Hà Nội ùn tắc do xe cá nhân tăng mạnh
“Trung bình mỗi tháng có 19.000 phương tiện mới hoạt động, gây áp lực cho giao thông đô thị. Hà Nội như cái áo rất chật”, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, nói.
Theo Phòng cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội, trên địa bàn thành phố đang có 25 công trình với 43 điểm rào chắn, trong đó nhiều hạng mục thi công kéo dài, gây cản trở giao thông như tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội, vành đai 2 (Bưởi – Trường Chinh), vành đai 1 (Đông Mác – Kim Ngưu).
Ngoài ra, số lượng phương tiện cá nhân đang tăng rất mạnh. 8 tháng đầu năm 2015, Hà Nội có 183.000 phương tiện đăng ký mới (hơn 39.000 ôtô, 143.000 môtô), nâng tổng số xe tại Hà Nội lên 5,5 triệu (gần 535.000 ôtô và hơn 4,9 triệu môtô), chưa kể nhiều xe mang biển số ngoại tỉnh vẫn hoạt động.
Chuyên gia giao thông đánh giá, năm 2018, giao thông đô thị Hà Nội mới có thể cải thiện. Ảnh: Bá Đô
Trao đổi với VnExress, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn giao thông, (Bộ Giao thông) cũng nhận định, Hà Nội và TP HCM đang phải đối mặt với lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh trong khi hạ tầng chưa đáp ứng. Nhiều tuyến huyết mạch tại hai thành phố lớn đang phải rào chắn để xây dựng hạ tầng nên càng làm ùn tắc gia tăng.
Ông Thạch ước tính, đến năm 2018 khi hai tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội hoàn thành thì tình hình giao thông thủ đô mới cải thiện. Khi đó, thành phố cần có giải pháp hạn chế gia tăng xe cá nhân và khuyến khích người dân đi phương tiện công cộng.
“Người dân cần chia sẻ với ngành giao thông về những khó khăn hiện tại. Trước mắt, Hà Nội có thể hạn chế tăng ôtô cá nhân như tăng một số loại thuế, phí trước bạ như đề xuất của TP HCM”, ông Thạch nói.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Thân Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông cho thấy quản lý giao thông đô thị của chính quyền thành phố kém hiệu quả. Ông lấy ví dụ, Hà Nội thiếu điểm đỗ xe nên phải ngăn đường để có chỗ đỗ, làm giảm diện tích lưu thông của phương tiện. Ngoài ra, tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị chậm chạp, thiếu biển báo trên các tuyến đường, tổ chức giao thông chưa tốt, gây khó khăn cho các phương tiện.
Video đang HOT
Đề cập việc xe cá nhân gia tăng, ông Thân Văn Thanh cho rằng, tăng số lượng phương tiện là tự nhiên do nhu cầu của người dân. Nếu nhà nước muốn giảm xe cá nhân thì phải có phương tiện công cộng thay thế để đáp ứng việc đi lại của người dân.
“Không ai muốn tự đi xe cá nhân nếu phương tiện công cộng hoạt động tiện lợi. Chính quyền cần có cách nhìn nhận đúng đắn về quản lý đô thị, không nên đổ lỗi cho xe cá nhân tăng nhanh”, ông Thanh nói.
8 tháng đầu năm 2015, cảnh sát giao thông toàn quốc đã đăng ký mới gần 210 nghìn xe ôtô và hơn 2,1 triệu môtô, nâng tổng số phương tiện cả nước lên gần 2,6 triệu ôtô và gần 43,4 triệu môtô. Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cảnh sát giao thông (C67), đã kiến nghị lãnh đạo Bộ Giao thông cần có biện pháp quản lý gia tăng các loại xe cá nhân, nhất là ôtô.
Đoàn Loan
Theo VNE
Hàng nghìn người dân chôn chân dưới trời mưa
Cơn mưa rào từ rạng sáng đến 9h khiến giao thông trên nhiều tuyến phố của Hà Nội rối loạn, hàng nghìn người và phương tiện chôn chân hàng tiếng đồng hồ mới thoát khỏi những đoạn ùn tắc.
Trận mưa rào từ rạng sáng 8/9, kéo dài sang giờ cao điểm khiến phần lớn các nút giao ở Hà Nội rơi vào cảnh ùn ứ, có nơi tắc cục bộ kéo dài đến 9h30 như tại ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng.
Dòng phương tiện nêm chặt kéo dài khoảng 1 km từ chân cầu vượt Ngã Tư Sở đến ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng. Giao thông hỗn loạn, khiến xe máy, ôtô, xe đạp... không đi theo làn đường.
Hàng nghìn người chôn chân dưới trời mưa, nhích từng cm trong tiếng gầm gừ của động cơ và khói thải xe máy.
Khu vực ngã tư rối loạn dù có sự hiện diện của cảnh sát giao thông và đèn tín hiệu.
Đường Tôn Thất Tùng, đến 8h30, dòng xe vẫn nối dài từ ngã tư giao cắt với đường Trường Chinh cho tới qua cổng Đại học Y.
Đến 9h30, tuy mưa đã ngớt dần nhưng trên tuyến phố Chùa Bộc hay cầu vượt nhẹ Chùa Bộc - Thái Hà ùn ứ vẫn kéo dài. Phố Tây Sơn cũng tắc cục bộ theo hướng đi Ô Chợ Dừa.
Đường Kim Mã, đoạn ngã tư Daewoo cũng ùn tắc nghiêm trọng trong sáng nay. Một số tuyến đường như Lê Văn Lương, Tố Hữu, Vành đai 3, Khuất Duy Tiến, đường trên cao từ Khuất Duy Tiến xuống vòng xoay Big C và hướng ngược lại ùn tắc kéo dài cả cây số.
Phía Cầu Chương Dương và đường Ngô Gia Tự ùn tắc kéo dài đến 9h sáng theo hướng từ Long Biên vào trung tâm thành phố.
Theo lãnh đạo Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Công an Hà Nội), từ khoảng 7h30, do mưa ngập trên nhiều tuyến phố nên tình hình giao thông Hà Nội diễn biến phức tạp. "Cảnh sát giao thông đã huy động toàn bộ quân số để phân luồng", cán bộ này nói.
Ngoài đường tắc, ùn ứ kéo dài, trong sáng nay nhiều tuyến phố cũng rơi vào cảnh ngập nhẹ nhưng nước rút nhanh. Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, từ 5h30 đến 7h thành phố xảy ra mưa lớn. Lượng mưa tại Xuân Đỉnh, Hồ Tây, Trúc Bạch đều trên 60 mm, các nơi khác như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Yên Sở, Đông Anh trên 40 mm.
Mưa dồn dập trong thời gian ngắn khiến hàng loạt điểm bị ngập, như: Đội Cấn, Liễu Giai, Cao Bá Quát, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Phan Văn Trường, Trần Quốc Hoàn, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm...
Nhóm phóng viên
Theo VNE
Hà Nội ùn tắc trong ngày đầu năm học mới Sáng đầu tuần cũng là buổi học đầu tiên của năm học mới, nhiều tuyến phố Hà Nội ùn tắc kéo dài, học sinh chôn chân dưới đường đến hơn 8h sáng vẫn chưa thể thoát ra được. Sáng đầu tuần, tuy chưa vào giờ cao điểm song nhiều tuyến phố đã rơi vào cảnh ùn tắc, như: Phùng Hưng qua Viện 103,...