng không được nấu chín.
Ngành nông nghiệp TP đã phối hợp với địa phương tiêu hủy ngay toàn bộ số lợn chết theo quy định đồng thời triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh như rà soát, thống kê, ký cam kết, lập chốt kiểm dịch kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra vào vùng dịch; tuyên truyền hướng dẫn, lấy mẫu giám sát tại các hộ chăn nuôi lợn xung quanh, tổ chức khử trùng tiêu độc tại hộ…
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp TP cũng đã tập trung tuyên truyền người dân thực hiện 5 không, bao gồm không giấu dịch, bán chạy, không vận chuyển lợn ốm chết, không giết mổ lợn ốm chết, không cho ăn thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, hiện nay, TP tiềm ẩn nguy cơ rất cao về xảy ra dịch bệnh, nhất là khi giáp ranh với 8 tỉnh, thành phố. Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm dịch động vật từ nơi chăn nuôi đến nơi giết mổ, kiểm tra những trang trại đủ điều kiện hoạt động, số lượng lợn xuất chuồng.
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Hà Nội, lực lượng công an cần tích cực vào cuộc phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra; các quận, huyện và các sở ngành thực hiện chế độ báo cáo 24/24,để TP kịp thời có hướng xử lý khi có sự cố xảy ra.
Để công tác phòng chống dịch được hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị cần tích cực công tác vệ sinh tiêu độc, thực hiện bố trí đủ nguồn ngoài ngân sách quận, huyện.
Video đang HOT
Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 5/3, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 70.000 con lợn.
Thời gian qua, UBND huyện đã đưa ra các kế hoạch, giải pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Trong bối cảnh đang có dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo huyện Mê Linh cho hay, ngay từ khi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như TP có chỉ thị, huyện đã thực hiện ngay.
Việc chỉ đạo điều hành chống dịch đã được huyện triển khai theo đúng quy định.
“Sau khi ban hành các văn bản chỉ đạo, chúng tôi thành lập 2 đoàn kiểm tra cấp huyện đi kiểm tra tất cả các xã. Trong các cuộc giao ban của huyện, chúng tôi cũng truyền đạt tới lãnh đạo cấp xã về việc phòng chống dịch tả lợn, truyền đạt các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp cũng như TP về tình hình dịch tả lợn châu Phi. Toàn huyện lấy tinh thần phòng bệnh là chính, trong đó đảm bảo vệ sinh môi trường được ưu tiên hàng đầu”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang nhấn mạnh.
Vẫn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn địa phương chưa có bất cứ sự cố gì về dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, huyện vẫn đã đặt phương án dự phòng về việc xử lý trong trường hợp trên địa bàn huyện có ổ dịch. UBND huyện cũng yêu cầu các xã chuẩn bị sẵn các phương án, xử lý tiêu độc khử trùng, chuẩn bị hố chôn lấp hợp vệ sinh môi trường.
“Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm tới việc này”, Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh khẳng định.
Hà Dung
Theo PLVN
Dịch tả lợn châu Phi ở Hà Nội: Vì sao đàn lợn rừng bị nhiễm dịch?
Cách đây ít ngày, Hà Nội đã phát hiện 1 ổ dịch tả lợn châu Phi tại quận Long Biên. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành chôn tiêu hủy 25 con lợn rừng này theo đúng quy định và có các biện pháp xử lý ngăn chặn.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thái Sơn, tổ 17 phường Ngọc Thụy (Long Biên) - hộ gia đình phát hiện ổ dịch cho hay: "Ngày 23.2, 25 con lợn rừng của gia đình có triệu chứng sốt, ốm yếu nên đã báo cho cán bộ Thú ý của phường đến kiểm tra, không ngờ chúng lại bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi".
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Chính - cán bộ Thú y phường Ngọc Thụy cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo của hộ dân, nghi ngờ có dịch tả lợn châu Phi (ASF) đơn vị đã báo lên cấp trên và lấy mẫu xét nghiệm. "Kết quả phân tích mẫu cho là dương tính với bệnh dịch ASF" - ông Chính nói.
Ngay sau đó, cơ quan Thú y TP yêu cầu tiêu hủy toàn bộ 25 con lợn, áp dụng các biện pháp khoanh vùng, rắc vôi, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại của ông Sơn và của 4 hộ chăn nuôi xung quanh.
Hiện Chi Cục Thú y Hà Nội đang tiếp tục theo dõi, giám sát tại các khu vực khác theo công điện khẩn về phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Hiện phường đã cắt cử lực lượng chốt trực 24/24h, ngăn người ra vào. Đặc biệt, cán bộ ở chốt còn ngăn không để dân tẩu tán lợn ở khu vực này ra ngoài.
Ông Nguyễn Quốc Văn - Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết, sau khi báo cáo với chính quyền, hộ dân có lợn mắc dịch đã nghiêm túc chấp hành tiêu hủy và vệ sinh tiêu độc khử trùng, không tẩu tán lợn dịch ra ngoài. "Ổ dịch ở phường đang được kiểm soát tốt" - ông Văn khẳng định.
Lãnh đạo phường Ngọc Thụy thông tin, trên địa bàn phường có ít hộ chăn nuôi, chủ yếu là vùng vực, vùng bãi sông Hồng, sông Đuống với khoảng trên 500 con, nuôi quy mô nhỏ lẻ. Khu Đầm Lấm nằm xa khu dân cư, có khoảng 5 hộ chăn nuôi. Bốn hộ chăn nuôi còn lại, phường đã phát vôi bột, triển khai phun tiêu độc và đề nghị các hộ cam kết không xuất lợn ra thị trường trong thời gian này.
"Phường đã tổ chức rà soát, cử cán bộ thú y đến các tổ dân phố vận động các hộ chăn nuôi báo cáo hằng ngày. Khi có lợn ốm hay có biểu hiện lạ không tẩu tán, không bán chạy" - Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP.Hà Nội kiểm tra đàn lợn tại huyện Đan Phượng.
Nói về nguyên nhân dẫn đến xuất hiện ổ dịch trên địa bàn, lãnh đạo UBND phường Ngọc Thụy cho rằng do chủ hộ sử dụng các nguồn thức ăn bên ngoài. Hiện cán bộ thú y cũng đã hướng dẫn các hộ còn lại nên dùng thức ăn ngay ở vùng bãi, rau gia đình trồng và cho lợn ăn cám viên, tạm thời chưa dùng thức ăn ngoài.
Làm việc với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Đảng - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội cho biết, các đơn vị chức năng cũng đã tiến hành các biện pháp xử lý, tiến hành tiêu hủy, vệ sinh tiêu độc, khử trùng đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm ngăn ngừa và đảm bảo tránh lây lan dịch bệnh tại khu vực.
Theo Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội, cùng với những biện pháp phòng ngừa, cần thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và xử lý môi trường tránh để xảy ra việc người dân vứt xác lợn bị bệnh dịch ra môi trường, sông ngòi.
Đồng thời, các đơn vị cũng phải động viên bà con tại các vùng chăn nuôi nâng cao ý thức phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm. Trong trường hợp phát hiện bất thường cần báo ngay về các cơ quan chức năng, không được giấu dịch.
Dịch tả lợn châu Phi lan rộng nhiều tỉnh
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, từ ngày 01/2 - 03/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Theo Danviet
Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, thêm Hà Nội và Hà Nam phát hiện ổ bệnh Cơ quan chức năng vừa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nam và Hà Nội, nâng tổng số tỉnh, thành có dịch bệnh này lên con số 6 với 2.349 con lợn đã bị tiêu hủy. Thông tin trên được Bộ NN&PTNT xác nhận ngày 28/2. Theo Bộ NN&PTNT, tại Hà Nội, ổ dịch tại Hà Nội được phát...