Hà Nội: Trúng đấu giá tài sản, hơn mười năm mòn mỏi chờ đợi bàn giao
Tham gia đấu giá và trúng đấu giá tài sản là nhà đất tại địa chỉ nhà 14B, tổ 1, Khối 3C Thị trấn Đông Anh – Đông Anh (Hà Nội), tháng 7/2002, bà Lê Thị Hồng Hạnh đã chuyển toàn bộ số tiền mua tài sản hơn 88 triệu đồng cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, bà Hạnh vẫn không được cơ quan thi hành án bàn giao tài sản.
Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của bà Lê Thị Hồng Hạnh (Số nhà 59, tổ 24, Thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) phản ánh về những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá xảy ra tại địa bàn thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội kéo dài suốt 13 năm qua, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo nội dung Đơn kêu cứu, ngày 15/7/2002, bà Hạnh đã tham gia đấu giá và trúng đấu giá tài sản là nhà đất tại địa chỉ nhà 14B, tổ 1, Khối 3C Thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Sau khi trúng đấu giá, ngày 17/07/2002, bà Hạnh đã chuyển toàn bộ số tiền mua tài sản là 88.523.720 đồng (tám mươi tám triệu năm trăm hai mươi ba nghìn bảy trăm hai mươi đồng) cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, sau nhiều tháng, bà Hạnh vẫn không được bàn giao tài sản mình đã trúng đấu giá. Mãi cho đến ngày 11/10/2002, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản mới ra văn bản số 100/2002/CV-TT do Phó giám đốc Cao Anh Thắng ký để gửi Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh đề nghị khẩn trương tổ chức bàn giao tài sản cho khách hàng.
Người dân nộp hơn 80 triệu đồng sau khi trúng đấu giá tài sản từ năm 2002 nhưng sau 10 năm vẫn chưa được nhận bàn giao tài sản.
Mặc dù đã có công văn trên nhưng bà Hạnh vẫn không được bàn giao tài sản nên đã có đơn đề nghị bàn giao tài sản gửi tới các cơ quan chức năng. Theo thông tin từ phía Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh thì việc bàn giao tài sản cho bà Hạnh gặp trở ngại do ông Đào Xuân Mai khiếu nại với lý do bà Nguyễn Thị Xuân và ông Phạm Hùng Dương (chủ sở hữu cũ của nhà đất) đã bán khối tài sản trên cho mình.
Sau khi tổ chức cuộc họp với các cơ quan cấp trên, Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh đã tiến hành cưỡng chế vào ngày 10/11/2004 để bàn giao tài sản cho bà Hạnh. Tuy nhiên, việc cưỡng chế bàn giao tài sản cũng không được thực hiện. Trong thời gian chờ giải quyết để bàn giao tài sản, bà Hạnh phát hiện thấy ông Mai có hành vi hủy hoại tài sản mà mình đã mua trúng đấu giá nên ngày 24/2/2005, bà Hạnh đã có đơn tố cáo ông Mai về hành vi hủy hoại tài sản và tổ chức lực lượng để xây nhà trên đất gửi tới các cơ quan trong đó có Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh.
Ngay sau đó, sau khi tổ chức kiểm tra xác minh, phát hiện thấy việc phá dỡ và xây dựng đúng như nội dung tố cáo của bà Hạnh, Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đều đã có văn bản đề nghị Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Anh, Công an huyện Đông Anh xác định hành vi vi phạm của các cá nhân, khởi tố vụ án đồng thời đề nghị UBND có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ thi công. Tuy nhiên, không hiểu các cơ quan có thẩm quyền đã có biện pháp xử lý như thế nào mà ngay sau thời điểm này, ông Mai đã xây dựng xong ngôi nhà 4 tầng và hiện vợ chồng người em là ông Sỹ đang sinh sống trong ngôi nhà này.
Bà Hạnh đã liên tục có đơn khiếu nại về việc chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự huyện Đông Anh chậm bàn giao tài sản bán đấu giá thành cho người trúng đấu giá. Tuy nhiên, trong Quyết định gần đây nhất ngày 28/10/2009 về việc giải quyết khiếu nại, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Đông Anh quyết định không chấp nhận đơn khiếu nại của bà Hạnh với các căn cứ đưa ra chứng minh rằng vụ việc vẫn đang được các cơ quan xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Trước việc bỏ ra khoản tiền rất lớn vào năm 2002 để mua nhà đất từ cơ quan nhà nước nhưng đã hơn 13 năm khiếu nại, kiến nghị và đề nghị các cơ quan giải quyết, cho đến thời điểm này vẫn chưa nhận được nhà đất, thậm chí ngôi nhà cấp 4 mái bằng trong khối tài sản đã mua cũng bị huỷ hoại toàn bộ. Tại sao việc mua tài sản thông qua đấu giá mà trước đó đã có một Bản án có hiệu lực pháp luật, có một Quyết định Thi hành án hợp pháp, nhưng việc cưỡng chế bàn giao tài sản lại không thể thực hiện và kéo dài tới bây giờ?
Video đang HOT
Đội thi hành án huyện Đông Anh từng đề nghị Công an huyện Đông Anh; VKSND huyện Đông Anh điều tra, truy tìm thủ phạm và khởi tố vụ án xâm phạm tài sản đã bị kê biên.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nhâm Mạnh Hà (Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội) nhận định: Có rất nhiều điểm chưa được xác định rõ ràng trước khi trong vụ việc này và đã có dấu hiệu của việc hủy hoại tài sản của công dân nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Cụ thể:
Thứ nhất, về việc xác định chủ sở hữu tài sản trước khi có quyết định kê biên tài sản để thi hành án:
Dựa trên các dẫn chứng được đưa ra tại Quyết định giải quyết khiếu nại ngày 28/10/2009 thì việc cưỡng chế bàn giao tài sản cho bà Hạnh không thể thực hiện được do có Đơn khiếu nại của ông Mai, trong đó cho rằng vợ chồng ông Dương (chủ sở hữu của tài sản trước đây) đã chuyển nhượng khối tài sản này cho ông Mai, do đó đã ngăn cản cơ quan thi hành án thực hiện việc cưỡng chế. Theo quy định của pháp luật thì nếu đã có việc chuyển nhượng nhà đất thì hồ sơ về việc sang tên chuyển nhượng đều được lưu giữ tại cơ quan có thẩm quyền về việc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Rõ ràng tại thời điểm ban hành Bản án, Quyết định Thi hành án cũng như bán đấu giá tài sản thì GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không hề đứng tên ông Mai. Vậy lý do gì cho tới nay, cơ quan thi hành án vẫn chưa cưỡng chế bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá theo đúng quy định của pháp luật?
Thứ hai, đối với việc gia đình ông Mai đập phá, dỡ bỏ tài sản trên đất để xây dựng nhà ở mới:
Theo quy định của pháp luật, trước khi tiến hành việc xây dựng nhà ở, chủ đầu tư xây dựng phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền thể hiện qua việc cấp Giấy phép xây dựng. Ở đây, ông Mai chưa cung cấp được căn cứ chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của nhà đất nói trên. Trong khi đó, cơ quan thi hành án đã có Quyết định kê biên và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đã tìm được người mua mới tài sản. Điều này cho thấy rằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đang có tranh chấp. Do đó, gia đình ông Mai không thể đủ điều kiện để được cấp Giấy phép xây dựng. Điều này có nghĩa là việc gia đình ông Mai phá dỡ nhà ở cũ và xây dựng nhà ở mới là hoàn toàn trái quy định của pháp luật. Vậy câu hỏi đặt ra là, nếu việc xây dựng là trái pháp luật thì các cơ quan chức năng đã ra quyết định đình chỉ xây dựng hay bất cứ quyết định nào về việc xử phạt hành chính đối với hành vi xây dựng trái phép của gia đình ông Mai chưa? Và tại sao lại để cho bây giờ công trình đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng?
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Anh xác nhận tài sản bà Lê Thị Hồng Hạnh trúng đấ giá chưa được bàn giao.
Thứ ba, về việc tố cáo của công dân và tin báo của cơ quan, tổ chức về hành vi vi phạm:
Sau khi phát hiện được hành vi phá dỡ nhà và xây dựng trái phép của gia đình ông Mai vào năm 2005, cá nhân bà Hạnh cũng như Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh và cả Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đều đã có đơn từ phản ánh về sự việc trên tới cơ quan Công an huyện Đông Anh nhưng lại không nhận được phản hồi từ phía cơ quan này. Rõ ràng, nếu việc xây dựng nhà ở mới của gia đình ông Mai không được cấp phép và ông Mai không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất đứng tên mình thì hành vi ông Mai phá dỡ nhà cấp 4 mái bằng (là tài sản bà Hạnh đã mua hợp pháp) đã có dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này đã hơn 10 năm kể từ khi xảy ra hành vi vi phạm nhưng Cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận về tin báo tội phạm của tổ chức và cũng không khởi tố vụ án là dựa trên cơ sở nào? Liệu các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình hay chưa? Những ai sẽ phải chịu trách nhiệm đối với việc chậm chễ bàn giao tài sản trong vụ việc này?
Có thể thấy rõ ràng rằng vụ việc này còn rất nhiều điểm nghi vấn liên quan tới trách nhiệm của nhiều cá nhân, tổ chức cần làm sáng tỏ, để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của công dân, cũng là sẽ giải đáp được lý do tại sao hơn 13 năm qua việc bàn giao tài sản cho bà Hạnh chưa thể tiến hành được.
Báo Điện tử Dân trí đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, điều tra làm rõ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân đồng thời xử lý những sai phạm (nếu có) của các cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm đảm bảo sự trong sạch của bộ máy Nhà nước, đảm bảo quyền – lợi ích hợp pháp của công dân.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế
Theo Dantri
Xả súng ở Mỹ: Cặp đôi thủ phạm bỏ lại con thơ trước khi gây án
Trước khi tiến hành vụ xả súng cướp đi sinh mạng của 14 người tại một trung tâm dịch vụ xã hội tại thành phố San Bernardino, bang California, Mỹ, cặp vợ chồng thủ phạm đã bỏ lại con gái mới 6 tháng tuổi cho người thân.
Theo Reuters, vào sáng 2/12, Syed Rizwan Farook (28 tuổi) và Tashfeen Malik (27 tuổi) đã để lại đứa con thơ ở nhà mẹ đẻ của Farook và nói dối là tới gặp bác sĩ.
Tuy nhiên, tới chiều cùng ngày, cặp đội này đã khoác lên người bộ quần áo chống đạn, mang theo vũ khí là các khẩu súng trường tới một bữa tiệc với sự tham gia của các thành viên trong trung tâm dịch vụ xã hội ở thành phố San Bernardino, cướp đi sinh mạng của 14 người và khiến 17 người khác bị thương. Tới nay, động cơ gây án vẫn chưa được xác minh.
Cảnh sát truy tìm nghi phạm vụ xả súng ở thành phố San Bernardino hôm 2/12.
Theo chính quyền hạt San Bernardino, tên Syed Farook sinh ra ở Mỹ và là một chuyên viên về sức khỏe môi trường, chuyên đi kiểm tra mức độ an toàn an toàn tại các nhà hàng. Một phần công việc của hắn còn là giám sát các bể bơi công cộng tại các tòa nhà, chung cư cao cấp cùng các câu lạc bộ trong thành phố. Công việc này được Farook đảm nhận tới tháng Bảy năm nay.
Hôm 2/12, Farook đã tới tham dự bữa tiệc thường niên với các nhân viên trong cơ quan nhưng sau đó rời đi và quay trở lại với vũ khí cùng Malik để thực hiện vụ xả súng kinh hoàng.
Cảnh sát trưởng thành phố San Bernardino, ông Jarrod Burguan nhận định quy mô của vụ xả súng cho thấy những kẻ tấn công đã lên sẵn kế hoạch và thậm chí, các nghi phạm còn vứt lại một số thiết bị nổ ngay tại hiện trường vụ thảm sát.
Theo cảnh sát trưởng Burguan, chưa thể xác định liệu Farook và Malik đã kết hôn hay chưa nhưng giới chức thuộc Hội đồng Quan hệ Mỹ - Hồi giáo (CAIR) cho biết khi liên lạc với gia đình nghi phạm, họ đã xác nhận hai người này là vợ chồng.
Chia sẻ với Reuters, Giám đốc điều hành CAIR ở Los Angeles cho hay Farook và Malik đã kết hôn được 2 năm và có với nhau một bé gái mới 6 tháng tuổi. Cặp đôi này đã gửi con gái cho mẹ của Farook gần thành phố Redlands vào sáng sớm 2/12 với lý do đưa Malik đi gặp bác sĩ.
Sau vụ xả súng ở trung tâm dịch vụ xã hội, cảnh sát đã tới ngôi nhà gần thành phố Redlands vào chiều tối ngày 2/12 và bắt gặp cặp đôi bỏ trốn trên chiếc SUV màu đen. Sau đó, cảnh sát đã đuổi theo chiếc xe nghi vấn. Hai bên đã nổ súng và kết quả Farook và Malik đã chết.
Nguồn gốc của gia đình Farook được xác định là ở Nam Á trong khi Malik được cho từng sống ở Ả Rập Xê-út sau đó tới Pakistan và tới Mỹ. thậm chí, Farook còn có một người anh trai đang phục vụ trong quân đội Mỹ.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.
MINH THU (lược dịch)
Theo Infonet
Để không lãng phí nguồn nhân lực Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thành công hai phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động (NLĐ) đã từng làm việc tại Hàn Quốc trở về. Đây là một trong những hoạt động tích cực nhằm kêu gọi, thuyết phục NLĐ đang làm việc tại Hàn Quốc trở về nước...