Hà Nội trình Bộ Chính trị đề án “xóa sổ” HĐND xã, phường, thị trấn?
Theo dự kiến, Đề án thí điểm quản lý mô hình Chính quyền đô thị tại Hà Nội sẽ được báo cáo với Bộ Chính trị vào tháng 12.2018, báo cáo Chính phủ vào quý I.2019 và trình Quốc hội xây dựng, ban hành Nghị quyết cho phép làm thí điểm quý IV.2019.
Sáng nay (1.10), Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội (khóa XVI) đã tổ chức Hội nghị lần thứ 15 để xem xét 4 vấn đề quan trọng, trong đó có nội dung thảo luận về dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP.Hà Nội.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 15, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội (khóa XVI).
Báo cáo tại Hội nghị về Đề án CQĐT, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, Đề án thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT tại TP.Hà Nội gồm 4 phần là sự cần thiết, căn cứ và cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng đề án; Thực trạng tổ chức chính quyền TP.Hà Nội; Định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT tại TP.Hà Nội; Tổ chức thực hiện.
Mục tiêu chính của việc xây dựng Đề án là nghiên cứu, đề xuất các nội dung thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT tại TP.Hà Nội (đô thị đặc biệt). Trong đó, tập trung vào quản lý theo mô hình chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của TP.Hà Nội và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn) theo Kết luận số 22-KL/TW của Bộ Chính trị.
Đề án tập trung đề xuất, kiến nghị các nội dung thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT (về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức bộ máy, hoạt động quản lý…) trong khu vực đô thị và từng bước đổi mới, củng cố khu vực nông thôn của TP.Hà Nội.
Đổi mới cơ chế, chính sách phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan T.Ư, TP và phân cấp giữa các cấp chính quyền TP; đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức Đảng, MTTQ, các đoàn thể ở cấp huyện, cấp xã trong điều kiện thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT tại TP.Hà Nội.
Video đang HOT
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo báo cáo tại Hội nghị.
Đến thời điểm này, tổ soạn thảo đề xuất 2 phương án mô hình CQĐT:
Phương án 1 là xây dựng mô hình hai cấp chính quyền gồm TP và quận, huyện, thị xã; một cấp hành chính tại xã, phường, thị trấn. Theo đó, ở cấp chính quyền TP và quận, huyện, thị xã cơ bản giữ nguyên như hiện nay, gồm có HĐND và UBND. Còn ở cấp xã, phường, thị trấn sẽ không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.
Phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (TP), một cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và một cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn). Theo đó, ở quận, huyện, thị xã không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Ở cấp xã, phường, thị trấn cũng chỉ tổ chức cơ quan hành chính đại diện gọi là Ban đại diện hành chính, không tổ chức HĐND.
Căn cứ ưu điểm, hạn chế của hai phương án trên, để phù hợp với việc cải cách, đổi mới đồng bộ nhưng có bước đi thận trọng, tránh xáo trộn,…Tổ soạn thảo Đề án đề nghị “việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội sẽ thực hiện theo Phương án 1″.
Đồng thời, qua thảo luận tại Hội nghị, đa số ý kiến đại diện cho các quận, huyện của TP.Hà Nội cũng đều thống nhất với đề xuất thí điểm tổ chức mô hình CQĐT TP.Hà Nội theo Phương án 1, tức là bỏ HĐND cấp xã, phường, thị trấn. “Trước mắt thí điểm bỏ HĐND cấp xã/ phường/ thị trấn là phù hợp” – Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng bày tỏ.
Dự kiến TP. sẽ báo cáo Đề án với Bộ Chính trị vào tháng 12.2018, báo cáo Chính phủ quý I.2019 và trình Quốc hội xây dựng, ban hành Nghị quyết cho phép làm thí điểm quý IV.2019.
Sau khi được thông qua, nếu thực hiện theo phương án 1 sẽ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND tại phường trước từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 và sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HĐND xã, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2026 -2031.
Còn nếu thực hiện theo phương án 2, sẽ đề xuất thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND xã, phường, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 20126 và sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HĐND quận, huyện, thị xã từ đầu nhiệm kỳ 2026 – 2031.
Theo Danviet
Tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch nước được quy định thế nào?
Trong số các tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch nước có yêu cầu "đã tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên".
Tại cuộc họp báo hôm 28/9, ông Lê Quang Vĩnh - Phó văn phòng Trung ương Đảng cho biết, thời gian tới các cấp có thẩm quyền sẽ "chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng" nhân sự chức danh Chủ tịch nước để trình Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội theo đúng quy định.
Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được phân công quyền Chủ tịch nước và theo ông Vĩnh, "với sự phân công này, các quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước tiếp tục thực hiện bình thường, đầy đủ".
Ông Vĩnh nói, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước là việc hết sức hệ trọng nên "chắc chắn Trung ương sẽ xem xét nhưng ở kỳ họp nào thì chúng tôi thông báo cụ thể sau".
Phủ chủ tịch, nơi làm việc của Chủ tịch nước. (Ảnh: Ngọc Thành)
Tháng 8/2017, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó có nội dung về tiêu chuẩn chung cũng như tiêu chuẩn cụ thể Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch nước.
Về tiêu chuẩn chung, chức danh cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải đáp ứng 5 nhóm nội dung: Chính trị tư tưởng; đạo đức lối sống; trình độ; năng lực và uy tín; sức khoẻ, độ tuổi và kinh nghiệm.
Đầu tiên là tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội...
Cán bộ thuộc diện trên cũng phải không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ...; tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp.
Về tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch nước, nhân sự phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có các phẩm chất, năng lực, như: Có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng.
Chức danh Chủ tịch nước cũng yêu cầu tiêu chuẩn "có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp; là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước; quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công".
Theo quy định, nhân sự đảm nhiệm chức danh Chủ tịch nước phải đảm bảo đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).
Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh là Uỷ viên Trung ương Đảng. Bộ Chính trị khoá XII hiện có 17 người, trong đó 11 Uỷ viên mới tham gia từ đầu nhiệm kỳ này.
Nguồn: VnExpress
'Nhân sự Chủ tịch nước được chuẩn bị cẩn trọng' Sáng nay, lãnh đạo Văn phòng trung ương Đảng và Ban Tuyên giáo trung ương đã trả lời báo chí một số nội dung liên quan đến Hội nghị trung ương 8, khai mạc ngày 2/10. Một trong những nội dung được bàn tới tại hội nghị tới đây là vấn đề công tác nhân sự. Tại buổi họp báo, PV đặt câu...