Hà Nội vận động không ăn thịt chó: Ai ủng hộ?
Thông tin Hà Nội sẽ cấm bán thịt chó trong các quận nội thành Hà Nội vào năm 2021, dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người sẽ còn và tiếp tục ăn thịt chó, song rất nhiều người yêu động vật đã lên tiếng ủng hộ chủ trương của thành phố Hà Nội.
Một điểm bán thịt chó tại Hà Nội
Anh Đào Văn Vỹ (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) cho rằng: Chó mèo là vật nuôi, thú cưng gắn bó với nhiều gia đình, do đó việc giết chúng để ăn là một hành động thiếu văn minh, phản cảm. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng nếu cấm kinh doanh thịt chó mèo, nạn “cẩu tặc” sẽ không còn. Sẽ không còn cảnh người dân đánh trộm chó một cách dã man, vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, thông tin trên cũng vấp phải những ý kiến phản đối, ông Đỗ Minh Sinh (phố Yết Kiêu, Hà Nội) cho rằng, ăn thịt chó là thói quen lâu năm của người dân Việt Nam. Cũng không thể áp đặt thói quen ẩm thực vùng miền này lên “bản sắc” ẩm thực vùng miền khác. Tất nhiên, tại những nơi diễn ra thường xuyên hoạt động giao lưu thế giới, chúng ta cũng không nên ca tụng món ăn này, bởi có thể tạo phản cảm.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thanh Học – Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ủng hộ việc Hà Nội khuyến khích người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó. Ông Học có ăn thịt chó nhưng rất ít, ông cho biết sẽ gương mẫu thực hiện việc này.
Không cấm mà chỉ hạn chế
Video đang HOT
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, đơn vị sẽ tham mưu cho Sở NN&PTNT báo cáo thành phố về lộ trình vận động người dân bỏ thói quen ăn thịt chó.
Theo ông Sơn, dự kiến 3-5 năm nữa, vào khoảng năm 2021, sẽ hạn chế bán thịt chó tại 1, 2 quận nội thành, sau đó sẽ tuyên truyền để nhân rộng ra các quận khác, rồi đến các huyện của Thủ đô. “Tôi lưu ý chỉ hạn chế bán thịt chó trên cơ sở vận động, tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, dần từ bỏ thói quen ăn thịt chó chứ không hề cấm”, ông Sơn nói.
Lãnh đạo Chi cục Thú y cho biết thêm, nếu vấn đề này được nói đến khoảng 10 năm về trước thì chắc chắn sẽ không có sự đồng thuận cao. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều người đã thay đổi nhận thức và từ bỏ thói quen nên việc thực hiện sẽ có cơ sở. “Cứ nhìn tuyến phố “thịt chó” Nhật Tân xem, vài năm trước chi chít quán thịt chó, đến giờ chỉ còn lác đác 1, 2 quán. Đó cũng là dấu hiệu nhận thấy người dân đã không còn mặn mà với món ăn này”, ông Sơn nói.
Nói về những mặt trái của tiêu thụ thịt chó, ông Sơn thông tin: Hiện nay chó không phải là động vật trong diện giết mổ, do đó Cục Thú y chưa đưa ra quy trình giết mổ chó. Vì vậy cơ quan chức năng cũng không có quy trình giám sát, kiểm tra giết mổ, khiến thịt chó không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những người tham gia quá trình giết mổ, kinh doanh chó cũng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như xoắn khuẩn, bệnh tả, bệnh dại… Thậm chí có những trường hợp không bị chó cắn nhưng vẫn bị lây bệnh dại bởi người có vết thương hở lại tham gia giết mổ chó dẫn đến nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, việc giết mổ, kinh doanh chó mèo cũng tạo sự phản cảm đối với du khách đến với Thủ đô.
Trước đó, UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản số 4170 về tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã thống kê, rà soát, cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi trên địa bàn…
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng 493 nghìn con chó, mèo, trong đó, với mục đích nuôi để giữ nhà chiếm khoảng 87,5%, còn lại là nuôi với mục đích khác như: Làm cảnh, kinh doanh hoặc làm thực phẩm; có trên 1.000 điểm kinh doanh chó, mèo thương phẩm, giết mổ chó, mèo, 15 cơ sở kinh doanh chó, mèo cảnh.
HIỂU MINH
Theo TPO
Hành vi giết thịt chó, mèo trên thế giới: Bị ngồi tù, phạt tiền hàng trăm triệu đồng
Những người giết chó, mèo lấy thịt ở Đài Loan có thể bị phạt tới hàng trăm triệu đồng trong khi các hành vi tương tự ở Hồng Kông nếu bị phát hiện sẽ phải ngồi tù vài tháng.
Trong khi ở nhiều nước vẫn coi thịt chó, mèo là món ăn bổ dưỡng, thì một số quốc gia lại coi hành vi này là vô nhân đạo và có những chế tài xử phạt nghiêm khắc đi kèm.
Từ năm 1950, Hồng Kông ra pháp lệnh cấm giết chó, mèo làm thực phẩm. Bất cứ cá nhân nào nếu vi phạm có thể bị phạt số tiền lên tới 650 USD (15 triệu đồng) và 6 tháng tù giam. Các đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển hay ngược đãi chó mèo thậm chí còn phải chịu mức xử phạt nghiêm khắc hơn với số tiền lên tới 200.000 USD (gần 5 tỷ đồng) và 3 năm tù giam. Tuy nhiên, Hồng Kông lại không đưa ra quy định cụ thể về cấm ăn thịt chó, mèo.
Ăn thịt chó, mèo ở Đài Loan có thể bị phát tiền lên tới 186 triệu đồng. (Ảnh: AP)
Sau Hồng Kông, Đài Loan trở thành khu vực thứ 2 ở châu Á đưa ra các khung xử phạt nặng đối với hành vi giết chó mèo ăn thịt. Tháng 4/2017, Đài Loan chính thức thông qua đạo luật bảo vệ động vật, áp dụng mức phạt 250.000 đô la Đài Loan (khoảng 186 triệu đồng) nếu bị phát hiện ăn thịt chó, mèo và 2 triệu đô la Đài Loan (gần 1,5 tỷ đồng) đi kèm với 2 năm tù giam với các hành vi đối xử tàn nhẫn hoặc giết mổ chó, mèo.
Ở Thái Lan, các hành động đánh đập, đâm, thiêu, làm bỏng, bỏ đói, bỏ độc hay bất cứ hành vi ngược đãi nào gây ra nỗi đau về thể chất hoặc tinh thần cho chó, mèo, gây bệnh hoặc khiến chúng tử vong sẽ bị quy thành tội danh hành hạ động vật và đối mặt với án phạt 2 năm tù giam cùng mức nộp phạt 1.663 USD (gần 387 triệu đồng).
Tại thủ đô Manila của Philippines, lệnh cấm giết mổ chó mèo làm thịt bắt đầu có hiệu lực từ năm 1982. Tuy nhiên, điều luật này có một lỗ hổng là cho phép giết mổ chó mèo vào các dịp lễ truyền thống tại địa phương.
Lệnh cấm chỉ mang tính chất răn đe, không có nhiều hiệu quả, tới năm 1998 giới chức Philippines phải tăng hình phạt đối với các hành vi mua bán, giết mổ chó, mèo. Cụ thể, các hành vi vi phạm sẽ bị phạt tù hoặc phạt tiền. Mặc dù vậy hiện nay, nhiều tỉnh phía Bắc Philippines vẫn coi thịt chó là một món ăn bổ dưỡng và ngang nhiên giết mổ chó công khai.
Giống như Philippines, một số quốc gia châu Á mặc dù ban hành lệnh cấm ăn thịt chó mèo, nhưng lại không có hiệu quả vì các hình thức xử phạt lỏng lẻo. Theo luật pháp Thụy Sỹ giết chó mèo làm thực phẩm là phạm pháp, nhưng thịt chó, mèo vẫn là món ăn phổ biển ở các vùng nông thôn nước này.
Chính quyền Hawaii, Mỹ thông qua điều luật cấm ăn thịt mèo trên đảo từ nhiều năm trước, nhưng không thể xét xử các đối tượng vi phạm vì không tìm được bằng chứng kết tội. Lệnh cấm vì vậy cũng bị nhanh chóng chìm vào quên lãng.
(Tổng hợp)
SONG HY
Theo VTC
Đề xuất cấm nhập gà không đầu, không chân... vào Việt Nam Một số ý kiến đề xuất cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt loại thải, chất lượng kém, nguy cơ dịch bệnh, chứa tồn chất kháng sinh như gà dai loại thải, gà không đầu, nội tạng... Tại buổi hội thảo góp ý Dự thảo Luật Chăn nuôi do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 11-9, ông Trần Quốc Tú,...