Hà Nội: Tự vẽ quy hoạch dự án, lừa đảo 280 tỷ đồng của 158 nhà đầu tư
Thấy việc chia đất dự án thành các lô đất liền kề thu được lợi nhuận cao nên Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TST đã đồng ý để Thương tự vẽ bản đồ quy hoạch chia lô chi tiết 1/500 Khu nhà ở cao cấp Viet – Inc. Đã có 158 nhà đầu tư đã bị lừa ký hợp đồng và nộp hơn 280 tỷ đồng cho Công ty TST.
Ngày 22-2, Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội cho biết đang hoàn tất điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 280 tỷ đồng của gần 160 nhà đầu tư tại dự án nhà ở cao cấp Viet – Inc, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội.
Trước đó, Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Mạnh Cường (65 tuổi), Giám đốc và Nguyễn Thị Minh Thương (53 tuổi), Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ TST (Công ty TST) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ảnh đối tượng Cường và Thương do cơ quan Công an cung cấp.
Theo kết quả điều tra bước đầu, tháng 7 năm 2008 UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định giao Công ty cổ phần đầu tư tài chính và bất động sản Việt (Công ty BĐS Việt) làm chủ đầu tư và thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội).
Theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được phê duyệt thì Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc có tổng diện tích quy hoạch khoảng hơn 103 nghìn m, trong đó đất ở hơn 34 nghìn m, gồm 71 nhà biệt thự cao cấp diện tích từ 280m đến 450m và diện tích nhà ở hỗn hợp là hơn 11 nghìn m (nhà ở, dịch vụ thương mại, văn phòng) với chiều cao là 35 tầng; diện tích còn lại là đất quy hoạch dự kiến trả cho địa phương, trường học cấp 1, đất trồng cây xanh, đất công trình đầu mối hạ tầng, đất giao thông nội bộ… Đặc biệt là không có nhà liền kề.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô từ năm 2008 đến nay, dự án “Khu nhà ở cao cấp Viet-Inc” là đối tượng phải dừng triển khai để rà soát lại quy hoạch; khớp nối thống nhất với quy hoạch chung của thành phố và Quy hoạch phân khu. Do vậy, dự án này chưa triển khai thêm bước nào theo trình tự quy định; chưa điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị; chưa thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư.
Đến tháng 7-2009, Công ty BĐS Việt đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng dự án Khu nhà ở cao cấp Viet- Inc với Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Hải (Công ty Hưng Hải). Một năm sau, được sự chấp thuận của Công ty BĐS Việt, Công ty Hưng Hải ký hợp đồng chuyển giao toàn bộ quyền hợp tác đầu tư tại Dự án khu nhà ở cao cấp Viet-Inc cho Công ty TST thay thế và tiếp tục triển khai thực hiện dự án nêu trên.
Video đang HOT
Mặc dù biết rõ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án không có nhà liền kề nhưng Nguyễn Thị Minh Thương, Phó giám đốc Công ty TST đã báo cáo với Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TST về việc nếu thay đổi quy hoạch chủ yếu từ nhà biệt thự sang nhà liền kề thì lợi nhuận thu được hơn 420 tỷ đồng.
Thấy việc chia đất dự án thành các lô đất liền kề thu được lợi nhuận cao nên Phạm Mạnh Cường đã đồng ý để Thương tự vẽ bản đồ quy hoạch chia lô chi tiết 1/500 Khu nhà ở cao cấp Viet – Inc, gồm: 5 lô đất liền kề, 1 lô đất nhà vườn, ngoài ra còn có nhà ở hỗn hợp cao tầng, cây xanh. Do vậy, khi giao dịch với các công ty môi giới bất động sản và khách hàng, Nguyễn Thị Minh Thương đều đưa cho khách hàng xem bản đồ quy hoạch chia lô chi tiết giả do chính Thương tự vẽ “thiết kế”.
Từ hồ sơ, tài liệu mà Công ty TST cho xem, đã có 158 nhà đầu tư đã ký hợp đồng và nộp hơn 280 tỷ đồng cho Công ty TST. Theo hợp đồng vay vốn mà Phạm Mạnh Cường ký với các nhà đầu tư thì tuỳ vị trí mỗi lô đất có giá từ 37 đến 39 triệu đồng/m2, người mua phải nộp trước 50% giá trị của lô đất, thời gian giao đất là 1 năm, nếu chậm giao đất Công ty phải thanh toán theo lãi xuất của ngân hàng…
Điển hình, ông H.V.T, ở quận Ba Đình, Hà Nội đã ký hợp đồng với Công ty TST để mua ô đất liền kề có diện tích 80 m với giá gần 3 tỷ đồng, theo yêu cầu của Công ty này thì ông T đã nộp gần 1,5 tỷ đồng; ông Mai Sơn C, ở Trần Huy Liệu, quận Ba Đình, TP Hà Nội mua một ô, đã nộp gần 1,5 tỷ đồng…
Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội đề nghị ai là bị hại đã nộp tiền cho Công ty TST sớm liên hệ với Đội 10 Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội (số điện thoại: 0967888505) để xác định quyền lợi của mình trong vụ án.
Theo Đào Minh Khoa
Công an nhân dân
Vụ khởi tố lãnh đạo TP.Vũng Tàu: Gần 300 người dân sập bẫy dự án nghìn tỷ
Để người dân tin tưởng "góp vốn" trên 400 tỷ vào siêu dự án, chủ đầu tư đã trình ra "lá bùa" là quyết định được UBND TP. Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án Metropolitan tỷ lệ 1/500 và ngày dự án này khởi công còn có sự xuất hiện của nhiều lãnh đạo địa phương.
Dự án khu Trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp Metropolitan rộng 43 ha, với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ và dự kiến lên mức 13.000 tỷ đồng đến nay chỉ là một khu đất hoang, cỏ mọc um tùm
Năm 2008, Công ty địa ốc An Khang lập dự án khu Trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp Metropolitan rộng 43ha, với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ và dự kiến lên mức 13.000 tỷ đồng. Thời điểm từ giữa năm 2010-2011, lãnh đạo Công ty An Khang nhờ cán bộ có thẩm quyền giải quyết các thủ tục đất đai. Theo đó, các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của Công ty An Khang không hợp lệ vì không được công chứng, người nộp hồ sơ không phải chủ sử dụng đất, không được ủy quyền, đơn xin chuyển mục đích không được chính quyền địa phương xác nhận... Tuy vậy, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.Vũng Tàu là ông Nguyễn Trung Quốc và Vũ Quốc Tuấn vẫn tham mưu lãnh đạo UBND TP.Vũng Tàu ký duyệt.
Tháng 1/2011, siêu dự án này được khởi công với sự tham dự của nhiều lãnh đạo địa phương, theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND TP. Vũng Tàu phê duyệt, dự án gồm 4 phân khu chức năng. Trong đó khu nhà ở chiếm diện tích trên 23ha với 257 biệt thự, 674 căn nhà, 973 căn chung cư kết hợp dịch vụ thương mại, văn phòng. Khu công trình dịch vụ thương mại - công cộng được thiết kế trên diện tích 5,86ha trong khi khu công viên cây xanh và mặt nước là 3ha, đường giao thông trong dự án chiếm diện tích gần 11 ha.
Dù chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp tại khu vực dự án, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như giấy phép xây dựng nhưng công ty này đã huy động vốn của hàng trăm khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng "góp vốn" gần 400 tỷ đồng nhưng thực chất là bán nền.
Nhiều khách hàng đã sập bẫy siêu dự án này vì "lá bùa" quy hoạch chi tiết 1/500 và lễ khởi công cực kỳ hoành tráng
Là một trong những nạn nhân đầu tiên được mời "góp vốn", ông Lê Ngọc Tấn (ngụ phường 11, TP. Vũng Tàu) cho biết: "Năm 2011, dự án Metropolitan khởi công hoành tráng, nhiều cán bộ TP. Vũng Tàu đi xe ô tô biển số xanh đến dự lễ và phía chủ đầu tư còn đưa ra được bản quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 với quy mô rất hoành tráng. Thấy vậy, tôi mới tin tưởng và chấp nhận ký hợp đồng huy động vốn. Việc ký hợp đồng trên với địa ốc An Khang cũng là hình thức mua bán. Cổ đông góp vốn và được sở hữu đất, nhà ở với giá trị tương đương".
Không chỉ gom góp hết số tiền dành dụm cộng với mượn thêm người thân mua lô đất hơn một tỷ mà ông Tấn còn rủ thêm hai người em gái cùng mua hai lô bên cạnh. Thời hạn trả góp 6 tháng một lần, từ năm 2011, ông Tấn đưa cho chủ đầu tư 90% số tiền, với thỏa thuận 2 năm sau sẽ được cấp đất có sổ đỏ riêng. Đến kỳ, ông phải chạy vạy để đủ tiền đóng cho công ty. Tuy nhiên đến hẹn giao đất, chủ đầu tư thoái thác, khất nhiều lần với lý do dự án chậm tiến độ.
Một nạn nhân khác bị lừa trong siêu dự án là ông Huỳnh Văn Lung (phường 11, TP Vũng Tàu), năm 2010, ông Lung bán 2 ha đất nông nghiệp đang trồng nhãn cho Công ty An Khang thực hiện dự án Metropolitan với giá 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này chỉ trả 6 tỷ và nợ số còn lại. Sau nhiều lần không đòi được tiền, ông Lung chấp nhận giải quyết theo hướng ký vào hợp đồng huy động vốn, lấy 2 lô đất (2,2 tỷ đồng) của công ty để cấn trừ nợ. "Đến nay họ vẫn nợ trên 1 tỷ đồng và chưa chịu giao đất, tôi cũng chẳng biết phải làm sao nữa", ông Lung lo lắng.
Ông Lung cho biết thêm: "Sở dĩ chúng tôi tin tưởng là do dự án Metropolitan khi khởi công rất hoành tráng, phía chủ đầu tư luôn đưa ra "lá bùa" phê duyệt quy hoạch của thành phố để hứa hẹn, bảo đang chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên chúng tôi mới đổ tiền vào mua. Bên cạnh đó, tại văn phòng của dự án luôn có các mô hình, bản vẽ rất chi tiết đẹp mắt, nhà mẫu cũng đã được xây nên chúng tôi luôn đặt niềm tin vào dự án trong tương lai. Nhưng chờ hoài khu đất vẫn không thấy xây dựng gì, bỏ hoang đến nay".
Trên khu đất rộng chỉ có duy nhất căn nhà 3 tầng được xây dựng, còn lại là đất hoang và cọc bê tông trơ sắt
Ngoài ra còn hàng trăm nạn nhân khác cũng rơi vào kịch bản tương tự khi bị siêu dự án Metropolitan che mắt bởi "lá bùa" là bản quy hoạch chi tiết 1/500 và sự hào nhoáng, vĩ mô trong lễ khởi công của dự án khi có sự tham dự của rất nhiều lãnh đạo địa phương.
Sau khi nhận được đơn tố cáo của nhiều người dân, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã vào cuộc, thực hiện việc khởi tố các lãnh đạo Công ty An Khang để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trong việc sai phạm chuyển đổi mục đích sử dụng đất, công an cũng khởi tố đối với ông Vũ Quốc Tuấn, Nguyễn Trung Quốc về hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo cơ quan CSĐT Bộ Công an, việc nhóm cán bộ tham mưu và ký quyết định chuyển mục đích sử dụng đất dự án Metropolitan gây thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, sai sót trong quá trình duyệt quy hoạch đã khiến phần đất dự án chồng lấn lên đất ở của các hộ dân và lấn vào khu đất công của Nhà nước. Cụ thể, trong số hàng trăm nền đất mà Công ty An Khang ký hợp đồng bán cho người dân có hơn 30 nền đất chồng lấn lên đất Nhà nước, 10 nền đất chồng lên các hộ đang sử dụng hợp pháp.
Bên cạnh đó, khu đất dự án cũng được xác định chưa có đầy đủ pháp lý nhưng vào tháng 6/2013, Công ty địa ốc An Khang vẫn ký hợp đồng huy động vốn với 300 người (tổng số tiền trên 400 tỷ đồng). Cuối năm 2013, công ty này không có nền đất để giao cho người dân như cam kết trước đó nên bị khách hàng tố cáo về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi được tại ngoại vào cuối năm 2015, bà Ngô Thị Minh Phượng - Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc An Khang có thư gửi đến những khách hàng đã góp vốn cho rằng công ty đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để có thể khởi công trở lại trong tháng 7. "Chúng tôi mong ông bà hết sức thông cảm và chia sẻ vì mọi thủ tục hành chính nhà nước với doanh nghiệp hiện nay hết sức nan giải. Công ty sẽ thông tin sớm nhất khi dự án được triển khai trở lại", trong lá thư của bà Phượng thể hiện.
Liên quan đến những sai phạm của siêu dự án Metropolitan , ngày 3/7, Bộ Công an đã khởi tố ông Phan Hòa Bình (57 tuổi, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch TP Vũng Tàu), ông Trương Văn Trí (52 tuổi, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh, nguyên Phó chủ tịch TP Vũng Tàu), ông Nguyễn Thanh Sơn (51 tuổi, Chủ tịch UBND phường 9, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Vũng Tàu) về hành vi "Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Trung Kiên - Nguyễn Nam
Theo Danviet
Giăng bẫy lừa đảo, chiếm đoạt hơn 280 tỷ đồng Ngày 22.2, Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hà Nội cho biết đang hoàn tất điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 280 tỷ đồng của gần 160 nhà đầu tư tại dự án nhà ở cao cấp Viet - Inc, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Trước đó, Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hà Nội đã khởi...