Hà Nội treo giải thưởng 200.000 USD cho ý tưởng chống tắc đường
Theo Sở Giao thông, ý tưởng dự thi có thể tập trung vào các vấn đề như định hướng xây dựng không gian ngầm, giao thông thông minh, quản lý phương tiện cá nhân…
Ngày 12/1, Sở Giao thông Hà Nội tổ chức lễ công bố cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Ảnh: Phương Sơn.
Giám đốc Sở Giao thông Vũ Văn Viện cho hay, thời gian qua thành phố đã đầu tư xây dựng rất nhiều tuyến đường cao tốc, đường vành đai, xuyên tâm và các trục liên đô thị, góp phần nâng cao năng lực giao thông từ Hà Nội đi các tỉnh cũng như nội đô; các phương án tổ chức giao thông cũng đang được thực hiện một cách linh hoạt.
“Tuy nhiên còn nhiều vấn đề tồn tại trong tổ chức giao thông, tai nạn ở mức cao, ùn tắc diễn biến phức tạp, chính vì vậy chúng ta cần đánh giá lại phương án tổ chức giao thông” ông Viện nói.
Video đang HOT
Lãnh đạo Sở Giao thông cũng cho biết, năm 2016 Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến 2030, tầm nhìn 2050. Hà Nội cũng đã xây dựng các chương trình kế hoạch để triển khai việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Do đó, cần có phương án tổ chức giao thông mới phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, làm sao khai thác có hiệu quả nhất, khoa học, hợp lý nhất hệ thống hạ tầng kết cấu.
Theo kế hoạch cuộc thi, các ý tưởng tập trung vào các vấn đề như: Định hướng xây dựng không gian ngầm; Đề án giao thông thông minh; Đề án tăng cường quản lý phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.
Cuộc thi trao một giải nhất trị giá 200.000 USD (khoảng 4,4 tỷ đồng); giải nhì 100.000 USD (khoảng 2,2 tỷ đồng). Các hồ sơ đạt tiêu chí dự thi được hỗ trợ 25.000 USD (khoảng 550 triệu đồng).
Thời gian nộp hồ sơ đăng ký thi tuyển từ ngày 19 đến 23/1.
Võ Hải
Theo VNE
Hà Nội sẽ có 7 tuyến buýt nhanh
Lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội cho biết, số lượng hành khách đi buýt nhanh đang tăng lên hàng ngày, trung bình 40 hành khách mỗi chuyến.
Ngày 10/1, trao đổi với VnExpress, ông Vũ Văn Viện (Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, theo quy hoạch giao thông đến năm 2030 đã được phê duyệt thì Thủ đô sẽ có 7 tuyến xe buýt nhanh (BRT).
"Tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng tài chính, thành phố sẽ quyết định triển khai tuyến BRT nào trước. Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để triển khai thêm các tuyến theo đúng quy hoạch", ông Viện thông tin.
Trả lời câu hỏi về hiệu quả của BRT sau 10 ngày đầu triển khai, ông Viện nói "chúng tôi đánh giá tuyến buýt nhanh Yên Nghĩa - Kim Mã được dư luận đồng tình ủng hộ". Số lượng hành khách đang tăng lên hàng ngày, trung bình 40 hành khách mỗi chuyến (sức chứa của xe là 80), cao hơn trung bình của buýt thường trên tuyến.
"Bước đầu như vậy là khả quan. Chúng tôi hy vọng thời gian tới khi kết nối của xe buýt nhanh với các tuyến khác tốt hơn, người dân quen hơn với phương tiện này thì số hành khách sẽ tăng cao", ông Viện nói.
Nhiều phương tiện cá nhân thường xuyên lấn làn xe buýt nhanh. Ảnh: Bá Đô
Về việc một số hạng mục đầu tư của tuyến buýt nhanh bị hư hỏng như hệ thống chiếu sáng, sàn lát nhà chờ..., ông Viện khẳng định đã tiếp thu ý kiến người dân, đơn vị đang tiến hành rà soát và chỗ nào hư hỏng sẽ sửa chữa ngay.
Theo ông Viện, các nút giao thông, các điểm quay đầu sẽ được điều chỉnh để xe buýt nhanh hoạt động thuận tiện nhất, đỡ gây xung đột giao thông. Cùng với đó, Sở Giao thông và Công an thành phố nghiên cứu tạo "làn sóng xanh" cho buýt nhanh qua các nút giao thông. Cụ thể, trong khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối làn sóng xanh tự động, cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh nhịp đèn tín hiệu xanh thuận lợi nhất để buýt nhanh không phải chờ đèn đỏ.
Lãnh đạo Sở Giao thông nhấn mạnh cần tiếp tục tuyên truyền để người dân Thủ đô làm quen với buýt nhanh. Sau một tháng vận hành, công an thành phố sẽ tiến hành xử phạt theo quy định đối với các phương tiện lấn làn buýt nhanh.
Tuyến buýt nhanh số 1 Kim Mã - Yên Nghĩa vận hành chính thức ngày 1/1. Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, thành phố đã nhận được đề xuất mở tuyến buýt nhanh số 2 lộ trình Kim Mã - Hòa Lạc.
Theo ông Vũ Văn Viện, năm 2016, Hà Nội đã hoàn thành nhiều dự án hạ tầng giao thông vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, cầu vượt Ô Đông Mác, hầm Trung Hòa, Thanh Xuân... Tháng 7 tới, UBND thành phố sẽ trình HĐND thông qua Đề án các giải pháp chống ùn tắc giao thông để triển khai thực hiện.
Đoàn Loan
Theo VNE
Cả trăm xe khách dừng chạy phản đối việc chuyển khỏi bến Mỹ Đình 2 ngày trước lệnh chuyển từ bến Mỹ Đình (Cầu Giấy) sang bến Nước Ngầm (Hoàng Mai, Hà Nội), hàng trăm tài xế và chủ xe khách tuyến Mỹ Đình đi các tỉnh phía Nam đã dừng chạy, tập trung phản đối. Chu doanh nghiêp vân tai, tai xê tâp trung ơ bên My Đinh phan đôi chu trương điêu chuyên xe sang...